Cam thảo nam

Herba et Radix Scopariae

Cam thảo đất, Dã cam thảo, Thổ cam thảo

Toàn cây kể cả rễ dạng tươi hay đã phơi hoặc sấy khô của cây Cam thảo nam (Scoparia dulcis L.) họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

Mô tả

Phần trên mặt đất cao khoảng 0,4 – 0,7 m, mọc thẳng đứng, thân già hoá gỗ ở gốc, phần thân non có nhiều khía dọc. Lá mọc đối hoặc mọc vòng ba, dài 3 – 5 cm, rộng 1,5 – 3,0 cm, phiến nguyên, hẹp dần ở gốc, mép có răng cưa thưa ở nửa cuối, gân lá hình lông chim. Hoa nhỏ, cánh hoa màu trắng, mọc riêng rẽ hay thành từng đôi ở kẽ lá. Cuống quả dài 0,8 – 1,5 cm. Quả nang nhỏ đựng trong đài tồn tại, màu nâu đen. Đài đồng trưởng và quả bên trong có dạng gần như tròn với núm nhụy thò ra ở đỉnh quả, dài 1 – 2 mm. Quả luôn tồn tại ở kẽ lá làm thành điểm đặc sắc của cây. Rễ chính nhỏ, màu nâu đỏ nhạt, với nhiều rễ phụ. Toàn cây có mùi thơm nhẹ, vị đắng sau hơi ngọt.

Vi phẫu

: Phần gân giữa, ngoài cùng là biểu bì có cutin răng cưa, kế đến là lớp mô dầy, mô mềm gồm các tế bào màng mỏng. Bó libe gỗ chính có hình cung với libe ở dưới và gỗ gồm một số mạch xếp thành chuổi ở phía trên. Ở phần phiến lá, phía dưới biểu bì trên là mô mềm giậu; kế đến là mô mềm khuyết và biểu bì dưới. Lông tiết gồm hai loại: chân đơn bào, đầu 4 – 8 có khi 10, 16 tế bào thường nằm trong phần lõm của phiến lá; loại chân đa bào gồm 2 – 5 tế bào, đầu đơn bào thường có ở gân lá.

Thân:thiết diện đa giác hoặc hơi tròn có 4 – 6 u lồi. Biểu bì có cutin răng cưa và mang nhiều lông tiết hai loại như ở lá. Dưới biểu bì là mô dầy tròn; ở chỗ ứng với u lồi, dưới biểu bì còn có thể có đám mô cứng rồi mới đến mô dầy. Kế đến là mô mềm vỏ có những khuyết rải rác. Libe cấp hai gồm các tế bào hình chữ nhật nằm theo hướng tiếp tuyến, màng khá dầy, phía ngoài libe có nhiều đám sợi ở vùng trụ bì. Gỗ cấp hai thành vòng liên tục, bên trong là mô mềm tủy màng còn cellulose hay hoá thành mô cứng riêng lẻ từng tế bào hay tụ thành từng đám tế bào màng khá dày, có nhiều tế bào thấy rõ vách ngăn ngang có lỗ rây lấm tấm.

Rễ:ngoài cùng là lớp bần khá dầy. Kế đến là mô mềm vỏ với những lỗ khuyết khá to và cách khoảng đều đặn. Libe cấp hai xếp thành vòng liên tục với các tế bào nhỏ hơn tế bào mô mềm. Gỗ cấp hai chiếm tâm với nhiều mạch to hơn tế bào mô mềm gỗ gấp 3 – 4 lần, mô mềm gỗ với các tia gỗ khá rõ.

Bột

Bột có màu vàng lục, ít xơ, mùi thơm nhẹ, vị hơi ngọt.

Mảnh biểu bì gồm các tế bào màng ngoằn ngoèo, mang khí khổng kiểu hỗn bào. Lông tiết chân đơn bào, đầu 4, 6 hoặc 8, 10 (có khi đến 16 – 20) tế bào có dạng giống hoa mai, chứa chất tiết màu vàng nâu. Lông tiết chân dài gồm 4 – 5 tế bào, đầu đơn bào chứa chất tiết màu hơi xanh. Mảnh mạch vạch, mạch xoắn, mạch điểm, mạch mạng. Mảnh tế bào mô cứng hoặc tế bào mô cứng riêng lẻ màng dày có ống trao đổi; sợi; mảnh mô mềm; hạt tinh bột; mảnh bần; hạt phấn hoa hình cầu, không có gai, màu vàng nhạt (nếu mẫu dược liệu có hoa).

