Một số thuốc lợi sữa và một số thảo dược sữa, cũng thường được dùng khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới để hỗ trợ tăng lượng sữa, đặc biệt ở các bà mẹ sinh non, hoặc giúp phát sinh khả năng tạo sữa cho bà mẹ chưa mang thai lần nào nhưng tạo sữa để nuôi con nuôi bằng sữa mẹ.
Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng khoa học về tác dụng của các chất lợi sữa này, kể cả các loại thuốc như domperidone và metoclopramide. hay các phương pháp thảo dược
1. Lợi sữa bằng tân dược
Mặc dù đã từng có vài nghiên cứu chứng minh chất domperidone có tác dụng lợi sữa cho các bà mẹ có con sinh non, nhưng sử dụng nó có an toàn cho bà mẹ hay không thì chưa được nghiên cứu và kết luận. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành khuyến cáo có năm 2004 về việc sử dụng domperidone ở bà mẹ cho con bú và thuốc này không được duyệt tại Mỹ, do đó, nếu nhãn thuốc này có được bán ở nước khác thì cũng không nên dùng khi cho con bú.
Một số nghiên cứu quy mô nhỏ khác, công bố năm 1990, cho rằng metoclopramide giúp tăng nồng độ hormone prolactin, cũng có nghĩa giúp mẹ sản xuất được nhiều sữa hơn, ở mẹ sinh non cũng như sinh đủ tuần.
Tuy nhiên, những nghiên cứu tiếp sau đó lại không đưa ra được kết quả tương tự. Nồng độ thuốc metoclopramide trong sữa mẹ cũng tương tự như nồng độ trong máu người lớn. Cơ thể sơ sinh lưu trữ lượng thuốc này mà không thải ra được có thể tích tụ trong cơ thể và gây ngộ độc. Trong khi đó, bản thân thuốc metoclopramide có các phản ứng phụ như gây yếu cơ, trầm cảm, rối loạn hệ tiêu hóa.
Mặc dù một nghiên cứu thử nghiệm nhỏ (8 bà mẹ) cho rằng phương pháp hít oxytocin giúp tăng lượng sữa, nhưng một thử nghiệm khác (51 bà mẹ) thì lại không có được kết quả tương tự. Ống hít oxytocin không còn thấy được bày bán tại Mỹ
2. Lợi sữa bằng thảo dược
Tương tự, mặc dù nhiều kinh nghiệm được lan truyền về tác dụng lợi sữa của các loại thảo dược, như thảo dược cỏ cà ri (fenugreek), tuy nhiên các nghiên cứu chính quy lại cũng không khẳng định được hiệu quả như được rao truyền. Các nghiên cứu đến thời điểm này đều chưa công nhận hiệu quả/tác hại việc sử dụng thường xuyên các sản phẩm thảo dược lợi sữa. Việc sử dụng kéo dài cỏ cà ri có thể dẫn đến việc cần dám sát tình trạng đông máu và nồng độ đường glucose trong máu. Vì những lý do này, với các sản phẩm thảo dược nói trên phụ nữ cho con bú không nên sử dụng thường xuyên.
Mặc dù, các bà mẹ cho con bú sử dụng thường xuyên các sản phẩm thảo dược (đến 43% bà mẹ cho con bú trong một cuộc khảo sát năm 2004), vì cho rằng thảo dược là an toàn. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu và kết luận rõ ràng về độ an toàn và độ tin cậy của nhiều sản phẩm thảo dược này. Nhiều sản phẩm thảo dược chưa được nghiên cứu chứng minh hiệu quả và các tác dụng phụ.
Ở Việt Nam, việc sử dụng thảo dược lợi sữa như cây chè vằng, thông thảo, ý dĩ, nhân trần… vẫn thường xuyên được các bà mẹ áp dụng, tuy nhiên vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh cụ thể khả năng, tác dụng và tác hại của những thảo dược đó.
