NHIỆT SANG Herpes, Mụn Dộp
Mụn dộp là một loại bệnh ngoài da cấp tính do virut, thường phát sinh trong quá trình bệnh sốt cao hoặc sau khi hết sốt. Bệnh còn có thể phát sinh trong các trường hợp lao động quá sức, phụ nữ thời kỳ có kinh, thai nghén hoặc rối loạn tiêu hóa. Đặc điểm của bệnh là dễ sinh các nơi môi mép, quanh lỗ mũi, vùng âm hộ nơi giao tiếp da và niêm mạc, bệnh dễ tái phát.
Nguyên Nhân
Theo Đông Y, chứng nhiệt sang là do ngoại cảm phong nhiệt độc uất kết ở Phế Vị, vừa bốc lên đầu mặt, vừa rót xuống nhị âm gây nên bệnh. Do nhiều lần tái phát, nhiệt tà gây tổn thương tân dịch sinh âm hư nội nhiệt.
Theo Y học hiện đại, chứng mụn dộp đơn thuần (Herpes simpLupus ban đỏx) do nhiễm phải virút mụn dộp (HSV) và hiện tượng virút gây bệnh được chia làm 2 loại: virút mụn dộp týp I (HSVI), virút mụn dộp týp II (HSVII). Virút týp I chủ yếu gây bệnh da và niêm mạc ngoài cơ quan sinh dục, còn týp II chủ yếu gây bệnh ớ cơ quan sinh dục và da niêm mạc trẻ sơ sinh (theo thống kê có 90 % bệnh mụn dộp ở cơ quan sinh dục là do nhiễm HSVII). Và cả 2 loại đều có thể kiểm tra bằng miễn dịch huỳnh quang và cấy tế bào để phân biệt. Cả 2 loại virút đều tồn tại miễn dịch chéo.
Con người là vật chủ duy nhất của virút mụn dộp. Virút lây qua đường hô hấp, miệng, niêm mạc, cơ quan sinh dục và ẩn trú tại nút thần kinh cảm giác. Bệnh mụn dộp nguyên phát phần lớn là thể ẩn (khoảng 90%), không có triệu chứng lâm sàng. Sau khi nhiễm lần đầu vào cơ thể, virút còn ẩn trú một thời gian. Và thông thường có khoảng một nửa số người khỏe mạnh mang virút và các chất xuất tiết ở mũi, nước miếng, và phân người là nguồn lây bệnh. Do virút mụn dộp ở trong người không sản sinh ra tính miễn dịch lâu dài, nên mỗi lúc sức đề kháng của cơ thể giảm sút như lúc mắc bệnh nhiễm sốt, bệnh rối loạn tiêu hóa, phụ nữ thời kỳ có kinh, mang thai, có ổ nhiễm khuẩn, cơ thể quá mệt mỏi do lao động, có chấn thương tinh thần hoặc thay đổi môi trường sống là cơ hội tốt cho virút HSV gây bệnh. Nhiều người cho rằng phát sinh ung thư cổ tử cung là có liên quan đến HSVII.
Triệu Chứng
Có những đặc điểm sau:
Trước khi nổi tổn thương, thường có cảm giác khó chịu, ngứa rát tại chỗ, sau đó nổi ban đỏ và nhanh chóng xuất hiện các cụm mụn nhỏc, dịch ban đầu trong sau đục, và vài ngày mụn vỡ loét, chảy nước, khô, đóng vẩy tiết vàng hoặc hơi nâu, có khi nhiễm khuẩn thứ phát, lúc lành có kết đọng sắc tố nhưng không thành sẹo. Bệnh trình kéo dài 1-2 tuần tự khỏi, nhưng dễ tái phát.
Bệnh thường hay phát ở nơi tiếp giáp da và niêm mạc như khóe miệng, bờ môi, chung quanh lỗ mũi. Cũng có thể mọc ở vùng niêm mạc miệng, vùng sinh dục ngoài, mắt, mông.
Cảm giác chủ quan tại chỗ hơi nóng ngứa, bệnh phát sinh ở bộ phận sinh dục do cọ sát có thể sinh loét nhiễm khuẩn làm mủ nên hơi đau kèm theo viêm mạch hoặc hạch bạch huyết.
Vùng âm hộ có mụn rộp có thể gây nhiễm niệu đạo, viêm bàng quang hoặc viêm tuyến tiền liệt thứ phát. Bệnh phát sinh ở âm đạo và cổ tử cung rất ít có triệu chứng chủ quan nhưng dễ gây sẩy thai, đẻ non và trẻ sơ sinh nhiễm khuẩn. Mụn rộp ở bộ phận sinh dục hiện xếp vào loại bệnh lây qua đường sinh dục.
