MẮT MỘNG – MỘNG THỊT (Pterygium – Ptérygion)

Mộng mắt là một nếp gấp của kết mạc, phát triển dần dần vào đến giác mạc.

Mộng thịt là 1 chứng bệnh đặc biệt biểu hiện ở mắt bằng sự xuất hiện 1 màng đục hình tam giác mà đỉnh hướng về trung tâm của tròng đen, đáy ở trên kết mạc nhãn cầu, gọi là chân mộng. Trên mộng thịt có thể có ít nhiều mạch máu.

Có loại mộng mầu đỏ với mạch máu dầy đặc, có loại mầu trắng bạc… Dù mộng thịt có nhiều hình dạng khác nhau như nhọn, tròn… nhưng tất cả các mộng thịt đều có chung 1 đặc điểm là đầu mộng thịt dính chặt vào tổ chức của nhãn cầu ở dưới. Nam bị nhiều hơn nữ.

Thuộc loại Nô Nhục Phàn Tinh của Đông Y.

Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (OMS), mộng mắt được chia mà 4 độ như sau:

Mộng độ I: Mộng mới bò đến rìa giác mạc, mộng còn non.

Mộng độ II: Mộng bò vào đến điểm giữa của khoảng cách từ rìa giác mạc đến bờ đồng tử.

Mộng độ III: Mộng đã lan đến bờ đồng tử.

Mộng độ IV: Mộng đã bò qua bờ đồng tử.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia thì mộng độ I không cần phải giải phẫu, mộng độ II và III, nên giải phẫu còn mộng độ IV bắt buộc phải giải phẫu nếu không mộng sẽ che kín đồng tử.

Nguyên nhân

Theo Y học hiện đại : có thể do 1 số yếu tố gây kích thích mắt như gió, bụi, ánh nắng, nước bẩn…

Theo Đông Y, có thể do:

Kinh Tâm, Phế có phong nhiệt ủng thịnh, làm cho mạch lạc bị ứ trệ, huyết ủng tắc ở mắt.

Ăn uống thức ăn cay nóng, Tỳ Vị tích nhiệt công lên mắt gây nên bệnh.

Lao dục quá độ, Tâm âm bị hao tổn, thận tinh bị che lấp, thủy không chế được hỏa, hư hỏa bốc lên gây nên viêm.

Triệu chứng

Thường từ góc trong của mắt nổi lên một hột như cục thịt nhỏ, dần dần lan ra. Mộng có hình tam giác, đỉnh hướng vào giác mạc còn đáy ở trên kết mạc, nhãn cầu. Mộng phát triển từ từ, có trường hợp rất chậm, có khi 3-5 năm hoặc nhiều hơn. Thường loại mộng có đầu mộng trắng đục là loại mộng đang phát triển.

Trên lâm sàng thường gặp các loại sau:

Tâm Phế Có Phong Nhiệt

Chứng: Mộng thịt mới mọc, mắt cảm thấy hơi ngứa, dính. Ở mắt thấy có mộng, có nhiều mạch máu ở tròng trắng, lan đến tròng đen, miệng khô, nước tiểu vàng, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhạt.

Điều trị: Khứ phong, thanh nhiệt. Dùng bài Chi Tử Thắng Kỳ Thang (15) Gia Giảm.

(Bạch tật lê, Thuyền thoái, Cốc tinh thảo, Thảo quyết minh, Cúc hoa, Mật mông hoa, Mạn kinh tử, Mộc tặc để khứ phong nhiệt, thoái ế mạc; Kinh giới, Phòng phong, Xuyên khung, Khương hoạt để khứ phong, tán tà, tiết ủng trệ; Chi tử, Hoàng cầm, Cam thảo để thanh nhiệt, tả hỏa).

Tỳ Vị Có Thực Nhiệt

Chứng: Mộng thịt dầy, có nhiều mạch máu nhỏ chung quanh, nhiều ghèn dính, khát, muốn uống, táo bón, nước tiểu vàng, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng.

Điều trị: Tả nhiệt, thông phủ. Dùng bài Tả Tỳ Trừ Nhiệt Ẩm Gia Giảm (91).

(Đại hoàng, Mang tiêu, Hoàng liên, Hoàng cầm tả nhiệt, thông phủ; Xa tiền tử, Sung úy tử tả nhiệt, thông trệ; Hoàng kỳ, Phòng phong, Cát cánh sơ phong, tán tà (Trung Y Ngũ Quan Khoa Học).

