HEN SUYỄN

Háo Suvễn – Asthma – Asthme

Hen suyễn là một hội chứng bệnh lý của cơ quan hô hấp mà đặc trưng chủ yếu là khó thở và tiếng đờm khò khè trong họng.

Sách Y Học Chính Truyền định nghĩa: Suyễn thì thở không to, háo thì thở có tiếng.

Sách Y Học Nhập Môn viết: Thở gấp là suyễn, trong họng có tiếng kêu là háo.

Tuy một vài sách đã tách Háo hen và Suyễn ra làm hai bệnh khác nhau, tuy nhiên, trên lâm sàng, hai bệnh này thường đi đôi với nhau, xuất hiện cùng lúc và là triệu chứng chính của bệnh hen suyễn, vì vậy, về nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh, biện chứng luận trị và phương pháp điều trị có thể dùng như nhau.

Chứng háo suyễn thường gặp trong các bệnh hen phế quản, phế quản viêm thể hen, phế khí thủng, tâm phế mạn hen tim và nhiều bệnh khác như phổi viêm, áp xe phổi, bụi phổi, lao phổi, giãn phế quản…

Năm 1819 Laenec đã mô tả đờm hạt trai và gọi là Hen phế quản để phân biệt với các bệnh khác của phế quản cũng gây nên khó thở.

Năm 1958 Hen phế quản được định nghĩa là tổn thương đặc trưng bởi sự tắc nghẽn toàn thể bộ hô hấp, thay đổi nhanh chóng một cách tự phát hoặc dưới Tác dụng của điều trị.

Năm 1975, Hiệp hội lồng ngực và Hội các thầy thuốc về hô hấp của Mỹ định nghĩa: Hen phế quản là bệnh đặc trưng bởi tình trạng tăng hoạt tính của đường hô hấp đối với các kích thích khác nhau, biểu hiện bằng sự kéo dài thời kỳ thở ra. Tình trạng này thay đổi một cách tự nhiên hoặc do Tác dụng của điều trị.

Năm 1980 Charpin J Pháp cho rằng Hen phế quản là một hội chứng có những cơn khó thở rít kịch phát thường xẩy ra về đêm.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Hen phế quản là tổn thương đặc trưng bởi những cơn khó thở gây ra do các yếu tố khác nhau, do vận động kèm theo các triệu chứng lâm sàng tắc nghẽn toàn bộ hoặc một phần, có thể phục hồi được giữa các cơn.

Phân Loại Theo Đông Y

YHCT vẫn chưa thống nhất được cách phân loại Hen suyễn, để tiện việc nghiên cứu, tham khảo, chúng tôi ghi lại đây một số quan điểm của người xưa:

Đời nhà Minh, năm 1624, Trương Cảnh Nhạc trong bộ Cảnh Nhạc Toàn Thư đã phân háo suyễn thành 2 loại chính là Hư và Thực Sau này Diệp Thiên Sỹ, đời nhà Thanh, thế kỷ 17 bổ sung như sau: bệnh ở Phế là Thực, bệnh ở Thận là Hư.

Đời nhà Thanh 1644, Ngô Khiêm trong Y Tông Kim Giám chia làm 5 loại: Hoả nhiệt suyễn cấp, Phế hư tắc suyễn, Phong hàn suyễn cấp, Đờm ẩm suyễn cấp, Mã tỳ phong.

Sách Trung Y Học Nội Khoa dựa theo Suyễn và Háo chia thành: Thực suyễn, Hư suyễn và Lãnh háo, Nhiệt háo.

Ban Thế Dân trong bài Thảo Luận Về Cơ Chế Và Biện Chứng Luận Trị Bệnh Hen Phế Quản năm 1958 chia làm hai loại Thực và Hư.

Khoa phổi bệnh viện Thượng Hải chia ra: Thực Suyễn gồm Phong hàn, Phong nhiệt, Đờm thực, Hoả uất và Hư Suyễn gồm Phế hư và Thận hư.

Trương Kim Hằng trong bài Thảo Luận Về Bệnh Háo Suyễn trong Cáp Nhĩ Tân Trung Y Tạp Chí số 3/1962 chia háo suyễn thành 5 loại: Hàn suyễn, Nhiệt suyễn, Tâm tạng suyễn, Thận hư suyễn, Phế và Khí quản suyễn.

Chu Đức Xuân trong bài Nhận Xét 217 Trường Hợp Hen Điều Trị Bằng Đông Tây Y Kết Hợp phân thành: Hen hàn, Hen nhiệt, Hen do khí hư, Hen thể đờm thực.Theo Y học hiện đại

Sách Bệnh Học Nội Khoa của đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh năm 1982 phân Hen suyễn thành 2 loại:

Hen Ngoại Sinh Asthme Extrinseque = Asthme Allergique: Nhóm người bệnh thường hen suyễn từ nhỏ, trẻ tuổi, có tiền sử dị ứng rõ ràng.

Hen Nội Sinh Asthme Intrinseque = Asthme infectieux thường bắt đầu xuất hiện sau nhiều đợt nhiễm trùng hô hấp kéo dài trên bệnh nhân lớn tuổi, không có tiền căn dị ứng.

Nguyên Nhân

Theo y học hiện đại thì các yếu tố được xem là nguồn gốc đưa đếùn cơn hen suyễn là:

Dị ứng có khoảng 20 – 30% do di truyền mà chất gây nên dị ứng có thể là vi khuẩn, sán lãi, các chất hít vào như phấn hoa, bụi nhà, khói, lông da thú vật, chất độc hoá học, thuốc trị bệnh, có thể là thức ăn… Hoặc cơn hen xuất hiện theo mùa.

Thức ăn và thuốcTrong một số thức ăn có dị ứng tố như sữa bò, trứng, cá, tôm, cua… hoặc một số hoa quả…Thuốc Aspirin và những chất đồng loại có thể gây nên cơn hen trong vòng 2 giờ sau khi uống.

Không khí ô nhiễm như trong Hen Tokyo, Yokohama, hen New Orlean…

Nghề nghiệp: Có thể do tiếp xúc với dị nguyên đặc biệt hoặc do Tác dụng của chất kích thích trên một cơ địa có hen dị ứng tiềm ẩn sẵn.

Nhiễm trùng hô hấp: thường là yếu tố làm cho bệnh trở nên kịch phát.

Thần kinh: những sang chấn về tâm lý có thể là nguyên nhân gây ra cơn hen.

Hoạt động thể học: cơn hen xẩy ra mỗi khi người bệnh vận động gắng sức.

Theo y học cổ truyền: chứng hen suyễn phát sinh do 3 nguyên nhân:

Do Ngoại Tà xâm nhập Theo Thượng Hải và Thành Đô: Thường gặp loại Phong hàn và phong nhiệt.

Phong hàn phạm vào Phế khiến Phế khí bị ủng tắc thăng giáng thất thường, nghịch lên thành suyễn.

Phong nhiệt từ đường hô hấp vào Phế hoặc phong hàn bị uất lại hoá thành nhiệt không tiết ra được gây nên sưng phổi, khí quản bị ảnh hưởng gây ra suyễn.Thiên Thái Âm Dương Minh Luận Tố Vấn 29 viết: Cảm phải phong tà nhập vào lục phủ sẽ phát sinh sốt không nằm được, sinh ra chứng hen suyễn.Thiên Ngũ Tà Linh Khu 20 viết: Bẹnh tà ở Phế sẽ phát sinh đau nhức ngoài da, sợ lạnh, sốt, khí nghịch lên, thở suyễn, ra mồ hôi, ho, đau lan đến vai, lưng.Sách Đan Khê Tâm Pháp ghi: Do ăn uống không điều độ, do những tà khí phong, hàn, thử thấp làm cho Phế khí trướng đầy gây nên suyễn.Sách Y Tôn Tất Độc ghi: Chứng háo là do đờm hoả uất bên trong, cảm phong hàn bên ngoài hoặc nằm ngồi cảm phải hàn thấp.Sách Y Quán viết: Phong hàn thử thấp… làm cho Phế khí trướng mãn gây ra suyễn.Sách Cảnh Nhạc Toàn Thư viết: Thực suyễn nếu không do phong hàn thì do hoả tà.

Do Phế Thận Hư Yếu: Do ho lâu ngày hoặc bệnh lâu ngày làm Phế bị suy, phế khí và đường hô hấp bị trở ngại gây nên suyễn. Hoặc do Thận hư yếu không nhuận được Phế, không nạp được khí gây nên suyễn.

Như vậy bệnh suyễn chủ yếu ở Phế, có quan hệ với Thận và nếu nặng hơn có quan hệ cả với Tâm. Vì theo Nội Kinh: mọi chứng ho, đầy tức, hơi thở đều thuộc về Phế. Phế chủ khí, khí chủ thăng giáng. Khí thuận giáng thì bình thường, Phế nghịch đi lên thì gây nên suyễn. Ngoài ra Tâm Phế suy yếu lâu ngày, Phế khí thiếu làm ảnh hưởng đến tim cũng gây ra suyễn. Tương ứng chứng bệnh Tâm Phế mạn của Y học hiện đại.

Sách Kim Quỹ Yếu Lược viết: Chứng đột nhiên suyễn, lo sợ, mạch Phù là phần lý bị hư.

Sách Chứng Trị Chuẩn Thằng viết: Phế hư thì khí thiếu mà suyễn.

Do Tỳ phế hư yếu: Tỳ hư sinh đàm thấp thịnh ứ đọng tại phế gây tắc phế lạc. khí đạo không thông làm cho khó thở. Hoặc bệnh lâu ngày phế hư không chủ khí sinh khí nghịch khó thở. Thận chủ nạp khí, do bẩm sinh hoặc bệnh lâu ngày ảnh hưởng đến thận, thận không nạp được khi cũng sinh khó thở.

