HỘI CHỨNG THẬN HƯ

Hội chứng thận hư là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa xuất hiện ở nhiều bệnh gây tổn thương cầu thận đặc trưng bởi:

Phù

Protein niệu cao

Protein máu giảm

Rối loạn lipoprotein máu

Hội chứng thận hư thuộc phạm vi chứng thủy thũng của Y học cổ truyền. Thủy thũng là các chứng trạng của thủy tà phát sinh do sự trở ngại trong quá trình vận hóa, điều tiết và bài tiết thủy dịch mà hình thành. Biểu hiện của bệnh này là thủy dịch bị ứ nhiều ở bì phu, chân tay, đầu mặt, mi mắt, bụng… thậm chí toàn thân đều phù.

Sự chuyển hóa nước trong cơ thể liên quan đến 3 tạng là phế, tỳ và thận.

Phế chủ bì mao, dùng phát hãn để tuyên khai phế khí, làm cho nước theo lỗ chân lông đi ra. Khi bị phong hàn xâm phạm làm phế khí không lưu thông, tân dịch không được xuống bàng quang nên nước ứ lại sinh ra thủy thũng.

Tỳ chủ về hóa thấp, có chức năng vận hóa thủy thấp. Khi công năng của tỳ dương giảm sút, không vận hóa được thủy thấp làm cho nước đình lại mà thành chứng thủy thũng.

Thận là tạng của thủy, ở giữa có mệnh môn hỏa có tác dụng ôn vận tỳ dương giúp bàng quang đủ sức khí hóa nước.

Nếu công năng của tỳ và bàng quang yếu hoặc do công năng của mệnh môn hỏa suy kém làm ảnh hưởng đến tỳ và bàng quang làm cho tỳ dương hư không vận hóa được thủy thấp, bàng quang không khí hóa được nước, nước bị đình lại ngấm ra bì phu mà thành thủy thũng.

Thủy thũng phân làm hai loại lớn là Âm thủy và Dương thủy, Âm thủy và dương thủy lại chia ra nhiều thể bệnh tuy luận chứng khác nhau nhưng vẫn còn quy nạp về hai loại trên. Dương thủy phù nửa trên người trước, thuộc thực nhiệt, thể bệnh cấp, tiểu ít đỏ, đại tiện táo, mạch phù sác. Âm thủy, phủ nửa người dưới trước, thuộc hư hàn, tiểu ít nhưng không đỏ, đại tiện thường không táo, mạch trầm tế, do chứng dương thủy lâu ngày không khỏi biến thành.

Hội chứng thận hư thuộc thể âm thủy của chứng thủy thũng.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của Hội chứng thận hư

Có hai loại: Ngoại cảm và nội thương.

Ngoại cảm phong tà thủy thấp

Ngoại cảm phong tà phạm phế làm công năng túc giáng của phế khí mất điều hòa, không thể thông điều thủy đạo, làm cho thủy dịch không xuống được bàng quang mà đình lưu lại, tràn ra bì phu cơ nhục mà thành thủy thũng, gọi là phong thủy thuộc thể dương thủy của chứng thủy thũng.

Ngoại cảm thấp tà do nơi ở ẩm ướt hoặc lội nước dầm mưa, thủy thấp ngấm vào trong, ứ đọng ở trung tiêu hoặc do nội thấp lâu ngày làm tổn thương tỳ dương, ăn uống không điều độ, lo nghĩ quá độ làm tổn thương tỳ khí gây trở ngại công năng vận hóa thủy dịch của tỳ, thủy thấp không đưa xuống được mà hình thành thủy thũng.

Nội thương, ẩm thực, hư lao.

Ăn uống không điều hòa, no đói thất thường hoặc mệt mỏi quá mức làm tỳ khí bị tổn thương, ảnh hưởng đến công năng khí hóa của thận. Tỳ mất chức năng kiện vận đưa đến thủy ứ đọng không chưng hóa được. Thận khí bị tổn thương, chức năng đóng mở không thuận lợi, thủy dịch tràn ra cũng gây nên thủy thũng.

Dương thủy lâu ngày không khỏi hoặc điều trị không triệt để có thể chuyển thành âm thủy.

Các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền

Hội chứng thận hưthể Tỳ dương hư

Triệu chứng: Hai chi dưới phù to, ấn lõm, hông bụng đầy chướng, ăn uống kém, ăn xong càng đầy bụng, sắc mặt vàng, mệt mỏi, chân tay lạnh, đại tiện lỏng, tiểu tiện ít, lưỡi nhợt, mạch trầm hoãn.

