Đẹp là gì

Thế nào gọi là “đẹp”? Câu trả lời không đơn giản, nhưng tôi có thể tóm gọn thế này:đẹp là là một đặc tính trung bình. Tôi biết có bạn đọc tới đây và sẽ nói “vớ vẩn, đẹp là phải trên trung bình chứ,” nhưng xin quí bạn hãy kiên nhẫn và cho tôi vài phút để thuyết phục. Trong một công trình nghiên cứu về sắc đẹp được công bố gần đây trên tờ báo khoa học hàng đầu thế giới,Nature, các nhà nghiên cứu chọn một cách ngẫu nhiên 20 khuôn mặt của các phụ nữ và họ đưa những ảnh này vào computer để phân tích. Họ cho computer “trung bình” hóa tất cả các đường nét trên khuôn mặt của 20 khuôn mặt. Bằng cách “hòa chảy” hai hình ảnh vào nhau, họ có được hàng loạt hình ảnh bằng cách “lấy trung bình” giữa 2 và 9 khuôn mặt. Khi họ đưa các tấm ảnh trung bình ra hỏi các đồng nghiệp của mình xem khuôn mặt nào đẹp nhất, thì thú vị thay, khuôn mặt có những đường nét “trung bình” nhất [riêng tôi thì thấy là bầu bĩnh nhất] được chọn là khuôn mặt đẹp nhất.

Ngoài khuôn mặt ra, đường nét cấu trúc của cơ thể cũng là một thông số quan trọng để thẩm định sắc đẹp. Ở phương Tây ngày xưa, người ta thường hay dùng tỉ số eo/mông (waist-to-hip ratio) để đánh giá tính hấp dẫn của một phụ nữ, đại khái là phụ nữ nào có thân hìnhthắt đáy lưng ongđược xem là hấp dẫn. Theo các nhà tâm lí học cổ điển Tây phương, người phụ nữ nào có cái tỉ số eo/mông vào khoảng 0,7 là một người đẹp lí tưởng (tất nhiên là về mặt thể dạng thôi, không phải tính tình). Các nghiên cứu trong vòng ba thập niên gần đây cho thấy tỉ số eo/mông này có liên quan tới hai hormone nam tính testosterone và hormone nữ tính estrogen. Phụ nữ có tỉ số eo/mông cao thường là những người có độ testosterone cao hơn, nhưng độ oestrogen thấp hơn, những phụ nữ có tỉ số eo/mông thấp. Phụ nữ có tỉ số eo/mông thấp là những người có sức khỏe tốt hơn và sinh sản dễ dàng hơn các phụ nữ có tỉ số cao. Trong một nghiên cứu ở Anh và Texas cho thấy phụ nữ có tỉ số eo/mông cao cũng là những người thường sinh con trai!

Nhưng mới đây, một nhóm nghiên cứu ở Anh đã làm thí nghiệm và cho rằng vòng eo/mông không phải là một tỉ số chính xác về sắc đẹp. Trong một bài báo trên tờ Lancet (một tờ báo y khoa hàng đầu trên thế giới), họ kết luận rằng tỉ số chính xác hơn là mật độ trọng lượng trên một mét vuông của cơ thể (còn gọi là body mass index hay BMI). BMI được ước tính bằng cách lấy trọng lượng (kg) chia cho chiều cao bình phương (m2). Nhóm nghiên cứu này đã phân tích mối tương quan giữa tính hấp dẫn (gọi là sexual attractiveness hay SA) và BMI của 44 phụ nữ (xem biểu đồ). Người viết bài này đã dựa vào dữ kiện của họ và đã tìm ra một phương trình liên quan giữa sắc đẹp (SA) và BMI như sau:

SA = 4,022 x BMI – 0,162 x BMI2+ 0,002 x BMI3– 26,6

quan niệm về cái đẹp

(Chú ý phương trình này chỉ thích hợp cho BMI khoảng 15 tới 35 kg/m2.) Nếu ta lấy đạo hàm phương trình này để tìm ra điểm đẹp tối đa, thì BMI vào khoảng 19 tới 20 kg/cm2. Con số này đúng ngay vào con số trung bình! (Thực ra, về mặt sức khỏe, đây cũng là độ BMI lí tưởng, vì theo định nghĩa y khoa hiện nay, người có BMI hơn 25 kg/cm2được xem là “phì” – over-weight, và hơn 30 kg/cm2được xem là “béo” – obese)).

Đó là tiêu chuẩn người đẹp Tây phương, thế còn người Việt ta thì sao? Trong một cuộc thi “Người mẫu thời trang Hà Nội mở rộng ’99”, có 22 thí sinh tuổi từ 17 tới 22. Ban tổ chức công bố các thông số quan trọng như chiều cao, trọng lượng, vòng eo, ngực và mông của các thí sinh. Qua các thông số này, tôi đã làm một phân tích chớp nhoáng và thấy số trung bình BMI của các thí sinh này là 17,6 kg/m2, vòng ngực 83,1 mm, vòng eo 60,5 mm, mông 90,2 mm, tỉ số eo/ngực 0,72 và tỉ số eo/mông 0,67.

Người đoạt giải nhất trong cuộc thi này là một thí sinh có tỷ số BMI 17,6 kg/m2, eo/mông 0,66 và eo/ngực 0,72. Người chiếm giải nhì là một thí sinh với BMI 17,9 kg/m2, eo/mông 0,67 và eo/ngực 0,72. Tất cả các chỉ số của hai người đẹp này nằm ngay vào con số trung bình! Như vậy, mặc dù Ta và Tây có tiêu chuẩn BMI khác nhau, nhưng trung bình vẫn là một công thức chung để tìm cái đẹp.

Cũng cần nói thêm ở đây rằng có nhiều [chứ không phài chỉ một] đặc tính trung bình làm nên cái đẹp. Do đó, có người đẹp “đáp ứng” được tiêu chuẩn trung bình về BMI, nhưng lại không có chỉ số eo/mông trung bình, hay ngược lại, ít có cơ hội được bầu làm hoa hậu hơn những người có nhiều chỉ số trung bình. Nhưng tìm được người đẹp trung bình không phải là chuyện dễ. Giả dụ như trong toàn bộ dân số, xác suất mà một người đẹp có chỉ số trung bình cho một đặc tính nào đó (như BMI chẳng hạn) là 0,15 (hay 15%); nếu ta dùng 10 đặc tính để thẩm định sắc đẹp, thì xác suất mà ta tìm được một người đẹp (có 10 chỉ số trung bình) là 0,00000000577, tức là trong một ti người, ta chỉ tìm được khoảng 6 người đẹp toàn diện! Thành ra, người đẹp hay hoa hậu, mặc dù chỉ là trung bình, nhưng lại rất hiếm. Điều này cũng giải thích tại sao người ta phải dễ dãi với các tiêu chuẩn về đẹp khi tìm người bạn đời.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.