BỆNH TĂNG TIẾT MỒ HÔI

Bệnh tăng tiết mồ hôi (Hyperhydrosis) có thể xuất hiện trên toàn bộ cơ thể hoặc chỉ khu trú ở hai bàn tay, chân, nách… Bệnh tăng tiết mồ hôi có thể thứ phát sau những tổn thương thần kinh trung ương, ngoại vi hay cục bộ hoặc là bệnh cường giáp trạng. Bệnh tăng tiết mồ hôi có thể là tiên phát, xuất hiện trên toàn bộ cơ thể hoặc chỉ khu trú ở hai bàn tay, bàn chân, hai nách, người ta coi bệnh này là một trạng thái cường giao cảm hoặc tăng hoạt động của trung tâm bài tiết mồ hôi.

Bệnh tăng tiết mồ hôi, đặc biệt ở chân, tay là một bệnh khó điều trị. Điều trị nội khoa thường chỉ mang lại một kết quả tạm thời. Muốn có kết quả lâu dài, các thầy thuốc đều cho rằng phương pháp mổ cắt hạch giao cảm ngực trên là có hiệu quả nhất. Tuy nhiên chỉ có khả năng làm khô được 2 cánh tay, bàn tay còn ở chân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong điều trị.

Trong y học cổ truyền không có bệnh danh là bệnh tăng tiết mồ hôi, mà đối chiếu các triệu chứng biểu hiện trên lâm sàng mà có tính tương đồng thì thuộc về Hãn chứng. Hãn chứng là một thuật ngữ trong y học cổ truyền để mô tả tình trạng bệnh lý toàn thân hay một bộ phận cơ thể có sự bài xuất ra mồ hôi không bình thường. Trong đó mồ hôi ra thường xuyên, khi vận động ra nhiều hơn gọi là tự hãn. Trong lúc ngủ ra mồ hôi, khi tỉnh dậy thì hết đó là đạo hãn. Mồ hồi bài xuất ra, sắc vàng dính vào quần áo, thì đó là Hoàng hãn. Mồ hôi ra không ngừng thành giọt như dầu, tay chân lạnh đó là tuyệt hãn. Trong bệnh ngoại cảm ôn nhiệt diễn biến cấp, bỗng nhiên thấy sợ lạnh, sau đó ra mồ hôi nhiều gọi là Chiến hãn.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo y học cổ truyền của Bệnh tăng tiết mồ hôi

Ngoại nhân: Người bệnh cảm thụ phong, thấp, nhiệt tà hoặc phong hàn tà xâm nhập vào lý, hóa nhiệt có thể dẫn đến dinh vệ bất hòa hay lý nhiệt tích mạnh ở bên trong hoặc thấp nhiệt nhập vào bế lại mà dẫn đến rối loạn bài tiết mồ hôi.

Nội nhân: Người bệnh mắc bệnh lâu ngày dẫn đến cơ thể suy nhược hoặc bẩm sinh người bệnh cơ thể đã suy nhược hay bẩm tố âm hư dẫn đến phần âm dương của tạng phủ bị tổn thương, khiến chức năng của các tạng phủ bị suy giảm, khí huyết tân dịch mất điều hòa làm bài tiết mồ hôi ra nhiều.

Bất nội ngoại nhân: Do ăn uống không điều độ, no quá, đói quá… tình trạng này kéo dài, lao lực quá độ, khi bị bệnh không được chăm sóc và điều trị đúng… cũng dẫn đến suy giảm chức năng của các tạng phủ, âm dương mất cân bằng, khí huyết tân dịch bị thương tổn cũng làm rối loạn bài tiết mồ hôi.

