BẢN THẢO VẤN ĐÁP CÂU 9-12

9. Hỏi:Vào khí phận, vào huyết phận, chưa rõ được lý, xin nói lại.

Đáp: Thấm nhuần thiên thuỷ mà sinh ra vào khí phần. Thấm nhuần Địa hoả mà sinh ra vào huyết phần. Khí gốc ở trời, Vị gốc ở đất; Khí dày thì vào khí phần; Vị đậm thì vào huyết phần. vào khí phận thì chạy đến thanh khiếu; vào huyết phận thì chạy đến trọc khiếu. Cũng như Tỏi (Đại-toán), khí nồng nặc cho nên khi vào khí phần, chạy đến thanh khiếu, lên trên làm cho mắt cay, mà xuống dưới làm cho nước tiểu hôi. Hồ-tiêu vị đậm, cho nên vào huyết phận, chạy đến trọc khiếu, ở trên làm cho miệng lưỡi dộp lở, ở dưới làm cho đại tiện rát đau, xem hai thứ ấy, thì biết cách biện luận vào khí phần, vào huyết phận. Vì được khí của Thiên Thuỷ mà sinh, vào khí phần NHÂN SÂM, HOÀNG KỲ là rất rõ ràng. Ngoài ra, như TRẠCH TẢ, DĨ NHÂN sinh ra ở Thủy mà lợi thuỷ; Hai vật đó giống nahu mà có khác. DĨ NHÂN sinh ở trên thân cây, thì hóa khí đi xuống, dẫn phế dương để thông xuống dưới; TRẠCH TẢ sinh ở dưới rễ, thì hoá khí đi lên, dẫn Thân âm thông với ở trên. HOA BÁCH HỢP úp xuống như trên trời rủ xuống, TOÀN PHÚC HOA hút sương mà sinh, gốc ở thanh khí của trời cho nên đều vào khí phận để liễm phế giáng khí. CHUNG NHŨ THẠCH, rủ xuống tượng trời, đá lại là thể của kim, cho nên chủ đưa phế khí xuống. TẮC KÈ sinh ở trong đá, được khí của kim thuỷ, cho nên thấm nhần phế kim, chuyên về lợi thủy, định suyễn; vì Thuỷ lưu hành thì khí hoá không có đàn ẩm ngăn cản, cho nên suyễn tự dừng. MẠCH MÔN, THIÊN MÔN, thấm nhuần Âm Thủy, đều nhuần tưới được phế để thanh khí phận. RỒNG là vật dương trong Thuỷ, người ta dùng LONG CỐT, là thứ đá ở trong đất không phải thuỷ tộc; nhưng đã thành hình rồng, thì gốc ở Dương khí của Thiên thủy sinh ra (thiên nhất thuỷ); đã thành hình rồng, lại không bay, mượn đá làm chất ẩn nấp ở trong đất, là nên chìm vào Phục khí, thu liễm tâm thần, đều dùng ý nghiã nạp khí. PHỤC LINH là nhựa của cây thông đọng lại ở rễ mà sinh ra, là Dương của trời, từ dưới trở lại trên. Dưới có Phục linh, Tùng ở trên chót, mầm mống của Phục linh gọi là UY HỈ CHI. Phục linh ở trong đất, khi lên ứng với mầm, được tính chất của Tùng thì có Mộc tính, có thể sơ thổ làm chất ngưng Thổ vị nhạt; sắc trắng, chủ thấm lợi, làm cho Thủy lưu hành. Khí không liên tiếp nhau, đi lên ứng với mầm, cho nên hoá được khí đi lên, mà bổ khí. Người phương Tây lấy Tùng hương (nhựa thông) chà xát thì phát điện khí, gọi trong Tùng Hương có nhiều điện khí. TÙNG HƯƠNG chìm vào trong đất, biến ra Phục linh, trong có điện khí, khí đó đi lên ứng với mầm, cũng như dây điện thông suốt nhau mà thôi. Người phương Tây gọi là điện khí, Trung Quốc chỉ gọi là Dương khí. TÙNG CHỈI (nhựa thông) thấm nhuần tính của Dương, chìm vào trong đất hoá ra Phục linh. Dương khí phát ra, tưới rót xa xôi để sinh UY HỈ CHI; không phải khí hoá mạnh, làm sao được như vậy? Khí trong thân thể, nhất Dương trong Thủy hoá ra; chất của Phục linh thấm vào làm cho Thủy lưu hành, mà khí đương được giúp đỡ để hoá sinh, vì vậy PHỤC LINH là thuốc cần yếu để hoá khí hành thuỷ.

