Tỉ lệ mới mắc bệnh tiêu chảy ở khách du lịch (Traveler’s diarrhea) dao động từ 4% đến hơn 50%, đây là loại bệnh dễ phòng và điều trị nhất đối với người du lịch. Ví dụ, 4% khách từ châu Âu sang Mỹ bị tiêu chảy (6), trong khi đó tỉ lệ ở các nước đang phát triển là từ 20% đến 56% (7). Một hội nghị của Viện Sức khoẻ quốc gia (NIH) đã nhất trí định nghĩa bệnh tiêu chảy ở khách du lịch là một hội chứng đặc trưng bởi số lần đại tiện tăng lên gấp 2 lần hoặc hơn. Các triệu chứng kèm theo thường là co cứng cơ bụng (đau bụng), buồn nôn, trướng bụng, mót rặn, sốt, khó chịu. Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy ở khách du lịch thường xuất hiện đột ngột, có thể xảy ra trong chuyến đi hoặc ngay sau khi về nhà, và nói chung có thể tự khỏi.
Bệnh tiêu chảy ở khách du lịch điển hình là 4- 5 lần đi phân nước trong 1 ngày. Thời gian của bệnh tiêu chảy trung bình kéo dài khoảng 3 đến 4 ngày. 10% kéo dài hơn 1 tuần, xấp xỉ 2% hơn 1 tháng, và dưới 1% hơn 3 tháng (8). Việc điều trị nhanh chóng có thể rút ngắn thời gian bị bệnh xuống còn vài giờ, đây là nhân tố quan trọng đối với những cuộc du lịch đắt tiền hoặc người đi du lịch ngắn ngày. Vi khuẩn gây bệnh chiếm 37% đến 72%+ nguyên nhân gây bệnh. Các loại vi khuẩn thường gặp nhất là loại sinh độc tố ruột, Escherichia coli, Shigella, Campylobacter jejuni, Salmonella và Vibrio. Loại virus gây bệnh thường gặp nhất (chiếm tới 36% các trường hợp bệnh tiêu chảy ở khách du lịch) là rotavirus và Norwalk virus (7). Ký sinh trùng chủ yếu là Giardia lamblia và Entamoeba histolytica, chiếm tới 9% nguyên nhân gây bệnh. Thường bệnh tiêu chảy do nhiều tác nhân gây bệnh, và 20% đến 50% trường hợp bị bệnh tiêu chảy ở khách du lịch vẫn chưa giải thích được (8).
Dự phòng bằng thuốc
Nhìn chung tránh dùng thuốc kháng sinh để phòng bệnh. Điều đầu tiên trong việc phòng bệnh là an toàn thực phẩm, nước uống và dùng vaccin; những điểm này đã được bàn đến ở phần đầu của chương này (xem mục phòng bệnh). Phòng bệnh được điều chỉnh trong những hoàn cảnh đặc biệt khi cần hạn chế tối đa nguy cơ bị bệnh tiêu chảy ở khách du lịch và cần dùng thuốc kháng sinh trong thời gian ngắn. Những tình huống này bao gồm sự kiện thể thao quốc tế, trong tuần trăng mật, trong cuộc họp căng thẳng và quan trọng. Thuốc phòng bệnh hiệu quả là bismuth subsalicylat (PeptoBismol) 2 viên X 4 lần/ngày, doxycyclin (Vibramycin) 100mg mỗi ngày, trimethoprim/sulfamethoxazol (TMP/SMX-DS; Bactrim DS, Septra DS) 160mg/800mg mỗi ngày, norfloxacin (Noroxin) 400mg mỗi ngày, và ciprofloxacin (Cipro) 500mg mỗi ngày.
Điều trị
Chữa bệnh nhanh cho người lớn có thể giảm bớt thời gian bị bệnh đến 1 ngày hoặc ít hơn. Fluoroquinolon có thể chữa được bệnh tiêu chảy do nhiều loại vi khuẩn gây bệnh nhất. Do giá đắt, thuốc này bị hạn chế sử dụng tại các nước đang phát triển, do đó ít có hiện tượng kháng loại thuốc kháng sinh này. Nếu không bị sốt hoặc đi ngoài ra máu, nên dùng 2 viên loperamid (Imodium) sau lần đi ngoài phân lỏng đầu tiên và tiếp tục dùng với liều lượng loperamid thông thường. Nếu bệnh tiêu chảy vẫn còn, sau lần đi ngoài phân lỏng lần thứ 3 dùng 2 viên ciprofloxacin 500mg hoặc norfloxacin 400mg. Hầu hết các ca tiêu chảy được chữa khỏi tại thời điểm này, nhưng nếu còn kéo dài thêm hơn 24 giờ nữa thì tiếp tục dùng 1 viên fluoroquinolon 2 lần/ngày trong 3 ngày. Cách thứ hai để dùng thay thế là bismuth subsalicylat 30ml mỗi nửa giờ cho 8 liều hoặc doxycyclin 100mg hoặc TMP/SMX-DS một viên hoặc 2 viên, 2 lần/ngày trong 3 ngày. Không được dùng thuốc kháng sinh hoặc các tác nhân chống tiêu chảy cho trẻ em. Dung dịch bù nước đường uống (ORSs) là cách chữa tốt nhất cho trẻ em. Gói ORS do WHO phổ biến có ở hầu hết các hiệu thuốc và bệnh viện của các nước đang phát triển. Hoà tan gói này trong 1 lít nước sạch cho trẻ em uống sẽ có tác dụng và an toàn. An toàn thực phẩm vẫn là biện pháp tốt nhất đối với bệnh tiêu chảy. Tạm ngừng dùng các sản phẩm bơ sữa vì tiêu chảy luôn luôn gây ra sự thiếu hụt lactase tạm thời.