LONG BẾ

Long Bế là loại bệnh bài tiết tiểu tiện khó khăn, thậm chí bế tắc không thông, gọi tắt là ‘Long’. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tiểu tiện không lợi, tiểu nhỏ giọt và lượng ít, bệnh tiến triển từ từ gọi là ‘Long’.

Trường hợp tiểu tiện không thông, muốn bài tiết mà không bài tiết được; bệnh có tính cấp gọi là “Bế’. Trên lâm sàng đa số gọi chung là Long bế.

Thiên ‘Tuyên Minh Ngũ Khí’ (Tố Vấn 23) viết: “Bàng quang bất lợi là Long, không chế ước là són đái – di niệu”.

Thiên ‘Kỳ Bệnh Luận’ (Tố Vấn 47) viết: Có loại bệnh Long, ngày đi tiểu vài mươi lần, đó là bệnh bất túc”.

Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2) viết: “Thực thì Bế Long, hư thì di niệu. Dị niệu cần phải Bổ, bế long cần phải Tả”.

Long Bế với chứng lâm, đều là loại bệnh tiểu khó; nhưng riêng trường hợp tiểu tiện khó khăn không thông. Còn chứng Lâm thì bài tiết tiếu tiện nhỏ giọt, rít và đau.

Sách ‘Trương Thị Y Thông’ nhận định: “ Long và Bế nói chung chỉ là một bệnh, mà nói riêng thì có bệnh mới mắc, bệnh mắc đã lâu khác nhau. Bởi vì Bế là bệnh mắc đột ngột, một giọt nước tiểu cũng không bài tiết được, tục gọi tiểu tiện không thông. Còn Long là bệnh mắc đã lâu, tiểu tiện nhỏ giọt từng tý một, mỗi ngày đi tới vài mươi lần”.

Trong y học hiện đại, Long bế thuộc loại ứ đọng nước tiểu có nhiều nguyên nhân và bệnh vô niệu.

Nguyên nhân Long Bế

Vùng bệnh Long bế thuộc Bàng quang, Bàng quang là chỗ chứa đọng nước tiểu, là phủ quản lý sự vào ra của nước tiểu. Thiên ‘Linh Lan Bí Điển Luận’ (Tố Vấn 8) viết: “Bàng quang là chức quan châu đô, nơi chứa Tân dịch, có khí hóa thì có thể bài tiết”.

Chứng Bế thường do khí hóa ở Bàng Quang không lợi làm cho không bài tiết được nước tiểu, về nguyên nhân, có năm loại sau đây:

Thấp nhiệt ứ tích – Bàng quang thấp nhiệt nghẽn trệ hoặc Thận nhiệt chuyển xuống Bàng quang gây nên; Loại thấp và nhiệt phối hợp với nhau đều có ảnh hưởng làm cho khí hóa của Bàng quang bị trở ngại, gây nên Long bế.

Phế nhiệt ủng thịnh – Phế là thượng nguồn của nước, nhiệt ủng tắc ở Thượng tiêu, tân dịch không phân bố được, đến nỗi thủy đạo không lợi – Lại do nhiệt từ Thượng tiêu chuyển xuống Bàng quang, làm cho Thượng tiêu và Hạ tiêu đều bị nhiệt khí làm ủng tắc gây nên Long bế.

Can uất khí trệ – Thất tình nội thương dẫn đến Can uất khí trệ, khí cơ không điều hòa từ đó làm cho sự vận hành và khí hóa của Tam tiêu bị ảnh hưởng đến nỗi nghẽn trở lưu thông thủy đạo, gây ra Long bế.

Niệu đạo nghẽn tắc – ứ huyết ngưng tụ hoặc niệu đạo có sỏi, ứ đọng không trôi đi, nghẽn tắc niệu đạo và Bàng quang, cũng gây nên Long bế.

Thận khí không đầy đủ – Chủ yếu là Thận dương bất túc, Mệnh môn hỏa suy đến nỗi Bàng quang khí hóa bất lợi mà tiểu tiện không bài tiết được. Trong đó bao gồm cả loại Thận dương suy hao do tuổi già và người Thận khí hư làm cho không đẩy được nước tiểu ra.

