Nhìn trẻ ăn uống ngon miệng, cha mẹ nào cũng cảm thấy hạnh phúc vì được nhìn thấy trẻ khỏe mạnh khôn lớn từng ngày. Tuy nhiên, một nghịch lý khá phổ biến đang tồn tại đó là tình trạng biếng ăn ở trẻ tỉ lệ thuận với sự phong phú và dồi dào của những nguồn thực phẩm dinh dưỡng sẵn có, việc mong con trẻ “hay ăn chóng lớn” đang vô hình tạo nên một áp lực lớn đối với cha mẹ… xin chia sẻ với quý phụ huynh một số kinh nghiệm thực tiễn giúp cải thiện hiệu quả tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Có 3 nguyên tắc cơ bản liên quan đến việc ăn uống của trẻ mà hẳn sẽ giúp cho các bậc cha mẹ trong quá trình nuôi con nhỏ:
- Cha mẹ không nên quá áp đặt việc ăn uống của trẻ.
- Chế biến thức ăn cho trẻ nên phong phú và bắt mắt.
- Tạo không khí sinh hoạt gia đình vui vẻ và hòa đồng sẽ giúp trẻ ăn ngon hơn.
Dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản này, các bậc cha mẹ đã áp dụng nhiều cách để tạo sự hứng khởi cho bé đối với việc ăn uống. Và sau đây là những kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn mà các bạn có thể tham khảo để áp dụng cho bé của mình
Đừng bắt trẻ ăn hết phần ăn mà bạn muốn, trẻ sẽ rất dễ ngán và cảm thấy việc ăn uống trở nên nặng nề. Hãy để cho trẻ ăn theo nhu cầu, khi trẻ không muốn ăn nữa bạn nên ngừng món ăn chính và cho trẻ ăn tráng miệng như vậy trẻ sẽ cảm thấy thật thoải mái khi mẹ cho ăn.
Tránh tuyệt đối việc khen thưởng khi trẻ chịu ăn loại thực phẩm mà bạn muốn vì bạn nghĩ đó là loại thức ăn tốt cho trẻ, điều này gây ra tình trạng mất cân đối các loại thực phẩm mà trẻ cần và dễ gây ra tình trạng biếng ăn vì trẻ phải ăn một loại thức ăn không còn sức hấp dẫn với trẻ nữa.
Nên cho trẻ tham gia chuẩn bị bữa ăn cùng với bạn, trẻ rất thích ăn những gì trẻ tự chế biến để khám phá thế giới xung quanh, vì vậy bạn nên cho trẻ giúp bạn một tay trong việc nấu nướng những món
ăn đơn giản như làm bánh ngọt, chế biến các loại nước ép trái cây… Khuýên khích trẻ lớn ăn chung với gia đình.
Hãy quan tâm đến tính đa dạng của các món ăn. Nếu ngày nào bạn cũng dọn cho trẻ cùng một món ăn thì chẳng có gì ngạc nhiên khi trẻ không muốn ăn. Nếu bữa sau, bạn cho trẻ ăn một món ăn khác, bạn sẽ thấy là ít ra trẻ cũng muốn thử xem sao.
Khuyến khích trẻ ăn đủ các bữa trong ngày một cách điều độ, đặc biệt là bữa ăn sáng – một số nghiên cứu Y học cho thấy những trẻ ăn sáng đều đặn có vóc dáng cân đối và thường mạnh khỏe hơn những trẻ hay bỏ lỡ bữa ăn sáng.
Giải thích cho trẻ biết về những lợi ích của việc ăn uống đầy đủ qua những câu chuyện kể, những mẩu chuyện hàng ngày, đặc biệt là giúp trẻ hiểu sự phát triển về thể lực và trí não của trẻ liên quan chặt chẽ với những loại thực phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, nhận thức được điều này có thể giúp trẻ hào hứng hơn trong việc ăn uống của mình.
Hãy giảm những bữa ăn vặt. Bạn thử xem liệu trẻ có hay ăn vặt không? Vài cái kẹo, một gói bánh snack, 1 lon nước ngọt… tưởng như không là gì nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng của trẻ.
Khuyến khích mọi thành viên trong gia đình tổ chức nhiều hoạt động thể lực vui nhộn và bổ ích như chơi đá bóng, đi bộ, chạy xe đạp… hoạt động thể lực làm tiêu hao năng lượng dư thừa sẽ giúp trẻ mau đói bụng và cảm giác ăn ngon miệng hơn.
Cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe ăn uống của mọi thành viên trong gia đình, cố gắng tạo thói quen tốt và lành mạnh trong ăn uống cho trẻ. Nếu trong gia đình có trẻ tăng cân quá nhiều, điều này cũng đồng nghĩa với chế độ ăn của gia đình chưa thật cân đối và hợp lý. Gia đình nên điều chỉnh việc ăn uống hợp lý như sau: + Giảm bớt lượng thức ăn chứa nhiều đường, bánh ngọt, bánh nướng và các loại nước uống có gas.
+ Giảm tối đa những loại thức ăn nhiều chất béo như khoai tây chiên, bánh mì bơ, thức ăn chiên xào.