Năm hết Tết đếnlà thời gian đem lại cho ta biết bao cảm xúc. Trẻ thì vui vì được nghỉ học, được vui chơi, được ăn Tết vui. Trung niên thì được dịp nghỉ ngơi, tổng kết công việc thành bại trong năm, thăm cha mẹ ông bà. Già thì được chúc thọ, được xum vầy với con cháu. Như vậy dù nhiều hay ít thì Tết đã mang niềm vui đến với mọi người. Tuy nhiên đâu đó cũng còn những lo âu, và trong muôn vàn những nỗi lo của người lớn có một nỗi lo rất đáng yêu của các bậc cha mẹ là dinh dưỡng cho những đứa con của mình trong ngày tết như thế nào để bé không biếng ăn, để bé suy dinh dưỡng không suy dinh dưỡng hơn, để bé béo phì không béo phì hơn. Và đây cũng là điều quan tâm của bác sĩ chuyên khoa nhi và chuyên khoa dinh dưỡng. Vậy làm thế nào để trẻ không biếng ăn và có sức khỏe tốt trong ngày tết? Chúng ta hãy cùng điểm qua những đặc điểm của ngày tết và từ đó sẽ điều chỉnh ta và trẻ để giúp. Con yêu ăn ngon và bốmẹvui nhé.
Đặc điểm thức ăn trong những ngày tết của mỗi gia đình là nhiều thức ăn dự trữ (giò chả, bánh chưng, bánh tét, thịt kho…), nhiều thức ăn giàu năng lượng (nhiều béo như thịt kho tàu, nhiều đường như kẹo mứt bánh), nhiều nước giải khát có đường có gas, nhiều trái cây nhưng đôi khi lại ít rau tươi … Những đặc điểm này làm trẻ biếng ăn vì thức ăn không thay đổi vị mỗi ngày ( do nấu sẵn một món để cúng ông bà tổ tiên), ăn nhiều mỡ, đường làm no lâu và chán ăn do đường máu cao, thức ăn không tươi kém hấp dẫn và thức ăn có sẵn trong nhà nên trẻ ăn vặt suốt ngày tới bữa không ăn được nữa.
Thời gian tết thì cũng thay đổi làm trẻ mất sự điều độ trong ăn ngủ. Trẻ được nghỉ học, đi chơi, đi chúc tết nhiều, ăn ngủ bị xáo trộn, thức khuya dậy muộn làm trẻ không có phản xạ ăn uống. Khi đói thì chưa được ăn, khi đến giờ ăn thì qua cơn đói hoặc chưa đói,
Các hoạt động khác cũng bị thay đổi. Tết đến, bố mẹ bận rộn với bao lo toan, thời gian chăm sóc cho trẻ ít đi, trẻ tự ăn tự chơi, xem ti vi nhiều hơn, ăn nhiều hơn hoặc không ăn. Đi chơi nhiều nên nắng nóng làm trẻ uống nhiều nước đặc biệt là nước ngọt làm đường máu cao ức chế sự thèm ăn.
Như vậy điểm qua các vấn đề liên quan đến bữa ăn của trẻ trong ngày tết, ta thấy ngày tết quả là rất vui nhưng cũng thật là bất thường cho bữa ăn của trẻ. Do đó trẻ biếng ăn cũng là bình thường thôi. Tuy nhiên ta không thể để sức khỏe trẻ bị ảnh hưởng do những bất thường của ngày tết. Ta cần thay đổi một chút để biến cái bất thường kia thành cái bình thường cho dinh dưỡng trẻ em trong những ngày tết. Cụ thể như sau:
Đừng quá lo lắng khi trẻ biếng ăn. Trước hết xem có đúng trẻ biếng ăn không hay là trẻ đã ăn các thức ăn khác trước khi ta cho trẻ ăn những thức ăn truyền thống (cháo, bột) của trẻ. Có thể trẻ đã ăn một miếng bánh chưng, một cái bánh ngọt rồi và như vậy là đủ, ta chỉ bổ sung thêm một ly sữa hay một hũ yaourt, một miếng thịt nữa là đủ.
Không nên quá cứng nhắc trong chế độ ăn ngày tết trong khi mọi thứ đều thay đổi. Ta có thể cho trẻ ăn bất cứ thứ gì trong bữa cỗ giỗ gia tiên, miễn là đủ chất dinh dưỡng như một tô miến, một tô bún…. nhưng thêm một muỗng dầu ăn cho trẻ nếu trẻ ăn ít. Đây cũng là cơ hội tập cho trẻ ăn những thức ăn lạ nhưng phải đảm bảo thức ăn không bị ôi thiu.
Cần mua sẵn một số thực phẩm có thể dự trữ mà không cần tủ lạnh để tiện đem đi xa, và cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ không ăn được những thức ăn lạ như: sữa tươi trong hộp giấy hoặc sữa bột, bột hộp, mì ăn liền, khoai củ, nước đóng chai …
Giờ ăn của trẻ: nên giữ đúng giờ cho những bữa chính, tuy nhiên nếu có thay đổi thì cho trẻ ăn những thức ăn bổ sung trước hoặc sau bữa ăn chính. Nên hạn chế kẹo, bánh, nước ngọt trước giờ ăn chính. Cho trẻ ăn những thực phẩm này sau bữa ăn chính là tốt nhất. Khi cho trẻ ăn cần chú ý tới không khí gia đình, có thể cho trẻ ăn một bữa ăn riêng và ăn thêm trong bữa ăn gia đình, hãy để trẻ tự xúc ăn trong bữa ăn chung, gợi ý những thức ăn có ý nghĩa cụ thể, dễ hiểu, để hấp dẫn trẻ ăn như ăn thịt cá cho cao, ăn rau xanh cho sáng mắt, cho da đẹp …
Không nên la mắng trẻ khi trẻ không ăn những thức ăn mình muốn hãy động viên trẻ ăn và tìm cách bổ sung thức ăn thay thế sau bữa ăn.
Tóm lại biếng ăn ngày tết luôn làm cho cha mẹ lo lắng nhưng không phải hoàn toàn không giải quyết được. Hãy bình tĩnh và thông minh để ta và trẻ sẽ có một ngày tết vui vẻ.
Cụ thể một lịch ăn cho trẻ 2 tuổi trong ngày tết như sau:
7 giờ: 1 chén miến với 1 muỗng canh dầu (mẹ vừa cúng xong mà)
10 giờ: 1 chén soup khoai tây (nếu mẹ nấu canh khoai tây) và 1 ly sữa. 13 giờ: 1 hũ yaourt và 1 trái chuối.
15 giờ: 1 miếng bánh tét và 1 miếng chả lụa.
18 giờ: 1 chén bún với chả giò hoặc giò lụa.
21 giờ: 1 ly sữa
Cứ vậy ta cho trẻ ăn theo những thức ăn mà ta làm trong ngày tết và thiếu sẽ bổ sung thêm bằng sữa, yaourt, chuối …
Chúc tất cả các ông bố, bà mẹ có một cái tết thật vui, thật hạnh phúc với bé yêu khỏe mạnh của mình.