Biện chứng Long Bế

Trị liệu Long bế nên căn cứ vào nguyên tắc ‘Phủ lấy thông làm Bổ’, chú trọng ở sự làm cho thông. Đời nhà Nguyên, trong sách ‘Vệ Sinh Bảo Giám’, La Thiên Ích đã chế ra phép khơi nước tiểu. Trương Cảnh Nhạc trong sách ‘Cảnh Nhạc Toàn Thư’dùng lông ngỗng làm ống thông tiểu tiện ; Các thày thuốc đời sau đa số cho là trong trường hợp tiểu tiện không thông, phương pháp uống thuốc bên trong cho kết qủa chậm, không đáp ứng được tình trạng cấp cứu, do đó họ vận dụng nhiều phương pháp chữa ngoài như bắt mửa, thông tiểu tiện lúc cấp cứu, trước mắt là chọn dùng phương pháp khai thông niệu đạo và tân châm, giản tiện dễ áp dụng mà hiệu qủa cao. Điều chủ yếu là nguyên nhân gây nên bệnh Long bế khác nhau, lâm sàng cần xét nguyên nhân mà luận trị, không nên chỉ dùng một phép thông lợi bằng các phương thuốc sắc cho tất cả mọi trường hợp.

Thấp Nhiệt Ủng Tích: Tiểu tiện không lợi, nóng đỏ hoặc bị vít, bụng dưới chướng đầy hoặc táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Tế Sác.

Biện chứng: Thấp nhiệt ủng tích ở Bàng quang làm cho khí hóa Bàng quang mất điều hòa, tiểu tiện không lợi và nóng đỏ, thậm chí vít tắc không thông. Thấp và nhiệt phối hợp với nhau, khí trệ ở dưới cho nên bụng dưới chướng đầy. Chất lưỡi đỏ là phần âm bị tổn thương; Rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Tế Sác, đại tiện khó đi đều do hạ tiêu tích nhiệt gây nên.

Điều trị:Thanh hóa thấp nhiệt. Dùng bài Tư Thận Thông Quan Hoàn hợp với Bát Chính Tán gia giảm.

(Trong Thông Quan Hoàn có Tri mẫu, Hoàng bá có thể thanh thấp nhiệt ở hạ tiêu, Nhục quế giúp cho Bàng quang khí hóa, thích hợp loại thấp nhiệt ủng kết ở Bàng quang dẫn đến tiểu tiện không thông, nhưng sợ rằng thuốc thanh hóa thấp nhiệt không đủ mạnh cho nên dùng chung cả vị Cù mạnh, Biển súc, Mộc thông, Xa tiền tử, Sơn chi, Đại hoàng v.v…).

Vì Bàng quang tích nhiệt, một mặt do Thủy và nhiệt phối hợp với nhau, mặt khác do tích nhiệt ở hạ tiêu, Thận âm tất bị tiêu hao. Gặp trường hợp Thận âm bị tổn thương, nhưng thanh nhiệt lợi thấp mà không tư âm, thì nguồn gốc của tân dịch không được khôi phục, dù đường nước thông lợi vẫn khó trôi chảy, cho nên dù dùng phương pháp thanh lợi thấp nhiệt, có thể thêm Sinh địa, Mạch đông để tư dưỡng Thận âm, khiến thấp nhiệt có thể thanh mà Thận âm không tổn thương.

Phế nhiệt ủng thịnh: Tiểu tiện nhỏ giọt, không thông hoặc khó đi, họng khô, phiền khát, thở gấp, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch Sác.

Biện chứng: Phế nhiệt ủng trệ ở trên, khí nghịch không giáng xuống, không thông lợi đường nước chảy xuống Bàng quang cho nên tiểu tiện không thông. Họng khô khát nước, thở gấp, rêu lưỡi vàng, mạch Sác v.v… đều do nhiệt tà nung nấu, Phế khí nghẽn tắc gây nên. Tiểu tiện sở dĩ không thông nguồn gốc là ở Phế chứ không thể chỉ chữa ở Bàng quang mà giải quyết được.

Điều trị: Thanh Phế nhiệt, lợi thủy đạo. Dùng bài ‘ Thanh Phế Ẩm’ gia giảm.

(Bài thuốc dùng Hoàng Cầm, Tang bạch bì, Mạch đông vv… vừa thanh tiết Phế nhiệt, vừa tư dưỡng nguồn sinh hóa. Lại dùng Xa tiền tử, Mộc thông, Phục linh, Chi tử là các vị thanh nhiệt, thông lợi, khiến cho lợi tiểu tiện).

Nếu Tâm hỏa vượng mà tâm phiền, đầøu lưỡi đỏ, có thể thêm Hoàng liên, Trúc diệp; Lưỡi đỏ ít tân dịch, Phế âm bất túc thêm Sa sâm và Mao căn.

Khí Cơ Uất Trệ: Tình chí ưu uất hoặc dễ kích động, hay tức giận, phiền muộn, tiểu tiện không thông, hoặc thông mà không dễ chịu, bụng sườn chướng đầy, rêu lưỡi mỏng hoặc vàng mỏng, chất lưỡi đỏ, mạch Huyền.

