Châm cứu điều trị Đau dây thần kinh hông to
Đau dây thần kinh hông to là một hội chứng đau rễ thắt lưng L5 và rễ cùng S1 lan theo hướng đi của dây thần kinh hông
Nguyên nhân đau dây thần kinh hông to rất phong phú: nhiễm trùng, nhiễm độc, do lạnh, do thoái hóa cột sống, do thoát vị đĩa đệm, do khối u….Trong đó nguyên nhân gây đau dây thần kinh hông to do thoát vị đĩa đệm hay gặp nhất, chiếm trên 75% các trường hợp. Do đó đã mở rộng phạm vi phẫu thuật và thu hẹp phạm vi chẩn đoán đau dây thần kinh hông to do yếu tố thấp, do lạnh.
Đau dây thần kinh hông to được miêu tả trong phạm vi chứng tý của Y học cổ truyền và có bệnh danh: Yêu cước thống, tọa cốt phong, tọa điến phong.
Tý là bế tắc, chứng tý là chứng kinh mạch bị ngoài tà phong, hàn, thấp xâm phạm làm khí huyết vận hành trong kinh mạch bị trở trệ gây nên bì phu, cân cốt, cơ nhục, khớp xương tê bì, nếu nặng thì co duỗi khó khăn. Hai nguyên nhân sau phối hợp với nhau gây nên bệnh.
Do nguyên khí hư yếu làm cơ sở cho phong, hàn, thấp ba loại tà khí thừa cơ cùng xâm nhập vào kinh lạc làm bế tắc kinh lạc hoặc phong hàn thấp tà uất lâu hóa nhiệt hoặc kinh lạc có tích nhiệt nay lại có phong hàn thấp tà xâm nhập mà phát ra bệnh.
Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh
– Do vệ khí hư suy, tấu lý sơ hở, phong, hàn, thấp, nhiệt thừa cơ xâm nhập vào vào kinh lạc, khớp xương, cân cơ, dây chằng làm huyết ứ, khí trệ gây đau lưng lan xuống mông và chân (bất thông thì thống).
– Do chấn thương, vi chấn thương, lao động nặng sai tư thế làm huyết ứ khí trệ gây đau lưng lan xuống mông và chân.
– Do thận hư: Lưng là phủ của thận, thận hư cũng gây đau lưng.
– Các nguyên nhân có thể đi riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau cùng gây bệnh
Thể lâm sàng
Đau dây thần kinh hông to do lạnh
Y học cổ truyền gọi là hàn tý hay thống tý.
Triệu chứng:
Tại chỗ: Đau sau khi nhiễm lạnh, đau từ thắt lưng hoặc từ mông lan xuống chân, đi lại khó khăn, đau tăng khi lạnh, chườm ấm dễ chịu, thường có điểm đau khu trú, chưa có teo cơ.
Toàn thân: Sợ gió, sợ lạnh, tay chân lạnh, chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành, tiểu tiện trong, đại tiện bình thường, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoặc phù khẩn.
Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn.
Pháp điều trị: Khu phong tán hàn trừ thấp, thông kinh hoạt lạc.
Phương châm cứu:
Ôn điện châm các huyệt
Nếu đau theo kinh bàng quang (đau kiểu rễ S1)
Giáp tích L4 -5, L5 – S1, Thận du, Đại trường du, Dương quang, Thượng liêu, Trật biên, Thừa phù, Ân môn, Ủy trung, Thừa sơn, Côn lôn.
Nếu đau theo đường kinh đởm (đau kiểu rễ L5)
Giáp tích L4 – 5, L5 – S1, Đại trường du, Thận du, Thượng liêu, Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Huyền chung, Giải khê. Nếu đau ngón chân cái nhiều thì châm thêm: Thái xung, Hành gian. Nếu đau mặt sau đùi châm thêm Thừa phù, Ân môn.
Nếu đau cả hai kinh Bàng quang và kinh Đởm thì châm các huyệt ở cả hai kinh.
Thủy châm Vitamin B12 vào các huyệt trên.
Nhĩ châm: Vùng dây thần kinh hông to.
Liệu trình: 25-30phút/lần/ngày
Đau dây thần kinh hông to do thoái hóa cột sống gây chèn ép
Y học cổ truyền cho là phong hàn thấp tý kết hợp với can thận hư
Triệu chứng: Đau vùng thắt lưng lan xuống chân theo đường di của dây thần kinh hông. Đau có cảm giác tê bì, nặng nề, teo cơ, bệnh kéo dài, dễ tái phát.
– Thận dương hư: người mệt mỏi, gối mỏi, đái đêm nhiều lần, di tinh liệt dương, người lạnh, chân tay lạnh, lưng lạnh, lưỡi nhạt, ít rêu, mạch trầm nhược…..
– Thận âm hư: người mệt mỏi, cốt chưng, triều nhiệt, ngủ ít, ngũ tâm phiền nhiệt, thỉnh thoảng có cơn bốc hoả, tiểu vàng, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch trầm tế sác.
Chẩn đoán bát cương: Biểu thực/ Lý hư .
Pháp điều trị: Khu phong tán hàn, trừ thấp, hoạt huyết, bổ can thận (nếu can thận âm hư) hoặc ôn bổ thận dương (nếu thận dương hư).
Phương châm cứu:
Châm tả các huyệt trên kinh Bàng quang (nếu đau ở mặt sau đùi và cẳng chân) hoặc kinh đởm (nếu đau ở mặt ngoài cẳng chân).
Châm bổ: Can du, Thận du, Tam âm giao, Thái khê nếu can thận âm hư
Châm bổ: Thận du, Mệnh môn nếu thận dương hư.
Liệu trình: 25-30phút/lần/ngày
Đau dây thần kinh hông to do viêm nhiễm
Y học cổ truyền gọi là thể thấp nhiệt (ít gặp)
Triệu chứng: Đau có cảm giác nóng rát, đau nhức như kim châm, chân đau nóng hơn so với bên lành, chất lưỡi hồng hoặc đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc dày, mạch sác.
Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt trừ thấp, hành khí hoạt huyết.
Phương châm cứu:
Châm tả các huyệt trên kinh Bàng quang (nếu đau ở mặt sau đùi và cẳng chân) hoặc kinh đởm (nếu đau ở mặt ngoài cẳng chân).
Châm tả Khúc trì, Nội đình, Phong long, Thủy phần để thanh nhiệt, trừ thấp.
Liệu trình: 25-30phút/lần/ngày
Đau dây thần kinh hông to do sang chấn
Triệu chứng: đau dữ dội tại một điểm, đột ngột lan xuống chân, chất lưỡi đỏ tím, có điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng hoặc vàng, mạch sáp.
Chẩn đoán bát cương: Biểu lý tương kiêm, thực nhiệt.
Pháp điều trị: Hành khí hoạt huyết khứ ứ, thông kinh hoạt lạc.
Phương châm cứu:
Châm tả các huyệt trên kinh Bàng quang (nếu đau ở mặt sau đùi và cẳng chân) hoặc kinh đởm (nếu đau ở mặt ngoài cẳng chân).
Châm tả Huyết hải, Cách du để hoạt huyết hóa ứ.
Liệu trình: 25-30phút/lần/ngày