THIẾU MÁU

Thiếu máu là sự giảm số lượng hồng cầu, hoặc giảm nồng độ huyết cầu tố ở máu ngoại vi dẫn đến máu thiếu oxy để cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể. Hội chứng thiếu máu gồm nhiều triệu chứng do cơ chế sinh bệnh học của thiếu máu gây ra. Các biểu hiện lâm sàng của hội chứng thiếu máu tương đồng với chứng huyết hư trong Y học cổ truyền.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu, qua một số công trình nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc (1995) đã xếp 4 bệnh thiếu máu thuộc chứng huyết hư là:

Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ

Thiếu máu suy tủy xương

Thiếu máu tan máu Địa trung hải

Thiếu máu dinh dưỡng (thiếu sắt)

Trong 4 loại thiếu máu thuộc phạm vi của chứng huyết hư thì thiếu máu dinh dưỡng (thiếu sắt) là phổ biến và đây cũng là thể mà bài thuốc điều trị của Y học cổ truyền đã mang lại hiệu quả khả quan nhất, còn trong các thể khác thuốc Y học cổ truyền thường đóng vai trò hỗ trợ.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền của Thiếu máu

Sự hình thành của huyết có liên quan đến ngũ tạng nhưng trong đó liên quan mật thiết nhất là 3 tạng tâm, can và tỳ. Do:

Chức năng của tạng Tâm là chủ về huyết mạch, huyết vận hành được trong cơ thể là thông qua mạch quản để đưa huyết dịch đi nuôi dưỡng cơ thể.

Chức năng của tạng Can là tàng huyết, huyết đi trong cơ thể được tàng trữ ở can, can là bể của huyết là nơi dự trữ và điều chuyển huyết dịch theo nhu cầu của cơ thể.

Chức năng của tạng Tỳ là chủ về vận hóa, sinh huyết và thống nhiếp huyết hay nói cách khác tỳ là nơi thông qua chức năng vận hóa của mình để tạo huyết từ tinh hoa của đồ ăn thức uống và cũng là nơi quản lý sự vận hành bình thường của huyết.

Vì vậy người xưa cho rằng: chữa chứng huyết hư cần phải xem xét sự suy giảm chức năng của 3 tạng Tâm, Can và Tỳ trên cơ sở lý luận Tâm chủ huyết, Can tàng huyết và Tỳ thống nhiếp huyết (quản lý). Chức năng của tạng nào suy giảm nhiều nhất thì trong điều trị đưa trọng tâm về bồi bổ tạng đó. Đồng thời, theo quan điểm của Y học cổ truyền tạng Thận là nguồn cốc thủy hỏa của cơ thể là chân âm và chân dương của sinh mạng con người nên trong điều trị chứng huyết hư cũng cần được quan tâm đúng mức. Trong lý luận của Y học cổ truyền còn cho rằng khi điều trị chứng huyết hư đương nhiên phải bổ huyết nhưng khí còn là soái của huyết nên phương pháp điều trị ích khí để sinh huyết cũng là một phương pháp thường được sử dụng, phối hợp với phương pháp bổ huyết trong điều trị chứng huyết hư.

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền của Thiếu máu

Thiếu máu Thể khí huyết lưỡng hư

Triệu chứng: sắc mặt xanh nhợt hay úa vàng, hoa mắt chóng măt, hay váng đầu, hồi hộp đánh trống ngực, tiếng thở ngắn, gấp khi vận động nhiều. Phụ nữ kinh nguyệt ít, sắc kinh nhợt, thậm chí bế kinh, móng tay móng chân nhợt, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: Bổ khí ích huyết

Bài thuốc cổ phương: Thập toàn đại bổ gia giảm

Xuyên quy 12g Hoàng kỳ 20g

Đẳng sâm 12g Bạch truật 12g

Thục địa 16g Chích cam thảo 4g

Đai táo 6g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Nếu hồi hộp, mất ngủ gia Hắc táo nhân, Ngũ vị tử

Châm cứu: Cứu các huyệt Cao hoang, Cách du, Tỳ du, Túc tam lý…

Thiếu máu Thể can thận âm hư

Triệu chứng: Tức ngực, hoa mắt chóng mặt, ù tai, đôi khi trong người có cảm giác nóng, khó chịu, miệng khô, hoặc có thể thấy chảy máu chân răng, hay có chấm xuất huyết dưới da.

Toàn thân thường đau lưng, mỏi gối, lòng bàn tay, bàn chân nóng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch tế sác.

Pháp điều trị: Tư dưỡng can thận

Bài thuốc cổ phương: Lục vị quy thược gia vị

Thục địa 16g Sơn thù 8g

Hoài sơn 12g Trạch tả 8g

Đan bì 8g Phục linh 12g

Xuyên quy 16g Bạch thược 16g

Hạ liên thảo 12g Hà thủ ô 16g

Kỷ tử 12g Quy bản 16g

Tất cả làm thang, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Nếu chảy máu chân răng, chảy máu cam hay xuất huyết dưới da gia A giao, Hòe hoa sao đen

Nếu sốt âm ỉ kéo dài gia Miết giáp, Địa cốt bì

Châm cứu: châm bổ các huyệt Cao hoang, Cách du, Tỳ du, Túc tam lý…

Thiếu máu Thể tỳ thận dương hư

Triệu chứng: Sắc mặt trắng nhợt, mệt mỏi, đầu váng, mắt hoa, ù tai, lưng gối đau mỏi, sợ lạnh, chân tay lạnh, tự hãn, mạch tế nhược.

Pháp điều trị: Ôn bổ tỳ thận

Bài thuốc cổ phương: Bát trân thang gia vị

Đẳng sâm 16g Phục linh 12g

Bạch truật 16g Cam thảo 6g

Thục địa 12g Xuyên quy 12g

Xuyên khung 8g Bạch thược 12g

Hoàng kỳ 16g Ba kích 16g

Hà thủ ô 20g Cao ban long 10g

Trần bì 8g Hậu phác 10g

Liên nhục 16g Đỗ trọng 16g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Nếu dương hư rõ, chất lưỡi nhợt bệu, sợ lạnh nhiều, đi đại tiện phân nát lỏng gia Phụ tử chế 4g, Nhục quế 4g

Châm cứu: Cứu các huyệt Cao hoang, Cách du, Tỳ du, Túc tam lý, Thận du…

Trong quá trình điều trị thiếu máu phải chú ý:

Cố gắng tìm nguyên nhân đưa đến thiếu máu của Y học hiện đại, nếu tìm thấy nguyên nhân thì giải quyết nguyên nhân bằng phương pháp trị liệu của Y học hiện đại. Y học cổ truyền đóng vai trò điều trị hỗ trợ nâng cao hiệu quả trị liệu.

Nếu bệnh diễn biến xấu, xuất hiện tình trạng thiếu máu nặng phải có sự can thiệp của Hồi sức Y học hiện đại kể cả phối hợp truyền máu.

Trong trường hợp thiếu máu có kèm theo xuất huyết nhẹ thì có thể gia thêm các vị thuốc Y học cổ truyền có tác dụng cầm máu như A giao, Tam thất, Hòe hoa sao đen, hắc kinh giới…

Bài trướcThiểu năng tuần hoàn não mạn tính – Đông y – Y học cổ truyền
Bài tiếp theoTĂNG HUYẾT ÁP TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.