Tuyến tiền liệtlà một tuyến đặc biệt chỉ có ởnam giới, kích thước 4cm rộng x 3 cm cao x 2,5 cm dầy, có khối lượng từ 15 – 25g, tiết ra chất nhờn và tạo nên một số thành phần của tinh dịch. Dọc theo thân của tuyến tiền liệt có các chuỗi mạch – thần kinh kích thích sự cương dương của dương vật.
Viêm tiền liệt tuyến là bệnh thường xảy ra ở người có tuổi nhưng cũng có khi ở người trẻ, thường cóhoạt động tình dụcvà được chia làm ba loại: viêm cấp tính dovi khuẩn, viêm mãn tính do vi khuẩn và viêm không do vi khuẩn.Bệnh này không nguy hiểm nhưng gây nhiều phiền toái và biến chứng nếu không điều trị đúng. Nhiều bệnh nhân viêm tiền liệt tuyến đi chữa bệnh nhưng không khỏi, bệnh kéo dài dai dẳng, có người điều trị năm bảy ngày thấy bớt triệu chứng đã bỏ điều trị, không tái khám nên tái phát vàbiến chứngnặng.
Triệu chứng
Khi bị viêm tuyến tiền liệt, người bệnh thường có các triệu chứng kích thích là tiểu đêm hay đái đêm, tiểu nhiều lần, tiểu lắt nhắt (luôn buồn tiểu), tiểu rớt giọt hay đái dắt và có các triệu chứng bế tắc là tiểu khó, tiểu phải rặn, tiểu buốt, rát, tiểu chậm – đi tiểu nhưng không tiểu được ngay, nặng nhất là bí tiểu (thường gặp khi viêm cấp tính).
Có hai loại nhiễm trùng tuyến tiền liệt, cấp tính và mãn tính.
Nhiễm trùng cấp tính xảy ra đột ngột và có một số hoặc tất các triệu chứng sau:
- Sốt và ớn lạnh
- Tiểu và xuất tinh đau rát
- Thường buồn tiểu và tiểu rắc
- Đau ở bụng và lưng dưới
- Tiểu ra máu (thỉnh thoảng)
Nặng hơn thì thấy tuyến tiền liệt sưng to, nước tiểu đục, kèm theo đái buốt, đái dắt và có khi đái khó. Người bệnh sốt cao 38 – 39ºC, có khi rét run. Bạch cầu và tốc độ máu lắng đều tăng cao. Thăm dò trực tràng có cảm giác nóng, ấn vào tuyến tiền liệt thì rất đau. Kiểm tra nước tiểu: đầu bãi, nước tiểu có mủ, giữa bãi thì nước tiểu trong nhưng ở cuối bãi, nếu cho ngón tay vào trực tràng xoa nắn tuyến tiền liệt thì nước tiểu có dịch đục và mủ chảy ra theo
Các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt mãn tính thường nhẹ hơn nhiễm trùng ác tính và thường không bị sốt và ớn lạnh. Cả hai loại đều có thể xảy ra do nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bệnh viêm tuyến tiền liệt rất khó phát hiện vì triệu chứng của nó có những điểm tương tự giống với một số bệnh như bệnh viêm nhiễm bàng quang hoặc niệu đạo.
Bệnh viêm tuyến tiền liệt có thể biểu hiện ở nhiều dạng:
- Thể I- Viêm nhiễm khuẩn cấp: Triệu chứng thường xuất hiện bất ngờ, bao gồm: sốt và rét, có cảm giác như bị cúm, đau ở tuyến tiền liệt, ở phần dưới thắt lưng hoặc ở vùng sinh dục, đái dắt, đau rát hoặc khó khăn khi đi tiểu, đôi khi trong nước tiểu, trong tinh dịch có máu, đau khi xuất tinh. Viêm tuyến tiền liệt cấp là một bệnh nghiêm trọng, cần phải đi viện điều trị kịp thời.
- Thể II- Viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn mãn tính: Triệu chứng gần giống như viêm cấp nhưng phát triển chậm hơn và không nguy hiểm bằng viêm cấp. Viêm tuyến tiền liệt mãn chỉ sốt nhẹ, thường hay đi tiểu đêm và kéo theo cả viêm bàng quang tái phát.
- Thể III- Viêm tiền liệt tuyết mãn không nhiễm khuẩn: Đây là loại phổ biến nhất. Nói chung các biểu hiện và triệu chứng của dạng này giống với type II, nhưng hầu như không bị sốt. Tuy nhiên sự khác nhau chính là không thấy vi khuẩn khi làm xét nghiệm nước tiểu và trong dịch của tuyến tiền liệt. Có khi có các tế bào mủ trong nước tiểu.
