Theo báo cáo của Chương trình phòng chống tai nạn thương tích TP. Hô Chí Minh, có khoảng gần 1.300 ca tai nạn do dị vật ở trẻ em từ 2003-2005. Dị vật tức vật lạ từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể qua tai, mũi, miệng, đường thở, đặc biệt khi vật lạ rơi vào đường thở có thể gây ngạt dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong 5 năm gần đây từ 2001 đến 2006 có khoảng gần 200 trẻ bị dị vật đường thở, đường ăn được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện.
Trẻ em vốn hiếu động, nghịch ngợm nên hay nhét bất kỳ vật lạ nào vào các lỗ hổng trên cơ thể mình. Có trẻ bị đau, khóc và nói cho bố mẹ biết nhưng cũng có trường hợp khi tai và mũi trẻ có mùi hôi thì người lớn mới biết. Dị vật đường thở là một trường hợp cấp cứu, thường xảy ra ờ các bé từ 3 tháng đến 6 tuổi. Nguyên nhân thường gặp là do người lớn cho trẻ bú, ăn, uống thuốc không đúng cách như cố ép trẻ khi trẻ đang khóc khiến cho trẻ bị sặc sữa, cháo, cơm, thuốc hoặc do trẻ hít vào đường thở các chất nôn ói, các vật nhỏ như hạt trái cây mãng cầu, sabôchê, đậu phộng, viên bi, đồng xu, đồ chơi có kích thước nhỏ.
Mỗi gia đình đều có thể phòng ngừa tai nạn do dị vật ở trẻ, nhất là dị vật đường thở bằng những điều sau đây.
Những điều nên làm
Cho trẻ ăn, bú và uống thuốc đúng cách, không cố ép khi trẻ đang khóc. Đối với trẻ dưới 3 tuổi, khi cho trẻ uống thuốc, tốt nhất nên dùng dạng nước hoặc xi rô còn nếu dùng thuốc dạng viên thì phải tán nhuyễn.
Đặt trẻ nằm nghiêng khi trẻ bị nôn ói hoặc ọc sữa để tránh trào ngược chất nôn vào phổi.
Luôn theo dõi khi trẻ cho trẻ bú, ăn và chơi.
Cắt hoặc xé thức ăn thành những miếng nhỏ.
Những điều không nênlàm
Không để các vật nhỏ như nút áo, đồng xu, hạt trái cây, hạt đậu nơi trẻ chơi và ngủ hoặc trong tầm với của trẻ.
Không cho trẻ nhỏ ăn đậu phộng, hạt nhỏ, kẹo cứng hoặc thức ăn có xương.
Không cho trẻ cười giỡn, chạy nhảy trong khi ăn.
Không cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ, đồ chơi phải có đường kính lớn hơn 5 cm.