Châm cứu điều trị Đau thần kinh liên sườn

Đau thần kinh liên sườn là một chứng bệnh được miêu tả trong phạm vi chứng hiếp thống của Y học cổ truyền

Hiếp thống là đau ở một hoặc hai bên mạng sườn, chỉ là một cảm giác chủ quan của người bệnh. Hai bên mạng sườn là đường tuần hoàn của kinh túc quyết âm và kinh túc thiếu dương, cho nên đau mạng sườn phần nhiều có quan hệ mật thiết đến bệnh của Can đởm.

Nội kinh ghi: “Bệnh của Can thì đau ở hai cạnh sườn lan xuống bụng dưới” và “Tà tại Can thì hai cạnh sườn đau, sườn là nơi phân giới tuần hoàn của kinh Đởm nên đau cạnh sườn cũng là bệnh của đởm”.

Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh:

Nguyên nhân

Tuệ Tĩnh cho rằng: “Nội nhân là do giận dữ, bi ai, cảm xúc, đói no, lạnh nóng không đều, té ngã, đàm tích đọng vào sườn cùng kết hợp với huyết ứ mà thành đau, ngoại nhân là do tà khí cảm vào kinh thiếu dương như tai điếc, sườn đau là do phong hàn cảm vào mà thành đau” (Nam dược thần hiệu).

Cơ chế bệnh sinh

Giận dữ, bi ai làm cho Can khí rối loạn dễ gây khí trệ. Đói no cũng ảnh hưởng đến sự vận chuyển của khí cơ gây khí trệ.

Khí trệ làm huyết vận hành kém, dần dần gây nên huyết ứ. Khi có huyết ứ thường có cả khi trệ, chấn thương cũng gây ra huyết ứ và từ đó sinh đau.

Đàm ẩm lưu trú ở cạnh sườn cũng gây hiếp thống.

Phong tà thương phế, khí cơ không giáng làm can khí hoành nghịch, mạch lạc của can đởm mất hòa giáng gây đau.

Thấp nhiệt ở trung tiêu ôn kết tại can đởm làm can đởm sơ tiết mất điều đạt gây đau.

Can hư, huyết táo làm can mạch không được nuôi dưỡng tốt cũng có thể gây đau sườn.

Thể lâm sàng theo Y học cổ truyền

Đau thần kinh liên sườn do lạnh

Triệu chứng: Đau liên sườn dọc theo đường đi của dây thần kinh, đau nhất ở vùng rễ sau lưng, đường nách giữa, sụn ức đòn, ho thở đều đau, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

Chẩn đoán bát cương: Biểu thực

Pháp điều trị: Hòa giải thiếu dương

Phương châm cứu:

A thị huyệt vùng rễ thần kinh xuất phát

Nội quan, Dương lăng tuyền

Liệu trình: 25-30phút/lần/ngày

Can khí uất nghịch

Triệu chứng: đau trướng ở một hoặc hai bên sườn, có cảm giác đầy tức,

đau di chuyển, khi đau phụ thuộc vào sự thay đổi tình chí mà tăng giảm, ngực trướng khó chịu, hay thở dài, bụng đầy chướng, ăn ít, người dễ cáu gắt, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền.

Chẩn đoán bát cương: Biểu lý thực

Pháp điều trị: Sơ can lý khí

Phương châm cứu:

Châm tả: A thị huyệt, Dương lăng tuyền, Hành gian

Châm bình: Nội quan.

Liệu trình: 25-30phút/lần/ngày

Đàm ẩm lưu trú

Triệu chứng: Đau cạnh sườn, ngực sườn trướng đau, ho khạc đờm, thở gấp, đoản hơi. Khi ho, khạc đờm, xoay chuyển người và thở mạnh thì đau tăng, rêu lưỡi trắng, mạch trầm huyền hoặc trầm hoạt.

Chẩn đoán bát cương: Biểu thực

Pháp điều trị: Lý khí, hóa đàm, thông lạc.

Phương châm cứu:

Châm tả, cứu: A thị huyệt, Kỳ môn

Châm bình: Trung quản, Nội quan, Phong long.

Liệu trình: 25-30phút/lần/ngày

Huyết ứ

Triệu chứng: Sườn đau như bị dùi đâm, đau cố định, ấn vào đau chói thêm, đêm đau tăng hoặc nổi cục, chất lưỡi tím hoặc có nốt ứ huyết, mạch sáp.

Chẩn đoán bát cương: Biểu thực

Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ.

Phương Châm cứu:

Châm tả: A thị huyệt

Châm bình: Huyết hải, Nội quan, Cách du, Dương lăng tuyền.

Liệu trình: 25-30phút/lần/ngày

Can đởm thấp nhiệt

Triệu chứng: Đau vùng cạnh sườn, đắng miệng, tâm phiền, ngực tức khó chịu, kém ăn, buồn nôn, mắt đỏ hoặc vàng, tiểu tiện đỏ hoặc vàng, rêu lưỡi vàng nhợt, mạch huyền hoạt.

Chẩn đoán bát cương: Lý thực nhiệt

Pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp

Phương châm cứu:

Châm tả A thị huyệt

Châm bình Phong long, Túc tam lý, Dương lăng tuyền

Liệu trình: 25-30phút/lần/ngày

Can âm bất túc

Triệu chứng: sườn đau âm ỉ, đau dai dẳng không dứt, miệng khô, môi khô, trong tâm phiền nhiệt, đầu mắt choáng váng, mắt nhìn không rõ, chất lưỡi đỏ, rêu ít, mạch huyền tế sác.

Chẩn đoán bát cương: Biểu thực/Lý hư

Pháp điều trị: Tư âm dưỡng can (bổ huyết).

Phương châm cứu:

Châm tả A thị huyệt

Châm bổ Can du, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao

Liệu trình: 25-30phút/lần/ngày

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.