Phân loại các thể lâm sàng theo y học cổ truyền củaBệnh tăng tiết mồ hôi

Bệnh tăng tiết mồ hôiThể dinh vệ bất hòa:

Triệu chứng lâm sàng: người bệnh ra mồ hôi, sợ gió, toàn thân mỏi mệt hoặc hơi phát sốt, đau đầu, lưỡi đỏ nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoãn

Pháp điều trị: điều hòa dinh vệ

Bài thuốc cổ phương: Quế chi thang ( Thương hàn luận)

Quế chi 6 – 12g Chích cam thảo 4 – 6g

Bạch thược 8 – 12g Sinh khương 2 – 4 lát

Đại táo 4 – 6 quả

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Trong bài này lấy tính vị tân ôn của Quế chi làm Quân có tác dụng ôn kinh, giải cơ, sơ tán phong tà. Lấy vị toan khổ tính hàn của Bạch thược làm thần có tác dụng hòa dinh dưỡng huyết, liễm hãn, ích âm. Quân – thần phối ngũ vừa tán vừa thu điều hòa dinh vệ. Biểu tà được giải thì hãn chỉ, nhiệt giải. Sinh khương tân tán trợ giúp cho Quế chi giải cơ, lại có thể hòa vị, chỉ ẩu. Đại táo vị ngọt có tác dụng ích âm hòa dinh trợ giúp cho Bạch thược làm tá, hai vị thuốc phối ngũ lại có thể thăng tán khí của tỳ vị để trợ giúp dinh vệ điều hòa. Cam thảo điều hòa các vị thuốc là sứ.

Nếu dương hư gia: Phụ tử chế, Nhân sâm.

Nếu khí hư gia: Hoàng kỳ.

Nếu mồ hôi ra nhiều gia Long cốt (sao), Mẫu lệ (sao), Ngũ vị tử.

Các khớp đau mỏi gia: Khương hoạt, Độc hoạt, Uy linh tiên.

Bệnh tăng tiết mồ hôiThể lý nhiệt uất chưng:

Triệu chứng lâm sàng: Ra mồ hôi nhiều ở vùng đầu và tay chân. Toàn thân có sốt, mắt đỏ, miệng khát, người nóng, phiền táo, bất an, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc nhờn dính. Mạch hoạt sác.

Pháp điều trị: thanh tiết lý nhiệt

Bài thuốc cổ phương: Ngọc nữ tiễn gia giảm (Cảnh nhạc toàn thư)

Sinh thạch cao 40g Tri mẫu 8g

Thục địa 12g Mạch môn 10g

Trúc diệp 12g Sinh đại hoàng 10g

Chỉ thực 12g Ngưu tất 12g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang. Bài gia giảm bỏ Ngưu tất, thay Thục địa bằng Sinh địa gia Trúc diệp, Đại hoàng, Chỉ thực.

Trong bài thuốc này Sinh thạch cao vị cay, ngọt, tính hàn có tác dụng tả vị hỏa, thanh tiết thực nhiệt ở khí phận. Sinh địa tính vị cam hàn có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt, vừa để dưỡng âm và là quân dược. Tri mẫu tính vị khổ hàn với đặc tính nhuận có tác dụng thanh nhiệt dưỡng âm, sinh tân trừ phiền. Hai vị này phối ngũ với nhau trợ giúp quân thanh nhiệt dưỡng âm, lại có thể thanh tâm hỏa trừ phiền, nhuận táo, chỉ khát là Thần. Trúc diệp thanh tâm, trừ phiền có tác dụng lương tán phong nhiệt ở thượng tiêu và có thể lợi niệu tả nhiệt. Đại hoàng tính vị khổ hàn, có tác dụng điều vị trường nhiệt táo bón. Chỉ thực có tác dụng khổ giáng hạ hành, phá khí, tiêu bí, trừ tích ngưng với Đại hoàng cùng phối ngũ sử dụng có tác dụng dẫn ngưng, thông phủ, tiết nhiệt. Ba vị này phối ngũ với nhau có thể khiến cho tích ngưng tà nhiệt qua đường nhị tiện mà bài xuất ra ngoài.

Gia giảm:

Nếu đại tiện bí kết nhiều tăng lượng Đại hoàng và gia Hậu phác.

