Bệnh giang mai do Treponema pallidum gây nên. Nguy cơ lây truyền cao nhất ở những giai đoạn sớm của bệnh, đặc biệt khi có những vết loét ở da hay niêm mạc. Chỉ cần một lần sinh hoạt tình dục không được bảo vệ duy nhất thì nguy cơ lây truyền cũng đã vào khoảng 30 đến 60%. Cũng như những bệnh lây truyền qua đường tình dục (BLTQTD) khác, giang mai tạo thuận lợi cho việc lây truyền HIV do những thương tổn ở niêm mạc đường sinh dục. Ở một vài vùng của Châu Âu và Bắc Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh giang mai đã gia tăng trong 10 năm qua lên đến những mức đã từng thấy vào giữa thế kỷ 20. Ở một vài thành phố lớn, con số bệnh nhiễm mới được chẩn đoán đã tăng gấp nhiều lần. Tỷ lệ mắc bệnh giang mai cao nhất ở châu Âu trong năm 2006 là ở vùng Baltic.

Triệu chứng

Bệnh giang mai cổ điển tiến triển qua bốn giai đoạn, liệt kê ở Bảng 1:

Bảng 1: Diễn biến của bệnh giang mai cổ điển
Giai đoạn Các biểu hiện lâm sàng đặc hiệu Thời gian từ lúc bị nhiễm
Giang mai I Ulcus durum (loét cứng)/săng khoảng 3 tuần
Giang mai II Ngoại ban lan toả khoảng 6-8 tuần
Giang mai III Củ giang mai, gôm vài năm
Giang mai IV Giang mai thần kinh, liệt tiến triển hàng chục năm

Ở những bệnh nhân nhiễm HIV, thời kỳ tiềm ẩn giữa giai đoạn II và các giai đoạn cuối III và IV có thể là ngắn hơn thường lệ một cách rõ rệt. Trong một vài trường hợp, các triệu chứng của những giai đoạn khác nhau có thể hiện diện cùng một lúc.

Hơn nữa, người ta cũng đã mô tả những biểu hiện bất thường như loét da hay hoại tử da rất rõ, sốt cao và mệt mỏi. Những dấu hiệu lâm sàng này nếu xảy ra thì được gọi là giang mai ác tính (Lues maligna) (Gregory 1990).

Một bệnh cảnh bất thường khác ở những bệnh nhân nhiễm HIV là khả năng tái hoạt động nội sinh sau một lần nhiễm Treponema pallidum trước đó.

Chẩn đoán

Xét nghiệm thường quy phát hiện giang mai với TPHA, TPPA hoặc VDRL có thể là không đáng tin cậy ở bệnh nhân nhiễm HIV. Những kết quả âm tính giả có thể được giải thích bằng sự sản sinh không đủ kháng thể hoặc bằng sự ức chế sản xuất IgM do những nồng độ IgG quá cao. Trong trường hợp nghi ngờ, nên làm những xét nghiệm đặc hiệu như là FTA-ABS (IgG và IgM) hoặc là xét nghiệm cardiolipin.

Ở những tổn thương da hay niêm mạc, nên soi kính hiển vi nền đen để tìm trực tiếpTreponema pallidum.

Ở những trường hợp đã biết nhiễm bệnh bằng huyết thanh chẩn đoán, nên thực hiện việc khám thần kinh, nhất là trên những bệnh nhân nhiễm HIV, bởi do các giai đoạn lâm sàng thường không còn tách biệt nữa. Những bệnh nhân có các triệu chứng thần kinh nên được xét nghiệm dịch não tuỷ, vì điều này đặc biệt quan trọng để quyết định kiểu loại điều trị (tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch).

Điều trị

Điều trị giang mai nên được hiệu chỉnh tuỳ theo giai đoạn của bệnh.

Những khuyến cáo đối với các giai đoạn sớm của giang mai bao gồm 3 liều tiêm bắp benzathine penicillin 2.4 triệu đơn vị dùng cách quãng mỗi tuần (khuyến cáo của các tác giả Anh-Mỹ: chỉ 2 liều).

Trong trường hợp không dung nạp penicillin, có thể dùng doxycycline (2 x 100 mg), tetracycline (4 x 500 mg) hay erythromycin (4 x 500 mg) bằng đường uống trong 4 tuần lễ, nhưng những thuốc này được xem là kém hiệu quả so với penicillin. Vì lý do này, nên điều trị người bệnh với phác đồ tương tự như khi dùng trong giang mai thần kinh.

Giang mai thần kinh thường được điều trị với 5 triệu đơn vị benzylpenicillin mỗi 4 giờ trong 21 ngày. Những khuyến cáo khác thì thích dùng benzylpenicillin trong 14 ngày hơn, tiếp sau đó thêm 3 liều tiêm bắp 2.4 triệu đơn vị benzathine penicillin dùng cách quãng mỗi tuần.

Trong trường hợp không dung nạp penicillin, giang mai thần kinh còn có thể được điều trị với 2g ceftriaxone, ngày một lần trong 14 ngày. Những nghiên cứu quan sát mô tả ở những nhóm nhỏ gợi ý rằng ceftriaxone có hiệu quả tương đương với penicillin trong điều trị giang mai. Tuy nhiên, phản ứng chéo cũng có thể xảy ra.

Lúc đó điều trị được chọn thay thế là doxycycline 2 x 100-200 mg mỗi ngày hay erythromycin 4 x 500 mg mỗi ngày trong ít nhất 3 tuần. Khi điều trị với macrolides, nên lưu ý đến khả năng xuất hiện kháng thuốc (Lukehart 2004).

Khi bắt đầu điều trị bệnh giang mai, nên lưu ý đến khả năng phản ứng Jarisch-Herxheimer có thể xảy ra. Phản ứng này là do sự giải phóng một lượng lớn độc tố vi khuẩn sau khi dùng liều kháng sinh đầu tiên. Do sự khởi động các chất trung gian gây viêm, bệnh nhân có thể có các biểu hiện rét run, sốt, viêm khớp hay đau cơ. Người ta có thể phòng tránh, hay ít ra cũng là làm giảm nhẹ các triệu chứng của phản ứng Jarisch-Herxheimer bằng cách dùng 25-50 mg prednisolone trước liều kháng sinh đầu tiên.

Nên kiểm tra bằng huyết thanh chẩn đoán sau khi điều trị bệnh giang mai vào tháng thứ 3, 6 và 12. Cũng nên đặt vấn đề kiểm tra hàng năm bởi do khả năng tái hoạt động nội sinh hay tái nhiễm ở vài bệnh nhân.

Bài trướcBệnh da và niêm mạc liên quan HIV – Biểu hiện và điều trị – p2
Bài tiếp theoBệnh Lậu – triệu chứng, chẩn đoán, điều trị

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.