DI TINH

Di tinh là tình trạng nam giới từ tuổi trưởng thành trở lên không xuất tinh đúng lúc, đúng chỗ mà nguyên nhân thường gặp là do viêm tuyến tiền liệt, do bệnh của hệ thống thần kinh hay trong một bệnh mạn tính nào khác. Trong Y học cổ truyền phân di tinh thành 2 loại Mộng tinh và Hoạt tinh.

Mộng tinh là tình trạng người bệnh nằm mơ có quan hệ với phụ nữ mà xuất tinh.

Hoạt tinh là tình trạng người bệnh không nằm ngủ mơ xuất tinh mà tinh dịch xuất ra vào ban ngày và đây còn nhằm chỉ tình trạng xuất tinh sớm khi quan hệ với phụ nữ.

Trước hết để phân biệt giữa tình trạng sinh lý và bệnh lý trong vấn đề xuất tinh thì chúng ta biết rằng: Nam giới ở tuổi thành niên thì khoảng 2 tuần có thể xuất tinh một lần thì thuộc về hiện tượng sinh lý. Nếu tinh xuất ra mỗi tuần trên 2 lần hoặc tinh xuất ra cả vào ban ngày thì đó thuộc về tình trạng bệnh lý.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền của Di tinh

Di tinh đa số do tình trạng âm hư hỏa vượng và thận hư bất cố gây nên. Phần còn lại là do thấp nhiệt hạ trú tạo thành.

Âm hư hỏa vượng: Do phần âm dịch trong cơ thể không đầy đủ đưa đến tình trạng âm hư hỏa vượng, âm hư sinh nội nhiệt gây nhiễu động tinh phòng mà dẫn đến di tinh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lao lực quá độ dẫn tới âm huyết tiêu hao, hay do lo nghĩ quá làm tình chí căng thẳng gây tổn thương thận âm.

Thận hư bất cố: Thường gặp ở những người thủ dâm, tảo hôn, quan hệ nam nữ quá nhiều… làm thương tổn đến tinh khí của thận. Tinh không tàng chứa ở thận mà bài xuất ra ngoài nhiều dẫn đến di tinh.

Thấp nhiệt nội ôn: Thường gặp ở những người ăn uống không điều độ, uống rượu nhiều làm tổn thương tỳ vị dẫn đến thấp nhiệt nội sinh, đưa xuống hạ tiêu, gây nhiễu động tinh phòng mà dẫn đến di tinh.

Các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền củaDi tinh

Di tinhThể âm hư hỏa vượng

Triệu chứng: bệnh nhân thường ngủ không sâu, hay nằm mê, dễ tỉnh, dương vật dễ cương cứng thường hay mộng tinh hoặc khi quan hệ nam nữ thường dễ xuất tinh sớm (hoạt tinh), thường hay váng đầu, hồi hộp, tinh thần mỏi mệt, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Tư âm, thanh hỏa, an thần, cố tinh.

Bài thuốc cổ phương: Tri bá địa hoàng hoàn

Sinh địa 16g Sơn thù 8g

Hoài sơn 16g Trạch tả 8g

Đan bì 12g Phục linh 12g

Hoàng bá 8g Tri mẫu 8g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Nếu mất ngủ gia Toan táo nhân, Ngũ vị tử, Long cốt, Mẫu lệ để an thần, cố tinh

Nếu bệnh lâu ngày không khỏi gia: Kim anh tử, Khiếm thực để bổ thận, cố tinh.

Châm cứu: Châm tả Quan nguyên, Khí hải, Thân du, Tam âm giao, Nội quan, Thần môn

Di tinhThể thận hư bất cố

Triệu chứng: bệnh nhân thường mộng tinh hay hoạt tinh, đầu váng, tai ù, lưng đau mỏi. Sắc mặt trắng nhợt, sợ lạnh, tay chân lạnh, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế hoặc lưỡi có thể đỏ, rêu lưỡi màu lục, mạch tế sác (đó là biểu hiện thiên về thận hư).

Pháp điều trị: Bổ thận cố tinh

Bài thuốc: Đại bổ nguyên tiễn hợp bài Kim tỏa cố tinh hoàn

Thục địa 16g Sơn thù 8g

Hoài sơn 12g Khiếm thực 16g

Liên tu 16g Chích cam thảo 4g

Kỷ tử 12g Đỗ trọng 12g

Long cốt sao 8g Mẫu lệ sao 8g

Đẳng sâm 12g Xuyên quy 12g

Sa uyển tật lê 16g Liên nhục 16g

Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Hoặc có thể bào chế dưới dạng viên hoàn. Mỗi ngày uống 12g chia 2 lần.

Nếu bệnh nhân thiên về âm hư gia thêm Mạch môn đông và thay Thục địa bằng Sinh địa.

Nếu bệnh nhân thiên về dương hư thì gia thêm Ba kích và Nhục thung dung.

Châm cứu

Nếu thiên về thận dương hư: Cứu các huyệt Quan nguyên, Khí hải, Trung cực, Thận du, Tam âm giao.

Nếu thiên về thận âm hư: Châm bổ Quan nguyên, Khí hải, Trung cực, Thận du, Tam âm giao, Nội quan.

Di tinh Thể thấp nhiệt nội ôn

Triệu chứng: Thường xuyên di tinh, miệng đắng hay khát nước, toàn thân có cảm giác nóng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch nhu sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt hóa thấp.

Bài thuốc: Nhị diệu tán gia vị

Hoàng bá 16g Thương truật 16g

Trạch tả 12g Tỳ giải 12g

Tri mẫu 8g Khổ sâm 8g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Hoặc bào chế dưới dạng bột, mỗi ngày uống 12 g chia 2 lần.

Châm cứu; Châm tả Quan nguyên, Khí hải, Khúc cốt, Nội đình.

Trong điều trị di tinh, vấn đề điều chỉnh lối sống và trạng thái tinh thần cho người bệnh cũng đóng góp một phần quan trọng. Cần giải thích, động viên bệnh nhân và gia đình bệnh nhân tin tưởng và yên tâm điều trị.

Bài trướcHội chứng thận hư trong Y học cổ truyền – Đông y
Bài tiếp theoBÍ ĐÁI CƠ NĂNG TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN- ĐÔNG Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.