- Thể IV- Viêm tuyến tiền liệt không có triệu chứng: không cần xử lý.
Bệnh viêm tuyến tiền liệt rất khó chẩn đoán một phần vì triệu chứng của nó khá giống với một số bệnh khác, ví dụ như bệnh viêm nhiễm bàng quang hoặc niệu đạo.
Nguyên nhân
Theo y học hiện đại thì viêm tuyến tiền liệt thường là thứ phát của các chứng viêm niệu đạo, viêm tinh nang, viêm mào tinh hoàn hoặc viêm các vùng lân cận trực tràng. Vi khuẩn gây bệnh thường là các loại tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn đại trường và trực khuẩn loại bạch hầu. Những yếu tố dẫn đến bệnh thường là cơ thể cảm lạnh, rượu chè quá mức, chấn thương vùng hội âm, phòng dục quá độ v v…
Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính là do nhiễm trùng từ niệu đạo, nhiễm trùng đường tiểu hoặc nhiễm trùng qua quan hệ tình dục, có khi bị nhiễm trùng qua đường máu (ít gặp)… Nếu bị viêm cấp tính mà không điều trị triệt để sẽ dẫn tới áp xe tuyến tiền liệt. Còn nếu không điều trị đúng cách, dễ bị nhiều biến chứng như nhiễm trùng máu, viêm nội mạc cơ tim, bí tiểu cấp tính, viêm mào tinh hoàn….
Trường hợp viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn, nguyên nhân chủ yếu do nhiễm khuẩn từ dưới lên, kèm theo các bệnh hoa liễu sau các cuộc giao hợp. Chủng loại vi khuẩn gây viêm tuyến tiền liệt mãn tính thường là E.coli, ngoài ra còn các loại vi khuẩn khác có thể gây bệnh nhưng ít hoặc hiếm gặp hơn như clamydia, gonocoque, vi khuẩn lậu… Đặc điểm của viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn là viêm kéo dài kèm theo các cơn đau từng đợt cách quãng.
Biến chứng của viêm tuyến tiền liệt mãn tính tùy thuộc vị trí tổn thương viêm: nếu ổ viêm ở chỏm tuyến tiền liệt sẽ phát triển thành những tổ chức xơ, gây ra tiểu khó vì xơ cứng cổ bàng quang, nếu viêm ở vùng đáy sẽ gây ra những đợt viêm kịch phát, nguồn gốc của những đợt đau và chảy mủ không liên tục. Đôi khi bệnh nhân còn bị hoại tử, bị vôi hóa tuyến tiền liệt ở chỗ bị viêm nhiễm, xuất tinh ra máu.
Trong trường hơp viêm tuyến tiền liệt không có liên quan đến một dạng viêm nhiễm nào, chứng bệnh có thể trở nên mãn tính và được gọi là viêm tuyến tiền liệt mãn tính hay gây nên hội chứng đau khung xương chậu mãn tính.
- Nhóm nguy cơ cao
Viêm tiền liệt tuyến là bệnh rất xảy ra ở nam giới trong độ tuổi trung niên (thường có hoạt động tình dục) bệnh thường gặp ở những người:
- Đàn ông có tuổi, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên, có thể phát triển cả ở người dưới 40
- Những người mới bị viêm bàng quang hoặc đường tiết niệu
- Phải đặt ống sonde
- Đang đi tiểu lại đột ngột dừng
- Làm những nghề có chấn động hoặc rung nhiều
- Lắc hoặc đi xe đạp liên tục
Những người có yếu tố nguy cơ cao bị viêm tuyến tiền liệt còn là những người có tuyến tiền liệt to, người hay bị sỏi thận, người hay bị nhiễm trùng đường tiểu và người có những bế tắc đường tiểu dưới như hẹp bao quy đầu.
VIÊM TIỀN LIỆT TUYẾN TRONG ĐÔNG Y
Theo y học cổ truyền thì bệnh này thuộc phạm trù chứng tinh tiết lao lâm nhiệt lâm bạch trọc còn có thể là chứng long bế, di tinh, dương nuy. viêm tuyến tiền liệt cấp là do cảm nhiễm độc tà, thấp nhiệt hạ chú gây kinh lạc tắc, khí huyết ứ trệ, bàng quang khí hóa rối loạn. Viêm tuyến tiền liệt mạn là do phòng dục quá độ làn tổn thương tinh khí gây nên thận khí suy yếu, thấp nhiệt tà xâm lấn, hoặc do ngày thường rượu chè quá mức làm cho Tỳ Vị bị tổn thương, thấp nhiệt sinh ra ở bên trong, dồn xuống dưới khiến cho kinh lạc bị trở, khí huyết ứ trệ gây nên.