Nếu trường hợp đại tiện không bí bỏ Đại hoàng và Chỉ thực

Nếu mồ hôi ra nhiều, người bệnh mệt mỏi, mạch hư nhược gia Nhân sâm.

Nếu ăn uống khó tiêu, bụng đầy chướng gia Lai phúc tử, Sơn tra

Nếu phiền khát gia: Thiên hoa phấn, Thạch hộc.

Bệnh tăng tiết mồ hôiThể can tỳ thấp nhiệt

Triệu chứng lâm sàng: người bệnh ra mồ hôi, cô đặc dính dính và thấm vàng ra áo. Toàn thân có sốt, miệng đắng khát nhưng không thích uống nước. Bụng đầy chướng, ăn khó tiêu, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền sác hoặc nhu sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt, lợi thấp

Bài thuốc cổ phương: Long đởm tả can thang (Y tông kim giám)

Long đởm thảo 2 – 8 g Sài hồ 4 – 12g

Chi tử 8 – 16g Đương quy 8 – 16g

Hoàng cầm 8 – 16g Sinh địa 12 – 20g

Trạch tả 8 – 16g Sa tiền tử 12 – 20g

Mộc thông 8 – 12g Cam thảo 4 – 6g

Ý dĩ 16g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Trong bài thuốc này lấy tính vị đại khổ, đại hàn của Long đởm thảo làm quân, chuyên tả thực hỏa, thấp nhiệt ở can đởm, phối ngũ với tính khổ hàn của Hoàng cầm, Chi tử để thanh hỏa ở thiếu dương, tả thấp nhiệt ở tam tiêu, giúp cho thấp nhiệt ở can đởm hạ hành. Sa tiền tử, Mộc thông, Trạch tả thẩm thấp, tiết nhiệt thông lợi tiểu tiện. Năm vị thuốc trên phối ngũ với Long đởm thảo, nó khiến cho thấp nhiệt ở can kinh qua bàng quang bằng con đường tiểu tiện mà bài xuất ra ngoài, dùng làm thần. Ý dĩ lợi niệu thẩm thấp, kiện tỳ, phối ngũ với Trạch tả, Sa tiền tử dùng để thẩm lợi tỳ thấp. Can đởm hóa nhiệt làm tổn thương cam âm thì đã sử dụng Sinh địa để dưỡng âm, lương huyết để dự phòng các tác dụng không mong muốn của các vị thuốc có tính vị khổ hàn thẩm thấp có thể làm thương âm tiêu tân. Những vị thuốc này là tá dược. Sài hồ thông khí của can đởm, đưa các vị thuốc quy về can kinh là sứ dược. Những vị thuốc này hợp dụng làm bài thuốc trong tả có bổ, trong giáng có thăng, trừ tà mà không làm tổn thương chính khí khiến cho thấp trừ, nhiệt thanh. Cam tỳ điều hòa mà hãn không tự chỉ.

Gia giảm:

Nếu miệng khô, thích uống nước gia: Thiên hoa phấn

Nếu thấp nặng, bụng đầy chướng, ăn ít, ra mồ hôi long bàn tay bàn chân nhiều gia Thương truật, Phục linh, Trần bì.

Nếu mồ hôi ra sắc vàng, gia Nhân trần, Tần giao.

Nếu âm nang ra mồ hôi nhiều gia Hoàng bá, Thương truật.

Bệnh tăng tiết mồ hôiThể phế tỳ khí hư

Triệu chứng lâm sàng: người bệnh ra mồ hôi, sợ gió, khi vận động thì càng ra nhiều mồ hôi, thở ngắn, khó thở, tinh thần mệt mỏi, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm nhược.

