RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG

Trong Y học cổ truyền rối loạn cương dương được gọi là Dương nuy – để chỉ tình trạng bệnh lý ở nam giới khi giao hợp dương vật không cương cứng hoặc có cương nhưng không cứng do đó ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục bình thường ở nam giới tuổi trưởng thành.

Rối loạn cương dương là một trong ba triệu chứng về tình dục trong bệnh chứng mãn dục nam của y học hiện đại, đó là:

Giảm ham muốn tình dục

Rối loạn cương dương

Giảm số lượng tinh trùng

Theo thống kê sự liên quan của rối loạn cương dương với tuổi tác như sau:

Năm 1995 tại Nhật Bản Sato và cộng sự thống kê 3490 bệnh nhân đã có vợ tỷ lệ rối loạn cương dương ở lứa tuổi 20 – 45 là dưới 2,5%, lứa tuổi 45 – 59 là 23%, lứa tuổi 60 – 64 là 30,4%, lứa tuổi 65 – 69 là 44,3%.

Năm 1997 tại Thượng Hải – Trung Quốc, Wang và cộng sự đã thống kê 1582 bệnh nhân thấy tỉ lệ rối loạn cương dương ở lứa tuổi 41 – 59 là 36,4%, lứa tuổi 60 – 69 là 72.4%.

Năm 1997 tại Việt Nam, Phạm Văn Trịnh và cộng sự đã cho tiến hành điều tra trên 764 nam giới thấy tỉ lệ rối loạn cương dương ở lứa tuổi 18 – 30 là 10,8%, lứa tuổi 41 – 50 là 44% và lứa tuổi trên 65 là 57%.

Các rối loạn về cương dương còn cho thấy có đến 44% người rối loạn cương dương là lao động trí óc, chủ yếu sống ở thành phố. Nguyên nhân chính là do suy giảm nội tiết tố sinh dục Testosteron, bỏi nội tiết tố này có vai trò:

Kích thích sự ham muốn tình dục

Tác động lên quá trình cương cứng dương vật bằng cách kích thích tăng ham muốn lên vỏ não tác động cơ chế thần kinh duy trì cương cứng

Tác động lên tế bào Serfoli ở tinh hoàn làm tăng trưởng sản sinh tinh trùng

Nguyên nhân của sự suy giảm này thường là do tuổi tác, bắt đầu từ 30 tuổi trở đi các tế bào tinh hoàn bắt đầu thoái hóa kéo theo sự suy giảm Testosteron do di truyền, do nếp sống sinh hoạt, lao động trí óc nhiều hơn lao động chân tay, cường độ công việc, nhịp sống, môi trường.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền của rối loạn cương dương

Nguyên nhâncủa rối loạn cương dương

Thanh thiếu niên thủ dâm nhiều, kết hôn sớm (tảo hôn), phòng dục quá độ… làm tiêu hao tinh khí từ đó dẫn đến thận khí bị tổn thương

Sau khi bị bệnh không được chăm sóc và nuôi dưỡng đầy đủ, mắc bệnh mạn tính kéo dài… những nguyên nhân này làm cho chân dương suy yếu.

Cơ chế bệnh sinh

Rối loạn về tình chí, do suy nghĩ lo lắng quá độ ảnh hưởng đến tỳ.

Căng thẳng tinh thần ảnh hưởng đến tâm

Uất giận ảnh hưởng đến can

Kinh khủng sợ hãi ảnh hưởng đến thận

Tỳ là nguồn sinh hóa tạo thành khí huyết, tỳ hư tất khí huyết sẽ suy giảm nên nuôi dưỡng cân (Tông cân – dương vật) bị ảnh hưởng. Tâm chủ huyết mạch và tàng thần nên tâm hư làm huyết không vận hành được bình thường, thần không chủ được sự hợp đồng của các tạng phủ làm cân mạch (Tông mạch) không được nuôi dưỡng đầy đủ và điều hòa. Can chủ cân, can khí uất kết làm mất chức năng sơ tiết và điều đạt nên ảnh hưởng đến sự vận động của cân mạch (Tông cân). Sự sợ hãi, kinh khủng sẽ làm khí loạn, thận khí sẽ bị tổn thương làm ảnh hưởng đến sự điều phối cân mạch.

Ngoài tổn thương các tạng phủ còn có nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh khác như ở những người ăn nhiều các chất béo ngọt, uống nhiều rượu… lâu ngày, dẫn đến tích ngưng trong cơ thể làm ảnh hưởng đến tỳ vị, tích thấp sinh nhiệt, thấp nhiệt hạ trú xuống hạ tiêu làm cân mạch bị tổn thương.

Phân loại các thể lâm sàng theo y học cổ truyềncủa rối loạn cương dương

Rối Loạn Cương Dương Thể Mệnh Môn Hỏa Suy

Triệu chứng lâm sàng: liệt dương, sợ lạnh, tay chân lạnh, lưng gối đau mỏi, váng đầu, ù tai, mệt mỏi, đại tiện phân nát lỏng, sắc mặt nhợt, lưỡi nhợt, mạch bộ xích trầm nhược.

Phương pháp điều trị: Ôn thận tráng dương

Điều trị cụ thể

Châm cứu: Hoang du, Túc tam lý, Tam tiêu du, Quan nguyên, Thận du, Phục lưu, Trung Cực, Thái khê

Bài thuốc cổ phương: Hữu quy hoàn (Cảnh nhạc toàn thư)

Thục địa 16g Đỗ trọng 12g

Hoài sơn 12g Thỏ ty tử 12g

Sơn thù 10g Phụ tử chế 4 – 6g

Kỷ tử 12g Nhục quê 4- 6g

Đương quy 12g Lộc giác giao 12g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Hoặc bào chế dưới dạng viên hoàn, mỗi ngày uống 20g chia 2 lần

Bệnh lâu ngày tình trạng tương đối nặng có thể gia thêm Dâm dương hoắc, Dương khởi thạch, Phỉ lai tử.