Viêm tiền liệt tuyến cấp tính thời gian phát bệnh khá nhanh. Chứng trạng khá điển hình, đều đa phần biểu hiện là chứng thấp nhiệt, độc nhiệt, ứ nhiệt.
Viêm tiền liệt tuyến mạn tính những nguyên nhân khác nhau dẫn đến, và phân hư thực để chữa. trường hợp thực là thấp nhiệt, huyết ứ, đàm trọc; trường hợp hư bao gồm trung hư thận hư. Đông y áp dụng nhiều biện chứng luận trị. Theo tây y một trong những yếu tố làm bệnh viêm tuyến tiền liệt khó điều trị là “hàng rào” mô của tuyến tiền liệt ít cho kháng sinh thâm nhập. Vì vậy, kháng sinh chỉ vào được tuyến tiền liệt khoảng 10-20% hàm lượng thuốc uống nên phải kéo dài thời gian điều trị thuốc có khi lên đến 12 tuần. Thậm chí một số trường hợp khi điều trị bác sĩ phải đeo găng, đưa tay vào hậu môn bệnh nhân để xoa bóp tuyến tiền liệt cho chảy mủ ra, bơm nitrate bạc vào niệu đạo.
Sau đó kết hợp uống thuốc kháng sinh. Việc điều trị này phiền phức cho cả bác sĩ, bệnh nhân và ít bác sĩ biết điều trị đúng cách vì bác sĩ nội khoa thì không rành việc xoa bóp, còn bác sĩ ngoại khoa thì thường chỉ chú ý đến những bệnh nhân cần phẫu thuật nên điều trị liệu trình dài, tác dụng phụ nhiều. Trong khi đó đông y với biện chứng đã có từ lâu nên có những ưu thế hơn hẳn.
Kinh nghiệm điều trị của những danh y thuộc khoa nam học đông y :
- Kinh nghiệm nhà họ Thi điều trị qua nhiều đời cho rằng:
Bệnh phát sinh có liên quan đến thấp nhiệt uẩn kết ở hạ tiêu, lúc đầu thường là thực chứng, sau đó bệnh lâu ngày là hư thực thác tạp. Tính của thấp dính nhớt, thấp và nhiệt uẩn kết khó mà tiêu, bệnh lâu ngày đi vào lạc, gây ứ huyết nên kéo dài không khỏi. Ngoài ra sức thuốc khó có thể đến bộ phận bị bệnh cũng là 1 nguyên nhân khó khỏi.
Căn cứ vào chẩn đoán tây y, đông y cho rằng nguyên tắc biện chứng luận trị, lâm sàng chia làm 5 thể:
- Thể thấp nhiệt tà uẩn kết,
Pháp: thanh nhiệt lợi thấp giải độc hoạt huyết. Thuốc dùng:
Bại tương thảo 15g, Hổ trượng 10g, Xích thược 20, Vương bất lưu hành 10, Ý dĩ nhân 30, Tỳ giải 15g, Hoàng bá 10, Thạch xương bồ 10, Thạch vi 10
Bồ công anh 15, Mộc thông 10 (nay Việt Nam cấm dùng các thầy thuốc thường dùng thông thảo thay thế)
Bồ công anh 15
- Thể bệnh lâu ngày vào lạc, huyết ứ khí trệ.
Dùng phép hoạt huyết hóa ứ là chủ yếu thanh lợi là thứ yếu. Thuốc dùng:
Đương quy 10, Đan sâm 20, Vương bất lưu hành 10, Xích thược 15,
Sài hồ 5, Nguyên hồ 10, Xuyên luyện tử 10, Bại tương thảo 15,
Hương phụ 10
- Thể tỳ thận lưỡng hư
Dùng phép kiện tỳ ích thận.
Thuốc dùng:
Tỳ giải 10, Ý dĩ 30, Phục linh 10, Thạch xương bồ 10, Ích trí nhân 10, Ô dược 10, Thương truật 15, Thỏ ty tử 15
- Thể thận dương khuy hư
Dùng phép dưỡng can huyết bổ dương.
Thuốc dùng:
Sài hồ 5, Đương quy 10, Bạch thược 10, Ngô công 3 con, Cam thảo 10, Dâm dương hoắc 10, Thỏ ty tử 10, Câu kỷ tử 10, Ba kích 10, Đảng sâm 20
- Thận âm bất túc
Dùng pháp tư âm hóa trọc.
