ĐIỀU TRỊ GIẢM ĐAU TRONG UNG THƯ
Bệnh nhân ung thư cần được giảm đau ở tất cả các giai đoạn bệnh của họ. Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ rằng khoảng 75% bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn đều có đau ở mức độ trung bình hoặc đau dữ dội.
Ở Việt Nam có khoảng 79% bệnh nhân ung thư có đau kể từ lúc được chẩn đoán. Nhiều tác giả cho rằng đau ở bệnh nhân ung thư không được đánh giá đúng mức bởi nhiều lý do:
Thầy thuốc không đánh giá đúng mức độ đau của bệnh nhân.
Thầy thuốc nghi ngờ về cảm giác đau của bệnh nhân.
Bệnh nhân không báo sự đau đớn của họ vì sợ làm phiền thầy thuốc hay nếu có báo thì không được xử trí gì hoặc đôi khi sợ sử dụng thuốc giảm đau.
Tất cả bệnh nhân phải được điều trị khi có xuất hiện đau để làm giảm sự đau đớn và cải thiện chất lượng cuộc sống ở tất cả các giai đoạn trong quá trình bệnh tật của họ.
Thuốc điều trị đau gồm:
Loại bỏ hoàn toàn cơn đau hoặc ít nhất cũng làm giảm mức độ trầm trọng của cơn
Đau tới một mức độ có thể chịu đựng được.
Phòng ngừa cơn đau tái phát
Làm giảm đau để bệnh nhân có thể thực hiện được các sinh hoạt hằng ngày.
Điều trị giảm đau tùy thuộc vào đáp ứng của từng cá thể với những phương pháp như:
điều trị bằng thuốc, gây tê, phẫu thuật thần kinh, tâm lý học. Song bài này chủ yếu tập trung vào điều trị bằng thuốc bởi vì trong lĩnh vực này đã có sự hiểu biết đầy đủ và kinh nghiệm lâm sàng về phương hướng điều trị chung cho tất cả bệnh nhân ung thư có đau.
Các thử nghiệm đã cho thấy rằng thuốc có hiệu quả trong phần lớn bệnh nhân, nếu nó được sử dụng chính xác: đúng thuốc, đúng liều vào đúng giai đoạn.
VÀI NÉT LỊCH SỬ
Lịch sử phát triển của điều trị triệu chứng bắt đầu từ thế kỷ 18
Baptiste Godinot thành lập viện ung thư đầu tiên, nhận điều trị những khối u hoại tử, thối rữa
Năm 1842 Jeanne Garnier, một quá phụ trẻ thành lập hospice để cống hiến cuộc đời của họ cho những bệnh nhân không thể điều trị được.
Quan điểm chăm sóc triệu chứng hiện đại đến từ Cicely Saunders, bà đã thành lập Christopher Hospice chăm sóc cho những bệnh nhân nghèo đang hấp hối. Bà là người đầu tiên sử dụng Morphin để điều trị đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Elisabeth Kuble- Ross, thầy thuốc thụy sĩ sống ở Chicago, bà nghiên cứu các bước của quá trình hấp hối và kêu gọi mọi người giúp đở họ.
Pro. Maurice Abiven là người đầu tiên đưa chương trình giảng dạy chăm sóc triệu chứng vào các trường Đại học.
CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU
Đau ở những bệnh ung thư có thể là do:
Gây nên bởi chính bản thân ung thư (rất phổ biến). Bản thân ung thư gây đau do các cơ chế :
Xâm lấn tới tổ chức phần mềm.
Thâm nhiễm tới nội tạng.
Thâm nhiễm tới xương.
Chèn ép thần kinh.
Tổn thương thần kinh.
Tăng áp lực nội sọ.
Liên quan tới ung thư: ví dụ như co cơ, sưng nề bạch mạch, táo bón, viêm loét do nằm lâu). Mô bị thương tổn do do bội nhiễm, do thiếu máu cục bộ…
Liên quan tới điều trị ung thư: ví dụ như đau do sẹo mạn tính sau phẫu thuật, viêm niêm mạc do điều trị bằng hóa chất.
Gây ra bởi một rối loạn đồng thời: ví dụ như thoái hóa cột sống, viêm xương khớp.
Nhiều bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn, đau nhiều do sự phối hợp đồng thời nhiều nguyên nhân trên.
ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN LOẠI ĐAU DO UNG THƯ
Đánh giá đau
Là một bước quan trọng có tính chất quyết định trong kiểm soát đau do ung thư. Phải khám toàn diện, cần tìm hiểu thêm có bệnh khác cùng đi kèm với ung thư hay không, phải đánh giá chức năng gan thận, theo dõi ảnh hưởng của thuốc giảm đau lên sự hấp thu, chuyển hóa và bài tiết. Phim X quang và CT-Scanner về các vùng liên quan và xạ hình xương cũng cần thiết để so sánh với các kết quả khám trước đây để theo dõi diễn biến bệnh và dự đoán, tiên lượng bệnh. Khai thác bệnh sử của cơn đau
Thời gian
Đau bắt đầu từ khi nào?