Pháp điều trị: Ích khí cổ biểu

Bài thuốc cổ phương: Ngọc bình phong tán ( Thế y đắc hiệu phương) gia vị

Hoàng kỳ 20g Phòng phong 8g

Bạch truật 12g

Gia: Phục linh 12g

Đương quy 12g

Ma hoàng căn 10g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

Trong bài Hoàng kỳ vị ngọt, tính hơi ôn có tác dụng bổ khí của Tỳ phế, ích vệ, cố biểu, chỉ hãn dùng làm quân dược. Bạch truật vị ngọt, hơi đắng, tính ôn nên bổ tỳ vị làm chắc tấu lý, cố biểu, chỉ hãn. Phục linh vị ngọt tính đạm, bình có tác dụng kiện tỳ lợi thủy, thẩm thấp. Hai vị này phối ngũ với Hoàng kỳ có tác dụng ích khí, kiện tỳ, cố biểu chỉ hãn, dùng làm thần dược. Đương quy dưỡng huyết bổ hư phối ngũ với Hoàng kỳ tăng cường tác dụng bổ khí, sinh huyết. Khí vượng thì huyết sinh. Dùng Phòng phong liều thấp để ra ngoài cơ biểu trừ phong. Ma hoàng căn vào phế làm rắn chắc phần cơ biểu, để củng cố tấu lý, liễm hãn, cố biểu. Dùng làm tá dược và sứ dược. Bài thuốc này đồng bổ phế tỳ, kiêm cố cơ biểu điều khí huyết. Tiêu và bản kiêm trị.

Gia giảm:

Nếu khí hư nặng thì tăng liều Hoàng kỳ, Bạch truật và gia Nhân sâm, Ngũ vị tử.

Nếu mồ hôi ra nhiều gia Long cốt (sao), Mẫu lệ (sao), Ngũ vị tử, Phù tiểu mạch

Nếu sợ lạnh, mạch hoãn gia Quế chi, Bạch thược.

Nếu đầu nặng, tay chân co duỗi khó thì gia Ý dĩ, Hậu phác, Thương truật, Bạch chỉ và bỏ Hoàng kỳ, Ma hoàng căn.

Nếu kiêm âm hư gia Sinh địa, Mạch môn, Ngũ vị tử.

Nếu ăn kém, bụng đầy chướng gia Cốc nha, Trần bì.

Bệnh tăng tiết mồ hôiThể tâm tỳ lưỡng hư

Triệu chứng lâm sàng: Người bệnh đạo hãn hay tự hãn, hay hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, khó thở, tinh thần mệt mỏi, sắc mặt không tươi, ăn kém, chất lưỡi nhợt, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: Kiện tỳ, dưỡng tâm

Bài thuốc cổ phương: Quy tỳ thang gia giảm (Tế sinh phương)

Nhân sâm 12g Bạch truật 12g

Hoàng kỳ 12g Phục thần 12g

Toan táo nhân 12g Nhục quế 8g

Mộc hương bắc 4g Chích cam thảo 4g

Đương quy 8g Viễn trí 4g

Sinh khương 3 lát Đại táo 3 quả

Tất cả làm thang săc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Bài nguyên phương này giảm Nhục quế, Mộc hương bắc, gia Xuyên khung, Ngũ vị tử, Phù tiểu mạch.

Trong bài thuốc này Hoàng kỳ tính vị cam ôn có tác dụng ích khí, kiện tỳ, thăng dương. Đẳng sâm tính vị cam, bình bổ trung ích khí. Bạch truật kiện tỳ, táo thấp làm bền chắc phần tấu lý, cố biểu. Phối ngũ với sâm, kỳ đại bổ khí của tỳ vị là nguồn sinh hóa khí huyết. Dùng làm Quân. Đương quy, Xuyên khung bổ huyết, dưỡng tâm, hành ngưng với các vị thuốc quân cùng dùng để song bổ khí huyết, khí vượng huyết sinh, tâm và tỳ đều kiện vận dùng làm thần. Toan táo nhân vị chua, tính ngọt có thể dưỡng can huyết ích tâm âm, ninh tâm thần lại có thể thu liễm chỉ hãn với Đương quy, Toan táo nhân cùng sử dụng lại có thể tư âm sinh tân, liễm hãn và an thần. Phù tiểu mạch ích tâm khí và thu liễm, chỉ hãn. Trần bì lý khí, hòa trung, hỗ trợ cho sự kiện vận của tỳ vị.

