Trong những năm gần đây nhu cầu thăm dò, điều trị vô sinh ngày càng tăng và là vấn đề cấp thiết của nhiều quốc gia trên thế giới
Điều trị nội khoa
a. Các thuốc chống oxy hoá: Người ta thấy rằng có sự liên quan giữa tổn thương của quá trình oxy hoá AND ở tinh trùng và hiện tượng vô sinh nam.
Theo Komada H. và cs, nồng độ 8-hydroxy–2’deoxyguanosine (một dạng của tổn thương oxy hoá trong tinh trùng) của bệnh nhân vô sinh nam cao hơn so với nhóm đối chứng (1,5 ±0,2 so với 1,0 ±0,1/105 deoxyguanosine). Khi điều trị bằng thuốc chống oxy hoá, các tổn thương này giảm xuống rõ rệt: hàm lượng 8-hydroxy – 2’deoxyguanosine giảm từ 1,5 ±0,2 xuống 1,1 ±0,1/105 ’deoxyguanosine.
b. Nội tiết tố điều trị suy giảm tinh trùng: trong những năm gần đây, người ta cố gắng điều trị những trường hợp về sự sinh tinh do rối loạn chức năng vùng dưới đồi – tuyến yên bằng nội tiết tố.
– FSH và LH: Lacono F. và cs đã sử dụng FSH (150UI) liều cao để điều trị các bệnh nhân suy giảm tinh trùng (SGTT) (số lượng tinh trùng <20 x 106ml). Theo các tác giả, với FSH liều cao, số lượng tinh trùng và tỷ lệ tinh trùng khỏe tăng rõ rệt so với nhóm điều trị bằng liều thấp (Protein<0,001) [102]. Strehler E. và cs cũng đã sử dụng FSH với liều 150 UI/ ngày trong 12 tuần để điều trị cho 46 bệnh nhân vô sinh nam có tinh dịch đồ ít và yếu thấy tăng số lượng tinh trùng có hình thái bình thường.
– Việc sử dụng HMG (human menopo gonadotropin) hay hCG (human chorionic gonadotropin) có tác dụng giống như LH và FSH cũng được đề cập. Demoulin A. điều trị 87 trường hợp SGTT (11-20 x 106/ml) bằng HMG đơn thuần hay kết hợp với HCG thấy 44 trường hợp số lượng tinh trùng tăng hơn 30 x 106ml và 17 trường hợp sinh con (19,5%); còn trong 98 trường hợp SGTT nặng (<10 x 106/ml) có 30 người (30,6%) có số lượng tinh trùng tăng tới 20-30x 106/ml và 7 trường hợp sinh con(14%). Schill W. B. dùng hMG cộng với hCG điều trị 48 bệnh nhân SGTT (< 20x 106/ml) tự phát trong 3 tháng thấy 10/33 bệnh nhân sinh con trong vòng một năm, 16/48 bệnh nhân số lượng tinh trùng cao hơn 25 x 106/ ml.
– Các thuốc kháng estrogen tại receptor: nhiều tác giả cũng đã đề nghị sử dụng clomiphen citrate khi hàm lượng LH, FSH thấp. Clomid tranh chấp với estrogen nội sinh tại các receptor ở vùng dưới đồi và tuyến yên, còn tamoxifen ngăn cản phức hợp estrogen- receptor gắn vào vị trí tác dụng trên AND của tế bào đích. Vì vậy, chúng kháng lại estrogen và gây kích thích hoạt động của tinh hoàn bằng tác dụng gây tăng tiết FSH và LH nội sinh. Do đó có thể làm tăng số lượng tinh trùng lên 60,0% và có thai 20,0% sau điều trị. Clomiphen còn làm giảm số lượng tinh trùng dị dạng.