3. Thực phẩm lợi sữa.
Vậy ăn gì để có nhiều sữa ?Thực phẩm lợi sữa có thể được ghi nhận khác nhau ở từng nền văn hóa khác nhau, hiệu quả ở từng cá nhân cũng khác nhau. Các thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là các vitamin tốt cho bầu vú như vitamin A,vitamin E, như đu đủ xanh, quả sung, lá chùm ngây, củ nghệ, rong biển… cũng cho thấy hiệu quả trong việc gia tăng lượng sữa. Các thực phẩm có đặc tính giúp tăng tuần hoàn máu, như cơm rượu, sữa chua nếp cẩm,… cũng cho các đặc tính gia tăng lượng sữa mẹ. Như chúng ta đã biết, sữa mẹ làm từ máu mẹ, do đó, máu càng lưu thông tốt thì việc sản xuất sữa mẹ cũng được hỗ trợ tốt.
Ngoài ra, tác dụng lợi sữa của thực phẩm sẽ được lên nếu người mẹ ăn món đó với cảm giác thích thú và ngon miệng, nhưng nếu cảm thấy món ăn đó không ngon miệng, chán ngán, thì tác dụng lợi sữa cũng sẽ bị “ức chế”. Do đó, nên thường xuyên thay đổi thực đơn “mẹ sữa”, thay đổi nguyên liệu và cách chế biến, để bà mẹ luôn có cảm giác ngon miệng. Như chúng ta đã biết qua bài “Móng giò không lợi sữa”, rằng hormone ngon miệng dopamine là bạn đồng hành của hormone tiết sữa oxytocin mà.
4. Thể dục phù hợp, phơi nắng và khí trời
Bà mẹ cho con bú hiện đại không nên thực hành “ở cữ” tại giường, mà nên hoạt động nhẹ nhàng trở lại sớm sau khi sinh. Các động tác thể dục nhẹ nhàng kết hợp hít thở, massage, tắm nắng và khí trời (như bài thể dục dành cho mẹ bầu mẹ sữa được giới thiệu trong trangwebsite này), giúp cho máu huyết bà mẹ lưu thông được tốt hơn, giàu oxy hơn, luân chuyển máu đến bầu vú được tối ưu, cũng sẽ giúp cho việc tạo sữa gia tăng hiệu quả.
5. Tinh thần thoải mái
Để “lợi sữa” quan trọng nhất là người mẹ có tinh thần tự tin, sảng khoái. Ăn ngon miệng, tranh thủ nghỉ ngơi mọi lúc có thể, nhiều giấc ngủ nhỏ cũng mang lại sự hồi phục cho cơ thể như một giấc ngủ dài. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” rất đúng cho mọi bà mẹ sữa, hãy chăm sóc bản thân, làm đẹp trang nhã, nghĩ đến những điều vui, xem tranh hài… và cười hết mình để các hormone hạnh phúc được dồi dào. Da tiếp da với con, và khi có thể da tiếp da với chồng (không nên quên chuyện kế hoạch hóa gia đình) trong thời gian cho con bú, cũng là một phương pháp hữu hiệu gia tăng hormone tình yêu oxytocin, cũng chính là hormone tiết sữa. Đừng bỏ qua phương pháp này, dù sữa có thể chảy “lộ liễu”ngay trong khi đang làm “hành sự”.
6. Cữ bú đêm
Một phương pháp “lợi sữa” hiệu quả mà ít ai nhớ đến, đó là cho con bú mẹ trực tiếp tất cả các cữ bú đêm. Buổi đêm, cơ thể mẹ có lượng hormone prolactin cao hơn ban ngày. Do đó, đây là “thời điểm” tốt để “tận dụng” tăng lượng sữa một cách tự nhiên, tốt cho cả mẹ và con. Sữa mẹ vào ban đêm cũng có nhiều hormone an thần melatonin và nhiều chất béo hơn các cữ ban ngày, giúp bé ngủ các giấc đêm dài hơn các giấc ngủ ngày. Mẹ cho con bú trực tiếp không phải lục đục kích sữa bằng máy hoặc vắt sữa để tránh bị cương sữa vào ban đêm.