Phần biện luận trên đây, đều là được Dương của Thiên thủy sinh ra, cho nên đều vào khí phần. Còn các thứ vào huyết phận nhận định phải được vị của Địa Hoả sinh ra, như ĐƯƠNG QUI; XUYÊN KHUNG. Vì huyết trong thân thể là do chất nước ở dạ dày, được Tâm hoả hoá màu đỏ thành huyết. Hoá ra huyết rồi; tràn vào mạch, chuyển đến Bào cung, do Can quản lý. Cho nên các thứ thuốc vào huyết phận đều được Vị khí của Địa hoả và đi vào Can mộc. ĐƯƠNG QUI cay đắng, là được vị của Địa hoả; khí hơi ấm , được tính của Mộc, mà chất lại trơn nhuận được sự ẩm ướt của đất; cho nên hoá được chất nước, giúp cho Tâm sinh huyết để lưu hành đến Can. Trong Bản thảo, chỗ ghi riêng có nói : ĐƯƠNG QUI, cay ấm quá, hành huyết thì thừa, sinh huyết thì không đủ. Không biết rằng huyết trong thân thể, là do Trung tiêu được khí, lấy chất nước đưa lên Phế họ, vào Tâm nhờ Tâm hoả biến hoá ra màu đỏ mà thành huyết. TÂY Y nói chất nước của đồ ăn uống lên phế, đến hội quản ở cổ thành ra màu đỏ, xuống vào buồng Tâm. So với thuyết này cũng thấy nhờ Tâm hoả biến hoá mà thành huyết. Nội kinh nói Tâm huyết là như thế. ĐƯỜNG qui cay đắng, khí ấm nóng, chính là để làm cho Tâm hoả biến hoá, lấy chỗ trơn nhuần sinh chất nước, lấy chỗ cay ấm giúp Tâm hoả hoá sinh. Về công năng sinh huyết, không có thứ thuốc đặc hiệu nào khác có thể sánh được. Phương hoà huyết của Trọng Cảnh, không ngoài ÔN KINH THANG; phương thuốc SINH HUYẾT, không ngoài PHỤC MẠCH THANG. Ôn kinh thang: cay ấm giáng lợi, đồng công năng với XUYÊN KHUNG Phục mạch thang cay ấm tươi nhuận, đồng công năng với ĐƯƠNG QUI. Biết Tâm hoả biến hoá chất dịch thành huyết, thì biết Phục mạch thang sinh huyết, và biết Đương qui là thuốc sinh huyết.

XUYÊN KHUNG vị rất cay đắng, được tính rất nóng của Mộc Hoả; chất không nhu nhuận; tính chuyên tẩu tán; cho nên chuyên chủ lâm huyết của TâmCan lưu hành. Đắng là vị của hoả; đắng mà thêm cay, thì tính ấm có công năng sinh huyết. Nếu chỉ đắng mà không cay, thì tính mát, mà chuyên chủ tiết huyết.

HỒNG HOA sắc đỏ tự nó vào huyết phận, mà đắng thì có công năng tiết huyết. Vả lại tính của hoa đều nhẹ nhàng, đi lên ra ngoài, cho nên HỒNG HOA tiết huyết ở ngoài, ở trên cửa cơ phu mạch lạc.

ĐAN BÌ về sắc vị cũng cùng loại với Hồng hoa mà tính của rễ thông xuống, không giống với hoa cho nên chủ ở trong, và tiết huyết của Trung hạ tiêu.

ĐÀO HOA đỏ mà nhân vị đắng, đều được tính và vị của Địa hoả. Nhân (hột) lại có sinh khí cho nên ĐÀO NHÂN có công năng phá huyết, cũng có công năng sinh huyết, THUYẾN THẢO sắc đỏ, vị đắng, rễ rất dài; cho nên sức đi xuống rất mạnh, chuyên về giáng tiết hành huyết.

10. Hỏi: Đắng được hỏa vị, vào tâm để thanh hỏa tiết huyết, có thể biết được lý. nhưng các thứ có vị cay là được vị của phế kim, mà cũng vào được huyết phận, như nhục quế, quế chi,tử tô, kinh giới như thế là thế nào?

Đáp: Hễ thuốc được vị chua, đều được tính kim thâu (thâu liễm); được vị cay, đều được tính mộc ôn (mộc làm ấm) đó là lý tương phản, tương thành của ngũ hành. tâm hỏa sinh huyết, nhờ cậy nhiều vào can mộc sinh hỏa; như thế có nghĩa là con hư thì bổ mẹ. cho nên ôn can tức là ôn tâm. nhục quế rất cay thì ấm nhiều, tuy được kim vị (vị của kim) mà thành ra tính của mộc hỏa, cho nên chủ vào huyết phần của tâm can, để giúp huyết hóa sinh QUẾ BÌ rất có công năng đi lên; Phục mạch thang của Trọng Cảnh dùng QUẾ CHI vào Tâm giúp hỏa để hóa huyết. Tính của VIỄN CHÍ cũng giống quế chi, nhưng quế chi thông ra bốn bên, Viễn Chí là chất rễ lại rất nhỏ, chủ vào Tâm kinh, để tán cái huyết trệ trong Tâm mà thôi. Chẵng những cỏ cây thuộc hỏa vị vào huyết phận; lại như mã (ngựa) là hỏa là loại (thú nuôi thuộc hỏa), cho nên MÃ THÔNG cũng có công năng giáng Hỏa để hành huyết; TÁO NHÂN thấm đượm sắc đỏ của hỏa, cho nên cũng vào Tâm dưỡng huyết. Tóm lại huyết sinh ở Tâm, hễ được tính vị của địa Hỏa đều vào huyết phận.

