I. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN NHIỄM HIV HIỆN NAY

hình ảnh virus hiv
hình ảnh virus hiv
  1. Chẩn đoán nhiễm HIV

Do tính chất quan trọng về tính trầm trọng (không chữa được, chắc chắn tử vong) cho cá nhân cũng như nguy hiểm cho cộng đồng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bệnh nhân về mặt thể chất cũng như tâm lý, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và danh dự gia đình, chúng ta phải hết sức thận trọng khi kết luận một người nhiễm HIV. Chỉ định và kết quả xét nghiệm còn tùy giai đoạn của bệnh nhân.

1.1 Xét nghiệm phát hiện kháng thể

Là các xét nghiệm đang được sử dụng phổ biến ở nước ta. Các xét nghiệm nầy không phát hiện được HIV ở giai đọan sơ nhiễm. Vì vậy khi âm tính, phải khuyên bệnh nhân xét nghiệm lần 2, sau 3 tháng không có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm nào khác. Nếu vẫn âm tính mới có quyền kết luận là không nhiễm.

Ngược lại, ở trẻ < 1 tuổi, mẹ HIV (+), nếu xét nghiệm dương tính, vẫn không kết luận được cháu bị nhiễm, vì đó là kháng thể kháng HIV của mẹ truyền qua. Do đó phải xét nghiệm lại trong những năm sau từ 18 tháng tuổi trở lên.

Có ba lọai xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng HIV đang dùng ở nước ta:

Test Serodia : độ nhạy thấp, nhưng độ đặc hiệu cao. Chỉ có giá trị sàng lọc ban đầu. Những người Serodia (+) là những người thể nhiễm, cần xác định thêm bằng các xét nghiệm khác trước khi khẳng định. Ngược lại, người Serodia (-) thì rất ít có nguy cơ nhiễm HIV.

Test ELISA : phát hiện một lọai kháng thể tùy theo kit chọn trước. Phản ứng nầy có độ nhạy cao, > 90%. Độ nhạy và độ đặc hiệu càng cao với các thế hệ XN sau. Tuy nhiên vẫn không chắc chắn 100%.

Test Western – Blot : Kết luận chỉ chắc chắn 100% khi người bệnh có xét nghiệm HIV (+) với phương pháp Western – Blot. Phương pháp nầy phát hiện một loạt nhiều kháng thể đặc hiệu chống nhiều lọai kháng nguyên khác nhau của virus HIV. Do đó lọai trừ được phản ứng dương tính giả.

Tuy nhiên do xét nghiệm Western-blot rất đắt tiền, không thể xử dụng đại trà mà số người nhiễm HIV ở nước ta ngày càng cao, hiện nay ngành Y tế quy định : Vẫn xem như là (+) những trường hợp ELISA (+) 2 lần với 2 lọai kit khác nhau (phát hiện 2 kháng thể kháng HIV khác nhau ). Xác suất dương tính giả khi xét nghiệm 2 lần với 2 lọai kháng nguyên khác nhau hết sức thấp nên hiếm khi gặp sai lầm trong thực tế.

1.2. Xét nghiệm tìm trực tiếp virus hay các sản phẩm virus

Người ta có thể phát hiện trực tiếp sự hiện diện của virus trong máu hay dịch cơ thể bằng phương pháp khuyếch đại gen (PCR), phương pháp dùng gen mồi thăm dò. Các phương pháp này đặc hiệu, cho phép phát hiện ngay cả trong giai đọan sơ nhiễm. Ngòai ra, còn dùng để đánh giá hiệu quả của các thuốc kháng virus (đo nồng độ virus trong máu), phát hiện trẻ sơ sinh có nhiễm HIV hay không. Tuy nhiên do kỹ thuật phức tạp và đắt tiền, hiện nay chỉ xử dụng ở các trung tâm nghiên cứu quốc gia, chưa áp dụng đại trà.

Các kỹ thuật tìm các protein virus như p24 (Hiện nay test ELISA thế hệ 4 vừa cho phép phát hiện kháng thể, vừa phát hiện KN p24) có tính đặc hiệu, nhưng không hằng định.

Phân lập virus HIV : chính xác và có thể khảo sát được nhiều đặc tính của virus.

Nhưng chưa thực hiện được ở nước ta.

  1. 2. Chẩn đoán giai đoạn của bệnh

Mặc dầu tiến triển về mặt sinh lý bệnh có 4 giai đoạn, nhưng trên thực tế lâm sàng, biểu hiện bệnh do nhiễm HIV rất phong phú và đa dạng. Do đó, nhiều phương pháp xếp loại được đề nghị phù hợp hơn với lâm sàng và dịch tễ học.

Trên thực tế lâm sàng, người ta thường chẩn đoán giai đoạn nhiễm HIV dựa vào một trong những cách xếp loại được công nhận rộng rãi.

Nổi tiếng nhất là cách xếp loại của CDC 1993 dành cho người lớn nhiễm HIV

Số tế bào T CD4+ /mm3 hay tỷ % A B C
> 500 (>29%) A1 B1 C1
200 – 499 (14-28%) A2 B2 C2
< 200 ( <14%) A3 B3 C3

Bảng 9: Cách xếp loại của CDC 1993

Những bệnh nhân thuộc vào nhóm C và/hay có chỉ số 3 được xếp vào giai đoạn AIDS.

Do khuôn khổ có hạn, chúng tôi không trình bày các bệnh cụ thể các triệu chứng và bệnh được xếp vào các nhóm. Người đọc có thể tìm đọc dễ dàng trong rất nhiều tài liệu liên quan đến phân loại giai đoạn nhiễm HIV trên các sách Y học và trên các trang Web liên quan đến lâm sàng và dịch tễ nhiễm HIV.

Những bệnh nhân đã xếp vào nhóm thấp hơn, dù sau đó có cải thiện lâm sàng, vẫn không chuyển nhóm.

Phương pháp xếp loại nầy có ưu điểm dễ theo dõi, tiên lượng và dễ cân nhắc xử dụng thuốc kháng virus HIV cũng như thuốc dự phòng một số bệnh cơ hội. Tuy nhiên tiêu chuẩn đếm số tế bào T CD4+ khó thực hiện ở đa số các nước nghèo (như Việt nam). Các phương pháp tính gián tiếp số tế bào T CD4+ qua số lượng tế bào lympho ngoại vi, qua các phản ứng bì, được ứng dụng ở một số nơi nhưng kết quả không thống nhất nên chưa được công nhận rộng rãi

Vì thế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giới thiệu một cách xếp loại khác, trong đó không xử dụng số lượng tế bào T CD4+ mà thay thế bằng mức độ sinh họat của bệnh nhân trong ngày. Cách chia của WHO chỉ có 4 giai đoạn. Chúng tôi không trình bày đầy đủ bảng xếp loại theo WHO ở đây vì khuôn khổ bài học .

Các xếp loại của Tổ chức Y tế Thế giới dễ dàng cho các nước nghèo, thuận tiện cho dịch tễ học. Tuy nhiên, nó không giúp nhiều cho các nhà lâm sàng quyết định dùng thuốc kháng HIV hay cho thuốc phòng một số bệnh cơ hội.

Đối với trẻ em, do các đặc thù riêng, được có một bảng xếp loại khác của CDC 1993.

Có thể tham khảo trong bài nhiễm HIV ở trẻ em.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.