Do Đờm Trọc Nội Thịnh Thượng Hải: Do ăn uống không điều độ hoặc bừa bãi làm ảnh hưởng đến công năng vận hoá của Tỳ, tích trệ lại thấph đờm. Trong thức ăn có những chất làm tổn thương tỳ vị, tỳ vận hoá kém, thuỷ cốc dễ sinh thấp đàm ứ đọng tại phế gây tắc phế lạc, phế khí bị trở ngại gây nên hen. Thường gặp ở những bệnh nhân tỳ hư, đàm thịnh. Hoặc người vốn có đờm thấp tích trệ đi ngược lên lên gây thành đờm, ủng trệ ở Phế, làm cho khí cơ và sự thăng giáng của Phế bị ngăn trở gây ra suyễn. Hoặc do Phế nhiệt nung nấu tân dịch thành đờm, đờm hoả gây trở ngại thành suyễn.

Sách Ấu Ấu Tập Thành viết: Bệnh do đờm hoả nội uất, ngoại cảm phong hàn, có lúc do ngoại cảm, có lúc do nội nhiệt, cũng có khi do tích thực…

Sách Đan Khê Tâm Pháp ghi: Do ăn uống không điều độ… làm cho Phế khí đầy trướng sinh ra suyễn.

Sách Chứng Trị Hối Bổ ghi: Hen là đờm suyễn lâu ngày phát ra, vì bên trong có khí tắc nghẹt, bên ngoài khí hậu trái mùa tác động vào trong ngực, làm cho đờm kết lại, bế tắc đường khí, phát rá tiếng, gây ra hen.

Sách Nhân Trai Trực Chỉ viết: Tà khí ẩn náu trong nội tạng, đờm dãi đưa lên khó thở, vì vậy khí nghịch lên gây ra thở gấp suyễn.

So sánh với các nguyên nhân mà Y học hiện đại nêu ra, có thể thấy:

Tuy Đông Y không nêu lên yếu tố dị ứng allergy và vi trùng, nhưng cũng đã thống nhất với Y học hiện đại về nhận định rằng sự thay đổi thời tiết, ăn uống và lao lực cũng có thể là những yếu tố gây nên hen suyễn.

Sự thay đổi về tinh thần như quá sợ, quá giận dữ, bi quan… cũng là những yếu tố làm cho cơ năng vỏ não hỗn loạn, gây nên sự mất thăng bằng giữa hai hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm đều là cơ địa dễ gây nên hen suyễn.

Cơ Chế Sinh bệnh

Theo Y học hiện đại

Đa số các sách giáo khoa của Y học hiện đại đều nhắc đến 3 yếu tố chính gây nên hen suyễn:

Nguyên nhân dị ứng đối với cơ thể.

Cơ địa dị ứng thường gặp nơi người có cơ địa dễ mất điều chỉnh ở hệ thần kinh.

Gai kích thích có thể ở bộ phận hô hấp như phổi viêm, polyp mũi… hoặc ở ngoài đường hô hấp như ruột viêm, túi mật viêm, sỏi mật….

Đi sâu vào cơn hen, sách Bệnh Học Nội Khoa ĐHYD thành phố HCM cho rằng có 3 hiện tượng được ghi nhận như sau:

Phế quản hẹp lại: đường kính phế quản đột nhiên bị hẹp lại là cơ chế chính của cơn hen. Có 3 lý do: phế quản co thắt, niêm mạc phế quản phù nề và niêm mạc phế quản tăng tiết.

Ngoài ra, còn có 2 cơ chế phụ:

Cơ hô hấp co thắt, đặc biệt là cơ ngực và cơ hoành. Đây có thể là một co thắt phản xạ của các cơ hít vào do phế quản bị co thắt gây ra. Tuy nhiên cũng có thể do việc thần kinh trung ương bị kích thích làm co thắt cùng lúc các cơ của phế quản và cơ hô hấp.

Phế nang bị dãn cấp tính: ở thì hít vào của các cơ hô hấp đủ mạnh để thắng một phần nào sức cản do việc phế quản bị hẹp lại, cản trở mạnh lượng không khí từ phế nang đi ra ngoài do đó sinh ra khó thở, nhất là ở thì thở ra.

Như vậy cơ chế gây ra những hiện tượng kể trên là một chuỗi phản ứng, có thể tóm tắt như sau:

Hệ thần kinh đối giao cảm bị kích thích do một yếu tố nào đó, Acetyl choline được tiết ra và làm phế quản co thắt lại.

Phản ứng dị ứng kháng nguyên kháng thể tác động vào các dưỡng bào Mastocystes làm tiết ra một số hoá chất trung gian như Sérotorine, Bradykinine và đặc biệt là Histamin…

Cơ Chế Sinh Bệnh Hen Suyễn Theo Đông Y

Sự giải thích cơ chế sinh bệnh hen suyễn theo Đông Y dựa trên học thuyết Ngũ hành và Tạng phủ, trong đó, nổi bật nhất là Phế, Tỳ và Thận Can và Tâm chỉ quan hệ một phần nhỏ.

Biểu hiện chủ yếu của cơn hen suyễn là khó thở và đờm uất. Khó thở là do chức năng chủ khí của Phế bị rối loạn, khí không giáng xuống được mà lại đi nghịch lên gây ra khó thở.

Chức năng nạp khí của Thạn kém theo Nội Kinh: Thận chủ nạp khí, Thận không nạp được khí, khí không giáng xuống đi nghịch lên gây ra khó thở.

Tỳ thổ là mẫu mẹ của Phế kim, Tỳ hư không sinh được Phế làm cho Phế bị hư yếu gây nên khó thở.

Tỳ hư, chức năng vận hoá kém không biến thuỷ cốc thành tinh chất để nuôi cơ thể mà lại sinh ra đờm thấp, đờm bị tích lại ở Phế làm cho Phế lạc không thông, Phế khí bị uất gây ra khó thở Đó là ý nghĩa mà sách Nội Kinh nhắc đến: Tỳ là nơi sinh đờm, Phế là nơi trữ đờm.

Thận hư thì thuỷ thấp dâng lên cũng sinh ra đờm làm tắc phế lạc gây ra khó thở.

Ngoài ra, theo quy luật tương khắc của ngũ hành:Kim vốn khắc Mộc nhưng nếu Phế kim hư thì mộc có thể phản khắc làm cho Phế hư thêm vì vậy đa số người bệnh lên cơn khó thở vào khoảng nửa đêm, giờ của mộc khí vượng Đởm 23-1g, Can 1-3g.Tâm hoả vốn khắc Phế kim, tâm chủ thần, vì vậy, sự rối loạn về tinh thần cũng ảnh hưởng đến Phế.

Triệu Chứng

Sách Nội Khoa Học Thượng Hải và Thành Đô đều thống nhất phân làm 2 thể chính: Thực và Hư Suyễn.

Thực Suyễn

Suyễn Do Phong Hàn Phạm Phế: thở gấp, ngực tức, ho có đờm, lúc mới bị thường sợ lạnh, đầu đau, cơ thể đau nhức, không có mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Phù Thượng Hải, mạch Phù Khẩn Thành Đô.

Biện chứng: Phế chủ hô hấp, bì mao, khi bị phong tà xâm nhập vào làm cho bế tắc bên ngoài, phế khí bị uất không thăng giáng được gây ra ho, suyễn, tức ngực. Vì phong hàn bế ở bên ngoài và kinh lạc, do đó, thấy sợ lạnh, đầu đau, không ra được mồ hôi. Mạch Phù là bệnh ở phần Biểu, Khẩn là biểu hiện của hàn.

Suyễn Do Phong Nhiệt Phạm Phế Thượng Hải, Thành Đô: thở gấp, mũi nghẹt, ho, đờm vàng, miệng khô, khát, khan tiếng, tắc tiếng, buồn bực, ra mồ hôi, nặng thì phát sốt, mặt đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch Phù Sác T. Hải, Phù Hồng Sác T. Đô.

Biện chứng: Bên trong đang có nhiệt lại cảm phải táo và nhiệt ở bên ngoài, hai thứ nhiệt nung đốt Phế, Phế bị nhiệt gây ra ho, suyễn, sốt, mồ hôi ra, Phế và Vị có nhiệt ứ trệ sẽ sinh ra khát, miệng khô, buồn bực. Tâm chủ tiếng nói, Phế chủ âm thanh, nhiệt nung đốt Tâm và Phế gây ra khan tiếng, tắc tiếng. Rêu lưỡi vàng, lưỡi đỏ, mạch Hồng Sác là dấu hiệu nhiệt ở thượng tiêu, Tâm, Phế. Mạch Phù là bệnh ở biểu.

Suyễn Do Đờm Trọc Trở Ngại Phế: thở gấp, ho, đờm nhiều, nặng thì ho đờm vướng sặc, hông ngực buồn tức, miệng nhạt, ăn không biết ngon, rêu lưỡi trắng nhạt, mạch Hoạt.

Biện chứng: Đờm trọc ủng tắc ở Phế, làm cho Phế khí không thông giáng xuống được gây ra khó thở, đờm nhiều. Đờm thấp ủng trệ ở Tỳ Vị gây ra hông ngực buồn bực, miệng nhạt, ăn không biết ngon. Mạch Hoạt là biểu hiện của đờm trọc.

Hư Suyễn

Suyễn do Phế Hư: Thở gấp suyễn, hơi thở ngắn, mệt mỏi, ho nhẹ, ra mồ hôi, sợ gió, họng khan, rát, miệng khô, lưỡi đỏ nhạt, mạch Nhuyễn Nhược Thượng Hải, mạch Hư Nhược Thành Đô.

Biện chứng: Phế chủ khí, Phế hư vì vậy khí yếu, thở ngắn, tiếng nói nhỏ, mệt mỏi. Vệ khí không vững vì vậy sợ gió, họng khan, rát, miệng khô, khí huyết hư yếu nên thấy mạch Nhược.

Suyễn Do Thận Hư: Hô hấp yếu, khi cử động mạnh thì thở nhiều, cơ thể gầy ốm, ra mồ hôi, chân tay lạnh, sắc mặt xanh, có khi tay chân và mặt phù nhẹ, tiểu ít, hay mơ, hồi hộp, lưỡi nhạt, mạch Trầm.

