Châm Cứu Điều Trị Đột Quỵ Ở Trung Quốc
Cũng giống như đối với nhiều phương pháp y học cổ truyền Trung Hoa khác, trong một thời gian rất dài trong lịch sử, hầu hết các bác sỹ và bệnh nhân Trung Quốc đều tin tưởng chắc chắn rằng châm cứu có hiệu quả điều trị đối với đột quỵ. Các bác sỹ Trung Quốc sử dụng châm cứu để cải thiện tình trạng chức năng vận động, ngôn ngữ, và các chức năng khác nữa, cho bệnh nhân sau khi bị đột quỵ. Trong những năm gần đây, ở Trung Quốc, người ta đã tiến hành nhiề nghiên cứu về châm cứu. Điều lý thú là người ta thấy nghiên cứu ở một số nước đều chi kết quả thuận lợi đối với châm cứu giống như nhau, tất cả các nghiên cứu xuất phát từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, và Đài Loan đều cho kết quả dương tính (trước tháng sáu năm 1995).
Hơn nữa, không có một thử nghiệm (châm cứu hoặc không châm cứu) đã công bố nào, ở Trung Quốc hoặc Nga/Liên xô cũ, cho thấy điều trị thử là không hiệu quả (tất cả đều cho thấy là điều trị có hiệu quả). Mặc dù hầu như tất cả các thử nghiệm về châm cứu cho đột quỵ thực hiện tại Trung Quốc đều cho thấy một dự hậu thuận lợi, và mặc dù quan điểm của người Trung Hoa về châm cứu vẫn rất là thuận lợi, nhưng có một khảo sát đã cho thấy chỉ có 66% bác sỹ Trung Quốc sử dụng châm cứu như là một biện pháp điều trị đột quỵ thường quy, chỉ có 63% cho là châm cứu có kết quả, và có tới 36% nghĩ rằng tác dụng của châm cứu là không rõ ràng lắm.
Có một tổng quan hệ thống (systemic review) Cochrane bao hàm 14 thử nghiệm (10 thử nghiệm thực hiện tại Trung Quốc), gồm 1208 bệnh nhân. Khởi đầu dùng châm cứu trong vòng 30 ngày sau khởi phát đột quỵ, so sánh với châm cứu kiểu giả bộ (placebo/sham acupunture), hoặc nghiên cứu mở (open control), trên bệnh nhân bị đột quỵ chảy máu và/hoặc thiếu máu cấp tính. Hầu hết các thử nghiệm đã được khảo cứu đều ở trong tình trạng chất lượng thấp kém. Khi so sánh châm cứu thực sự với châm cứu giả bộ (sham acupunture), hoặc với nghiên cứu mở, thì có khuynh hướng có ý nghĩa chỉ ở mức ranh giới, nghiêng về phía có ít bệnh nhân bị chết hoặc bị lệ thuộc hơn (odd ratio *OR+ là 0.66, khoảng tin cậy 95% [CLâ là 0.43-0.99), và số bệnh nhân bị chết hoặc phải chăm sóc trong bệnh viện sau 3 tháng hoặc lâu hơn ở nhóm được châm cứu thì ít hơn một cách có ý nghĩa (OR 0.58, 95% CL 0.35-0.96). So sánh châm cứu thực sự với châm cứu giả bộ chỉ cho thấy khác biệt có ý nghĩa thống kê về khả năng chết hoặc chăm sóc trong bệnh viện (OR 0.49, 95% CL 0.25-0.96) nhưng không có ý nghĩa về khả năng chết hoặc lệ thuộc (OR 0.67, 95% CL 0.40-1.12). Tác dụng phụ nặng của châm cứu (chóng mặt, đau không thể chịu được, và nhiễm trùng tại chỗ châm) thì hiếm (6/386, 1.55%). Nghiên cứu này gợi ý rằng châm cứu có lẽ là an toàn, nhưng số lượng bệnh nhân quá ít để có thể chắc chắn được liệu châm cứu có thực sự hiệu quả cho điều trị đột quỵ chảy máu hoặc thiếu máu cấp tính, hay là không. Cần có những thử nghiệm lớn hơn và đúng đắn về phương pháp luận hơn.
Một siêu phân tích (meta-analysis) khác, bao hàm 14 thử nghiệm ngẫu nhiên, với 1213 bệnh nhân, so sánh châm cứu với không châm cứu, bổ trợ cho điều trị phục hồi chức năng trong vòng 6 tháng sau đột quỵ. Ước lượng hiệu quả – ngẫu nhiên chung (pooled random-effects estimates), về thay đổi đối với tình trạng suy giảm vận động và tình trạng tàn phế, lần lượt là 0.06 (95% CL -0.12 tới 0.24) và 0.49 (95% CL 0.03 – 0.96), kèm theo độ không đồng nhất (heterogeneity) trong các đo lường về tình trạng tàn phế (P=0.05, phép thử khi bình phương).
