Những ngày này, khí hậu chuyển lạnh, trẻ em rất dễ bị bệnh lý đường hô hấp trong số đó có một tỷ lệ chuyển sang bị viêm tai giữa cấp. Theo thống kê, tại khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 số lượng bệnh nhi bị viêm tai giữa cấp tăng gấp đôi. Sau đây là một số điểm cần lưu ý giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh lý này và có cách xử lý phù hợp.

Bệnh viêm tai giữa cấp là gì?

Từ ngoài vào trong: Vành tai, đến ống tai ngoài, rồi đến màng nhĩ. Phía sau màng nhĩ có một khoảng không chứa không khí, chuỗi xương con và thông với vòm họng qua một ống gọi là vòi nhĩ – toàn bộ cấu trúc phía sau màng nhĩ này được gọi là tai giữa. Khi có bệnh lý ở đường hô hấp trên, dù tác nhân gây bệnh là vi rút hay vi trùng đều có thể gây viêm vòi nhĩ rồi dẫn đến viêm tai giữa ngay sau đó.

Khi tai giữa bị viêm sẽ có triệu chứng gì?

Trong trường hợp điển hình viêm tai giữa cấp thường đi sau bệnh lý đường hô hấp trên, tuy nhiên bệnh cũng có thể khởi phát độc lập. Khi bị viêm tai giữa cấp trẻ có thể có tất cả hoặc chỉ có một trong các triệu chứng sau:

Nóng sốt: có thể sốt nhẹ thoáng qua nhưng cũng có thể sốt cao dai dẳng.

Đau tai: đây là triệu chứng điển hình của viêm tai giữa cấp. Triệu chứng này thường làm quý phụ huynh lo ngại nhất. Vì đau tai có thể khởi phát một cách đột ngột: bé đang choi ban ngày hoặc đang ngủ yên vào ban đêm bỗng nhiên than đau tai dữ dội như có con gì chui vô tai. Đối với trẻ nhỏ thường hay có triệu chứng khóc ré lên vô cớ hoặc bứt rứt đưa tay đập, ngoáy vào tai.

Ói mửa, hoặc tiêu chảy: hai triệu chứng này tuy ít gặp nhưng thường đánh lừa thầy thuốc và làm chẩn đoán sai lệch sang bệnh lý của đường tiêu hóa.

Chảy mủ tai: triệu chứng này thường có sau 3 đến 5 ngày sốt cao liên tục và sau khi chảy mủ tai thì hết sốt. Tuy nhiên cũngcó thể chỉ là một triệu chứng đơn độc tự nhiên phụ huynh phát hiện ờ ống tai ngoài của trẻ chảy ra một ít dịch màu vàng nhạt , đôi khi đặc keo nhẹ hoặc có màu nâu nhạt như sô-cô-la.

viêm tai giữa ở trẻ em
viêm tai giữa ở trẻ em

Bạn làm gì khi trẻ bị viêm tai giữa cấp?

Bạn có thể giúp cho trẻ hạ sốt hoặc làm dịu cơn đau tai của trẻ bằng cách cho trẻ uống một liều paracetamol: liều 10-15 mg/kg. Trường hợp trẻ bị chảy mù tai bạn nên dùng khăn sạch nhúng nước ấm vắt ráo lau chùi vành tai và cửa tai ngoài sạch sẽ, bạn không nên cố chùi sạch mủ trong ống tai bằng que gòn vì đôi khi bạn có thể làm cho trẻ bội nhiễm hoặc tổn thương ống tai và màng nhĩ ngoài ý muốn. Sau đó bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có kế hoạch theo dõi và điều trị phù hợp.

Bạn cần làm gì để giúp trẻ phòng ngừa bệnh lý này?

Giữ vệ sinh sạch sẽ: tắm rửa sạch sẽ, nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên, vệ sinh đồ dùng và đồ chơi cho trẻ.

Giữ ấm cho trẻ: mang bít tất, quấn khăn cổ, mặc áo ấm. Nằm ngủ nơi khuất gió.

Làm sạch đường hô hấp: nhỏ nước muối sinh lý natri clorua 0,9% vào mũi của trẻ 3-10 giọt một bên ngày 3-5 lần để làm sạch đường hô hấp.

 

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.