Biện chứng: Thận là gốc của khí, Thận yếu không thu nạp được khí vì vậy sinh ra thở ngắn, cử động mạnh thì thở nhiều. Trung tiêu dương khí hư vì vậy ăn uống không tiêu, làm cho cơ thể gầy ốm. Vệ khí yếu vì vậy sợ gió, ra mồ hôi. Dương khí yếu thì chân tay lạnh. Mạch Trầm Tế là biểu hiện của Thận hư, dương khí suy.

C. Điều Trị

Về nguyên tắc điều trị.

Sách Cảnh Nhạc Toàn Thư hướng dẫn: Lúc bệnh chưa phát thì dùng phép phù chính là chủ yếu. Lúc đã phát bệnh thì dùng phép công tà làm chính. Phù chính khí phải phân biệt Âm Dương. Âm hư thì bổ âm, dương hư thì bổ dương. Công tà phải chú ý xem tà nặng hoặc nhẹ mà dùng ôn hàn hoặc tán phong hoặc tiêu đờm hoả. Bệnh lâu ngày chính khí thường hư, do đó, trong lúc dùng phương pháp tiêu tán cần thêm thuốc ôn bổ hoặc trong lúc ôn bổ cần thêm thuốc tiêu tán.

Chương Y Trung Quan Kiện Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh viết: Uất thì làm cho thông, hoả thì dùng phép thanh đi, có đờm thì làm cho tiêu đi, đó đều là thực tà và cũng dễ chữa. Duy có trường hợp tinh huyết bị kém, khí không trở về nguồn, vì Phế phát khí ra, Thận nạp khí vào. Nay Thận hư không thực hiện được chức năng bế tàng, long lôi hoả do đó mà bốc lên, làm cho Phế khí bị thương, chỉ có thở ra mà không hít vào. Hoả không bị thuỷ ức chế, dương không bị âm liễm nạp, đó là nguy cơ âm vong dương thoát, chết trong chốc lát. Nếu bên ngoài thấy 2 gò má ửng đỏ, mặt đỏ, nửa người trên nóng nhiều, đó là chứng giả nhiệt, chân dương thoát ra ngoài, nếu dùng lầm một ít thuốc hàn, lương thì nguy ngay. Chỉ nên bổ để liễm lại, nạp vào mà thôi….

Thuốc trị suyễn theo Đông y thường có Tác dụng tán hàn, giáng khí, tiêu đờm, trừ thấp, bổ hư.

Tán Hàn

Cơn suyễn thường phát vào lúc trời trở lạnh mùa Thu, Đông hoặc lúc gần sáng, khi sương, mưa nhiều, sau một cơn trúng lanh, sau khi tắm, dầm mưa hoặc do dị ứng bởi thức ăn. Trạng thái chung là co thắt. Thuốc tán hàn thường có vị cay, ấm, tính nóng, có Tác dụng làm thư giãn cơ trơn, kích thích sự lưu thông máu ở mạch ngoại vi bị ứ trệ.

Những loại thuốc tán hàn như Quế, Gừng, Ngải cứu là những loại có Tác dụng ngăn cản sự ứ trệ tuần hoàn mao mạch và chống co thắt, do đó, làm giảm được triệu chứng tức, nặng vùng ngực, vùng rốn phổi mỗi khi lên cơn suyễn.

Giáng Khí

Suyễn còn gọi là khí nghịch, để chỉ hiện tượng khó thở, làm cho khí bị đọng lại nhiều trong phế nang, vì phế quản co lại nên điều trị phải làm cho khí giáng xuống, làm cho phế nang giãn ra. Thuốc giáng khí sau khi uống vào thường làm cho bệnh nhân thở được, trung tiện được, ợ hơi được, làm đỡ tức ngực, bụng.

Thường gồm các loại:Tinh dầu Bạc hà, Trần bì, Thanh bì, Mộc hương, Tử tô… vừa kích thích hô hấp, dãn phế quản vừa sát trùng.Những thuốc có Ancaloid ức chế Phó giao cảm như Cà độc dược, Ma hoàng…

Tiêu Đờm

Khi lên cơn suyễn, đờm tiết ra nhiều gây bít phế quản, vì vậy, cần loại tiêu đờm.thường khó tìm được loại thuốc làm cho tan được chất nhầy, do đó, nên làm cho niêm mạc phế quản tiết thêm cho loãng đờm đặc để tống đờm ra ngoài, bằng việc kích thích ho để trục xuất đờm. Những thuốc long đờm thường là loại có Saponin như lá Táo, Bồ kết, Bán hạ…

Trừ Thấp

Thấp là ứ các chất Allergotoxin làm tăng sự thẩm thấu thành mạch gây ra hiện tượng phù viêm quanh chu vi mạch của niêm mạc, làm cho đường kính phế quản bị hẹp lại. Các thuốc trừ thấp có Tác dụng chống viêm, chống dị ứng thường chứa Flavonoid có Tác dụng làm bền vững thành mạch, hạn chế tiết xuất gây viêm.

Trong cơn suyễn, nhất là nơi người mạn tính, lượng nước tiểu thường ít đi, vì thế, cần thêm thuốc lợi tiểu như Mã đề, Ý dĩ, Thổ phục linh…

Tuy nhiên, khi tháo ứ không phải chỉ chú trọng đến Thận mà còn phải chú ý đến Gan, mật, đại trường, do đó, nhiều khi trong bài thuốc trị suyễn, các vị thuốc xổ như Muồng trâu, Vỏ đại, Lô hội cũng có thể dùng được.

Bổ Hư

Nơi người bị suyễn, thần kinh thực vật thường bị mất cân bằng. Hệ thần kinh trung ương cũng bị xáo trộn, do đó, cần cho các vị thuốc bổ âm, nâng cao mức ức chế thần kinh.

Hoặc cho thuốc bổ dương để làm tăng hoạt tính giao cảm lên.

Rối loạn thần kinh thực vật trong bệnh suyễn thường gặp trong trường hợp giao cảm thần kinh bị giảm, do đó, khi gần hết cơn suyễn, mồ hôi thường đổ ra nhiều, các chất mũi, đờm tiết ra, các cơ ngực, lưng mệt mỏi vì vừa qua một trạng thái co cứng.

Điều Trị Lúc Lên Cơn

Thể phong hàn:NKHT. Hải: Tán hàn, tuyên phế, định suyễn.

Dùng bài Tam Cao Thang Gia Vị Thái Bình Huệ Dân Hoà Tễ Cục Phương, Q. 2: Cam thảo 4g, Hạnh nhân 7 hạt, Ma hoàng 12g, Sắc uống.

Ma hoàng, Hạnh nhân, Cam thảo tức là bài Ma Hoàng Thang bỏ Quế chi để tán hàn, tuyên phế, hoá đàm, định suyễn. Thêm Tiền hồ, Trần bì để chỉ khái, hoá đàm. Nội khoa Thành Đô: Khứ phong, tán hàn, tuyên Phế, giáng nghịch. Dùng bài Ma Hoàng Thang Thương Hàn Luận: Ma hoàng, Hạnh nhân đều 12g, Quế chi 8g, Chích thảo 4g. Sắc uống.

Ma hoàng có Tác dụng phát hãn, giải biểu, tán phong hàn, tuyên Phế, định suyễn. Quế chi phát hãn, giải cơ, ôn thông kinh lạc, hỗ trợ cho Tác dụng phát hãn của Ma hoàng; Hạnh nhân tuyên Phế, giáng khí, giúp tăng Tác dụng định suyễn của Ma hoàng; Chích thảo điều hoà các vị thuốc, làm giảm tính cay táo của Quế chi, giảm Tác dụng phát tán của Ma hoàng.

Sách Trung Y Nội Khoa Học Giảng Nghĩa Ôn Phế, bình suyễn. Dùng các bài:Tô Tử Giáng Khí Thang Cục Phương: Tô tử 36g, Tiền hồ, Hậu phác, Đương quy, Cam thảo đều 4g, Bán hạ 36g, Quất bì 12g, Quế tâm 16g, Sinh khương 50g, Táo 5 trái. Sắc, chia làm 5 lần uống, sáng 3 lần, tối 2 lần.Tiểu Thanh Long Thang Thương Hàn Luận: Ma hoàng, Thược dược, Bán hạ đều 12g, Chích thảo 8g, Quế chi bỏ vỏ 8g, Ngũ vị tử, Tế tân, Sinh khương đều 4g, Sắc uống ấm.Linh Quế Truật Cam Thang Thương Hàn Luận: Phục linh 16g, Quế chi bỏ vỏ 12g, Bạch truật, Chích thảo đều 8g, sắc uống ấm.

Sách Trung Quốc Đương Đại Bí Phương Đại Toàn dùng bài Trị Suyễn Phương: Ma hoàng, Bán hạ đều 12g, Tế tân 4g, Can khương, Cam thảo, Ngũ vị tử đều 6g. Sắc uống.

Sách Thiên Gia Diệu Phương dùng bài Cao Trị Hen Suyễn: Nam tinh chế, Bán hạ chế, Cát cánh, Bối mẫu, Tế tân, Hạnh nhân, Cam thảo sống, Ngũ vị tử đều 20g, Ma hoàng, Bạch tô tử, Khoản đông hoa, Tử uyển sống đều 12g, Dầu mè Ma du 200g, Mật ong 120g, nước cốt Gừng 120g. Cho 12 vị thuốc đầu tiên vào ngâm với dầu mè 24 giờ, nấu lên cho đặc, lọc bỏ bã lấy nước, sau đó cho thêm mật và nước Gừng, nấu thành cao, còn khoảng 440g. Mỗi ngày, vào buổi sáng, khi gà gáy canh năm, uống 1 thìa cà phê 4ml thuốc với nước đun sôi để nguội.

Sách Tân Biên Trung Y Học Khái Yếu dùng bài Lãnh Háo Thang: Ma hoàng, Hạnh nhân đều 10g, Thần khúc, Tử uyển, Bạch truật, Phụ tử hắc, Khoản đông hoa đều 12g, Xuyên tiêu 8g, Tế tân, Bán hạ chế, Sinh khương đều 6g, Cam thảo 4g, Tạo giáp 2g, Bạch phàn 0,2g. Sắc uống.

