Cách sắc thuốc thang (thuốc bắc) đúng cách
Thuốc thang là một dạng thuốc được dùng nhiều nhất trong Đông y vì có hiệu quả hơn hẳn những dạng thuốc khác như cao, đơn, hoàn, tán… Dạng thuốc này đòi hỏi người sử dụng phải “nấu” các vị thuốc bằng nước trong một khoảng thời gian nhất định mới dùng được (mà ta quen gọi là “sắc”). Trong lịch sử Đông y, thuốc thang được dùng từ rất sớm. Tuy nhiên, việc sắc thuốc đòi hỏi khá nhiều thời gian, sự chú ý và cả những “bí quyết” để đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn.
Dược lý học cổ truyền đã đề ra những qui định khắt khe trong việc sắc thuốc thang. Trên thực tế, ngày nay các qui định này xem ra không còn được tuân thủ chặt chẽ lắm. Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản vẫn không thay đổi.
1. Siêu sắc thuốc:
Trước đây vẫn hay dùng siêu bằng đất ( rẻ tiền, an toàn, giữu nhiệt lâu, không tương tác hợp chất, tiện dùng trong gia đình). Không nên dùng các loại siêu, nồi làm từ kim loại như sắt, đồng…, vì chất Tanin có trong hầu hết các dược liệu sẽ kết tủa khi gặp kim loại (tạo thành chất không tan). Hiện nay tốt nhất là dùng các loại dụng cụ sắc thuốc bằng sành sứ, inox, dễ điều chỉnh và dễ ổn định nhiệt độ trong quá trình sắc thuốc.
2. Sắc thuốc bằng nước gì?
Nước gì cũng được, miễn là phải sạch. Thường người ta dùng nước máy, nước giếng, nước mưa đã để lắng. Đối với các loại nước ngầm (nước giếng đóng hoặc giếng khoan), nhất thiết phải đạt các tiêu chuẩn vệ sinh tối thiểu. Không cần thiết phải dùng đến nước cất hoặc nước tinh khiết vì vừa lãng phí mà hiệu quả vẫn không thay đổi.
Lượng nước cho vào từng thang cần vừa đủ, thường 1 thang thuốc 180-200gr nên cho 500-600ml nước, nchung cần ngập mặt dược liệu khoảng 2-3cm là được.
3. Sắc như thế nào?
Tùy từng loại dược liệu mà có những cách sắc riêng biệt. Thông thường, nên ngâm dược liệu với nước sạch khoảng 30 phút trước khi sắc để làm mềm dược liệu, giúp hoạt chất trong dược liệu dễ hòa tan hơn.
Thông dụng:
Sắc nhanh: (với thuốc giải cảm, thuốc nhiều tinh dầu) cho nước ngập mặt dược liể, đung lửa lớn sôi khoảng 30 phút, sắc 1 lần
Sắc chậm: (thuốc bổ)
Lần 1: đổ nước ngập mặt dược liệu (600ml), đun nhỏ lửa âm ỉ cho thuốc sôi đều, sắc đến còn 1/3 lượng nước cho vào, chiết lấy nước thứ nhất.
Lần 2: cho vào khoảng 400ml nước, đun nhỏ lửa đến còn 200ml, phối hợp 2 dịch sắc, có thể cô đặc cho dễ uống.
Thường sắc từ 2-3 lần để chiết được hết hoạt chất. Các nước sắc được nên gộp chung lại rồi chia đều cho 2-3 lần uống trong ngày. Không nên sắc nước nào uống nước ấy vì nước sắc trước thường đậm đặc hơn nước sắc sau
4. Nên dùng lửa lớn hay lửa nhỏ? Sắc bao lâu thì được?
Khi bắt đầu sắc thường để lửa lớn (vũ hỏa), tuy nhiên cũng không nên lớn quá vì vừa tốn kém vừa làm nước sôi quá mau, mà một số hoạt chất trong dược liệu có bản chất là protein hoặc tinh bột khi gặp nhiệt độ cao đột ngột sẽ dễ bị đông cứng hoặc biến chất. Khi nước đã sôi thì vặn nhỏ lửa (văn hỏa), thời gian sắc như trên
Thời gian sắc cũng tùy thuộc vào công dụng của từng bài thuốc, vấn đề này nên tham khảo ý kiến thầy thuốc. Thường các loại thuốc bổ nên sắc lâu hơn các loại thuốc công(tả hạ). Một số loại dược liệu cần sắc lâu mới chiết được hết hoạt chất như các loại chất khoáng, vỏ trai, ốc, mai mực, xương động vật…
5. Sắc theo tính chất dược liệu:
Thường khi kê toa, người thầy thuốc giỏi sẽ chú ý ghi rõ cách sắc đối với những vị thuốc đặc biệt có trong thang thuốc để sắc cho đúng cách, bảo đảm đạt tác dụng của bài thuốc như ý muốn. Người bệnh nên hỏi kỹ thầy thuốc cách sắc những vị thuốc như vậy. Ví dụ một số vị thuốc có ghi rõ “sắc trước” (sắc trước khoảng 15 phút rồi mới cho các vị khác vào), hoặc “sắc sau” (cho vào siêu khi thang thuốc đã sắc gần xong), hoặc “gói riêng” (đối với những vị thuốc có nhiều chất bột dễ làm đục dịch thuốc hoặc các loại dược liệu có nhiều lông dễ gây ho…).
6. Lưu ý:
Các vị thuốc có hoạt chất là tinh dầu cần để riêng, khi thuốc gần được mới cho vào.
Các thuốc là khoáng chất, khó tan ( Thạch cao, Thạch quyết minh), cần tán nhỏ rồi mới cho vào sắc chung với các vị khác
Các hóa chất, cao động vật dễ tan như A giao, Cao ban long, Cao hổ cốt, Phác tiêu cho vào nước sắc khi còn nóng, khuấy tan cho dễ uống
Các dược liệu quý hoặc không chịu được nhiệt độ cao như Nhân sâm, Quế, Tam thất nên hãm, mài, tán riêng, trộn vào nước sắc để uống
Tham khảo từ tài liệu của BS. PHAN MINH TRÍ