Hỏi: Tôi có một bé gái 14 tháng tuổi, chỉ ngồi, di chuyển bằng cách lết, không bò, không đứng chịu sức hai chân, chưa biết đi. Nhưng khi nằm thì chân vận động rất mạnh. Xin hỏi bé có bất thường gì không và phải khám bệnh ở đâu?
Trả lời:
Bé 14 tháng tuổi như thế là có chậm phát triển vận động khá rõ ràng.
Mốc phát triển bình thường là: trên 5 tháng tuổi đặt đứng bé có thể đặt hai bàn chân xuống để chịu sức, 9-10 tháng tuổi bé biết bò và vịn đứng được, 14 tháng có thể đứng chựng và bắt đầu đi được một vài bước một mình.
Bé hiện 14 tháng tuối đánh giá phát triển vận động thì dựa theo các cột mốc nêu trên, không thể căn cứ vào vận động hai chân trong tư thế nằm.
Bạn có thể cho cháu đến khám để xác định vấn đề của cháu tại khoa Vật Lý Trị Liệu, khu Khám bệnh thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Hỏi: Bé trai 2 tuổi, gặp khó khăn về vấn đề ăn uống. Cháu nuốt khó và đặc biệt là không chịu nhai, đến nay van ăn cháo đặc và thức ăn xay. Xin hỏi cần phải tập cho bé như thế nào ?
Trả lời:
Bé 2 tuổi nếu phát triển bình thường là có thể nhai được nhiều loại thức ăn đặc và cứng khác nhau, hoạt động nhai lúc 2 tuổi đã được hoàn thiện rất nhiều so vói mốc bắt đầu biết nhai là 9 tháng tuổi.
Do một thời gian dài cháu đã trở nên quen với thức ăn mềm, nên cơ thê sẽ hình thành phản ứng với thức ăn lạ là loại thức ăn cứng và chức năng nhai do đó cũng không có cơ hội phát triển.
Cách giải quyết là tập cháu thay đổi thói quen một cách từ từ:
Tập cho cháu ăn thức ăn cứng dần lên – ví dụ tập ăn thịt cá rồi dần mới đến ăn thịt bằm,
Tập ăn thức ăn mới nên tập lúc cháu còn đói,
Tập trong không khí bữa ăn vui vẻ,
Kích thích sự thèm ăn của cháu bằng màu sắc thức ăn, chén dĩa, Cho cháu chọn lựa thức ăn,
Có thể dùng tay bốc ăn.
Và nếu được, ông bà có thể cho cháu đến khoa Vật Lý Trị Liệu và Phục Hồi Chức Năng Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám và được hướng dẫn cụ thể hơn.
Hỏi: Chị tôi sinh đôi được hai cháu. Đen lúc 1 tuổi gia đình phát hiện ngón tay cái của một cháu bị gập lại, không duỗi thẳng được. Khi bé kia được gần 2 tuổi thì cũng bị tương tự như em. Xin hỏi đó là bệnh gì và phải trị liệu như thế nào ?
Bên cạnh đó trong miệng, lưỡi các cháu xuất hiện những nốt như nốt nhiệt, có khi lại xuất hiện những nốt đỏ trên người gây ngứa, xin được tư vấn thêm. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Có thể đó là tật thiểu sản hoặc yếu cơ duỗi ngón cái (chị có thể tìm đọc lại bài và hình ảnh về loại tật này đã đăng trên trang web của bệnh viện Nhi Đồng 1 “Các tật bẩm sinh hệ vận động có thể chữa được bằng Vật Lý Trị Liệu”).
Theo như chị mô tả thì có khả năng đến tuổi này cháu cần can thiệp về phẫu thuật mới sửa chữa được; việc điều trị không thể trì hoãn vì chức năng của ngón tay cái rất quan trọng, nó chiếm đến 1/2 chức năng của cả bàn tay; như thế nếu không can thiệp kịp thời các hoạt động khéo léo như viết, vẽ cầm thìa, đũa của bàn tay có thể khó phát triển.
Chị nên khuyên mẹ cháu đưa cháu đến khám chuyên khoa Chỉnh Hình Nhi Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào sáng thứ ba, hoặc buổi chiều thứ ba và thứ năm để bác sĩ cho hướng xử trí chính xác.
Đồng thời các cháu cũng cần gặp bác sĩ nhi nội khoa để kiểm tra các triệu chứng nổi nhọt trong miệng và trên người, là thuộc về bệnh gì từ đó mới có hướng điều trị đúng.