Sách Tân Biên Trung Y Kinh Nghiệm Phương dùng bài Xạ Can Ma Hoàng Thang gia giảm: Xạ can 6g, Ma hoàng 10g, Tế tân, Tử uyển, Khoản đông hoa, Đại táo đều 12g, Ngũ vị tử, Bán hạ chế đều 8g, Sinh khương 4g. Sắc uống.

Suyễn Do Phong Nhiệt

NKHT.Hải: Thanh nhiệt, tuyên phế, bình suyễn.

Dùng bài Ma Hạnh Thạch Cam Thang Gia Vị Trương Thị Y Thông, Q. 16: Cam thảo 4g, Hạnh nhân 12g, Ma hoàng 12g, Thạch cao 40g. Thêm Trần bì, Bối mẫu, Tiền hồ, Cát cánh, Sắc uống.

Ma hoàng tuyên Phế, bình suyễn; Thạch cao thanh phế nhiệt; Hạnh nhân Cam thảo ôn trợ cho Ma hoàng bình suyễn, chỉ khái. Thêm Trần bì, Bối mẫu, Tiền hồ, Cát cánh để tăng Tác dụng thanh nhiệt, chỉ khái, hoá đàm.

NKHT. Đô: Thanh nhiệt, giáng nghịch, dưỡng Vị, cứu Phế.

Dùng bài Ma Hạnh Thạch Cam Thang thêm Tang bì, Địa cốt bì.

Sách Trung Y Nội Khoa Học Giảng Nghĩa dùng bài Định Suyễn Thang Nhiếp Sinh Chúng Diệu Phương: Ma hoàng, Bán hạ đều 6-12g, Hạnh nhân, Tô tử 6-8g, Tang bạch bì, Khoản đông hoa đều 12g, Hoàng cầm 8-12g, Bạch quả 10-20 quả, Cam thảo 4g, sắc uống.

Sách TQĐĐDYNPĐ.Toàn dùng bài Chỉ Háo Định Suyễn Thang: Ma hoàng, Tử uyển, Bối mẫu, Hạnh nhân đều 10g, Sa sâm 12g, Huyền sâm 16g. Sắc uống.

Thể phong đờm

NKHT Hải: Hoá đờm, giáng khí, bình suyễn.

Điều trị: Nhị Trần Thang hợp Tam Tử Thang gia giảm: Nhị Trần Thang Bán hạ, Quất hồng, Phục linh, Cam thảo Tam Tử Thang Tử tô tử, Bạch giới tử, La bặc tử.

Chế Bán hạ táo thấp, hoá đờm, giáng nghịch; Trần bì lý khí, hoá đờm; Bạch linh kiện Tỳ, lợi thấp; Cam thảo hoá trung, kiện Tỳ; Thêm Tô tử, La băïc tử. Bạch giới tử để giáng khí, hoá đàm, bình suyễn. Thêm Hậu phác, Thương truật để táo thấp, hành khí.

Đờm uất hoá nhiệt thêm Hoàng cầm, Địa cốt bì, Tang bạch bì để thanh phế nhiệt. Tỳ hư thêm Lục Quân Tử Thang để kiện tỳ.

Sách TYNKHG Nghĩa: Tiêu đờm, thanh hoả.

Dùng bài Tả Bạch Tán Tiểu Nhi Dược Chứng Trực Quyết: Địa cốt bì, Tang bạch bì sao đều 40g, Chích thảo 4g, thêm Tri mẫu, Qua lâu.

Sách Thiên Gia Diệu Phương dùng bài Tiền Hồ Thang gia vị: Tiền hồ, Tang diệp, Tỳ bà diệp, Tri mẫu đều 16g, Kim ngân hoa 20g, Hạnh nhân, Mạch môn, Hoàng cầm, Khoản đông hoa, Cát cánh đều 12g, Cam thảo 8g. Sắc uống.

Điều Trị Lúc Không Lên Cơn Bệnh Ổn Định

Thể phế hư

Dưỡng Phế, định suyễn NKHT. Hải. Dùng bài Sinh Mạch Tán Gia Vị Y Học Khải Nguyên, Q. Hạ: Mạch môn 12g, Ngũ vị tử 7 hột, Nhân sâm 12g. Thêm Ngọc trúc, Bối mẫu đều 8g, Sắc uống.

Trong bài: Nhân sâm bổ ích khí để sinh tân, Mạch môn dưỡng âm, sinh tân, thanh Phế, Ngũ vị tử liễm phế, hợp với Mạch môn để tăng Tác dụng sinh tan dịch. Thêm Ngọc trúc, Bối mẫu để nhuận phế, hoá đàm. Trường hợp mệt mỏi nhiều, dễ cảm lúc thời tiết thay đổi dùng bài Bổ Trung Ích Khí để bổ tỳ phế.NKT. Đô: Ích khí, định suyễn. Dùng bài Bổ Phế Thang Tam Nhân Cực – Bệnh Chứng Phương Luận: Khoản đông hoa, Quế tâm, Nhân sâm, Tử uyển, Bạch thạch anh đều 40g, Ngũ vị tử, Chung nhũ phấn đều 60g, Tang bạch bì nướng 160g, Mạch môn bỏ lõi 80g. Tán bột. Mỗi lần dùng 16g, thêm Gừng 5 lát, Táo 3 trái, Gạo tẻ 1 nhúm, sắc uống.

Hoặc dùng bài Bổ Phế Thang Vân Kỳ Tử Bảo Mệnh Tập: Tang bạch bì, Thục địa đều 60g, Nhân sâm, Tử uyển, Hoàng kỳ, Ngũ vị tử đều 30g. Mỗi lần dùng 12g, thêm ít mật, sắc uống.

Sách Thiên Gia Diệu Phương dùng bài: Sâm Giới Tán gia vị: Cáp giới 2 con chặt bỏ đầu và chân, Nhân sâm 20g, Sơn dược 80g, Hạnh nhân 32g, Trầm hương 16g, Nhục quế 16g, Bán hạ 40g, Hoàng kỳ 80g, Tử bì hồ đào 80g, Bạch quả 40g, Tang bạch bì 40g, Cam thảo 20g. Tán bột. Mỗi lần dùng 6-8g, uống ngày 2-3 lần.

Sách TQĐĐDYNPĐ Toàn dùng bài Sâm Cáp Ma Hạnh Cao: Đảng sâm 120g, Cáp giới bỏ đầu, chân 2 con, Ma hoàng bỏ mắt 60g, Hạnh nhân 100g, Chích thảo 40g, Sinh khương 60g, Hồng táo bỏ hột 120g, Bạch quả nhục 20 trái. Thêm Đường phèn, nấu thành cao. Ngày uống 2 lần, sáng, tối, mỗi lần 20ml.

Thể Tỳ Hư:

Phép trị: Ích khí, kiện tỳ, hoá đờm. Dùng bài Lục Quân Tử Thang hợp Nhị Trần Thang Gia Vị.

Nhân sâm, Bạch truật, Bạch linh, Chích thảo để ích khí, kiện tỳ; Trần bì. Sinh khương, Bán hạ ôn hoá hàn đàm. Thêm chích Hoàng kỳ, Đương qui bổ khí huyết; Đại táo, Gừng nướng để ôn tỳ.

Trường hợp tiêu chảy bỏ Đương qui, Hoàng kỳ thêm Biển đậu, Mạch nha, Thương truật để trừ thấp, tiêu thực.

Thể Thận Hư:

NKHT Hải và T. Đô: Bổ thận, nạp khí.

Thận âm hư, dùng bài Lục Vị Địa Hoàng Hoàn.

Thận dương hư dùng bài Bát Vị Địa Hoàng Hoàn gia giảm.

Sinh địa, Hoài sơn, Sơn thù, Đan bì, Bạch linh, Trạch tả Lục Vị Địa Hoàng bổ thận âm; nếu Khí âm hư thêm Sinh Mạch Tán Nhân sâm, Mạch môn, Ngũ vị để bổ khí âm.

Thận dương hư: thêm Nhục quế, Chế Phụ tử bài Bát Vị Địa Hoàng để ôn bổ thận dương.

Di tinh, liệt dương thêm Thỏ ty tử, Tiên linh tỳ; Ra mồ hôi, tiểu đêm nhiều thêm Kim anh tử, Ích trí nhân… Trường hợp tỳ thận dương hư dùng bài “Chân Vũ Thang ” Chế Phụ tử, Bạch thược, Bạch linh. Bạch truật, Sinh khương để ôn bổ tỳ thận.

THUỐC NAM TRỊ SUYỄN

Bèo cái 100g, cắt bỏ rễ, bỏ lá vàng, rửa nhiều lần bằng nước muối cho thật sạch, cuối cùng rửa thêm một lần bằng nước muối. Rẩy cho ráo nước, giã nhỏ, vắt lấy nước, thêm nước đã đun sôi để nguội vào và cho thêm ít đường cho đủ ngọt và đủ 100ml. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 liều như trên.

Thường sau khi uống 10 ngày, cơn suyễn sẽ bớt, uống tiếp trong 2-3 tháng. Khi mới uống có thể thấy ngứa cổ trong vòng 10 phút nhưng sẽ quen dần và hết ngứa Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam.

Lá Bồng bông Caletropis gigantea R.Br, lấy khăn ướt lau sạch lông, thái nhỏ, sao qua cho héo. Ngày dùng 10 lá, sắcêc với 300ml nước, còn 200ml, thêm đường vào, chia 3-4 lần uống trong ngày.

Nước thuốc hơi đắng và tanh, uống nhiều một lúc có thể gây nôn, do đó, nên uống sau hoặc xa bữa ăn. Uống vào có thể mỏi chân tay, cơ thể hoặc đôi khi bị tiêu chảy.

Kết quả sau 2-3 ngày, có khi 7-8 ngày. Có khi sau 10 phút đã có kết quả Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam.

Lá Táo 200-300g, sao vàng, sắc với 3 chén nước còn 200ml, chia hai lần uống trước bữa ăn 1 giờ. Uống liên tục 1 tuần đến 2 tháng. Kết quả khá tốt Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam.

Lá Hen 02kg, rửa hết lông, tẩm nước Gừng, sao vàng, hạ thổ, nấu với 10 lít nước, còn 5 lít. Lọc bỏ bã, cho đường vào nấu còn khoảng 1 lít.