Với phép so sánh giữa châm cứu thực sự với châm cứu giả bộ, ước lượng hiệu quả – ngẫu nhiên chung (pooled random-effects estimates) về thay đổi đối với tình trạng tàn phế là 0.07 (95% CL -0.34 tới 0.48). So sánh giữa châm cứu với không châm cứu, mà không kèm theo điều trị phục hồi chức năng, ước lượng hiệu quả – ngẫu nhiên chung về thay đổi trong tình trạng suy giảm vận động là 0.46 (95% CL -0.20 tới 1.12), và tỷ lệ chênh (odd ratio) hiệu quả – ngẫu nhiên chung đối với tình trạng tàn phế là 12.5 (95% CL 4.3-36.2), mà không kèm theo độ không đồng nhất có ý nghĩa thống kê (lần lượt P=0.97 và P= 0.12, phép thử khi bình phương), nhưng chất lượng nghiên cứu (study quality) thì rất kém. Có thể kết luận là nếu kèm với điều trị phục hồi chức năng, thì châm cứu không có thêm tác dụng gì trên phục hồi vận động, nhưng có một hiệu quả dương tính nhỏ trên tình trạng tàn phế, điều này có thể là do tác dụng thực sự của giả dược (placebo effect) và do biến thiên trong chất lượng của nghiên cứu. Hiệu quả của châm cứu, mà không làm cùng với điều trị phục hồi chức năng đột quỵ, thì vẫn còn chưa chắc chắn, chủ yếu là vì chất lượng tệ hại của các nghiên cứu này.
Hai nghiên cứu trên chỉ ra rằng đa số các thử nghiệm đã được nêu là có chất lượng thấp kém. Nhiều thử nghiệm không mô tả được phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên và phương pháp che dấu việc xếp nhóm (allocation concealment) của họ, mà chỉ tự gọi phương pháp nghiên cứu của mình là “thử nghiệm kiểm chứng ngẫu nhiên” (randomized controlled trials). Ở nhóm chứng, thật khó mà tránh được chuyện có châm cứu, vì mục đích của người bệnh nhân khi đến các bệnh viện y học cổ truyền Trung Hoa, là để được châm cứu, và họ sẽ không chấp nhận chuyện bị xếp vào nhóm chứng mà không được cho châm cứu. Điều đó làm cho việc xếp nhóm ngẫu nhiên ở các bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc trở nên đặc biệt khó khăn. Chỉ có 3 thử nghiệm là có dùng châm cứu giả bộ cho nhóm chứng, và không có một thử nghiệm châm cứu có kiểm chứng với châm cứu giả dược, hay với châm cứu giả bộ, được báo cáo tại Trung Quốc, vì khó mà tiến hành được các nghiên cứu có kiểm chứng bằng giả dược do các lý do về văn hóa. Chỉ có 4 thử nghiệm với 373 bệnh nhân có thể cho ta số liệu về tử vong hoặc tình trạng lệ thuộc. Lý lẽ tranh cãi chính của các thầy thuốc y học cổ truyền Trung Hoa về việc dùng châm cứu chữa trị đột quỵ là: những phương pháp đo lường về dự hậu cần phải khác với những phương pháp truyền thống được dùng trong y học phương tây, vì rằng lý thuyết về châm cứu là khác hẳn với lý thuyết của y học phương tây. Tuy nhiên, kiểu dự hậu dành riêng cho châm cứu trong đột quỵ vẫn còn là một điều không làm cho rõ được.
Trong một thử nghiệm được tiến hành mới đây ở Trung Quốc, 862 bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu cấp, sau khởi phát từ 2 tới 10 ngày, được đưa vào nghiên cứu. Bệnh nhân được xếp ngẫu nhiên vào nhóm châm cứu, kèm theo điều trị thông thường, hoặc vào nhóm chứng chỉ điều trị thông thường. Kết quả sẽ được thông báo sau khi hòan tất việc phân tích số liệu. Đây là một thử nghiệm ngẫu nhiên thực sự lớn nhất, sử dụng tình trạng tử vong hoặc lệ thuộc, làm dự hậu cơ bản, và sẽ cung cấp các số liệu hữu ích về cách điều trị này.
Hiện nay, không có đủ bằng chứng cho việc sử dụng châm cứu làm phương pháp điều trị thường quy cho đột quỵ, và cần phải có bằng chứng có chất lượng cao hơn. Tuy hhiên, châm cứu thì an toàn và rẻ tiền, được chấp nhận rộng rãi và là một dạng điều trị có tiềm năng có hiệ quả, đặc biệt thích hợp với nền văn hóa Trung Hoa. Nếu ghi nhận rằng ở Trung Quốc đối với đa số bệnh nhân đột quỵ, vẫn chưa có được phương pháp phục hồi chức năng đúng chuẩn, thì châm cứu vẫn có thể tiếp tục đóng vai trò của nó trong phục hồi chức năng đột quỵ, trừ phi có bằng chứng xác đáng bác bỏ điều đó.