Thanh Tinh Tán (109).

Âm Hư Hỏa Vượng

Chứng: Mộng thịt mầu hồng nhạt, đầu bằng, mầu trắng, thường tụ ở chỗ tròng trắng tròng đen giao nhau, mắt ngứa, dính, phiền nhiệt, miệng lưỡi khô, nước tiểu vàng, đỏ.

Điều trị: Tư âm, giáng hỏa.

Dùng bài Tri Bá Địa Hoàng Hoàn Gia Giảm (130).hoặc Tiêu Chướng Cứu Tinh Thang (121).

Thuốc tra: Thoái Ế Quyển Vân Tán (111).

Tra Cứu Bài Thuốc

CHI TỬ THẮNG KỲ THANG Gia Giảm (Chứng Trị Chuẩn Thằng): Bạch tật lê (sao), Cam thảo (nướng), Chi tử, Cốc tinh thảo, Cúc hoa, Hoàng liên, Khương hoạt, Kinh giới huệ, Mạn kinh tử, Mộc tặc, Phòng phong, Thảo quyết minh, Xích thược, Xuyên khung. Các vị liều lượng bằng nhau, tán bột. Ngày uống 16 – 20g.

Tác dụng: Trị mắt có màng, mắt có mộng.

TẢ TỲ TRỪ NHIỆT ẨM GIA GIẢM (Ngân Hải Tinh Vi): Hoàng kỳ, Phòng phong, Sung úy tử, Cát cánh, Đại hoàng, Hoàng cầm, Xa tiền tử, Mang tiêu, Hoàng liên. Sắc uống.

Tác dụng: Trị mắt có mộng.

THANH TINH TÁN (Trung Quốc Đương Đại Trung Y Danh Nhân Chí): Thạch hộc, Mạch môn đều 12g, Nguyên sâm 30g, Thục địa, Quế chi, Xích thược, Đương quy đều 93, Đào nhân đều 8g, Thuyền thoái, Long cốt, Mẫu lệ đều 3g. Tán bột. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1,5g.

Tác dụng: Thoái ế, làm sáng mắt, hoạt huyết, hóa ứ, nhuyễn kiên, tán kết. Trị mắt có mộng thịt.

THOÁI Ế QUYỂN VÂN TÁN (Ngân Hải Tinh Vi):: Khương phấn 1,2g, Bạch phàn (đốt qua) 0,4g, Muối 0,6g. Tán bột, trộn chung với Âm Đơn 4g, Dương Đơn 2g. điểm vào khóe mắt.

Tác dụng: Trị mắt có mộng thịt (Nô nhục phàn tinh).

TIÊU CHƯỚNG CỨU TINH TÁN (Nghiệm Phương Tân Biên): Miết giáp (dùng sống, nghiền nát), Liên kiều đều 4,5g, Linh dương giác, Thảo quyết minh, Phòng phong, Câu kỷ tử, Sung úy tử, Bạch tật lê đều 3g, Long đởm thảo (sao rượu), Mộc tặc đều 1,5g, Cam cúc hoa 2,4g. Tán bột. Mỗi lần dùng 6 – 9g, đổ nước sôi vào hãm uống hoặc sắc các vị thuốc trên xong, cho bột Linh dương giác vào quấy đều, uống.

Tác dụng: Bình Can, tả hỏa, tiêu thủng, chỉ thống, thoái ế, làm sáng mắt. Trị mắt có mộng.

TRI BÁ ĐỊA HOÀNG HOÀN GIA GIẢM (Chứng Nhân Mạch Trị, Q. 1): Đơn bì 120g, Hoàng bá 80g, Phục linh 120g, Sơn dược 160g, Sơn thù 160g, Thục địa 320g, Trạch tả 120g, Tri mẫu 80g. Tán nhỏ, luyện với mật làm hoàn. Ngày dùng 8-16g với nước muối nhạt.

Tác dụng: Trị mắt có mộng thịt, thần kinh thị giác teo.

Bài trướcMất Tiếng – Hầu Âm (Thất Âm) | Đông Y
Bài tiếp theoMắt Khô Ở Trẻ Em Suy Dinh Dưỡng | Đông Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.