Cơn đau kéo dài bao lâu
Đau xuất hiện thường xuyên hay đau từng cơn
Vị trí
Vị trí đau ở đau, có thể chỉ chính xác vị trí đau
Đau có lan đi đâu không?
Tính chất cơn đau
Bảo bệnh nhân mô tả cơn đau. Đau giống như gì: đau như kiến bò, nóng rát, đau như tên bắn, đau như dao đâm.
Cố gắng phân biệt đau do cảm giác và đau do thần kinh
Yếu tố làm dịu hay gây đau: Điều gì làm dịu đau hay đau tăng lên.
Mức độ trầm trọng: Đau đến mức nào? Thường áp dụng thang điểm từ 0-10.
0 : không đau và 10 là đau tột bậc
Để bệnh nhân tự chọn điểm đau của mình sau khi đã được hướng dẫn.
Ví dụ đau 5/10 hoặc 7/10 .v.v.
Thang điểm đau:Thang điểm đau dùng để đánh giá mức độ trầm trọng của triệu chứng đau. Thang điểm đau giúp bệnh nhân mô tả mức độ trầm trọng cơn đau của họ với thầy thuốc và thang điểm đau còn giúp thầy thuốc trao đổi thông tin về kinh nghiệm điều trị đau với các đồng nghiệp.
Trẻ em có thể dùng loại bảng điểm có hình ảnh dễ hiểu hơn.
PHÂN LOẠI ĐAU DO UNG THƯ
Đau do cảm giác
Là loại đau thường gặp nhất bắt đầu từ các thụ thể nhận cảm giác đau ở thần kinh ngoại biên khi nó bị đè ép, căng, kéo hay bị kích thích bởi các chất trung gian hóa học như prostaglandin phóng thích từ tổ chức viêm (thí dụ: một ung thư xâm lẫn vào mô mềm, u làm căng thùy gan, phá hủy xương).
Đau do cảm giác thường chia thành các dạng như sau :
Đau nông (ví dụ : trầy xước, sùi loét da, viêm sùi loét da niêm mạc).
Đau sâu: Đau xương, khớp.
Đau nội tạng: bụng, tạng rỗng bị kích thích do di căn, do nghẽn, sưng hoặc bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đau này thường không khu trú và có cảm giác như bị chèn ép.
Đau do thần kinh
Đau xuất phát từ chính các sợi thần kinh khi bị kích thích bởi đè ép hay xâm lấn
ví dụ :
Ung thư xâm lấn vào đám rối thần kinh cánh tay.
Chẩn đoán bằng cách :
Tìm yếu tố bệnh lý có thể gây tổn thương hay kích thích các trục và sợi thần kinh.
Kiểm tra các triệu chứng của dây thần kinh: tê tay, thay đổi cảm giác, yếu cơ .v.v…
Điều trị bằng thuốc giảm đau thông thường ít đáp ứng.
Hai dạng đau này đòi hỏi điều trị với các loại thuốc khác nhau. Đau do cảm giác luôn đáp ứng với các thuốc giảm đau, bao gồm thuốc có nguồn gốc opioids. Đau thần kinh có thể giảm đau một phần với thuốc và có nguồn gốc opioids và cần cho thêm các thuốc ổn định màng tế bào thần kinh và thuốc có ảnh hưởng lên chất dẫn truyền (thí dụ : thuốc chống trầm cảm và thuốc động kinh).
KHÁM LÂM SÀNG
Khám lâm sàng một cách tỉ mỉ toàn cơ thể và hệ thống các cơ quan sẽ giúp phát hiện ra các nguyên nhân gây đau. Cố gắng tránh gây khó chịu, đau đớn cho bệnh nhân khi thăm khám.
Ví dụ như khi đặt ngồi dậy sẽ làm bệnh nhân đau đớn thì thăm khám 2 trường phổi phía sau lưng bằng ống nghe là không cần thiết.
Khi cơn đau cản trở các hoạt động bình thường, nên thực hiện thăm khám hệ thần kinh một cách hệ thống.
Các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh
Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán được nguyên nhân gây đau:
Chụp Xquang thường và chụp cắt lớp vi tính có thể phát hiện được khối u, gãy xương, chèn ép thần kinh hoặc những nguyên nhân gây đau khác.
Chụp xạ hình xương để phát hiện ra đau do di căn xương.
Chụp PET-Scan để phát hiện di căn.
Sinh thiết hoặc xét nghiệm tế bào học có thể phát hiện u ác tính hoặc viêm.
Xét nghiệm máu và xét nghiệm vi khuẩn có thể phát hiện ra nguyên nhân nhiễm trùng.
Xét nghiệm huyết thanh có thể phát hiện ra bệnh thấp khớp, bệnh tự miễn.v.v.