Định tính

A. Dùng phần dịch lọc còn lại trong mục xác định hàm lượng chất chiết được để làm phản ứng định tính. Lấy khoảng 20 ml dịch chiết đem bốc hơi trên cách thủy đến cạn. Hoà cắn trong 10 ml nước nóng, lọc. Dịch lọc đem tiến các phản ứng sau:

Nhỏ vài giọt dịch lọc lên giấy lọc, để khô, nhỏ tiếp vài giọt dịch lọc trùng với vết cũ, để khô. Soi UV ở bước sóng 365 nm: phát quang màu xanh dương. Nhỏ thêm 1 – 2 giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT) lên vết dịch lọc cũ, soi UV 365 nm: phát huỳnh quang màu vàng tươi.

Lấy khoảng 2 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm, thêm vài giọt dung dịch natri hydroxyd 10% (TT): dung dịch có màu vàng tăng lên so với ống chứng không nhỏ natri hydroxyd.

Lấy khoảng 3 ml dịch lọc, thêm một ít bột magnesi (TT) và khoảng 1 ml acid hydroclodric (TT). Nhúng ống nghiệm vào nước sôi khoảng 10 giây: xuất hiện màu đỏ nâu.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)

Bản mỏng: Silica gel G 60 F254 (bản tráng sẵn).

Dung môi khai triển : Benzen.

Dung dịch thử: Lấy 5 g bột dược liệu khô cho vào bình nón dung tích 250 ml, thêm 80 ml nước. Đun sôi trong 10 phút. Gạn qua bông lấy dịch lọc. Lắc dịch lọc nước với khoảng 10 ml ethyl acetat (TT). Dịch ethyl acetat cô cách thủy đến cắn, hoà cắn trong 2 ml ethyl acetat (TT) .

Dung dịch đối chiếu: Lấy 2 g dược liệu cam thảo nam khô cho vào bình nón dung tích 250 ml, thêm 30 ml nước. Tiến hành chiết như với dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng khoảng 10 μl dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 10 – 12 cm, lấy bản mỏng ra, phun lên bản mỏng dung dịch vanilin – sulfuric (TT). Sấy bản mỏng ở 100 – 105 oC trong khoảng 5 phút.

Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết màu tím hay xanh tím, có màu sắc và giá trị Rf giống với sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 13% .

Tro toàn phần

Không quá 10% .

Tạp chất

Không quá 1% .

Chất chiết được trong dược liệu

Cân chính xác khoảng 5 g bột dược liệu khô cho vào bình nón dung tích 250 ml có nút mài. Thêm chính xác 75 ml ethanol 96% (TT). Đậy nút, lắc đều, cân chính xác đến 0,1 g khối lượng bình và nắp. Để yên khoảng 30 phút, thỉnh thoảng lắc. Lắp sinh hàn hồi lưu. Đun cách thủy khoảng một giờ. Để nguội và cân. Điều chỉnh khối lượng bình bằng với khối lượng trước khi đun bằng cách thêm ethanol 96% (TT). Lấy chính xác 25 ml dịch lọc cho vào chén sứ (hoặc becher) đã sấy đến khối lượng không đổi ở 100 oC, phần dịch lọc còn lại được dùng để làm phản ứng định tính. Bốc hơi dịch lọc trên bếp cách thủy cho đến cắn. Sấy ở 100 oC trong một giờ. Cân và tính kết quả.

Kết quả được tính theo công thức :

X% = (a-b).30.000/(100c-ch)

Trong đó:

a là khối lượng chén có cắn.

b là khối lượng chén không có cắn.

c là khối lượng dược liệu đem thử.

h là độ ẩm phần trăm.

Dược liệu phải chứa từ 8 – 20% hàm lượng chất chiết được tính theo dược liệu khô kiệt.

Sơ chế

Thu hái vào mùa xuân và mùa hạ, đào cả rễ, rửa sạch, phơi hay sấy khô.

Bào chế

Loại bỏ tạp chất, cắt đoạn, vi sao.

Bảo quản

Nơi khô ráo, thoáng mát.

Tính vị, qui kinh

Cam,vi khổ, hàn. Quy vào kinh: tỳ, vị, phế, can.

Công năng, chủ trị

Bổ tỳ, sinh tân, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, lợi niệu. Chủ trị:

1. Cảm cúm, sốt, nóng nhiều, ho khan, ho có đờm;

2. Lỵ trực tràng;

3. Tê phù, phù thũng, giảm niệu. Để tươi chữa ho khan; sao thơm chữa ho đờm và tiêu sưng.

Dùng ngoài, ép lấy dịch từ cây tươi trị mụn nhọt, lở ngứa, eczema.

Cách dùng, liều lượng

Dùng tươi ngày dùng 20 – 40 g. Dùng khô 8 – 12 g, dịch ép, thuốc hãm hoặc thuốc sắc.

Bài trướcCánh kiến trắng
Bài tiếp theoTác dụng chữa bệnh của mộc nhỉ đen

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.