Thuốc dùng
Thục địa 10, Sơn thù 10, Đan bì 10, Phục linh 10, Trạch tả 10, Tỳ giải 10, Hoàng bá 10, Liên tâm 10, Nữ trinh tử 15, Vương bất lưu hành 10
Theo kinh nghiệm điều trị viêm tiền liệt tuyến
- Theo kinh nghiệm điều trị viêm tiền liệt tuyến của Lưu ĐỗXương.
Ông cho rằng bệnh cơ của viêm tiền liệt tuyến là thấp nhiệt uẩn kết, khí trệ huyết ứ.
Trên lâm sàng nên dùng phân rõ hư thực, để biện chứng luận trị.
Nguyên tắc điều trị là thực thì thanh lợi, hư thì bổ ích. Thực thì lấy thanh lợi thấp nhiệt, hoặc sơ can lý khí, hoạt huyết hóa ứ là chủ. Hư thì nếu tỳ hư là chủ. Dùng kiện tỳ ích khí, nếu thận hư là chủ thì ích thận bổ hư. Tự sáng tạo ra bài kinh nghiệm trị tiền liệt tuyến : tiểu hồi hương 3g , xuyên luyện tử, vương bất lưu hành, đan sâm đều 12g, chỉ thực, mộc thông đều 10g, xa tiền tử, sa sâm đều 15g, bạch hoa sà thiệt thảo 20g, đại hoàng, cam thảo đều 6g. Gia giảm:
Nếu thấp nhiệt uẩn kết thấy chứng hàn nhiệt giao tranh, tiểu tiện đau rát, tiểu không hết bãii, lưỡi đỏ, rêu vàng dày, mạch huyền hoạt gia hoàng bá, bại tương thảo, chi tử và thêm thuốc thanh nhiệt giải độc lợi thấp.
Nếu thuộc khí trệ huyết ứ gia xích thược, uất kim, đào nhân, tạo giác thích, để tăng cường sơ can lí khí hoạt huyết hóa ứ, nếu thuộc thận âm khuy hư, bỏ sa tiền tử, mộc thông, bạch hoa sà thiệt thảo, gia tri mẫu, hoàng bá, nữ trinh tử, hạn liên thảo, để tư thận âm, tả thận hỏa.
Nếu tỳ thận dương hư, bỏ mộc thông, bạch hoa sà thiệt thảo, sa sâm, gia kim anh tử, tang phiêu tiêu, đỗ trọng, cẩu tích, tục đoạn để bổ thận tráng dương, chỉ sáp cố tinh.
Theo Trương Trí Quân.
Ông cho rằng con người là 1 chỉnh thể thống nhất, nên cần kết hợp điều trị bộ phận và toàn thân, tức là thanh nhiệt lợi thấp thông lâm đồng thời bổ thận âm hoặc âm dương song bổ, và kết hợp hoạt huyết hóa ứ tán kết. chú ý điều tiết công năng cơ thể, khiến âm dương được bình ổn. ông phân ra 3 thể:
- Hạ tiêu thấp nhiệt, cần thanh lợi để khứ đàm, ông cho rằng không trừ được cái đàm thì đau rát khó mà hết, trên cơ sở thanh lợi thấp nhiệt phải phụ trợ thuốc trừ đàm, thường dùng tỳ tiêu ẩm gia giảm. bồ công anh, cúc hoa, kim ngan hoa, phục linh, xa tiền tử, đều 15g, miết giáp, xuyên sơn giáp, bạch giới tử đều 10g, tạo giác thích 6g.
- Huyết ứ trở trệ, cần hoạt huyết thẳm thanh lợi. ông cho rằng khi huyết ứ cùng với thấp, cần hoạt huyết háo ứ phụ trợ thêm thanh nhiệt hóa thấp. thường dùng thông kinhg hoạt lạc hoàn gai giảm, đương quy, đào nhân, ngưu tất, xích thược, chi tử đều 10g, xuyên sơn giáp, vương bất lưu hành, hoàng bá, xa tiền tử đều 15g, ích mẫu thảo 20, hổ phách bột 6. Nếu đại tiện bí kết gia đại hoàng 10g.
- Thận tinh lao thương, cần bổ hư tả trọc. ông cho rằng thể này do tuyến bài tiết không đủ và thận mất chức năng bế tàng. Nên trong điều trị phải bổ cái bất túc, thông cái hữu dư, bổ là bổ tỳ thận, thông là thông cái thấp trọc. thường dùng tả quy ẩm kết hợp với đương quy liên tu xích tiểu đạu thang gia giảm, thục địa, sơn thù, lộc nhai thảo, xuyên sơn giáp, đương quy, xa tiền tử, ích mẫu thảo, đều 15g, xích tiểu đậu 30g, nhục quế 4g. thận âmkhuy hư bỏ quế nhục gia nữ trinh tử, hạn liên thảo đều 30g; tiểu tiện ra máu gia bạch mao căn 15g, hổ phách bột 6g.