Người lớn uống 10ml với nước nóng, ngày 2 lần. Trẻ nhỏ 2-5 tuổi, mỗi lần uống 1-3ml. Trẻ 6-10 tuổi mỗi lần uống 4-6ml Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam.

Lá Hẹ tươi 100g, sắc với 400ml nước còn 300ml, thêm 10ml mật ong, chia làm 2 lần uống. Khoảng 5-6 lần sẽ đỡ. Dùng trong trường hợp suyễn cấp. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam.

Lá Táo chua Thanh táo tươi 30g, rửa sạch, giã nát, lọc lấy khoảng 200ml nước, hoà mật ong cho đủ ngọt, uống. Sau 2 giờ, người bệnh nôn ra đờm dãi thì cơn suyễn sẽ giảm Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam.

Tóm lại biện chứng luận trị chứng suyễn chủ yếu dựa theo nguyên tắc là thời kỳ lên cơn chủ yếu dùng phép khu tà và lúc không cơn chủ yếu là phù chính. Nhưng trên thực tế lâm sàng do hen suyễn là một chứng bệnh tái phát nhiều lần, cơ thể người bệnh thường suy nhược cho nên lúc khu tà cũng cần chú ý phù chính và lúc không lên cơn chủ yếu là bổ hư nhưng trên lâm sàng thường biểu hiện hư chứng lẫn lộn như Tỳ phế hư, phế thận hư hoặc tỳ thận dương hư v.v… biện chứng luận trị cần hết sức chú ý.

Ngoài ra, đối với những cơn hen ác tính, bệnh nhân khó thở nặng cần kết hợp với các phương pháp chẩn đoán của y học hiện đại giúp xác định bệnh chính xác để phối hợp với các phương pháp trị bệnh bằng thuốc tây như thở oxy, dùng thuốc trụ sinh nếu nhiễm khuẩn thuốc dãn phế quản hoặc thuốc trợ tim trường hợp hen tim v.v… đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

CHÂM CỨU TRỊ SUYỄN

Bình suyễn, Giáng nghịch, tuyên Phế, hoá đờm.

Dùng phép cứu hoặc châm lưu kim Định Suyễn, Thiên Đột, Tuyền Cơ, Chiên Trung, có thể phối hợp thêm Phong Long, Đại Chuỳ, Hợp Cốc, Quan Nguyên, Túc Tam Lý.

Cách châm: Định suyễn lưu kim, vê kim vài phút, Thiên đột không lưu kim, Tuyền Cơ, Chiên Trung lúc châm phải hướng mũi kim ra 4 phía, châm xiên khoảng 0,1 thốn, lưu kim, vê vài phút.

Gia giảm: Đờm nhiều thêm Phong long. Kèm viêm đường hô hấp thêm Đại chuỳ, Hợp cốc. Suyễn lâu ngày thêm Quan nguyên, Túc tam lý.

Ý nghĩa: Định suyễn là huyệt đặc hiệu để làm ngưng cơn suyễn, Thiên Đột, Chiên Trung để thuận khí, giáng nghịch. Tuyền Cơ để tuyên Phế khí ở Thượng tiêu. Phong long hoá đàm, giáng trọc. Quan Nguyên Túc Tam Lý kiêm bổ Tỳ, Thận, trị bản bồi nguyên, Đại Chuỳ Hiệp cốc sơ tà giải biểu Châm Cứu Học Thượng Hải.

Thực Suyễn: Dùng kinh huyệt thủ Thái âm làm chính. Châm tả Đản trung, Liệt khuyết, Phế du, Xích trạch. Phong hàn thêm Phong môn. Đờm nhiệt thêm Phong long.

Liệt khuyết, Xích trạch tuyên thông Phế khí, Phong môn sơ thông kinh khí ở biểu để giúp cho Phế khí thông; Chiên trung, Phế du điều Phế, thuận khí. Hợp với Phong long để hoà Vị, hoá đờm, trị suyễn.

Hư Suyễn: Điều bổ Phế và Thận. Châm bổ hoặc cứu Phế du, Cao hoang, Khí hải, Thận du, Túc tam lý, Thái uyên, Thái khê.

Tháiuyên là huyệt Nguyên của Phế; Thái khê là huyệt Nguyên của kinh Thận. Để bổ khí cho 2 tạng Phế và Thận; Phế du, Cao hoang để bổ thượng tiêu, Phế khí; Thận du, Khí hải bồi bổ hạ tiêu, Thận khí; Túc tam lý để điều hoà Vị khí, bồi dưỡng nguồn sinh hoá hậu thiên, làm cho thuỷ cốc tinh vi đi lên, quy về Phế, giúp Phế khí đầy đủ thì bệnh sẽ tự khỏi Châm Cứu Học Giảng Nghĩa.

Khí hộ, Vân môn, Thiên phủ, Thần môn Thiên Kim Phương.

Vân môn, Nhân nghênh ho suyễn cấp. Thiên đột, Hoa cái suyễn nhiều. Phách hộ, Thiên phủ suyễn đờm nhiều Tư Sinh Kinh.

Cứu Trung phủ, Vân môn, Thiên phủ, Hoa cái, Phế du Châm Cứu Tụ Anh.

Du phủ, Thiên đột, Đản trung, Phế du, Túc tam lý, Trung quản, Cao hoang, Khí hải, Quan nguyên, Nhũ căn Châm Cứu Đại Thành.

Cứu Tuyền cơ, Khí hải, Đản trung, Kỳ môn, Chí dương 3 tráng Cảnh Nhạc Toàn Thư.

Tuyền cơ, Hoa cái, Đản Trung, Kiên Tỉnh, Kiên trung du, Thái uyên, Túc tam lý đều cứu Loại Kinh Đồ Dực.

Cứu Phế du, Cao hoang, Thiên đột, Chiên trung, Liệt khuyết, Túc tam lý, Phong Long Thần Cứu Kinh Luận.

Phế Du, Trung Quản, Đản trung, Liệt khuyết, Cao hoang du Châm Cứu Trị Liệu Học.

Cứu Đản trung, Phách hộ, Phụ phân, Linh đài, Thiên đột, Đại chuỳ, Khí hải, Cao hoang, Thần đường, Đại trử, Phong môn Lâm Sàng Đa Khoa Tổng Hợp Trị Liệu Học.

Phế du, Đốc du, Thiên đột, Đản trung, Kiên tỉnh, Trung quản, Khí hải, Liệt khuyết, Túc tam lý, Tam âm giao Trung Quốc Châm Cứu Học

Phong môn, Liệt khuyết, Đản trung, Đại chuỳ, Định suyễn Bình bổ bình tả Thực Dụng Châm Cứu Đại Toàn.

Châm tả Liệt khuyết, Xích trạch, Phong môn, Phế du, Định suyễn Liệt khuyết, Xích trạch là cách phối huyệt Lạc với huyệt Hợp để tuyên thông Phế khí; Phong môn Phế du sơ phong, giải biểu, tuyên Phế, hoá đờm; Định suyễn giáng khí, bình suyễn Tân Biên Châm Cứu Trị Liệu Học

Hen Nhiệt Nhiệt Háo

CCHG Nghĩa: Tuyên giáng khí của Phế, Vị.

Châm không lưu kim Phế du, Đản trung, Liệt khuyết, Thiên đột, Trung quản, Phong long.

Đản Trung là huyệt hội của khí toàn cơ thể, hợp với Phế du, Liệt khuyết để tăng Tác dụng tuyên thông Phế Khí; Thiên Đột làm thông họng, điều hoà Phế; Trung quản, Phong Long điều hoà khí ở hai kinh Tỳ và Vị, làm cho thuỷ dịch không ngưng kết lại thành đờm được trị theo gốc.

CCHV Nam: Châm không lưu kim Khí suyễn, Thiên đột, Trung phủ, Khúc trì, Phong long, Túc tam lý.

Khí Suyễn là huyệt đặc hiệu để trị suyễn; Trung Phủ để điều Phế; Thiên Đột khu đàm, thông lợi Phế khí; Khúc Trì thanh nhiệt; Phong Long, Túc Tam Lý tiêu đàm, hạ khí, thêm Phế Du tăng Tác dụng của Thiên đột, Trung phủ để tuyên thông Phế khí; Tỳ Du tăng sức vận hoá của Tỳ, hoá đàm, trừ thấp; Thận Du bổ thận nạp khí.

TS Kinh: Thiên đột, Đản trung, Thiên trì, Giải khê, Kiên trung du.

LSĐKTHTL Học: Châm Hợp cốc, Liệt khuyết, Đại chuỳ, Phong môn, Phế du.

TCC Học: Thiên trụ, Phong trì, Khí hộ, Kiên ngoại du, Đại Trử, Phế du, Quyết âm du, Tâm du, Phụ phân, Cao hoang, Hợp cốc.

TYLPT Sách: Định suyễn, Đản trung, Nội quan, Đại chuỳ, Trung suyễn, Phong Long.

CCHT. Hải: Định suyễn, Thiên đột, Tuyền cơ, Đản trung, thêm Phong long, Đại chuỳ, Hợp cốc, Quan nguyên, Túc tam lý.

TQCCHK. Yếu: Định Suyễn, Thiên đột, Phế du, Chiên trung.

CCHH Kong: Đại Chuỳ, Linh Đài, Liêm Tuyền, Thiên Đột, Ngọc Đường, Chiên Trung, Trung Đình, Trung Phủ, Vân Môn, Thiên Phủ, Xích Trạch, Khổng Tối, Liệt Khuyết, Kinh Cừ, Thái Uyên, Ngư Tế, Nội Quan, Thương Dương, Kiêm Trung Du, Nhân Nghinh, Thuỷ Đột, Khí Xá, Khuyết Bồn, Khí Hộ, Ốc Ế, Ưng Song, Não Không, Triếp cân, Dương Giao, Túc Khiếu Âm, Phách Hộ, Thần Đường, Đại Bao, Đại Chung.

Tác dụngCCĐ. Toàn: Phong Môn, Xích Trạch, Hiệp Cốc, Phong Long, Định Suyễn, châm tả.

