PHẦN PHỤ LỤC

Phụ lục 1

Trong chẩn đoán nguyên nhân YHCT, việc xác định rõ Ngoại Hàn hay Nội Hàn, Ngoại Thấp hay Nội Thấp, Ngoại Nhiệt hay Nội Nhiệt … rất quan trọng vì quyết định đến việc nguyên tắc điều trị, nguyên tắc cấu tạo bài thuốc và công thức huyệt.

Do vậy, bài học này được đề cập thêm phần phụ lục về Nội Phong , Nội Hàn, Nội Thấp … để giúp phân biệt rõ ràng hơn.

Nội phong

Nguyên nhân

Phần Huyết bị hao tổn.

Nhiệt quá thịnh.

Giận dữ quá hại Can, đều có thể làm cho Can Dương thịnh lên mà xuất hiện các chứng Nội Phong (Can Phong nội động ).

Triệu chứng

Choáng váng, xây xẩm, co giật, chóng mặt.

Gân thịt rung giật, chân tay co quắp.

Nội Hàn (chứng Dương hư)

Nguyên nhân

Do dương khí của cơ thể suy kém sinh ra Nội hàn.

Triệu chứng

Sợ lạnh, cảm giác lạnh bên trong, tay chân lạnh đồng thời Dương khí của Tạng bệnh cũng bị suy theo như tức nặng ngực, mệt mỏi, hồi hộp, khó thở … (Tâm Phế Dương hư ) hoặc ăn kém, đầy bụng đau, sợ lạnh, tay chân lạnh, tiêu chảy (Tỳ Vị hư hàn ).v.v.v.

Chứng Nội Hàn do Dương khí kém thì Vệ khí cũng kém nên người bệnh dễ bị cảm lạnh.

Nội Thấp

Nguyên nhân

Do Tỳ vận hóa giảm sút khiến cho Tân dịch đình đọng lại gây Thấp.

Triệu chứng

ở Thượng tiêu:Đầu nặng, hoa mắt, ngực sườn đầy tức.

ở Trung tiêu: Bụng đầy trướng, ăn kém, chậm tiêu, ỉa chảy, tay chân nặng nề.

ở Hạ tiêu: Phù ở chân, nước tiểu ít, đục, mệt mỏi nặng nề, da dẻ phù nề, phụ nữ ra huyết trắng (khí hư – bạch đới).

Nội Táo

Nguyên nhân

Do Tân dịch giảm sút gây bệnh.

Do bẩm tố Tạng Nhiệt hoặc dùng quá lâu ngày các thuốc hạ, thuốc có khí vị cay đắng.

Do bệnh sốt cao kéo dài lâu ngày làm hao Tinh mất Huyết, Tân dịch bị hao tổn.

Triệu chứng

Họng khô, miệng khát, hay uống nước, uống nước nhiều, đại tiện táo kết, da dẻ khô ráo, nhăn nheo.

Nội Nhiệt

Nguyên nhân

Do âm hư sinh Nội nhiệt.

Chứng âm hư hỏa vượng do Nội thương thất tình gây nên được gọi là Ngũ chí hóa Hỏa.

Triệu chứng

Gò mà đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, triều nhiệt.

Nhức trong xương, ra mồ hôi trộm, ho khan, họng khô.

Lưỡi đỏ ít rêu hoặc không rêu.

Phụ lục 2

Ngoài ra, trong YHCT còn có một nguyên nhân khá đặc biệt mà bài học này xin ghi lại trong phần phụ lục.

Dịch lệ (Dịch: Lây lan; Lệ: Khắc nghiệt).

Dịch lệ là những nhân tố bên ngoài gây bệnh, là thứ khí trái thường trong trời đất, có tính cách lây lan. Cũng là yếu tố khí hậu trong thiên nhiên gây bệnh nhưng không xếp vào nhóm ngoại cảm vì tính cách biến hóa trái thường của nó.

Thiên Di thiên thích pháp luận – Tố vấn nói: “Năm chứng bệnh lưu hành truyền nhiễm từ người này sang người khác, không kể người lớn nhỏ, bệnh trạng đều giống nhau”

Sách Chủ bệnh nguyên hậu luận nói “Không kể người lớn nhỏ, chứng phát ra đều giống nhau gọi là bệnh Dịch lệ. Và đó cũng là điều khác biệt giữa Khí dịch lệ và Khí lục dâm”

Khí dịch lệ có nhiều tên gọi: Dị khí , Lệ khí , Tạp khí , Độc khí.

Hình thành Khí dịch lệ có 2 loại chủ yếu sau:

Do biến hóa riêng biệt của khí hậu như: Lạnh, nắng, gió dữ, mưa dầm, hạn lâu, lụt lội, khí hậu trái trời và sơn lam chướng khí uất kết lại mà thành.

Do hoàn cảnh vệ sinh không tốt như: Xác chết của động vật không vùi lấp kịp thời và những vật bẩn thỉu, tạp nhạp bỏ bừa bãi lâu ngày, thối nát hóa thành Lệ khí.

Người hấp thụ phải mà sinh ra bệnh rồi truyền nhiễm lẫn nhau mà hình thành dịch bệnh như chứng: Đại đầu ôn, sốt rét, dịch lỵ, bạch hầu, ban chẩn.

Bài trướcVọng chẩn
Bài tiếp theoBất nội ngoại nhân

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.