BÉO PHÌ
Béo phì là tình trạng tích lũy thái quá và không bình thường của lipid trong các tổ chức mỡ, có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Béo phì được coi như là một vấn đế sức khỏe cộng đồng quan trọng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Béo phì thường kèm theo sự gia tăng của một số bệnh mạn tính không lây nhiễm, đặc biệt các bệnh tim mạch, đái tháo đường týp 2.
Béo phì là một bệnh có khoảng trên 95% không rõ nguyên nhân, được gọi là béo phì đơn thuần, một số ít bệnh nhân béo phì có nguyên nhân từ các bệnh khác gọi là béo phì thứ phát. Béo phì đơn thuần có nhiều cách phân loại, có thể dựa vào mức độ cân nặng, lớp mỡ dưới da, bộ phận béo phì, béo phì theo tuổi….
Phân loại béo phì theo mức độ cân nặng:
Căn cứ vào chiều cao cơ thể, tuổi, giới tính rồi tra bảng hoặc tính theo công thức:
Cân nặng tiêu chuẩn = chiều cao (cm) – 100
Công thức này dùng cho người có chiều cao < 155cm
Cân nặng tiêu chuẩn = (chiều cao (cm) – 100) x 0,9
Công thức này dùng cho người có chiều cao trên 155cm
Nếu trọng lượng cơ thể vượt quá 10% trọng lượng tiêu chuẩn thì gọi là thừa cân, vượt quá 20% thì gọi là béo phì.
Béo phì độ I: khi trong lượng cơ thể vượt quá 20% – 30% trọng lượng tiêu chuẩn (béo phì nhẹ)
Béo phì độ II: khi trọng lượng cơ thể vượt quá 31% – 50% trọng lượng tiêu chuẩn (béo phì trung bình)
Béo phì độ III: khi trọng lượng cơ thể vượt quá 50% trọng lượng tiêu chuẩn (béo phì nặng)
Phân loại béo phì theo chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI)
Hiện tại đây là cách phân loại phổ biến và thường dùng nhất, BMI được tính theo công thức: BMI = trọng lương (kg)/chiều cao2(m).
Tiêu chuẩn phân loại béo phì theo BMI cho người trưởng thành theo WHO năm 2000 (Áp dụng cho người Châu Âu).
BMI |
Phân loại |
< 18,5 |
Gầy (thiếu cân) |
18,5 – 24,9 |
Bình thường |
25 – 29,9 |
Tiền béo phì (thừa cân) |
30 – 34,9 |
Béo phì độ I |
35,0 – 39,9 |
Béo phì độ II |
≥ 40 |
Béo phì độ III |
Tiêu chuẩn béo phì cho người trưởng thành Châu Á (Dựa theo phân loại của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương – năm 2000.
Phân loại |
BMI |
Thiếu cân |
< 18,5 |
Bình thường |
18,5 – 22,9 |
Thừa cân |
23 – 24,9 |
Béo phì độ I |
25 – 29,9 |
Béo phì độ II |
≥ 30 |
Béo phì là yếu tố nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch: tăng huyết áp, đái tháo đường týp 2, các bệnh thuộc hệ sinh dục, sỏi mật, bệnh ung thư đường tiêu hóa và béo phì còn đóng vai trò nhất định trong một số bệnh lý khác như viêm khớp, thoái khớp…
Trong y văn của y học cổ truyền từ lâu cũng đã đề cập tới chứng bệnh này, ngay từ cuốn sách cổ xưa nhất “Nội kinh tố vấn” đã gọi chứng béo phì là ‘phì quý nhân” vì thấy chứng này thường xuất hiện ở lứa tuổi trung niên trở đi do ít vận động hơn người trẻ tuổi, cũng trong sách “Nội kinh” đã viết “Cửu ngọa thương khí, cửu tọa thương nhục” (Nằm lâu hại khí, ngồi nhiều hại cơ), theo lý luận của y học cổ truyền: khí thương tắc hư, nhục thương hại tỳ. Tỳ hư làm chức năng kiện vận bị suy giảm, tân dịch không được chuyển hóa sẽ ngưng trệ lại thành thấp, hóa đàm mà dẫn đến thể trạng đàm thấp như chứng béo phì của y học hiện đại
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh chứng béo phì theo y hoc cổ truyền
Do suy giảm thể chất ở người cao tuổi: Sau tuổi trung niên thận khí thường bị suy giảm. Hóa bất sinh thổ, tỳ mất kiện vận, làm cho tân dịch bị đình ngưng, dẫn đến thấp trọc nội sinh, dần hình thành đàm thấp mà dẫn tới chứng béo phì.