11. Hỏi: SINH ĐỊA chất nhuần, trong chứa chất nước, A Giao nhờ nước nấu thành, vốn tính Thủy âm. Hai thứ ấy đều có công năng sinh huyết, sao vậy ?

Đáp:Hào âm trong quẻ Ly, tức là khảm thủy. A Giao, SINH ĐỊA lấy thủy giúp Hỏa, chính là lấy Khảm bù cho Ly; có chất nước âm đó, rồi sau nước được Tâm hỏa biến ra đỏ tức là huyết. Chính Nội Kinh nói: trung tiêu lấy chất nước, nhờ Tâm hỏa biến ra đỏ thành huyết. Biết được lý đó thì biết được sự sinh hóa của huyết. Theo đó thì biết các thứ thuốc vào huyết phận.

12. Hỏi: Nam Bắc đất khác nhau: thuốc sinh ra ở đó, đã được sinh ra có Thủy, Hỏa, Khí, Huyết: tiên sinh nói rồi. Còn như đông nam, trung ương chẵng có đều khác biệt, sao không bàn đến ?.

Đáp:Thủy hỏa ở Nam Bắc phân biệt rõ ràng. Nhưng âm dương cọ sát, ở Nam chưa hẵn không có Bắc khí; ở Bắc chưa hẵn không có Nam khí. Đến như đông nam tuần hoàn. Trung ương lưu thông bốn phía, khí xen lẫn lưu hành, cho nên không thể phân. Nhưng cũng có thể phân biệt được, như THANH MÔNG THẠCH, QUẤT HỒNG BÌ, HẠT TRÁI VẢI, đều thắm nhuần Mộc khí của phương đông, hoặc có công năng bình Can để hành đàm, hoặc có khả năng tán Can để giải uất, đều lấy khí sinh ở phương Đông là đươc tòan mộc khí, cho nen các thứ thuốc đó sản suất ở Quảng Đông là tốt. XUYÊN BỐI MẨU, SINH THẠCH CAO, TANG BẠCH BÌ đều thấm đưởm kim khí của phương Tây mà sinh ra , thì hoặc là lợi khí giáng đàm hoặc thanh kim khử nhiệt; đều lấy thứ sinh ở phương tây là được chất tốt của kim khí, cho nên mấy thứ thuốc đó sản xuất ở Tứ Xuyên, Quãng Tây là tốt còn như dùng rễ phía đông của cây Ly, dùng phần hướng về phía đông của THẠCH LỰU , là đều cốt lấy được Mộc khí. TRẮC BÁ DIỆP đều xoay về tây; khi dùng thì lấy nhánh phía tây, chỉ là để lấy nhánh có nhiều kim khí. Còn ở trung ương, có đầy đủ khí của bốn phía Đông, Nam,Tây, Bắc mà cũng có khí độc đắc của trung ương; như Hà Nam ở giữa thì sản xuất ĐỊA HOÀNG. Người ta thấy địa hoàng màu đen, không biết là trước khi chưng sái (chưng phơi), sắc nó vốn vàng. Trung nguyên ở Hà Nam, đất dày nước sâu, cho nên địa hoàng được khí ẩm ướt của trung ương sinh ra, trong thấm nhuần chất ẩm ướt. Người ta chỉ thấy Địa Hoàng chưng thành sắc đen, có công năng tư thận âm, mà thật sự không biết nó tư nhuận tỳ âm. Nội Kinh nói : Tỳ là chí âm trong âm; ĐỊA HOÀNG ẩm ước qui Tỳ; Tỳ âm đủ thì Can Thận tự nhiên được thắm nhuần. SƠN DƯỢC cũng lấy thứ ở HÀ NAM là tốt; vị ngọt có chất nước, là được khí của thấp thổ; có công năng bổ Tỳ, cũng bổ Tỳ âm. Nhưng SƠN DƯỢC sắc trắng là được kim khí trong đất, cho nên vừa bổ Tỳ vừa ích Phế. Địa Hoàng biến thành sắc đen, là Thủy khí trong đất, cho nên vừa nhuận Tỳ vừa tư Thận. Tuy cùng sản xuất ở một địa phương, mà cũng có chủng loại, hình sắc khác nhau, cho nên công năng cũng khác nhau.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.