Bệnh thường gặp ở người lớn, ít có triệu chứng toàn thân. Trường hợp bệnh phát sinh ở mắt thường gây đau nhiều, ngứa, sợ lạnh, sốt. Bệnh phát ở âm hộ, gây loét, phát sốt, đại tiện táo, nước tiểu vàng đậm, rêu vàng, mạch Sác. Trường hợp bệnh nhiều năm không khỏi dễ sinh họng khô, miệng khát, lưỡi đỏ, là những triệu chứng âm hư sinh nội nhiệt.
Chẩn Đoán
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào:
Triệu chứng lâm sàng: mầu da hơi đỏ, bên trên có nhiều mụn nước tập trung, kết vảy, dễ sinh loét, cảm giác vừa đau vừa ngứa.
Thường phát sinh sau bệnh sốt, và lúc sức khỏe yếu, sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Dễ tái phát.
Vị trí phát bệnh phần lớn ở vùng tiếp giáp da và niêm mạc ở miệng, môi, quanh lỗ mũi, má và bộ phận sinh dục ngoài.
Chẩn Đoán Phân Biệt
Cần phân biệt với các bệnh sau:
Zona vùng mặt: vị trí thường phát bệnh dọc theo đường phân bố của dây thần kinh tam thoa hoặc dây thần kinh mặt, mụn rộp xếp theo dãy, đau dữ dội.
Nùng bào sang (chốc lở, Impetigo): mụn mủ rải rác, viền đỏ rõ, có vảy mủ, thường phát sinh ở trẻ em, tiếp xúc lây mạnh.
Mụn rộp do dị ứng thuốc : tổn thương da thường là những ban đỏ, mụn rộp lớn trên nền ban đỏ, có tiền sử dị ứng thuốc.
Điều Trị
Trường hợp nhẹ, không cần uống thuốc, chỉ bôi thuốc tại chỗ. Trường hợp nặng hoặc lâu ngày không khỏi, tái phát nhiều lần, có thể dùng thuốc uống như sau:
Phong Nhiệt Độc Thịnh: Sơ phong, thanh nhiệt, giải độc. Dùng bài Tân Di Thanh Phế Ẩm (Tân di, Hoàng cầm, Chi tử, Mạch đông, Bách hợp, Thạch cao, Tri mẫu, Cam thảo, Tỳ bà, Thăng ma (Ngoại Khoa Chính Tông).
Thấp Nhiệt Nặng: Thanh nhiệt, lợi thấp. Dùng bài Long Đởm Tả Can Thang (Long đởm thảo, Chi tử, Hoàng cầm, Sài hồ, Sinh địa, Trạch tả, Đương quy, Xa tiền tử, Mộc thông, Cam thảo, sắc uống(Cổ Kim Y Phương Tập Thành).
Thể Âm Hư Nội Nhiệt: Dường âm, thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp. Dùng bài Tăng Dịch Thang (Huyền sâm, Mạch môn, Sinh địa) (Ôn Bệnh Điều Biện), thêm Bản lam căn, Mã xỉ hiện, Tử thảo, Sinh ý di sắc uống.
Bôi Thuốc Dùng Ngoài
Hoàng Liên Cao (Y Tông Kim Giám): Hoàng bá, Khương hoàng đều 9g, Đương qui 15g, Sinh địa 30g, Dầu mè 360g, Bạch lạp 120g. Các vị thuốc, trừ Bạch lạp ngâm vào Dầu mè một ngày, sau đó nấu lửa nhỏ cho cạn, lọc bỏ xác, cho vào Bạch lạp nấu thành cao bôi.
Hoàng Liên Cao II (Ngoại Khoa Trung Y Học): bột Hoàng liên, Hoàng bá, bột Hoàng cầm đều 30g, Vaselin 240g) tất cả trộn đều thành cao, trực tiếp bôi vào gạc đắp vùng tổn thương.
Tử thảo Địa Du Cao (Ngoại Khoa Trung Y Học): Tử thảo 5g, Địa du 10g, Oxit kẽm 35g, Dầu thực vật 100g, chế thành cao dầu bôi.
Điều Dưỡng
Chú ý không ăn các chất thức ăn cay nóng dễ gây dị ứng như tôm, mắm tôm, cá biển, thịt gà, thịt bò…
Những bệnh nhân mắc bệnh ở bộ phận sinh dục, giai đoạn hoạt động của bệnh nên tránh giao hợp.