Tiên thiên bất túc: Bo là vốn là người béo phì, nên tiên thiên thận khí đã bất túc, hậu thiên tỳ mất kiện vận, chất tinh vi thủy cốc không được chuyển hóa đầy đủ… dẫn đến hình thành đàm thấp mà xuất hiện chứng béo phì/
Ẩm thực thái quá; thường gặp ở người ăn uống quá nhiều các chất béo ngọt dẫn đến thấp nhiệt nội sinh cũng làm ảnh hưởng đến chức năng vận hóa của tỳ vị, tỳ vị hư dẫn đến hình thành đàm thấp mà xuất hiện chứng béo phì.
Những người ít vận động, dẫn đến khí huyết trong cơ thể vận hành bất thông cũng làm ảnh hưởng đến chức năng kiện vận của tỳ vị, chức năng này bị suy giảm làm ảnh hưởng tới sự phân bố chất tinh vi của thủy cốc mà hình thành đàm thấp trong cơ thể dẫn tới chứng béo phì.
Phân loại các thể lâm sàng theo y học cổ truyền của Béo phì
Béo phì Thể tỳ hư thấp trệ
Triệu chứng lâm sàng: Người bệnh sắc da vàng nhợt, cho tới vàng xạm, người mệt mỏi, bụng trướng đầy, có thể có cảm giác nặng nề, mắt và chi dưới có thể phù nề nhẹ. Lưỡi nhợt và bệu, rêu lưỡi trắng dày nhờn, hoặc trắng nhuận. Mạch nhu hoãn.
Pháp điều trị: Kiện tỳ, ích khí, hóa đàm, trừ thấp
Bài thuốc cổ phương: “Hương sa lục quân tử thang”
Hương sa 12g Phục linh 16g
Trần bì 8g Sa nhân 6g
Bạch truật 16g Chích cam thảo 4g
Bán hạ chế 8g Bắc mộc hương 6g
Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần
Trong bài này: Đẳng sâm có tác dụng bổ nguyên khí của ngũ tạng, Bạch truật kiện tỳ, Phục linh hóa thấp, Cam thảo hoãn trung tiêu. Bán hạ chế và Trần bì có tác dụng táo thấp, hóa đàm, lý khí, hòa vị. Tổng hợp 6 vị thuốc này là kiện tỳ, ích khí khiến cho tỳ khí kiện vận, đàm trọc tự hóa. Bắc mộc hương tân ôn phương hương, là vị thuốc chủ yếu tuyên thông khí phận ở tam tiêu. Sa nhân cũng là vị thuốc ôn hành tam tiêu, lục phủ. Hai vị thuốc này kết hợp lại cũng có tác dụng hòa vị tỉnh tỳ.
Gia giảm:
Trong trường hợp ẩm thực tích ngưng thì gia thêm: Mạch nha, Thần khúc, Sơn tra, Lai phúc tử… để tiêu thực dẫn ngưng
Vùng ngực đầy tức, đau thì gia thêm Qua lâu để hóa đàm, khoan hung.
Có xuất hiện chứng huyễn vựng kèm theo thì gia thêm Thiên ma, Bạch truật, Đởm nam tinh… để hóa đàm tức phong
Chi dưới phù nề gia thêm Hoàng kỳ, Bạch biển đậu,Ý dĩ… để kiện tỳ, lợi thấp
Béo phì Thể thấp nhiệt nội ôn
Triệu chứng lâm sàng: Sắc mặt vàng, miệng nhờn mà khô, khát mà không thích uống nước. Bụng có cảm giác tức chướng, đầy, đại tiện phân có thể táo hoặc táo và nát xen kẽ nhau, mùi hôi, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác hoặc hoạt sác.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp.
Bài thuốc cổ phương: Liên pháp ẩm
Hoàng liên 6g Hậu phác 10g
Chi tử 8g Bán hạ chế 8g
Thạch xương bồ 8g Trạch tả 12g
Ý dĩ 16g
Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần
Trong bài thuốc này sử dụng Hoàng liên, Chi tử là hai vị thuôc có tính khổ hàn có tác dụng thanh nhiệt táo thấp. Thạch xương bồ để hành khí, táo thấp, trừ mãn. Trạch tả và Ý dĩ để lợi thủy, thẩm thấp. Các vị thuốc trong bài hợp lại có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp để phục hồi chức năng của tỳ vị.
Gia giảm: Nếu có thử thấp tác động thì gia thêm Hà diệp để giải thử hóa thấp.
Béo phì Thể can đởm thấp nhiệt
Triệu chứng lâm sàng: Sắc da vàng, miệng đắng, ăn kém, buồn nôn, nôn mửa, vùng bụng đầy, chướng, tức, có cảm giác đau và tức ở vùng mạng sườn. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền sác.
Pháp điều trị: Sơ can lợi đởm, thanh nhiệt hóa thấp.