Suyễn Do Đờm Trọc: Thanh nhiệt, hoá đờm, bình suyễn. Châm tả Hợp cốc, Đại chuỳ, Xích trạch, Phế du, Phong long, Định suyễn, Nội quan Hợp cốc, Đại chuỳ sơ biểu, tán nhiệt; Xích trạch, Phế du, Định suyễn tuyên thông Phế khí, giáng nghịch, chỉ khái; Phong long hoá đờm, giáng trọc; Nội quan bình suyễn, chỉ khái, thuận khí, khoan hung Tân Biên Châm Cứu trị Liệu Học.

Suyễn Do Hư Chứng: Ích Phế, kiện Tỳ, bổ Thận, hoá đờm, bình suyễn, chỉ khái. Châm bổ Phế du, Cao hoang du, Tỳ du, Túc tam lý, Khí hải, Thận du Phế du, Cao hoang du để bổ Phế, ích khí; Tỳ du, Túc tam lý kiện Tỳ Vị, dưỡng hậu thiên; Khí hải, Thận du bồi bổ Thận khí.

Sách CCTL. Học còn phân ra:

Thực Suyễn: Phế Du, Phong Môn, Xích Trạch, Phong Long, Chiên Trung đều tả.

Hư Suyễn: Thận Du, Quan Nguyên, Khí Hải, Cao Hoang Du, Túc Tam Lý đều bổ.

Suyễn do Ngoại Cảm Phong Hàn: Ngoại Quan, Hiệp Cốc đều tả.

Sách Thực Dụng Châm Cứu Đại Toàn còn chia ra:

Suyễn do thấp nhiệt:Thanh nhiệt, táo thấp: Tả Xích Trạch, bổ Tỳ Du, Thương Khâu thêm Trung Quản, Phong Long, Thiên Đột.

Suyễn do Thử Nhiệt: Ích Khí, dưỡng Âm: Thái Uyên, Thái Khê, Cao Hoang Du châm bổ hoặc thêm cứu.

Do Phế Nhiệt: Tả Phế, thanh nhiệt: Châm tả Xích Trạch, Liệt Khuyết, Đại Đô.

Do Đờm Thực:Tả Phế, thanh đờm: châm tả Định Suyễn, Chiên Trung, Liệt Khuyết, Phong Long, Vân Môn, Phế Du.

Do Phế Âm Hư: Bổ Phế, dưỡng Âm: Châm bổ Thái Uyên, Cao Hoang, Thái Khê, Phế Du, Định Suyễn, Khí Hải.

Do Thận Âm Hư: Tư Âm, bổ Thận: châm bổ Thái Khê, Thận Du, Cao Hoang.

Do Thận Dương Hư: Bổ Thận, nạp khí: Châm bổ cứu Thận Du, Khí Hải, Phế Du, Mệnh Môn, Quan Nguyên, Tam Tiêu Du.

Do Tâm Dương Hư: Ôn bổ Tâm dương: châm bổ cứu Thái Uyên, Tâm Du, Cự Khuyết, Mệnh Môn, Khí Hải, Quan Nguyên.

HĐCCTL. Lục: Cứu giữa đốt sống cổ 3 và 4, Thiên liêu, Thiên Tông, Phế Du, Thiên Đột, Chiên Trung, Cưu Vĩ, Quan Nguyên, Liệt Khuyết, mỗi huyệt 20 tráng trở lên.

Chỉ dùng huyệt Nội quan trị hen suyễn có kết quả tốt Triết Giang Trung Y Tạp Chí 1959, 12.

Suyễn tức, Hợp cốc, Chiên trung, Cự cốt, Phế du, Khúc trì, Thái uyên. Trong đó thường dùng nhiều nhất là Suyễn tức và Hợp cốc Trị 26 ca đều có kết quả tốt Lý Diệu – Triết Giang Trung Y Tạp Chí 1959, 12.

Cứu thành sẹo đẻ trị suyễn. Lúc không lên cơn, chủ yếu cứu Đại chuỳ, Chiên trung. Lúc lên cơn, chia làm ba loại:

a Thể Phế suyễn: chọn huyệt Đại chuỳ, Phế du, Phong môn, Chiên trung, Thiên đột.

b Tỳ suyễn: Đại chuỳ, Phế du, Cao hoang, Trung quản.

c Thận suyễn: Đại chuỳ, Khí hải, Thận du, Phế du, Cao hoang.

Lý Chí Minh, Thượng Hải Trung Y Dược tạp Chí 1962, 2.

Cứu thành sẹo Đại chuỳ, Thiên đột, Phế du trị 157 ca có kết quả tốt Chu Thoả Công, Thượng Hải Trung Y Dược Tạp Chí 1963, 11.

Đại Chuỳ, Phong Trì, Định Suyễn, hợp với Xích Trạch, Liệt Khuyết, Nội Quan, Túc Tam Lý, Phong Long, Phế Du, Tâm Du, Thận Du, Phục Lưu, Thái Khê, Lưu kim 20 phút rồi rút kim Thượng Hải Châm Cứu Tạp Chí 1986, 21.

Chỉ châm huyệt Ngư tế. Mỗi lần chỉ châm 1 huyệt. Mỗi ngày hoặc mỗi lần lên cơn suyễn, châm 1 lần. Châm đắc khí, hướng mũi kim về hướng lòng bàn tay, sâu khoảng 0,5 thốn về phía bên trái, bên phải. Lưu kim 20-30 phút, cứ 5 phút vê kim một lần. 10 lần là một liệu trình, hoặc khi phát cơn thì châm Trung Quốc Châm Cứu Tạp Chí 1985, 4.

Cứu Đại chuỳ, Phế du 2 bên. Mỗi ngày cứu 1 cặp huyệt. 3 ngày là một liệu trình. Hoặc dùng Thiên đột, Phế du 2 bên, Linh đài. Mỗi ngày cứu 1 cặp huyệt. 3 ngày là một liệu trình Hồ Nam Trung Y Tạp Chí 1986, 40.

Định Suyễn, Phong Môn thấu Phế Du.Phong Hàn thêm Hiệp Cốc, Liệt Khuyết, Suyễn Tức hoặc Thiên Đột, Khổng Tối.Đờm nhiều thêm Túc Tam Lý, Phong Long.Hơi thở ngắn thêm Quan Nguyên, Chiên Trung.Ho nhiều thêm Xích Trạch, Thái Khê.

Trung Quốc Châm Cứu Tạp Chí 1987, 11.

Châm huyệt Khổng tối, sâu 0,5-0,5 thốn. Khi đắc khí thì dùng phép tả, đưa luồng dẫn truyền lên đến ngực, lưu kim 30 – 60 phút Trung Hoa Bí Thuật Châm Cứu Trị Liệu

Châm huyệt Định Suyễn, châm bình bổ bình tả, lưu kim 30 phút Trung Hoa Bí Thuật Châm Cứu Trị Liệu

Châm huyệt Ngư Tế một bên, ngày châm một lần hoặc khi lên cơn thì châm, luân phiên huyệt bên phải, bên trái. Mũi kim hướng về phía lòng bàn tay, sâu 0,5 thốn. Lưu kim 20-30 phút. Cứ 5 phút vê kim một lần. 10 lần là một liệu trình hoặc khi lên cơn thì châm Trung Hoa Bí Thuật Châm Cứu Trị Liệu

Dùng kim Tam lăng châm huyệt Tứ Phùng nặn ra chất nước dịch mầu vàng. Ba ngày làm một lần.

Dùng vị Ma hoàng, Tế tân, Can khương đều 15g, Bạch giới tử 30g. Tán bột, trộn với 50g bột mì. Mỗi lần dùng 6g trộn với dầu mè, dừa… và 1 ít Xạ hương cho sền sệt, dán vào huyệt Phế du 2 bên. Cách 2 ngày thay thuốc một lần. Đắp thuốc liên tục 3 lần. Khi đắp thuốc vùng huyệt sẽ cảm thấy tê, nóng Trung Hoa Bí Thuật Châm Cứu Trị Liệu

Người bệnh hơi ngửa cổ, châm vào huyệt Thiên Đột sâu 0,2 thốn, xoay mũi kim hướng xuống phía dưới, áp sát mép sau cuống họng, từ từ đẩy kim vào sâu đến 0,5 thốn, khi có cảm giác căng, tức, vê kim về bên trái, bên phải 10 – 20 giây. Lưu kim 5-15 phút Trung Hoa Bí Thuật Châm Cứu Trị Liệu

Chââm huyệt Nội Quan, khi đắc khí, dùng phép tả, dẫn khí lên đến nách, bệnh chứng sẽ giảm. Khoảng 6 phút, cơn suyễn sẽ giảm, lưu kim ½ giờ rồi rút kim Trung Hoa Bí Thuật Châm Cứu Trị Liệu

Châm huyệt Phù Đột 2 bên, làm sao cho có cảm giác căng tức từ cổ truyền xuống ngực, trong ngực cảm thấy nóng là được Trung Hoa Bí Thuật Châm Cứu Trị Liệu

Vương Toàn Thụ 1988 xây dựng phác đồ trên cơ sở biện chứng phân bệnh thành 4 thể loại:

1 Phế Hư. huyệt chính gồm Định suyễn, Thái uyên, châm bình bổ, bình tả. Huyệt phụ gồm Chiên trung, Thiên lịch, châm tả.

Định suyễn châm xiên hướng về cột sống sâu chừng 1 thốn, Thái uyên châm thẳng sâu 0,5 thốn, lưu kim 10 – 20 phút. Hiệu quả đạt 94,87%.

2 Thận Hư: huyệt chính gồm Định suyễn, Thái uyên. Huyệt phụ gồm Thận du, Thái khê. Hiệu quả đạt 78,57%.

3 Phong Hàn: huyệt chính Định suyễn, Thái uyên. Huyệt phụ gồm Phong trì, Phong môn. Trị liệu 71 ca, đạt hiệu quả 98,65%.

4 Phong Nhiệt: huyệt chính Định suyễn, Thái uyên. Huyệt phụ gồm Đại chuỳ, Hợp cốc. Trị liệu 41 ca, đạt hiệu quả 97,56% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Hà Thụ Hoè 1981 chọn Chiên trung, Nội quan, Liệt khuyết, Túc tam lý và Phong trì; Phế hư thêm Thái khê, Thái bạch; Tỳ hư thêm Thái bạch, Tam âm giao; Thận hư thêm Thái khê hoặc Chiếu hải; Đờm trệ thêm Phong long.

