1. Nhân viên y tế hướng dẫn sai thì người nhà biết nghe ai đây?
Tình cờ tôi đọc được dòng tâm sự này của một bà mẹ. “giữa một đất nước mà nhiều bác sĩ còn không nắm được những lợi ích của sữa mẹ, thì gia đình còn biết nghe ai đây? Nên làm sai là đương nhiên phải thông cảm”, “Biết nghe ai đấy? Nên làm sai là chấp nhận được”… Cách tư duy mới nghe rất bao dung này, lại là cái bẫy tư duy nguy hiểm, khiến tôi suy nghĩ mãi.
Trong một câu nói thôi, tôi nhận thấy có 3 đối tượng; “đất nước” (cả hệ thống”, “bác sĩ” (người trực tiếp ca đẻ của bé), “gia đình” (người thân đi theo chăm sóc mẹ đẻ)… thế trách nhiệm làm bố mẹ, của hai nhân vật chính trong câu chuyện này đâu?, họ cũng sẽ cho con uống tất hay sao? Nếu cái suy nghĩ “còn biết nghe ai đây” được tiếp tục vận dụng?
Theo tôi đây là một lý luận rất bất ổn. Vì nó là tư tưởng đổ lỗi cho hoàn cảnh. Đặt trách nhiệm phải thay đổi lên vai người khác, thay vì tự gánh vác trách nhiệm lên vai mình.
Ngày nay, đã có những văn phòng “Mặt trời bé nhỏ” tư vấn nuôi con sữa mẹ và dinh dưỡng cho trẻ nhỏ đến 2 tuổi, ở nhiều địa phương trên cả nước. Các bố mẹ hãy tìm địa chỉ gần nhất và tận dụng sự trợ giúp từ những dịch vụ này.
2. Vậy ai là nạn nhân của ai, theo cách suy nghĩ này?
- Con là “nạn nhân” của bố mẹ? Khi mẹ có sẵn sữa non trong bầu vú mà con phải bị tráng ruột bằng sữa bột cho trẻ em.
- Bố Mẹ là “nạn nhân” của gia đình? Khi mẹ sinh mổ không có sức cho con bú – đôi khi mẹ là nạn nhân của bố, nếu bố đứng về gia đình, chứ không đứng cùng chiến tuyến với mẹ và con.
- Gia đình là “nạn nhân’ của bác sĩ? Khi bác sĩ bảo phải pha sữa bột cho trẻ em cho bé bú ngay đi, dù con không khóc vì đói và cơ thể con dồi dào năng lượng sơ sinh do cơ chế điều tiết đối ứng trong 72 giờ sau sinh.
- Bác sĩ là nạn nhân của hệ thống? Khi hệ thống không đào tạo cho bác sĩ hiểu đúng và có kỹ năng hỗ trợ nuôi con sữa mẹ.
- Hệ thống là “nạn nhân” của tất cả cá nhân trong đó.
Vậy câu chuyện là “con gà hay quả trứng”, trách nhiệm cá nhân đến trước, hay trách nhiệm hệ thống đến trước ? dường như chúng ta quen suy nghĩ như thế, chúng ta quen đóng vai “nạn nhân’ (vì ngay từ nhỏ chúng ta đã được dạy, ngã đau thì đánh bàn đập ghế).
3. Ai chẳng yêu con và muốn tốt đẹp nhất cho con?
Nếu bản thân còn đang “bận” làm “nạn nhân” thì có làm được điều tốt đẹp nhất cho con hay không? Hay con lại là một “nạn nhân” tiếp theo, vì bố mẹ “không biết nghe ai”?
Mỗi con người trưởng thành đều có trí tuệ để học hỏi, chọn lọc thông tin và phát triển nhận thức, đừng chờ người khác nói cho mình nghe. Hãy nghe bằng tai mình, nhìn bằng mắt mình và hiểu biết do chính trí tuệ của mình.
4. Lời kết – vì sức khỏe của cả cộng đồng?
Để nhìn nhận ý nghĩa y tế cộng đồng của việc nuôi con sữa mẹ và sử dụng sữa người được chia sẻ và hiến tặng cho nhau. Nuôi con sữa mẹ không còn là lựa chọn riêng tư của mỗi gia đình, vì một tương lai phồn vinh, hạnh phúc, khỏe mạnh của cả dân tộc và cả nhân loại.
Cho dù là bạn đang sống ở đâu, và chất lượng dịch vụ y tế như thế nào, quan niệm nuôi dưỡng giáo dục trẻ trong cộng đồng ra sao, phúc lộc của từng đứa trẻ cũng vẫn nằm gọn trong tay của bố mẹ.
Mỗi người làm bố, làm mẹ, có trách nhiệm gìn giữ và đấu tranh, để có thể trao trọn hạnh phúc lộc đó lại từng ngày, từng giờ cho những con yêu của mình.