Biện chứng: Thất tình nội thương, khí có uất trệ, phế khí mất sự túc giáng không thể thông lợi thủy đạo đưa xuống Bàng quang cho nên tiểu tiện không thông hoặc thông mà còn khó chịu. Bụng sườn chướng đau cũng là do Can khí hoành nghịch. Mạch Huyền là dấu hiệu Can vượng. Rêu lưỡi vàng mỏng, chất lưỡi đỏ, là dấu hiệu Can uất hóa hỏa.

Điều trị: Sơ lý khí cơ, thông lợi tiểu tiện. Dùng bài ‘ Trầm Hương Tán gia giảm.

(Trầm hương, Quất bì có thể sơ thông Can khí, phối hợp với Đương qui, Vương bất lưu hành có thể làm thông khí huyết ở hạ tiêu; Hoạt thạch, Đông quì tử, Thạch vi thông được thủy đạo). Nhưng phương này xét về mặt lý khí thấy còn yếu, cho nên có thể thêm Hương phụ, Uất kim, Ô dược v.v… Nếu khí uất hóa hỏa, thêm Đan bì, Chi tử.

Nghẽn Tắc Niệu Đạo: Tiểu tiện nhỏ giọt khó chịu hoặc ra từng tia như sợi tơ hoặc nghẽn tắc không thông, bụng dưới trướng đầy, đau âm ỉ, sắc lưỡi tía, mạch Sắc hoặc Tế Sác.

Biện chứng: Đây là do ứ huyết nghẽn tắc bên trong hoặc kết thành cục, hoặc niệu đạo có sỏi làm nghẽn tắc Bàng quang vàniệu đạo, làm cho tiểu tiện nhỏ giọt không dễ chịu hoặc nhỏ như sợi tơ, thậm chí tiểu tiện không thông, bụng dưới chướng đau âm ỉ, Sắc lưỡi đỏ tía là dấu hiệu khí trệ, tắc nghẽn.

Điều trị: Hành ứ, tán kết, thanh lợi thủy đạo. Dùng bài ‘Đại Để Đương Hoàn.

(Bài này lấy Quy vĩ, Xuyên sơn giáp, Đào nhân, Đại hoàng, Mang tiêu để thông ứ, hóa kết, nhưng không nên uống lâu, nếu người bệnh ốm lâu ngày, huyết hư, sắc mặt kém tươi, nên dùng phép dưỡng huyết, hành ứ).

Có thể trong bài thuốc trên lại thêm Đan sâm, Hoàng kỳ. Nếu tiểu tiện nhất thời không thông, chướng tắc không chịu nổi, nên cho nuốt chút ít Xạ hương. Nếu niệu đạo kết sỏi có thể gia Kim tiền thảo, Hải Kim sa, Đông qùy tử, Cù mạch, Biển súc.

Thận Khí Bất Túc: Tiểu tiện không thông hoặc giỏ giọt, không thành bãi, lực đẩy giảm, sắc mặt trắng nhợt, thần khí khiếp nhược, từ lưng trở xuống lạnh, đùi gối yếu sức, chất lưỡi nhạt, mạch Trầm Tế.

Biện chứng Tiểu tiện không thông hoặc nhỏ giọt không thành bãi, sức bài tiết yếu đó là Thận dương bất túc, khí hóa vô lực. Sắc mặt trắng nhạt, thần khí khiếp nhược là triệu chứng nguyên khí suy sụp. Lưng trở xuống lạnh, đùi gối yếu sức, lưỡi nhạt, mạch Trầm Tế đều là do Mệnh môn hỏa suy, khí hóa không đạt tới Bàng quang gây nên.

Điều trị: ôn dương, ích khí, bổ Thận, thông khiếu. Dùng bài ‘ Tế Sinh Thận Khí Hoàn gia vị. Bài này có tác dụng ôn bổ Thận dương, hóa khí, hành thủy, làm cho thông lợi tiểu tiện. Nếu người cao tuổi nguyên khí cực hư, Thận khí không mạnh, có thể thêm Hồng sâm, Lộc giác phiến, Tiên mao, Dâm dương hoắc v.v. ..

Muốn đi tiểu nhưng trướng nặng muốn bài tiết mà không bài tiết được; hoặc ra lượng ít, khó khăn, nặng trệ, sa trực tràng giống như mót đại tiện, mệt mỏi ngắn hơi, thân thể nặng nề, chất lưỡi nhạt, mạch Hoãn Nhược v.v… đó là Tỳ khí hư

nhược không khả năng thăng đề gây nên.