Tuỳ theo bệnh tình cụ thể hư thì bổ, thực thì tả, lưu kim 20 phút. Châm cách nhật, 10 lần là một liệu trình, giữa 2 liệu trình nghỉ một tuần. Trị 62 ca, đạt hiệu quả 87,1% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Quách Liên Hán 1990 dùng Phế du, Định suyễn, Liệt khuyết, Thiên đột, Chiên trung. Thời kỳ phát tác thêm Hợp cốc, Nội quan, Khúc trì; Thời kỳ hoãn giải thêm Phế du, Túc tam lý, Tam âm giao; Cơn hen liên tục thêm Thận du, Phong long, Huyết hải. Châm lưu kim 20 – 30 phút, mỗi tuần châm một lần, liên tục 4 – 6 lần là một liệu trình. Trị 150 ca, đạt hiệu quả 93,3% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Yêu Trung Bá 1990 dựa theo Tiêu và Bản để chọn huyệt châm.Trị tiêu chọn Định suyễn, Liệt khuyết, Hợp cốc, Chiên trung, Xích trạch. Trị bản chọn Phế du, Linh đài, Thận du, Túc tam lý, Thái khê, Thiên đột.

Thời kỳ phát tác trị tiêu dùng tả pháp, thời kỳ hoãn giải trị bản dùng bình bổ bình tả pháp. Mỗi ngày châm một lần, lưu kim 10 phút, 10 ngày là một liệu trình, mỗi liệu trình cách nhau 10 ngày. Trị 69 ca, đạt hiệu quả 89,8% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Tôn Lợi Nhân 1959 dùng đơn huyệt Nội quan cả hai bên, nam châm bên trái trước, nữ châm bên phải trước. Hai huyệt phân biệt thủ pháp bổ tả: hư chứng trước bổ sau tả, thực chứng trước tả sau bổ, lưu kim 3 phút, về kim 7 lần, lay kim lên xuống 7 lần. Trị 285 ca đạt kết quả rất tốt Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Triệu Hành Toàn 1977 châm huyệt Thanh suyễn nằm ở giữa sụn giáp và huyệt Thiên đột, tương ứng với chỗ tiếp giáp giữa sụn nhẫn và khí quản, dùng kim hào châm dài 1 thốn châm chếch lên trên sâu 0,3 -0,5 thốn sao cho bệnh nhân có cảm giác căng tức nhiều, khi đó rút kim lên một ít rồi lại đưa kim xuống theo các hướng xuống dưới, sang phải, sang trái rồi rút kim, không lưu kim. Trị 30 ca đều đạt hiệu quả Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Lưu Trạch Quang 1985 chỉ châm huyệt Ngư tế một bên, mỗi ngày một lần, mũi kim hướng chếch lên trên sâu chừng 5 phân, lưu kim 20 – 30 phút, cứ 5 phút vê kim một lần. Trị 200 ca, đạt hiệu quả 98,5%, trong đó có 129 ca ổn định trên 2 năm không thấy tái phát Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Khúc Kính Lai 1990 châm thẳng huyệt Túc tam lý sâu 1- 2 thốn, lưu kim 20 phút, vê kim từ 2 – 4 lần. Trị 30 ca hen phế quản thể tỳ hư, đạt hiệu quả 90% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Trương Âu Quang 1981 châm các điểm quá mẫn được xác định bằng cách dùng ngón cái bàn tay phải ấn dò tìm ở tay, chân, ngực và lưng những vị trí có cảm giác đau, căng chướng hoặc tê bì. Nếu các điểm mẫn cảm quá nhiều có thể phân chia thành từng nhóm để luân phiên sử dụng. Thường châm với cường độ kích thích mạnh không lưu kim, 6 ngày là 1 liệu trình, giữa 2 liệu trình nghỉ 7 ngày. Trị 42 ca, đạt hiệu quả 69% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Triệu Tử Hiền 1987 dùng phương pháp dán các hạt Vương bất lưu hành lên các huyệt Giao cảm, Thần môn, Chẩm, Suyễn, Phế, Đại trường, Khí quản, Mũi trong, Thận ở tai. Mỗi ngày day ấn 3 – 4 lần, mỗi lần 5 – 10 phút. Trị 40 ca, đạt hiệu quả 98% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Uý Trì Tịnh 1987 dùng Bạch giới tử hoặc Vương bất lưu hành dán vào các huyệt Khí quản, Phế, Tuyến thượng thận, Tiền liệt tuyến ở cả hai tai, 5 ngày thay một lần, mỗi ngày day ấn 4 lần, mỗi lần ấn mỗi huyệt một phút. Trị 60 ca, đạt hiệu quả 95% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Trần Tất Thông 1995 cứu trực tiếp huyệt Thiếu thương, mỗi lần 3 – 5 tráng, mỗi ngày một lần, 10 lần là một liệu trình. Trị 37 ca đạt hiệu quả 73% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Trương Học Giám 1995 sử dụng hai huyệt Khổng tối và Ngư tế. Đầu tiên, dùng kim hào châm dài 1 thốn châm tẫ các huyệt cả 2 bên, sau đó cho điện châm với tần số 160 lần/phút, cường độ vừa phải, lưu kim 30 – 60 phút. Trị 192 ca đạt hiệu quả 98,9% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Mã Minh Phi 1992 châm các Suyễn điểm, Khái điểm ở bàn tay thủ châm liệu pháp, lưu kim 30 phút, 5 – 10 phút vê kim một lần, mỗi ngày châm một lần, 10 lần là một liệu trình, giữa hai liệu trình nghỉ 1 tuần. Trị 100 ca, đạt hiệu quả 96% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Quản Tuân Huệ 1987, thể phong nhiệt châm các huyệt Định suyễn, Phong môn xuyên Phế du. Thể phong hàn thêm Hợp cốc, Liệt khuyết. Thể đờm trệ thêm Túc tam lý, Phong long. Khó thở nhiều thêm Quan nguyên, Chiên trung. Ho nhiều thêm Xích trạch, Thái uyên. Dùng máy nhiệt châm GZH, đảm bảo độ ấm của kim từ 40 – 70oC. Các huyệt phối hợp châm thường, lưu kim 20 phút. Giai đoạn phát tác châm hàng ngày, mỗi ngày một lần, khi các triệu chứng đã giảm có thể châm cách ngày, 6 lần là một liệu trình, nghỉ 3 – 5 ngày rồi châm tiếp 1 liệu trình nữa. Trị 64 ca, đạt hiệu quả 96,9% Châm Cứu Trị Liệu Bách Bệnh Oai Tuỵ.

Nhĩ Châm Trị Suyễn

Bình suyễn, Thượng thận tuyến, Khí quản, Dưới đồi, Giao cảm, Nội phân bí, Phế, Tỳ, Thận. Mỗi lần chọn 5 huyệt. Châm kích thích mạnh, lưu kim 30-60 phút. Mỗi ngày hoặc cách ngày châm một lần.

Y Án Trị Hen Suyễn

Trích trong Châm Cứu Lâm Chứng Thực Nghiệm

Bệnh nhân Ngưu, nữ, 56 tuổi, nông dân, nhập điều trị ngoại trú ngày 21/11/1969.

Bệnh nhân trước đây có những cơn hen kịch phát tái diễn khoảng 4 năm và đã được điều trị bằng Ephedrine, Aminophỵlline, Sulfaminidine khi lên cơn. Cơn bệnh dẫn đến sự thăm khám lần này là đột ngột khó thở, xanh tím kéo dài 6 giờ. Các khám nghiệm thấy môi và mặt xanh tím, miệng há và rút vai, thở hổn hển, khò khè trong hai phổi.

Chẩn đoán là hen phế quản.

Điều trị: Phương huyệt: Phong môn và Quyết âm du.

Bệnh nhân ngồi tựa lưng, hai vai buông xuống. Dùng kim dài ba thốn châm xiên góc 12o từ huyệt Phong môn xuyên đến huyệt Quyết âm du, nâng lên đề, đẩy xuống án vàvê kim một lúc. Châm một bên sau đó bên kia, rồi giác các huyệt đã châm khoảng 10 – 15 phút. Sau đó khó thở giảm một cách rõ rệt. 6 giờ sau, sau một lần điều trị nữa, tiếng rít cũng đã giảm nhiều. Hôm sau, bệnh nhân đã trở nên khoẻ hơn, có thể ngủ nằm ngửa và cơn khó thở đã dịu xuống. Khám nghiệm cơ thể: lồng ngực bình thường ngoại trừ âm thở hơi thô ở phổi phải.

Châm trị như cũ, bệnh khỏi hoàn toàn. Tiếp tục điều trị thêm để củng cố hiệu quả chữa bệnh.

Y Án Trị Hen Suyễn

Trích trong Châm Cứu Lâm Chứng Thực Nghiệm

Bệnh nhân Trang, nữ, 47 tuổi, nông dân, công nhân, nhập điều trị ngoại trú ngày 01/03/1967.

Bệnh nhân có những cơn hen kịch phát khoảng 5 năm gây ra bởi thuốc trừ sâu. Mỗi năm 2- 3 cơn, thường xẩy ra vào những tháng mùa thu và mùa đông, cơn này đã kéo dài ba ngày và điều trị không kết quả. Khi khám nghiệm, bệnh nhân há miệng và rút vai, ho rít dữ dội, thở hổn hển, xanh tím môi và khó thở, đờm khò khè.

Chẩn đoán là hen phế quản.

Phương huyệt: Phong môn và Quyết âm du.

Bệnh nhân ngồi tựa lưng, hai vai buông xuống. Dùng kim dài ba thốn châm xiên góc 12o từ huyệt Phong môn xuyên đến huyệt Quyết âm du, nâng lên đề, đẩy xuống án vàvê kim một lúc. Châm một bên sau đó bên kia, rồi giác các huyệt đã châm khoảng 10 – 15 phút. Ngày trị một lần đối với trường hợp thông thường và ngày hai lần cho trường hợp nặng.

