Trong một số trường hợp rối loạn dẫn đến vô sinh ở nam giới chúng ta có thể điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc.

  1. Điều trị rối loạn nội tiết

Bệnh nhân nam được phát hiện có rối loạn nội tiết trong quá trình khảo sát vô sinh có thể được điều trị bằng thuốc. Các rối loạn này bao gồm suy tuyến sinh dục do giảm nội tiết tổ hướng sinh dục và tãng prolactin trong máu.

hCG (human chorionic gonadotrophin) có thể dùng khởi đầu cho điều trị, kết hợp với nội tiết hướng sinh dục đối với bệnh nhân suy tuyến sinh dục do giảm nội tiết hướng sinh dục. Các nghiên cứu về điều trị của hCG và hMG (human menopausal gonadotrophin) trên những bệnh nhân giảm nội tiết hướng sinh dục (trong thời gian thích hợp từ 3 đến 8 tháng) cho thấy có mật độ tinh trùng lên đến 5-24 triệu/ml mỗi lần xuất tinh. Tỉ lệ có thai sau điều trị là 64 – 76%.

Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán là tăng prolactin máu đều không giải thích được và không rõ nguyên nhân. Điều trị chuyên biệt với Bromocriptine có thể được tiến hành trên những bệnh nhân này. Tuy nhiên, một khối u ở tuyến yên có thể dẫn đến sự gia tăng của prolactine trong máu, do đó không thể điều trị nếu chưa tiến hành chụp CT hay MRI vùng tuyến yên.

  1. Điều trị kháng thể kháng tinh trùng

Kháng thể kháng tinh trùng có thể khiến cho tinh trùng dù có mật độ tốt nhưng lại giảm khả năng di động. Kháng thể kháng tinh trùng làm cho tinh trùng bị kết dính, chụm lại với nhau, từ đó giảm khả năng di động; đồng thời giảm khả năng thụ tinh với trứng. Việc điều trị nội khoa với tình trạng này được báo cáo giúp gia tăng chất lượng tinh dịch với khả năng thành công có nhiều thay đổi. Điều trị có thể dùng các nhóm Steroids cơ bản (prednisone), lọc rửa và bơm tinh trùng vào tử cung (IUI), hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đặc biệt có thể kết hợp với tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI).

  1. Điều trị viêm nhiễm

Vô sinh nam có thể gây ra do tình trạng viêm nhiễm ở các tuyến sinh dục (tiền liệt tuyến, túi tinh…). Một số vi khuẩn có thể gây ra tình trạng vô tinh do chúng tấn công vào tinh hoàn và/hoặc mào tinh gây ra vô sinh bế tắc từ sẹo viêm để lại. Trong một số trường hợp, viêm nhiễm do tác nhân cư trú tại tiền liệt tuyến hay túi tinh có thể không biểu hiện triệu chứng và bệnh nhân không hề hay biết. Các loại viêm nhiễm khác đặc biệt là viêm tiềnliệt tuyến có thể không biểu hiện ra ngoài nhưng lại làm giảm khả năng di động của tinh trùng. Kháng sinh được sử dụng tốt nhất chỉ khi xác định được chính xác tác nhân chuyên biệt gây bệnh.

  1. Điều trị bệnh nền

Những bệnh nhân có đái tháo đường hay nạo hạch trong điều trị ung thư tinh hoàn thỉnh thoảng có xuất tinh ngược dòng. Sử dụng nhóm antihistamin hay ephedrine cho thấy có hiệu quả trong việc điều chỉnh lại hiện tượng xuất tinh ở những bệnh nhân này.

  1. Điều trị thiểu tinh không rõ nguyên nhân

Một số bệnh nhân vô sinh nam hoàn toàn bình thường về mặt hình thái học cơ quan sinh sản, khảo sát nội tiết tố cũng cho kết quả bình thường và không tìm thấy nguyên nhân dẫn đến tinh dịch đồ kém chất lượng. Những bệnh nhân này được xếp vào nhóm thiểu tinh không rõ nguyên nhân và có thể điều trị với thuốc. Thêm vào đó có thể điều trị thuốc đối với những bệnh nhân nhược tinh không rõ nguyên nhân, những bệnh nhân sau phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch tinh hồi phục kém và những bệnh nhân sau phẫu thuật nối ống dẫn tinh có chất lượng tinh dịch kém mặc dù đã có xuất hiện tình trùng trong tinh dịch xuất ra. Những bệnh nhân vô sinh không rõ nguyên nhân nên tham khảo các khả năng có thể điều trị với bác sĩ chuyên khoa vô sinh.

Bài trướcPhẫu thuật trong điều trị vô sinh nam
Bài tiếp theoKỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong điều trị vô sinh hiện nay

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.