Gia giảm:

Nếu họng khô, lưỡi đỏ, ít tân dịch gia Mạch môn, Sinh địa, giảm lượng dùng Xuyên khung, Hoàng kỳ.

Nếu ngủ ít hay mê gia Trân châu mẫu, Sinh long cốt, Sinh mẫu lệ.

Nếu mồ hôi ra nhiều gia Long cốt (sao), Mẫu lệ (sao)

Nếu người lạnh, chân tay lạnh gia Phụ tử chế, Nhục quế.

Bệnh tăng tiết mồ hôiThể âm hư hỏa vượng

Triệu chứng lâm sàng: người bệnh ra mồ hôi trộm (đạo hãn), miệng khô, họng khô, ngũ tâm phiền nhiệt, sốt về chiều, gò má đỏ, lưng gối đau mỏi, đờm khô dính, chất lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.

Pháp điều trị: tư âm giáng hỏa, bổ khí huyết, chỉ đạo hãn

Bài thuốc cổ phương: Đương quy lục hoàng thang (Lan phong bí tàng) gia vị

Đương quy 12g Hoàng liên 4 – 8g

Sinh địa 16 – 20g Hoàng cầm 8 – 16g

Thục địa 16 – 20g Hoàng bá 8 – 16g

Hoàng kỳ 12 – 20g

Gia: Sơn thù 12g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần

Trong bài thuốc này dùng Đương quy, Sinh địa, Sơn thù để bổ tinh huyết của can thận, dưỡng âm nhằm bồi bản để thanh nội nhiệt và những vị thuốc này đóng vai trò là quân dược. Hoàng cầm, Hoàng bá, Hoàng liên tả hỏa trừ phiền, thanh nhiệt, dưỡng âm để thanh hỏa nhiệt ở tam tiêu, dùng lượng tương đối ít, đóng vai trò làm thần của bài thuốc. Hoàng kỳ có tác dụng ích khí, bổ dưỡng, kiện vệ có tác dụng cố biểu làm tá dược. Riêng sơn thù còn có thêm tác dụng cố thoát, chỉ hãn. Toàn bộ bài thuốc có tác dụng tư âm, cố biểu, chỉ hãn.

Gia giảm:

Nếu mồ hôi ra nhiều gia: Ma hoàng căn, Phù tiểu mạch, Ngũ vị tử

Nếu triều nhiệt gia: Địa cốt bì, Miết giáp, Tri mẫu

Nếu tai ù gia: Kỷ tử, Cúc hoa, Quy bản

Nếu họng khô, chảy máu cam gia: Bạch mao căn, Huyền sâm, Xuyên bối mẫu.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thưa thầy
    Con là T hiện đang là sinh viên. Con mắc bệnh tăng tiết mồ hôi. Ngày trước ra nhiều mồ hôi ở tay. Sau đó con đi cắt hạch giao cảm. Hiện tay con không còn mồ hôi nữa. Nhưng con lại bị ra mồ hôi bù ở lưng và ngực. Nhiều lúc có tâm trạng hồi hộp hoặc vui vẻ. Bộc lộ cảm xúc nhiều là mồ hôi ở lưng và ngực ra nhiều. Nhất là mùa hè. Đôi lúc ngồi dưới quạt. Nhưng vẫn ra. Ướt đẫm đằng trươc ngực lẫn đằng sau lưng. Con ăn uống cũng như sức khoẻ bình thường. Nhưng nhiều lúc mồ hôi ra kiểu này. Làm con nhiều lúc bị cản trở trong việc giao tiếp cũng như học tập. Mong thầy giúp con chữa khỏi bệnh này. Con cảm ơn thầy nhiều

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.