Pháp điều trị: Ôn trung kiện tỳ, hành khí lợi thủy

Bài thuốc: Thực tỳ ẩm

Bạch truật 12g Phụ tử chế 4g

Hậu phác 12g Đại phúc bì 8g

Mộc qua 6g Bạch linh 12g

Mộc hương 6g Can khương 6g

Thảo quả 6g Cam thảo 6g

Trong bài Phụ tử chế để ôn tỳ thận, trợ khí hóa làm âm thủy đình trệ phải hành, Can khương để ôn tỳ dương, trợ vận hóa làm hết ngưng trệ của hàn thủy. Phục linh, Bạch truật để kiện tỳ táo thấp, đạm thấp, lợi thủy làm thủy thấp ra bằng đường tiểu tiện. Mộc hương để tỉnh tỳ, hóa thấp lợi thủy. Hậu phác, Mộc qua, Đại phúc bì, Thảo quả để hạ khí đạo trệ, hóa thấp hành thủy. Cam thảo, Sinh khương, Đại táo để điều hòa các vị thuốc.

Châm cứu: Cứu Tỳ du, Vị du, Túc tam lý, Thủy phân, Thần khuyết

Hội chứng thận hưthể Thận dương hư

Triệu chứng: phù toàn thân, từ lưng bụng trở xuống phù nhiều hơn, đau lung, mỏi gối, tứ chi không ấm, sợ lạnh, mệt mỏi, chất lưỡi nhợt, mạch trầm tế.

Pháp điều trị: Ôn thận lợi thủy

Bài thuốc: Chân vũ thang.

Phụ tử chế 6g Phục linh 16g

Sinh khương 3 lát Bạch thược 12g

Bạch truật 12g

Trong bài dùng Phụ tử chế để ôn thận ấm tỳ nhằm trợ dương khí, Phục linh để kiện tỳ thẩm thấp, Sinh khương trợ Phụ tử để ôn dương tán hàn. Bạch truật để kiện tỳ táo thấp, Bạch thược để liễm âm hoãn cấp.

Châm cứu: Cứu Quan nguyên, Khí hải, Thận du, Tam âm giao, Bàng quang du, Mệnh môn.

Phép trục thủy

Âm thủy có hai loại đều là hư chứng như đã trình bày ở trên, xong trong hư có lúc biểu hiện thực chứng (bản hư tiêu thực) như: Phù to toàn thân, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tinh hoàn… Khi đó chúng ta có thể áp dụng phép trục thủy để tiêu thực. Phép trục thủy nói chung thích hợp với thể thực chứng. Bệnh trình ngắn, chính khí chưa tiêu hao nhiều, thủy thũng toàn thân nặng, kèm cổ chướng, tiểu ít, táo bón, mạch thực hữu lực có thể dùng phép trục thủy để trục bớt nước ra ngoài qua đường đại tiện.

Bài thuốc thường dùng: Thập táo thang

Cam toại

Đại kích

Nguyên hoa

Liều lượng bằng nhau, tán bột, mỗi ngày uống 1 lần từ 0,8 – 1,2g. Dùng nước sắc 10 quả đại táo làm thang.

Chú ý:

Sau khi trục thủy được thì dừng thuốc ngay, thời gian công trục không nên kéo dài để tránh tai biến gây tổn thương tỳ vị dẫn đến hôn mê hoặc xuất huyết.

Trong thời gian uống thuốc cần theo dõi chặt chẽ, nếu đau bụng, ỉa chảy, nôn mửa thì dừng thuốc ngay.

Cấm kỵ: Thủy thũng lâu ngày, chính khí cơ thể suy yếu, viêm loét đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa… đều không nên dùng.

Các bài thuốc kinh nghiệm

Bài Tam long trị thủy của lương y Nguyễn Văn Vị (Bệnh viện Đông y Nam Hà)

Bồ hóng bếp 400g Khô phàn 100g

Ích mẫu 300g Bạch phàn 200g

Mã tiền thảo 500g Đại hồi 200g

Vỏ bưởi đào 600g Thảo quả 200g

Quế thanh 200g Bích ngọc đơn 400g

(diêm tiêu và lưu huỳnh)

Một số phương thuốc điều trị chứng thủy thũng của Danh y Hải thượng Lãn Ông:

Bài 1: Hương phụ sao giã bỏ vỏ đen

Sa nhân sao vàng

Liều lượng như nhau, sắc uống.

Bài 2: Vỏ cây dướng, Trư linh, Mộc thông đều 12g, Vỏ dâu, Trần bì 4g, Gừng 3 lát, sắc uống.

Bài 3: Hột đình lịch 100g, Nhục quế 30g

Tán nhỏ, luyện mật làm viên bằng hạt ngô, ngày uống 10 viên với nước nóng.

Bài trướcPhì đại lành tính tuyến tiền liệt trong Y học cổ truyền – Đông y
Bài tiếp theoDI TINH TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.