– Các androgen: một số tác giả đã sử dụng testosteron với liều 100-200mg/tuần trong 3 – 4 tháng để làm giảm số lượng tinh trùng. Sau khi ngừng thuốc một thời gian, sẽ có hiệu ứng bật (rebound effect) và làm tăng số lượng tinh trùng . Wang C. và cs. đã điều trị testosteron 2 tuần/lần không thấy có kết quả khả quan.
Mesterolone là một loại androgen được chọn để điều trị tinh trùng ít trong nhiều năm. Menterolone là một loại androgen không thể chuyển hoá sang estrogen, có hoạt động ức chế kém đối với gonadotrophin và độc lập không bị estrogen làm giảm tác dụng. Người ta hy vọng mesterolone có thể kích thích trực tiếp đến sự sinh tinh của tinh hoàn.
c. Một số thuốc khác:
– Các thuốc kích thích bài tiết dopamin hay nhóm ức chế prolactin: khoảng 5,2% bệnh nhân vô sinh nam có prolactin huyết tương cao. Đối với các trường hợp này có thể dùng bromocryptine để điều trị. Theo một số tác giả có thể dùng bromocryptine để điều trị các trường hợp vô sinh do tinh trùng ít, yếu không rõ nguyên nhân.
– Nhóm methylxanthin: Pentoxyfyllin (Torental), được nhìn nhận là một thuốc có tác dụng phục hồi khả năng thay đổi hình dạng của hồng cầu đã bị suy giảm và giảm bới độ nhớt máu trong viêm động mạch ngoại vi. Nhưng nhiều tác giả đã quan sát thấy Pentoxyfyllin có tác dụng điều trị các trường hợp suy nhược tinh trùng trong khi nội tiết tố hướng sinh dục bình thường. Theo Shen M. R. và cs. sau 3 tháng điều trị bằng Pentoxyfyllin, tỷ lệ tinh trùng khoẻ tăng lên, nhưng mật độ tinh trùng không tăng. Còn Merino G. và cs. đã sử dụng Pentoxyfyllin với liều 1200mg/ngày trong 6 tháng thấy nồng độ các nội tiết tố hướng sinh dục, thể tích tinh dịch cũng như số lượng tinh trùng, khả năng sống và hình thái của các tinh trùng không thay đổi trước và sau điều trị. Nhưng tỷ lệ các tinh trùng khỏe đã tăng lên một cách rõ rệt sau 3-6 tháng điều trị (từ 25,5% tăng lên 35,5% – 42,0% với P < 0,001). Các tác giả cho rằng Pentoxyfyllin có thể ứng dụng để điều trị vô sinh nam.
– Glutathion: Lenzi A. và cs. đã dùng glutathion (600mg/ngày tiêm tĩnh mạch 2 tháng) để điều trị 11 bệnh nhân vô sinh nam thấy sau 30 – 60 ngày điều trị số tinh trùng đã khỏe tăng lên rõ rệt. Theo các tác giả, có thể ứng dụng glutathion để điều trị các trường hợp vô sinh nam .
– Arginin: Nếu dùng arginin điều trị củng cố thêm với các thuốc nói trên, có thể làm tốt hơn chất lượng của quá trình sinh tinh. L – arginin HCl có thể cải thiện khả năng chuyển động của tinh trùng mà không hề có tác dụng phụ nào.
Ngoài các phương pháp điều trị ở trên, nếu bệnh nhân bị suy giảm tinh trùng do các căn nguyên đặc hiệu thì cần phải có các biện pháp điều trị chuyên nghiệp như sử dụng tinh chất tuyến giáp trong trường hợp suy giáp , sử dụng glucocorticoid trong trường hợp quá sản tuyến thượng thận…
Điều trị ngoại khoa
Trong một số bệnh gây ảnh hưởng tới đời sống tinh trùng cần phải tiến hành phẫu thuật như:
– Giãn tĩnh mạch thừng tinh.
– Tinh hoàn trong ổ bụng hoặc tinh hoàn không xuống bìu.
– Nước màng tinh hoàn hoặc thoát vị bẹn.