DÙNG THUỐC
Theo âm Dương
Tính vị của thuốc
Dược liệu có 2 tính chất dược lý theo y học cổ truyền: Khí (hay Tính) và Vị. Khí nhẹ, đi lên: Thuộc Dương. Vị nặng, đi xuống: Thuộc âm.
Tính của thuốc có 4 loại (tứ khí): Nhiệt, ôn: Thuộc Dương; Hàn, Lương: Thuộc âm. Ngoài ra tính bình: âm Dương quân bình.
Vị của thuốc có 5 loại (Ngũ vị): Cay: Thuộc Dương, tính phát tán, đi ra ngoài. Chua, mặn, đắng: Thuộc âm, vì có tính thu vào, trầm, đi xuống (theo thứ tự). (Ngọt: âm Dương quân bình vì có tính hoãn).
Cay chủ tán nên giải biểu
Chua chủ thu nên chữa bệnh tiết
Ngọt chủ hoãn nên bổ trung
Đắng chủ tả nên khứ thực
Mặn chủ nhuyễn nên khứ trệ
Nhạt chủ thấm nên thông tiểu tiện.
Căn cứ vào khí vị, người ta cũng phân biệt:
Phụ tử, Can khương: Dương trong Dương (Thuần Dương) có khí ôn hay Nhiệt, vị Tân.
Cam thảo, Phục linh, Đại táo: âm Dương quân bình: Khí bình, vị Cam.
Đại hoàng: âm ở trong âm (Thuần âm): khí Hàn, vị Khổ. v.v…
Điều trị
Dùng thuốc: Điều trị bệnh là đem cái Tính Vị âm Dương của dược liệu điều chỉnh cái âm Dương của con người đau bệnh. Thí dụ: ôn, Nhiệt dược thuộc Dương chữa các chứng Hàn thuộc âm; Hàn, Lương dược thuộc âm chữa các chứng Nhiệt thuộc Dương.
Nhiệt dược làm tăng khí lực. Lương dược làm nhuận cơ thể. Bình dược hòa hoãn, bổ Dương lẫn âm.
Luận trị theo khí hậu: Giữa nguyên khí âm Dương của con người và khí âm Dương của trời đất luôn tương ứng nhau, do đó dùng thuốc cần lưu ý khí hậu mùa tiết (thời gian). Thí dụ:
Mùa Xuân ấm muôn vật phát sinh, mùa Hạ nóng muôn vật trưởng thành.
ở cả 2 mùa này Nguyên khí trong người bài tiết ra ngoài, âm khí sẽ suy yếu, do đó nên dùng thuốc dưỡng âm.
Mùa Thu mát muôn vật thu lại, mùa Đông lạnh muôn vật ẩn tàng. ở cả 2 mùa này Dương khí tàng phục ở trong để chống lại khí lạnh bên ngoài, do đó nên dùng thuốc dưỡng Dương.
Mùa Hạ Thử khí lưu hành, nên dùng nhiều các vị Hàn dược, Lương dược, có thể Ôn dược. Không nên dùng nhiệt dược. Nếu phải dùng Nhiệt dược thì phải giảm liều lượng.
Mùa Đông Hàn khí lưu hành, nên tăng liều lượng Nhiệt, ôn dược, không nên dùng Hàn dược.
Với thuốc phát hãn:
“Mùa Xuân: Dương khí đang dấy lên, nên làm thuốc Hãn nhẹ. Mùa Hạ: Lỗ chân lông tự mở ra, nên không cần thuốc đại Hãn, chỉ dùng thuốc hãn nhẹ. Mùa Thu: Dương khí bị Thu liễm lại, nên làm thuốc hãn nhẹ. Mùa Đông: Dương khí ẩn nấp, lỗ chân lông đóng lại, nếu cảm mạo nhẹ không nên làm thuốc đại Hãn và chỉ có cảm thương hàn mới phải dùng thuốc đại Hãn”.
Với thuốc Thổ và thuốc Hạ:
Mùa Xuân làm thuốc thổ là thuận theo Dương khí phát sinh phía trên. Mùa Thu Đông làm thuốc Hạ là thuận theo Dương khí thu liễm ở trong.
Luận trị theo thổ nghi:Khí hậu thay đổi theo thổ nghi do đó dùng thuốc cũng phải lưu ý đến Thổ nghi (thế của đất đai, địa lý) (không gian). Phương Bắc và Tây thường cao, khí hậu khô ráo và lạnh do đó trị bệnh cho người phương Bắc và phương Tây nên dùng vị cay nóng. Phương Đông và Nam thấp, ẩm ướt, nóng nên dùng vị nhẹ mát cho người sống ở phương này.
Theo Ngũ hành
Có rất nhiều áp dụng, về mặt lý thuyết Dựa vào màu sắc và mùi vị của thuốc mà phân loại thuốc theo Ngũ hành và dựa vào đó để qui nạp tác dụng của thuốc vào Tạng Phủ tương ứng. Thí dụ: Vị thuốc vị Chua, màu Xanh đi vào Can, vị Ngọt, màu Vàng đi và Tỳ (Bảng 1).
Người xưa cũng dựa vào màu và vị để tìm kiếm thuốc mới.
Người ta còn đổi màu và vị của thuốc bằng cách bào chế để khiến thuốc có tác dụng đi vào Tạng Phủ mà người bào chế mong muốn. Thí dụ: Sao thuốc với giấm để thuốc đi vào Can; sao với đường, mật để vào Tỳ; Tẩm muối để đi vào thận; Sao với gừng để vào Phế, Sao; cho vàng để vào Tỳ; Chế cho đen để vào thận v.v…
Theo dịch số
Số lẻ = Cơ, thuộc Dương. Số chẵn = Ngẫu, thuộc âm.
Phương thuốc có số vị là số lẻ (1,3, 5 vị…) gọi làcơ phương, thường dùng trị bệnh thuộc lý. Nội kinh viết “ Thuốc hạ không nên làm thuốc chẵn vị “ cũng hàm ý đó. Thí dụ: Tiểu thừa khí thang gồm 3 vị (Đại hoàng, Chỉ thực, Hậu phác).
Phương thuốc có số vị là số chẵn (2, 4, 6 vị…) gọi làngẫu phương, thường dùng trị bệnh thuộc biểu. Nội kinh viết: “ Thuốc phát hãn không nên làm lẻ vị”. Thí dụ: Ma hoàng thang có 2 vị chính (Ma hoàng, Quế chi), 4 vị phụ (Sinh khương, Hành củ, Cam thảo, Hạnh nhân).
Theo Bát quái
Bài Bát vị được giải thích là có cấu trúc của quẻ Khảm
Thiên nhân hợp nhất
Việc tìm và sử dụng thuốc: Theo Y học cổ truyền, có thể nói gần như là một qui luật: Thông thường nơi nào cây cỏ mọc được, sống được thì cây cỏ nơi đó có thể giải quyết được bệnh tật của con người sống ở nơi đó (và ngược lại cũng vậy, nơi nào con người sống được thì con người có thể giải quyết được bệnh tật bằng cây cỏ nơi đó) và qui luật cộng sinh đó không chỉ có với cây cỏ.