Bài thuốc cổ phương: Long đởm tả can thang
Long đởm thảo 12g Mộc thông 12g
Trạch tả 12g Sa tiền tử 12g
Hoàng cầm 8g Chi tử 8g
Sài hồ 8g Sinh địa 12g
Đương quy 12g Cam thảo 6g
Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần
Trong bài này Long đởm thảo với tác dụng là thanh thực hỏa ở can đởm, loại trừ thấp nhiệt ở hạ tiêu là quân dược. Hoàng cầm, Chi tử thanh nhiệt, tiết hỏa, Mộc thông, Trạch tả, Sa tiền tử thanh lợi thấp nhiệt theo đường tiểu tiện mà bài xuất ra ngoài. Năm vị thuốc này là thần. Sài hồ sơ can lý khí, phòng thấp nhiệt làm tổn thương Can huyết. Sinh địa, Đương quy là những vị thuốc lương huyết, dưỡng huyết dùng để bổ trợ cho huyết hư. Do trong bài có các vị thuốc có tính khổ, hàn nên có thể làm tổn thương tỳ vị nên sử dụng cam thảo là tá dược để điều hòa các vị thuốc
Gia giảm:
Có thể gia Nhân trần, Thảo quyết minh, Cát căn để tăng cường lợi đởm, trừ thấp
Nếu can dương thượng cang xuất hiện huyễn vựng thì gia Câu đằng, Thiên ma, Sung úy tử.
Béo phì Thể can thận âm hư
Triệu chứng lâm sàng: Sắc da vàng khô, bì phu có ban chẩn hay sắc trắng xám không tươi, hay hoa mắt chóng mặt, ù tai, đau răng, miệng khô đắng, lưng gối đau mỏi, đầu có cảm giác căng chướng đau, tính tình dễ cáu giận, tay chân có thể hay tê buồn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít hay không rêu, mạch tế sác.
Pháp điều trị: tư bổ can thận
Bài thuốc cổ phương: Nhất quán tiễn hợp với Nhị chi hoàn
Sa sâm 12g Đương quy 12g
Kỷ tử 16g Hạn liên thảo 16g
Hà thủ ô 16g Mạch môn 12g
Sinh địa 30g Xuyên luyện tử 6g
Nữ trinh tử 16g
Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần
Trong bài này chủ yếu dùng Sinh địa để dưỡng âm sinh tân tư thủy hàm thổ là chủ dược. Kỷ tử, Nữ trinh tử, Hà thủ ô, Hạn liên thảo để hỗ trợ giúp cho Sinh địa tư dưỡng can thận. Sa sâm, Mạch đông để tư bổ phế âm, tức là tư bổ thượng nguồn của thủy, lại có thể phù kim, ức mộc. Đương quy vừa dưỡng huyết, vừa hoạt huyết để điều can. Tất cả những vị thuốc này là tá dược. Trong quá trình tư âm, dưỡng huyết , sơ can dùng một lượng nhỏ Xuyên luyện tử để sơ can, lý khi, bổ mà không ngưng trệ. Nếu như phần âm của can thận được đầy đủ thì bệnh chứng sẽ lui.
Gia giảm:
Âm hư sinh nội nhiệt gia thêm: Đan bì, Tri mẫu, Trạch tả…
Nếu âm tổn cập dương, dẫn đến âm dương lưỡng hư thì gia Tiên linh tỳ, Thỏ ty tử
Béo phì Thể khí ngưng, huyết ứ:
Triệu chứng lâm sàng: sắc da vàng, trắng xạm, kèm theo Hung tý, Tâm thống hoặc có khối tích phúc thống. Chất lưỡi tím đen, có ban ứ huyết, mạch huyền sáp.
Pháp điều trị: Hoạt huyết, hóa ứ, lý khí hành ngưng.
Bài thuốc cổ phương: Huyết phủ trục ứ thang
Đương quy 12g Đào nhân 8g
Sinh địa 12g Hồng hoa 8g
Xuyên khung 8g Xích thược 12g
Sài hồ 8g Chỉ xác 12g
Cát cánh 10g Cam thảo 4g
Ngưu tất 16g
Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần
Trong bài sử dụng: Đào nhân, Hồng hoa, Xuyên khung, Xích thược có tác dụng hoạt huyết hóa ứ là Quân. Sài hồ, Chỉ xác, Cát cánh có tác dụng lý khí, giải uất, khiến cho khí hành tất huyết hành, đây là những vị thuốc đóng vai trò là thần. Phối ngũ với Đương quy dưỡng huyết, Sinh địa dưỡng âm thanh nhiệt, khiến cho trừ ứ mà không tổn thương chính khí, lý khí mà không tiêu âm, vừa trừ tà mà không quên phục chính. Ngưu tất thông lợi huyết mạch, dẫn đến huyết không hạ hành, Cam thảo điều hòa các vị thuốc là sứ dược, ngoài ra còn có tác dụng hoãn cấp chỉ thống.
Gia giảm:
Bụng đau nhiều gia thêm Trầm hương, Một dược.
Cố khối tích ngưng gia thêm: Tam lăng, Nga truật.
Ứ ngưng nặng có thể gia thêm các vị thuốc nhuyễn kiên tán kết, trục ứ: Xuyên sơn giáp, Tam thất…