Châm như trên năm lần, các triệu chứng giảm và hai năm sau vẫn không tái phát.

Y Án Trị Hen Suyễn

Trích trong Thiên Gia Diệu Phương, q Thượng

Dung XX, nam, 38 tuổi, cán bộ. Khám điều trị năm 1957. Bệnh nhân bị hen phế quản kéo dài đã 6 năm. Thoạt đầu mỗi năm lên cơn 1-2 lần, phần nhiều vào mùa đông xuân, sau khi bị lạnh. Nói chung uống Ephedrin hoặc các thuốc đông y thì có thể dứt cơn được. Hai năm gần đây ngày càng bị nhiều cơn hơn, cứ mấy ngày lại lên một cơn hen, mỗi lần bị mất hàng tuần lễ mới dứt dần, dùng các loại thuốc đông tây y chỉ có thể tạm thời dễ chịu hơn một chút mà không giảm bớt được tần suất cơn hen. Cho uống Cao Trị Hen Chế nam tinh 15g, Pháp bán hạ 15g, Cát cánh 15g, Xuyên bối 15g, Tế tân 15g, Hạnh nhân 15g, Sinh cam thảo 15g, Ngũ vị tử 15g, Sinh Ma hoàng 9g, Bạch tô tử 9g, Khoản đông hoa 9g, Sinh tử uyển 9g, Ma du dầu gai 200g, Bạch mật mật trắng 120g, Sinh khương trấp nước gừng tươi 120g. Trước hết cho 12 vị thuốc đầu tiên vào trong dầu gai ngâm 24 giờ, đem sao cho đặc, lọc bỏ bã, lấy nư­ớc, sau đó cho thêm mật trắng vào nước gừng tươi đun cô thành cao, cho tới lúc đem nhỏ vào nước thì thành giọt châu, lấy được khoảng 440g. Mỗi ngày buổi sớm khi gà gáy canh năm thì uống 1 thìa nhỏ với nước đun sôi để nguội, đề nghị người bệnh kiên trì dùng liên tục, khi dùng hết khoảng 250g, thì dứt hết cơn hen. Lại tiếp tục uống cho tới tất cả 2.500g, đồng thời phối hợp cho dùng một số Kim Quĩ Thận Khí Hoàn, Bột nhau thai, sau khi khỏi bệnh đã theo dõi 21 năm không thấy tái phát.

Y Án Trị Hen Suyễn

Trích trong Thiên Gia Diệu Phương, q Thượng

Khu XX, nam, 39 tuổi, nông dân. Từ năm lên 10, người bệnh do bị cảm lạnh thành ho hen suyễn. Điều trị bệnh đã đỡ nhưng về sau mỗi khi bị nhiễm lạnh lại lên cơn hen không dứt được, càng ngày càng nặng, tuy đã điều trị bằng nhiều loại thuốc mà vẫn không khỏi. Một năm trở lại đây, mỗi lần lên cơn hen lại so vai ngửa cổ mà hít thở, trông rất thảm hại. Đã dùng Ephedrein, Aminophylin, mà không cắt được cơn hen. Dùng Corticoid thì có thể giảm cơn hen tạm thời được 20-30 phút, tiêm truyền hormon vào tĩnh mạch thì phải mất khoảng 1 ngày mới cắt được cơn hen. Cho uống Tiêu Suyễn Thang Chích Ma hoàng 9g, Tế tân 9g, Xạ can 9g, Sinh thạch cao 24g, Ngũ vị tử 9g, Chích cam thảo 9g, Pháp bán hạ 9g. Sắc uống, mỗi ngày 1 thang, chia làm 3 lần, uống 1 thang thì hen giảm hẳn, uống hết 2 thang thì cơ bản khống chế được cơn hen. Lại cho dùng Lục Quân Tử Thang và Sinh Mạch Tán, có Tác dụng bồi thổ sinh kim, Thất Vị Đô Khí Thang để ôn thận, nạp khí, các bài thuốc này dùng lần lư­ợt thay nhau và đều có gia giảm, khi lên cơn hen thì vẫn uống Tiêu Suyễn Thang. Cứ nh­ư thế tiếp tục điều trị hơn nửa năm, số lần lên cơn hen giảm đi rõ rệt, cường độ cơn hen cũng nhẹ hơn nhiều, thể lực tăng lên rõ rệt. Một năm sau thì bệnh cơ bản khỏi hẳn.

Bàn luận: “Tiêu Suyễn Thang” là bài thuốc tuyển chọn phối hợp chữa hen của đông y dựa trên các bài thuốc Tiểu Thanh Long Thang, Xạ Can Ma Hoàng Thang, Ma Hạnh Thạch Cam Thang. Trong bài thuốc này chú trọng sử dụng Ma hoàng để tuyên phế bình suyễn, Tế tân để ôn phế hoá ẩm, Xạ can để bình nghịch giáng khí, Bán hạ có Tác dụng hoá đàm khử ẩm, Ngũ vị tử liễm phế cầm ho và khống chế Tác dụng “tán” của Tế tân, Sinh thạch cao để thanh phế giải nhiệt và khống chế Tác dụng gây ra mồ hôi của Ma hoàng, Chích cam thảo nhuận phế cầm ho, điều hoà các vị khác, nhằm đạt được hiệu quả phối hợp hoá đàm tuyên phế, bình suyễn chỉ khái. Hen suyễn do phế tuyên mà sẽ bình được, ho do đờm giảm mà cầm được. Người x­ưa có nói “Tế tân bất quá tuyến”, nay dùng trong Tiêu Suyễn Thang đến 9g, t­ương đương với 3 chỉ, nhưng chỉ cần dùng đúng bệnh, phối hợp đúng phương pháp, trên lâm sàng chư­a thấy có phản ứng nào không tốt. Đó cũng chính là điều mà “Nội kinh” đã nói:”Hữu cố vô vẫn, dược vô vẫn dã”.

Y Án Trị Hen Suyễn

Trích trong Thiên Gia Diệu Phương, q Thượng

Từ XX, nam, 45 tuổi, cán bộ. Đã hơn 4 năm bị những cơn hen suyễn, nhiều đờm. Bốn năm trước, sau khi mắc bệnh, cứ mỗi lần bị lạnh, hoặc ngửi phải khí than là lại lên cơn suyễn. Khi lên cơn, ngực co rúm lại, khó thở, ho khạc ra đờm dính màu trắng thì cảm thấy có dễ chịu hơn. Bệnh tình mỗi năm một nặng thêm, các cơn hen ngày một xuất hiện nhiều và kéo dài hơn. Tây y chẩn đoán là hen phế quản. Đã dùng Ephedrin, Ainophylin, Adrenalin, lúc đầu có hiệu quả khá tốt, nhưng sau đó cảm thấy hiệu quả chẳng được là bao. Một năm trở lại đây bệnh tình lại nặng thêm, cứ đến hai mùa hạ và thu là lại lên cơn hen nặng, sang mùa đông xuân thì cảm thấy đỡ hơn. Một năm nay, tây y cho dùng Cortison mỗi ngày 3 lần, dùng liên tục dài ngày, vào vụ hè thu không ngày nào là không dùng, còn đồng thời dùng thêm khí dung cắt cơn hen, luôn mang theo người, hơi cảm thấy khó thở muốn ho là phải phun ngay. Bệnh nhân rất dễ bị cảm mạo, hơi bị lạnh là hắt hơi, nhức đầu, toàn thân khó chịu. Bệnh nhân không hút thuốc uống rư­ợu nhiều, đại tiện bình thường. Sắc mặt trắng bệch, lưỡi nhạt rêu trắng, 6 bộ mạch Trầm Hoãn. Chứng thuộc thái âm hư­ suyễn, khí đờm kết lại thăng giáng bất lợi. Cần trị bằng cách khi bệnh phát cơn thì trị triệu chứng, lúc bình thường thì chữa căn nguyên, cả hai mặt cùng chữa trị, l­ưỡng bổ phế tỳ. Vẫn thường xuyên dùng Cortison khí dung để chống lên cơn. Đồng thời dùng Sâm Giới Tán Gia Vị Cáp giới tắc kè 2 con chặt bỏ đầu và chân, Nhân sâm 15g, Sơn dược 60g, Điền hạnh nhân 24g, Trầm hương loại tốt 12g, Nhục quế loại tốt 12g, Kinh bán hạ 30g, Hoàng kỳ 60g, Tử bì hồ đào 60g, Sa bạch quả 30g, Tang bạch bì 30g, Cam thảo 15g. Các vị trên tán mịn làm một liều thuốc gói kín để dùng dần: mỗi lần 4-6g, mỗi ngày 3 lần, uống với nước đun sôi để nguội đại bổ phế tỳ, tiêu đờm giáng khí, phù chính cố bản để chữa trị tận gốc. Uống liền 4 liều Sâm Giới Tán Gia Vị, sau 4 tháng ngừng dùng tất cả các loại thuốc tây y, tinh thần sảng khoái, sức lực dồi dào, thể chất tăng cư­ờng. Dùng bài thuốc này tiếp tục được một năm thì ngừng tất cả các loại thuốc. Hỏi thăm thấy 3 vụ hè thu bệnh không tái phát.

Bàn luận: Thông qua thực tiễn lâm sàng thấy rõ ràng Sâm Giới Tán Gia Vị có Tác dụng làm thay đổi phản ứng của cơ thể, điều tiết hormon. Trong quá trình phối hợp điều trị cùng với các thuốc tây y, dần dần phải giảm bớt hormon và thuốc chỉ suyễn, lúc đầu thì càng chậm càng ít càng tốt, cho tới khi hoàn toàn không dùng tới các loại thuốc tây y này. Sau đó lại giảm dần cả liều dùng “Sâm Giới Tán Gia Vị’, cách tiến hành gồm có giảm dần số lần uống thuốc và giảm dần lượng thuốc uống mỗi lần, cho đến khi hoàn toàn không dùng thuốc nữa. Cả quá trình này cần kéo dài từ nửa năm đến một năm.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.