Châm cứu chữa Co giật
(Kinh Quyết – Convulsion – Convulsion)
A. Đại cương
Co giật là nói về cơ năng của hệ thống thần kinh trung ương tạm thời bị rối loạn, xuất hiện những chứng trạng đột nhiên mất ý thức 1 thời gian ngắn đồng thời gân cơ cục bộ hoặc toàn thân bị co rút (giật).
Có thể phân biệt 2 loại: Co giật kèm sốt cao (phát nhiệt kinh quyết) và co giật không có sốt ( vô nhiệt kinh quyết).
Y học cổ truyền xếp bệnh này vào loại Kinh Phong, Ngoại Cảm Nhiệt Bệnh, Phá Thương Phong.
Thường gặp nơi trẻ nhỏ, do sốt cao gây ra.
B. Nguyên nhân
1. Sốt cao co giật: do sốt cao hoặc thần kinh trung ương bị nhiễm khuẩn (như trong các bệnh màng não viêm, não viêm… ), bệnh lỵ trực trùng, sưng phổi do ngộ độc, uốn ván (phá thương phong ).
2. Co giật không sốt: thường do các bệnh không cảm nhiễm của hệ thần kinh trung ương như xuất huyết não, chấn thương não, thần kinh rối loạn, kinh phong…
Đối với trẻ nhỏ, thường là do cơ thể các em còn non yếu, khí huyết chưa thịnh, thần trí chưa vững, dễ cảm nhiễm lục dâm, hóa nhiệt nhanh, sinh ra phong. Phong nhiệt nung nấu tân dịch hóa thành đờm, đờm nhiệt làm tắc thanh khiếu gây ra kinh phong ; hoặc do ăn uống không điều độ, nhiệt đờm tích lại cũng gây ra kinh phong .
C. Triệu chứng
Bệnh phát 1 cách đột ngột, mất ý thức 1 thời gian ngắn, chân tay co giật, 2 mắt trợn ngược hoặc lác sang 1 bên, răng cắn chặt, góc miệng rung giật, miệng sùi bọt trắng, toàn thân co giật từng cơn hoặc liên tục, thở gấp, đại tiện bí hoặc tiêu tiểu không biết, đồng tử co hoặc giãn, mạch Phù Sác hoặc Huyền Khẩn.
Nếu lên cơn nặng, có thể làm trở ngại cơ năng hô hấp và tuần hoàn như thở gấp, môi miệng xanh tím, có thể nghẹt thở mà chết.
D. Điều trị
1- Châm Cứu Học Thượng Hải: Sơ điều mạch Đốc làm chính. Nếu sốt cao thì
thêm Thanh nhiệt. Nếu không sốt thì thêm Trấn kinh.
Sốt Cao Co Giật
Huyệt chính: Ấn Đường + Thái Dương + Tứ Phùng + Thập Tuyên (đều châm ra máu) + Đại Chùy (Đc.14) + Thân Trụ (Đc.12) + Khúc Trì (Đtr.11) + Hợp Cốc (Đtr.4).
Huyệt phụ: Lao Cung (Tb.8), Ngoại Quan (Ttu.5), Dũng Tuyền (Th.1).
Co Giật Không Sốt
Huyệt chính: Đại Chùy (Đc.14) + Cân Súc (Đc.8) + Hậu Khê (Ttr.3) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34).
Huyệt phụ: Thân Trụ (Đc.12), Hợp Cốc (Đtr.4), An Miên, Thái Xung (C.3), Nhân Trung (Đc.26).
Cách châm: kích thích mạnh. Bắt đầu dùng huyệt chính, nếu chưa bớt mới dùng thêm huyệt phụ.
2- Uyển Cốt (Ttr.4) (Châm Cứu Tụ Anh).
3- Ngư Tế (P.10) + Thừa Sơn (Bq.57) + Côn Lôn (Bq.60) (Tịch Hoàng Phú).
4- Thiếu Thương (P.11) + Nhân Trung (Đc.26) + Dũng Tuyền (Th.1) (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).
5- Huyệt chính: Nhân Trung (Đc.26) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34)
Huyệt phụ: Nội Quan (Tb.7) + Phong Trì (Đ.20) + Dũng Tuyền (Th.1) (Xích Cước Y Sinh Thủ Sách).
6- Thập Tuyên hoặc Thập Nhị Tĩnh Huyệt (ra máu) + Bá Hội (Đc.20) + Ấn Đường + Đại Chùy (Đc.14) + Ngoại Quan (Ttu.5) + Khúc Trì (Đtr.11) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Phong Long (Vi.40) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34), đều châm tả (Châm Cứu Trị Liệu Học).
7- Tiết nhiệt, tức phong làm chính, thêm khai khiếu. Châm Nhân Trung (Đc.26) + Thập Tuyên (ra máu) + Đại Chùy (Đc.14) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Thái Xung (C.3) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34).
Ý Nghiã: Nhân Trung khai khiếu, tỉnh thần; Thập Tuyên khai khiếu, tiết nhiệt; Đại Chùy, Hợp Cốc thanh nhiệt; Thái Xung, Dương Lăng Tuyền bình Can tức phong, thư cân, chữa co giật (Châm Cứu Học Việt Nam).