Tên khác: tinh hoàn lạc chỗ.
Định nghĩa
Không có một hoặc cả hai tinh hoàn ở trong bìu, do tinh hoàn này bị giữ lại ở trong Ổ bụng (hoặc trong ống bẹn) vì lý do bất thường nội tiết hoặc giải phẫu.
Căn nguyên
Chứng tinh hoàn ẩn thông thường hình như là do giải phóng không đủ hormon LH bởi kích thích của LH-RH, tức là do thiếu hụt mức dự trữ LH ở tuyến yên, từ đó dẫn tới thiếu hụt hoạt hoá những tế bào Leydig sau sinh. Tinh hoàn ẩn có thể nằm ở trong ổ bụng hoặc ở trong ống bẹn (60% số trường hợp). Tinh hoàn ẩn có thể thay đổi hướng di chuyển trước hoặc sau khi qua ống bẹn, và do đó nằm lạc chỗ (ở thành bụng, ở đáy chậu, ở trong túi cùng Douglas).
Triệu chứng
Có khoảng 2% số trẻ sơ sinh trai mắc chứng tinh hoàn ẩn, nhưng sẽ khỏi tự nhiên sau một năm.
Tinh hoàn ẩn hai bên không kèm theo những rối loạn sinh dục cho tới tuổi dậy thì, nhưng sau tuổi này thì xảy ra những rối loạn tạo tinh trùng (rối loạn sinh tinh) thể hiện bởi chứng ít tinh trùng, rồi mất tinh trùng và vô sinh, có lẽ do tinh hoàn ẩn phải chịu đựng hoàn cảnh nhiệt độ cao trong ổ bụng (so với nhiệt độ ở trong bìu).
Xét nghiệm bổ sung
- Siêu âm và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng và ống bẹn.
- Nội soi ổ bụng để tìm tinh hoàn ẩn trong ổ bụng.
Biến chứng
Nguy cơ thoái hoá tinh hoàn lạc chỗ không được can thiệp lớn hơn nhiều so với tinh hoàn ở vị trí bình thường (trong bìu).
Chẩn đoán phân biệt với những trường hợp sau
- Tinh hoàn quá di động: là trường hợp tinh hoàn đã di chuyển xuống bìu, nhưng dễ bị co lên ống bẹn, nhất là khi đối tượng ở tư thế nằm. Vì vậy điều quan trọng là phải khám nhiều lần cho đối tượng ở tư thế đứng, trước khi đi đến kết luận là tinh hoàn ẩn.
- Tinh hoàn bị hãm: là trường hợp tinh hoàn nằm ở trong ống bẹn, và do các yếu tố cơ học nên không xuống được tối bìu.
- Teo tinh hoàn: nếu chỉ bị teo tinh hoàn một bên, thì tìm nguyên nhân là một chấn thương hoặc viêm tinh hoàn.
- Nếu teo tinh hoàn hai bên thì thường do nhược năng tuyến sinh dục nam.
- Không tạo tinh hoàn: là trường hợp không có tinh hoàn bẩm sinh (xem: tật thiếu tinh hoàn loạn sản .
- Hội chứng “tinh hoàn biến mất” hoặc thiếu tinh hoàn cả hai bên: tinh hoàn đã hình thành trong thời kỳ còn ở trong tử cung (trước sinh), nhưng lại bị mất đi ngay sau khi sinh. Những cơ quan sinh dục ngoài đều bình thường. Cho HCG (gonadotrophin rau thai người) không làm tăng hàm lượng testosteron như trong trường hợp tinh hoàn ẩn cả hai bên.
Điều trị
- Nội khoa: trong trường hợp tinh hoàn ẩn nằm trong ống bẹn ở vị trí thấp, cả hai bên, và bệnh nhân còn ở turn trước dậy thì, thì tiêm gonadotrophin rau thai, 500-1000 UI (đơn vị quốc tế), 2-3 lần mỗi tuần trong vòng 1-2 tháng.
- Ngoại khoa: phẫu thuật một hoặc hai thì cố định tinh hoàn hệ thống đối với những trẻ trai từ 2 đến 4 tuổi, để làm giảm nguy cơ mất tinh trùng và thoái hoá ung thư.