Phòng bệnh
Bệnh viêm tuyến tiền liệt cấp: thường lan truyền do các bệnh nhiễm khuẩn niệu đạo, viêm bàng quang, viêm mào tinh hoàn, v.v… cần tích cực điều trị các bệnh nhiễm khuẩn vùng kế cận. Bệnh viêm tiền liệt tuyến mạn tính: thường lao động quá sức hoặc phòng dục quá độ nên cần chú ý điều độ trong sinh hoạt. Cần chú ý: vệ sinh ăn uống, không ăn nhiều chất cay nóng, chất kích thích, hạn chế rượu, thuốc lá. Nên uống nhiều nước, tiểu nhiều có thể giúp chất dịch tiền liệt tuyến bài tiết dễ dàng.
Người cao tuổi ăn chế độ nhiều rau và trái cây, ăn cà chua mỗi ngày. Giảm bớt thời gian đi xe đạp, nên ngồi ghế mềm để giảm bớt lực đè lên tiền liệt tuyến và tránh ngồi quá lâu để cho tuần hoàn vùng hội âm lưu thông dễ dàng. Đối với người bệnh viêm tiền liệt tuyến, cần nên đi lại vận động nhiều.
Viêm tiền liêt tuyến không nhất thiết phải ngừng sinh hoạt tình dục tuy nhiên khi quan hệ tình dục mà xuất hiện những dấu hiệu như chảy máu, tổn thương cơ quan sinh dục hay quá trình xuất tinh bất thường thì cần đến ngay bác sĩ.
Thực hiện tốt một số khuyến cao sau:
- Uống nước nhiều hơn có thể giúp làm sạch đường tiết liệu.
- Tránh uống rượu và đồ uống có caffein . Caffein có thể thường làm buồn tiểu.
- Kiểm soát stress. Căng thẳng rất có liên quan đến các triệu chứng tiểu đau.
- Uống nhiều nước tối đa.
- Tắm nước nóng làm giảm đau và stress.
Những món ăn bổ dưỡng hằng ngày có thể phòng và chữa viêm tuyến tiền liệt cho nam giới:
Gà đen hầm hạt dẻ
Gà đen 0,5kg, nhân hạt dẻ 1 lạng, hành, gừng, rượu, dầu ăn mỗi thứ một ít. Gà đen làm sạch lông, bỏ nội tạng, rửa sạch, chặt miếng, chần qua, vớt ra rổ để ráo nước.
Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn, hành phi thơm rồi đổ gà vào, xào qua, cho nhân hạt dẻ vào cùng, đổ nước sâm sấp vào hầm đến khi thịt chín nhừ, nêm gia vị là dùng được.
Món ăn này giàu protein, axit béo không bão hòa, các khoáng chất như canxi, photpho, sắt và các vitamin, rất tốt cho những người bị di tinh, tiểu nhiều lần, khó đi tiểu…
Cháo đậu xanh, xa tiền tử
Gạo tẻ ngon 100g, xa tiền tử, đậu xanh 50g, vỏ quýt, nước đủ dùng.
Vo sạch gạo, đậu xanh cho vào nồi. Rửa sạch vỏ quýt, xa tiền tử cho vào túi vải buộc chặt. Cho nước và túi thuốc vào nồi nấu lấy nước rồi bỏ túi thuốc ra. Lấy nước thuốc, cho gạo, đậu xanh vào ninh nhừ thành cháo là được.
Món cháo có nhiều thành phần dinh dưỡng như protein, chất xơ, canxi, các vitamin… có tác dụng mát gan, sáng mắt, thanh nhiệt giải độc. Những người viêm tuyến tiền liệt mạn tính nên sử dụng.
Cháo chim sẻ
5 con chim sẻ, gạo ngon 100g, nước, gia vị đủ dùng.
Chim sẻ bỏ lông, bỏ nội tạng, rửa sạch, rán vàng. Gạo tẻ vo sạch. Cho gạo và chim sẻ rán vào nồi, đổ nước ninh nhừ thành cháo.
Chim sẻ đặc biệt tốt đối với người cao tuổi thận khí suy nhược, lưng đau gối mỏi, tiểu tiện nhiều lần về đêm, phụ nữ sau sinh mỏi mệt, đau lưng, khí hư, nam giới liệt dương, suy giảm khả năng tình dục.