Chứng này thường cùng xuất hiện với loại Thận dương bất túc. Điều trị nên thăng thanh, giáng trọc kiêm ôn dưỡng Thận khí, cho uống Bổ Trung Ích Khí Thang thêm Nhục quế, Thông thảo, một vị thăng, một vị giáng, khí hóa sẽ lưu hành, tiểu tiện sẽ thông.

Ngoài các trường hợp điều trị bằng thuốc nói trên, cũng có thể áp dụng phép chữa bên ngoài, ví dụ:

Phương pháp làm mửa hoặc hắt hơi. Động tác hắt hơi và nôn mửa có thể làm khơi thông Phế khí, nâng trung khí, từ đó thông được khí ở hạ tiêu, đó là biện pháp tuy đơn giản mà thông lợi tiểu tiện khá kết qủa. Dùng chút bông vô khuẩn ngoáy vào lỗ mũi cho hắt hơi, hoặc ngoáy vào họng cho nôn mửa, ở trên mở thì khiếu ở dưới sẽ thông,

Phương pháp đắp bên ngoài

Dùng một củ Tỏi to, 3 quả Chi tử, chút ít muối ăn, ba thứ giã nát, đắp lên rốn.

Dùng nửa cân muối ăn rang nóng chườm lên rốn.

Các phương pháp trên áp dụng các loại bí tiểu tiện rất tốt. Cũng có thể phối hợp với Châm Cứu và biện pháp xoa bóp.

Bệnh Án Trị Tiểu Bí

(Trích trong ‘Trung Y Lâm Sàng Chẩn Liệu Bách Khoa Toàn Thư’)

Lê X nữ giới, 57 tuổi.

Khám lần đầu: Bí tiểu tiện 20 ngày, phải dùng ống thông niệu đạo, tay chân lạnh, sắc mặt kém tươi, choáng váng, mỏi lưng, ngực bụng đầy hơi khó khịu, bựng dưới chướng. Bệnh nhân vốn hư yếu, có bệnh sử tiểu tiện giỏ giọt không gọn bãi, rêu lưỡi mỏng, gốc lưỡi nhớt, chất lưỡi nhạt, mạch Tế. Do khí hóa Bàng quang bất lợi, điều trị nên ích khí, thông dương, lợi thủy, khai khiếu. Dùng Hoàng kỳ 40 gam Xa tiền tử 40 gam Sao chỉ xác 12g Quế chi 12g Trạch tả 16g Sao đỗ trọng 12g Bạch tật lê 12g Lỗ đậu y 12g Cát cánh 5g, thêm ‘ Tế Sinh Thận Khí Hoàn 12g.

Khám lần 2: Uống 2 thang. Hôm qua đã tự tiểu tiện được nhưng cảm giác bài tiết còn khó khăn, vẫn phải duy trì ống thông tiểu, tổng số lượng nước tiểu nhiều hơn, đỡ choáng váng, rêu lưỡi trắng mỏng, gốc lưỡi nhớt, mạch Tế. Sử dụng Điều trị cũ có thêm bớt chút ít.

Dùng nguyên phương thêm Phục linh 16 gam, Quế chi đổi liều lượng thành 20 gam.

Khám lần 3: Sau khi uống thêm 2 thang nữa, mọi triệu chứng tiến bộ rõ, hai ngày gần đây đã không phải dùng ống thông tiểu, đã tự đi tiểu tiện, nhưng vẫn còn cảm giác khó bài tiết, vùng vị quản khó chịu, có lúc đau, lưng cũng đau mỏi, sắc mặt kém tươi, mình lạnh, chân tay lạnh, rêu lưỡi mỏng nhớt, mạch Tế.

Dùng nguyên phương uống thêm 6 tháng nữa. Về sau người bệnh giới thiệu người khác đến chữa, cho biết đã khỏi hoàn toàn.

Nhận xét: Bệnh án này do Thận khí không đầy đủ, đến nỗi Bàng quang khí hóa mất quyền nên không tiểu tiện được, yếu điểm biện chứng ở chỗ tay chân quyết lạnh, sắc mặt kém tươi, mỏi lưng, lưỡi nhạt, mạch Tế, Lâm sàng nên phân biệt các nguyên nhân khác dẫn đến Long bế. Điều trị nên chú trọng vào ích khí thông dương, bổ Thận thông khiếu do đó mà thu được hiệu quả.

Bài trướcLông Quặm | Đông Y
Bài tiếp theoLoãng Xương | Đông Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.