Điều TrịBệnh Uốn Ván

Kiểm soát các cơn co giật

Thuốc tốt nhất là Diazepam ( SEDUXEN, VALIUM ), đường tĩnh mạch. Liều dùng: khởi đầu 1-2 ống 10 mg cho người lớn, sau đó nếu cần tiêm lặp lại. Liều tối ưu được xác định khi khống chế được các cơn co giật toàn thân mà bệnh nhân vẫn còn tỉnh. Lượng thuốc thay đổi tùy theo từng bệnh nhân và tùy theo diễn biến lâm sàng, nhưng không quá 7 mg/ kg/ ngày.

Khi không có Diazepam hay đã dùng liều khá cao mà không chế ngự được cơn giật, có thể đổi hay phối hợp thêm với Phenobarbital. Tuy nhiên, lưu ý dùng Phenobarbital có ức chế hô hấp. Các thuốc khống chế cơn co giật khác như Chlopromazine, Pancuronium chỉ được dùng ở các trung tâm lớn, bảo đảm được hô hấp hỗ trợ.

Diệt vi khuẩn

Penicilline, 3 – 5 triệu đơn vị /ngày, tiêm tĩnh mạch x 10 ngày.

Metronidazole 1 – 2 g/ ngày x 10 ngày, truyền tĩnh mạch, có ưu điểm hơn về mặt lý thuyết (không đối kháng với GABA như Penicilline ) lẫn thực hành, nhưng giá thành đắt hơn. Có thể dùng riêng lẻ hay phối hợp cả hai kháng sinh trên.

Nếu tìm được đường vào, phải mở rộng, dẫn lưu, lấy các dị vật, các mô hoại tử

và rửa bằng Oxy già. Dùng thêm các kháng sinh khác nếu có bội nhiễm.

Trung hòa độc tố

Globulin miễn dịch uốn ván từ người (HTIG : Human tetanus immunoglobulin): Không gây sốc phản vệ và bệnh huyết thanh, bảo vệ được 8 -14 tuần. Liều dùng :

500 đv tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch có hiệu quả tương đương với liều cao hơn (3000-5000 đv).

SAT: Ở nước ta hiện nay chưa có kháng huyết thanh người, chỉ có SAT nguồn gốc từ ngựa. Tuy giá thành rẻ hơn, nhưng SAT ngựa dễ gây phản ứng, bệnh huyết thanh và thời gian kháng thể tồn tại trong người ngắn (chỉ 1 tuần). Liều dùng: 10.000-50.000 đv tiêm bắp. Phải thử phản ứng trước khi dùng. Nếu có dị ứng, phải giải mẫn cảm bằng cách tiêm từng liều nhỏ tăng dần (phương pháp Besredka). Tuy nhiên, dù test thử âm tính vẫn có thể xảy ra phản ứng thuốc.

Săn sóc bệnh nhân

Nuôi dưỡng hoặc bằng đường tĩnh mạch, hoặc nếu có thể đặt ống thông dạ dày.

Bảo đảm nhu cầu calo, nước, điện giải, protide, lipide, vitamin và muối khoáng cho bệnh nhân.

Xoay trở để chống loét. Ở giai đoạn hồi phục, tập và xoa bóp các cơ, phòng cứng cơ và khớp về sau.

Có thể dùng thuốc chống đông phòng thuyên tắc.

Theo dõi và xử trí các biến chứng

Quan trọng nhất là nguy cơ ngạt thở do co thắt thanh môn và suy hô hấp do các cơ hô hấp co cứng kéo dài . Khi không khống chế được cơn co: mở khí quản cấp cứu và hô hấp hỗ trợ (thở máy). Một số tác giả có chỉ định mở khí quản sớm, nhưng phải đủ điều kiện vô trùng và săn sóc bệnh nhân tích cực.

Biến chứng ngừng tim thường đột ngột và khó xử trí. Kích thích điện hay cơ học kèm theo xoa bóp tim ngoài lồng ngực có thể cứu được bệnh nhân.

Hạ huyết áp : truyền dịch và dùng các thuốc vận mạch

Tăng huyết áp : dùng thuốc chẹn alpha – beta như Labetalol

Theo dõi các chức năng thận , bàng quang, ruột. Đề phòng loét, chảy máu tiêu hóa

Phát hiện và điều trị bội nhiễm.

Phòng BệnhBệnh Uốn Ván

Tiêm phòng

Ở nước ta, tiêm phòng uốn ván được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi. Thường phối hợp với vaccine ho gà và bạch hầu (DPT). Tiêm từ tháng thứ 2 trở đi, ba lần liên tiếp, cách nhau 1 tháng. Tuy nhiên, lần tiêm nhắc lại sau 3-5 năm chưa được chú trọng.

Phụ nữ có thai được tiêm phòng 2 lần vào quý cuối và 1-2 tuần trước khi sinh.

Hữu hiệu nhất là tiêm phòng cho toàn dân. Tiêm liên tiếp 3 mũi, cách nhau một tháng, 5 năm rồi 10 năm tiếp theo, tiêm nhắc lại mỗi lần một mũi, có tác dụng phòng bệnh gần như suốt đời. Bệnh nhân sau khi khỏi uốn ván cũng phải tiêm phòng.

Cải thiện chất lượng các nhà hộ sinh cơ sở, nâng cao kiến thức vệ sinh cho nhân dân cũng làm giảm tỷ lệ uốn ván sơ sinh đáng kể, nhất là những vùng chưa tiêm phòng rộng rãi được.

Xử lý vết thương có nguy cơ uốn ván

Rửa sạch vết thương bằng nước ấm vô trùng. Lấy sạch các dị vật, các mô hoại tử.

Phá bỏ các ngách, dẫn lưu, sát trùng bằng Oxy già, để hở vết thương, kháng sinh.

Trong trường hợp không xử lý triệt để được, bên cạnh kháng sinh có thể dùng

SAT (1500-3000 đv, tiêm bắp ), sau đó tiêm phòng uốn ván ( 0.5ml Anatoxin, tiêm bắp, tiêm nhắc lại sau 1 tháng và 6 tháng ).

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.