Rối Loạn Cương Dương Thể tâm tỳ hư tổn

Triệu chứng lâm sàng: liệt dương, hay hồi hộp, đánh trống ngực, hay quên, ngủ kém, giấc ngủ không sâu, hay mê, ăn kém, người mệt mỏi, sắc mặt vàng nhợt, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: Kiện tỳ, dưỡng tâm

Điều trị cụ thể:

Châm cứu: Châm bổ Tỳ du, Túc tam lý, Trung quản, Tâm du, Nội quan, Tam âm giao.

Bài thuốc cổ phương: Quy tỳ thang

Đẳng sâm 12g Bạch truật 12g

Hoàng kỳ 12g Phục thần 12g

Đương quy 10g Viễn trí 4g

Toan táo nhân 12g Nhục quế 8g

Sinh khương 3 lát Bắc mộc hương 4g

Chích cam thảo 4g Đại táo 3 quả

Tất cả sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Trên lâm sàng có biểu hiện thận dương hư gia thêm: Bổ cốt chỉ, Dâm dương hoắc, Thỏ ty tử.

Nếu có biểu hiện huyết hư gia thêm: Hà thủ ô, Cao quy bản…

Rối Loạn Cương Dương Thể can khí uất kết

Triệu chứng lâm sàng: liệt dương, tinh tình dễ cáu giận, đầy tức nặng vùng mạng sườn, ăn ít lưỡi đỏ nhợt, mạch huyền tế.

Pháp điều trị: Sơ can, giải uất

Điều trị cụ thể:

Châm cứu: Châm tả các huyệt: Hành gian, Phong trì, Xuất cốc, Đầu duy, Bách hội, Quan nguyên

Bài thuốc cổ phương: Tiêu dao tán (Thương hàn luận)

Sài hồ 12g Bạch truật 12g

Bạch thược 12g Đương quy 12g

Cam thảo 4g Phục linh 12g

Bào khương 4g Bạc hà 8g

Dùng dưới dạng thang sắc mỗi ngày uống 1 thang chia 2 lần, hoặc dùng dưới dạng tán bột, mỗi ngày uống 20g chia 2 lần

Trên lâm sàng nếu kèm thêm thận hư gia thêm: Thỏ ty tử, Kỷ tử, Ba kích…

Rối Loạn Cương Dương Thể kinh nô thương thận

Triệu chứng lâm sàng: lo lắng, sợ hãi quá mức mà bị liệt dương. Tâm phiền, dễ sợ, đêm ngủ không yên, trong giấc ngủ mê sảng. Chất lưỡi đỏ nhợt, mạch huyền.

Pháp điều trị: Bổ thận, an thần

Điều trị cụ thể:

Châm cứu: Châm bổ các huyệt: Mệnh môn, Quan nguyên, Thận du, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao. Thận dương hư có thể cứu huyệt Dũng tuyền 5 phút.

Bài thuốc cổ phương: Đại uất thang kết hợp với Tuyên chí thang gia giảm

Thỏ ty tử 16g Viễn chí 6g

Ba kích 16g Toan táo nhân 12g

Bạch thược 12g Bạch truật 12g

Nhân sâm 12g Thăng ma 8g

Sài hồ 10g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Thận hư, khí tổn gia thêm: Bổ cốt chỉ, Kỷ tử, Dâm dương hoắc…

Rối Loạn Cương DươngThể thấp nhiệt hạ trú

Triệu chứng lâm sàng: liệt dương, cơ thể mệt mỏi, đi tiểu ít, khó, đau, nước tiểu đỏ. Tinh hoàn có thể sưng đau, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: Thanh lợi thấp nhiệt.

Điều trị cụ thể:

Châm cứu: Châm tả các huyệt Hành gian, Thái xung, Bách hội, châm bổ Thái khê.

Bài thuốc cổ phương: Long đởm tả can thang (Y tông kim giám)

Long đởm thảo 6 – 8g Hoàng cầm 8 – 16g

Chỉ tử 8 – 16g Sài hồ 4 – 12g

Mộc thông 8 – 12g Cam thảo 4 – 6g

Đương quy 8 – 16g Sinh địa 12 – 20g

Trạch tả 8 – 16g Sa tiền tử 12 – 20g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Đi tiểu có cảm giác đau, buốt, rắt gia: Hoàng bá, Trúc diệp, Hoạt thạch.

Ngoài ra trên thế giới, nhiều nước với nền y học cổ truyền của mình, đã sử dụng nhiều vị thuốc dân gian để điều trị liệt dương bước đầu đã được công nhân như:

Bạch tật lê của y học cổ truyền Ấn Độ.

Yohimbin người Tây phi sử dụng từ rất lâu, cây này có tác dụng cường dương, nhưng gây tăng huyết áp cho người dùng.

Cây cọ lùn Serenoa Serrulata được sử dụng trong y học cổ truyền Bắc mỹ

Cao lipidic từ cây Moca, được sử dụng rộng rãi ở Peru

Đặc biệt các nước Đông Nam Á là Tongkai ali (bá bệnh) được sử dụng rất phổ biến ở các nước Indonesia, Thái Lan và gần đây là Việt Nam (dưới chế phẩm Khang Dược).

Bài trướcĐAU VAI GÁY CẤP TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y
Bài tiếp theoPhì đại lành tính tuyến tiền liệt trong Y học cổ truyền – Đông y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.