THẤT ÂM (MẤT TIẾNG)

Mất tiếng thuộc phạm vi của chứng Thất âm của Y học cổ truyền. Theo quan điểm của Y học cổ truyền chứng thất âm liên quan đến rối loạn chức năng của hai tạng Phế và Thận. Theo Y học cổ truyền Phế chủ khí và tạng phế có liên quan đến thanh âm và Thận khí là gốc của Thanh âm

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền

Nguyên nhân dẫn đên mất tiếng theo Y học cổ truyền tùy theo từng thể lâm sàng

Mất tiếng cấp tính thuộc thực chứng, nguyên nhân do ngoại cảm phong hàn và đàm nhiệt xâm phạm vào phế làm cho phế khí mất tuyên thông đưa đến.

Mất tiếng loại mạn tính thuộc hư chứng, nguyên nhân do phần âm của Phế thận bị tổn thương suy giảm đưa đến bệnh chứng Phế âm hư hay Thận âm hư trên nền tân dịch trong cơ thể bị tiêu tổn làm chức năng khí hóa của Phế bị suy giảm

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền

Thực chứng (cấp tính)

Ngoại cảm phong hàn

Triệu chứng: Tiếng nói khàn, nói không rõ tiêng, sốt ít, sợ lạnh, khạc ra nhiều đờm loãng, không dính, ngạt mũi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

Pháp điều trị: Phát tán phong hàn

Bài thuốc cổ phương: Cát cánh thang gia vị

Cát cánh 12g Cam thảo 6g

Phục linh 12g Tiền hồ 12g

Kinh giới 12g Sinh khương 3 lát

Trần bì 8g Bán hạ chế 8g

Tế tân 6g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Châm cứu: Châm tả các huyệt Thiên đột, Phong môn, Xích trạch, Phong trì, Hợp cốc.

Nhĩ châm vùng phế, phế quản, họng.

Thể đàm nhiệt

Triệu chứng: Nói không ra tiếng, đờm nhiều, đặc, vàng dính, miệng đắng, họng khô, rêu lưỡi vàng dầy, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: Thanh phế hóa đàm

Bài thuốc cổ phương: Nhị mẫu tán gia vị

Xuyên bối mẫu 8g Tri mẫu 8g

Phục linh 16g Thạch xương bồ 10g

Ngưu bàng tử 12g Cam thảo 6g

Cát cánh 12g Trần bì 8g

Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Châm cứu: Châm tả các huyệt Trung phủ, Xích trạch, Túc tam lý, Hợp cốc, Phong long, Tam âm giao.

Nhĩ châm vùng phế, phế quản, họng…

Hư chứng

Thể phế âm hư:

Triệu chứng: người gầy, miệng khô, họng khô, khản tiếng, ho khan, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Dưỡng phế, tư âm, thanh hầu họng.

Bài thuốc cổ phương: Dưỡng âm thanh phế thang gia vị

Sinh địa 12g Mạch môn 8g

Huyền sâm 12g Hạnh nhân 12g

Đan bì 8g Bạch thược 12g

Xuyên bối mẫu 6g Tỳ bà diệp 12g

Cam thảo 6g Bạc hà 8g

Tang diệp 12g

Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Châm cứu:

Châm bổ các huyệt: Trung phủ, Chiên trung, Thiên đột, Hợp cốc.

Thể thận âm hư

Triệu chứng: Họng khô, khản tiếng, hư phiền, ít ngủ, lưng gối đau mỏi, ù tai, long bàn tay bàn chân nóng, chất lưỡi đỏ, mạch nhu, tế. Sác

Pháp điều trị: Bổ thận âm, tuyên phế, nạp khí

Bài thuốc cổ phương: Thất vị đô khí hoàn

Thục địa 12g Sơn thù 10g

Hoài sơn 16g Trạch tả 8g

Đan bì 8g Phục linh 12g

Ngũ vị tử 8g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Châm cứu:

Châm bổ các huyệt: Thận du, Thái khê, Nhiên cốc, Hợp cốc, Thiên đột.

Kinh nghiệm dân gian điều trị chứng Thất âm thể thực chứng: Dùng Kha tử, đập dập, bỏ hột đi, còn vỏ ngâm rửa sạch với nước ấm. Ngậm vỏ Kha tử đã rửa sạch cho nước từ vỏ Kha tử dần dần ngấm vào họng, mỗi ngày ngậm 1 quả.

Bài trướcVIÊM PHẾ QUẢN TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y
Bài tiếp theoTÂM PHẾ MẠN TÍNH TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.