CƠN ĐAU THẮT NGỰC

Cơn đau thắt ngực là hội chứng đau với các triệu chứng: co thắt, lo âu, cảm giác khó chịu trong ngực. Đây là biểu hiện giảm thiểu cung cấp máu cho cơ tim trong chốc lát, tuyệt đối hay tương đối.

Nguyên nhân thường gặp là xơ vữa động mạch vành.

Trên lâm sàng bệnh được chia làm 2 thể:

Cơn đau thắt ngực ổn định: cơn đau tái phát nhiều lần trong thời gian 3 tháng, mà số lần và mức độ thay đổi không đáng kể với các triệu chứng: Đau thắt ngực như thắt lại, nghẹt, rát, bị đè nặng trước ngực và đôi khi có cảm giác buốt giá, đau thường xảy khi khi gắng sức hoặc xúc cảm, kéo dài khoảng vài phút, nhưng thường không quá 20 phút, đỡ đau khi nghỉ hoặc khi dùng nitrate.

Cơn đau thắt ngực không ổn định:đau thắt ngực dữ dội hơn, kéo dài, đau thắt ngực có thể xảy ra khi nghỉ, có thể không hoặc ít đáp ứng với nitrate.

Cơn đau thắt ngực nằm trong phạm vi của chứng Hung thống (hung tý) theo Y học cổ truyền. Hung thống là một chứng trạng tự cảm để chỉ tình trạng đau ở vùng ngực bao gồm hai mức độ: mức độ nhẹ người ta gọi là hung mãn, mức độ nặng người ta gọi là hung thống. Hiện nay trên cơ sở kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại thì khi có cơn đau thắt ngực phải xử trí bằng Y học hiện đại, sau cơn đau điều trị bằng Y học cổ truyền để hạn chế sự tái phát cơn và làm nhẹ mức độ cơn tái phát.

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh theo Y học cổ truyền

Hung thống là chỉ chứng trạng đau đớn ở vùng ngực bao gồm toàn bộ vùng thượng tiêu với 2 tạng: Tâm và Phế, mà bản chất của hiện tượng này là do dương khí suy thoái, phần dương khí ở thượng tiêu không đầy đủ, làm cho âm hàn đình trệ ở vùng ngực.

Do tạng tâm chủ huyết mạch, phế khí chủ túc giáng cho nên khi tâm khí suy giảm, Phế khí túc giáng bất thường sẽ làm cho dương khí bị tắc trở, huyết ứ đình ngưng trong ngực, nên kinh mạch mất sự nuôi dưỡng mà dẫn đến Hung thống. Bản chất là do dương khí bất túc sẽ làm cho âm hàn đình trệ ở bên trong, dương hư là bản, hàn tà thừa cơ dương khí bất túc mà xâm phạm vào vùng ngực, làm tắc trở sự lưu thông của kinh mạch đẫn đến hung thống – hàn tà là tiêu. Đồng thời cũng gặp ở người uống nhiều rượu, ăn nhiều các thức ăn béo ngọt… gây tổn thương tới chức năng vận hóa của tỳ vị, dẫn đến thấp trọc nội sinh, hóa đàm. Đàm thấp làm tổn hại cho dương khí ở vùng ngực cũng dẫn đến hung thống.

Phân loại các thể lâm sàng theo Y học cổ truyền

Thể tâm khí hư kết hợp với huyết ứ, đàm trệ

Triệu chứng: Người bệnh xuất hiện cơn đau thắt ngực nhẹ và trung bình, tức ngực. Toàn thân mệt mỏi, sắc mặt nhợt, tự hãn, lưỡi nhợt bệu hay tím, mạch trầm hoạt.

Pháp điều trị: Bổ tâm khí, hoạt huyết, hóa đàm

Bài thuốc cổ phương:

Nhân sâm 8g Hoàng kỳ 20g

Bạch truật 12g Trần bì 8g

Chích cam thảo 4g Phục linh 12g

Quế chi 8g Đương quy 12g

Xích thược 12g Đan sâm 16g

Bán hạ chế 8g Xuyên khung 8g

Chỉ xác 8g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần

Nếu hồi hộp, mất ngủ gia Hắc táo nhân 12g, Bá tử nhân 12g

Nếu dương hư nhiều, tay chân lạnh, mạch trầm trì gia Phụ tử chế 6 – 8g, Can khương 6 – 8 g

Thể âm hư dương xung

Triệu chứng: Ngoài cơn đau thắt ngực bệnh nhân đau đầu, dễ tức giận, sắc mặt đỏ, miệng khô,… buồn nôn, lòng bàn tay bàn chân nóng, mất ngủ, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền sác.

Pháp điều trị: Tư âm tiềm dương

Bài thuốc cổ phương: Thiên ma câu đằng ẩm kết hợp bài Kỷ cúc địa hoàng hoàn gia giảm

Sinh địa 16g Hoài sơn 12g

Phục linh 16g Trạch tả 12g

Đan bì 10g Thạch quyết minh 16g

Bá tử nhân 12g Cúc hoa 12g

Kỷ tử 12g

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Thể khí âm lưỡng hư kết hợp với huyết ứ, đàm trệ

Triệu chứng: Ngoài cơn đau thắt ngực vẫn có cảm giác đau lâm râm vùng ngực, miệng khô, người mệt mỏi, khó thở nhẹ, tự hãn, ngủ kém, hay mê, chất lưỡi tím, khô, ít rêu. Mạch tế sác hoặc kết đại.

Pháp điều trị: Bổ khí âm, hoạt huyết, hóa đàm.

Bài thuốc cổ phương: Chích cam thảo thang hợp với Binh lang tán gia giảm

Chích cam thảo 8g Nhân sâm 8g

Hoàng kỳ 16g A giao 10g

Ngọc trúc 16g Ngũ vị tử 6g

Đan sâm 16g Quế chi 8g

Mạch môn 12g Sinh địa 12g

Qua lâu 12g Sinh khương 3 lát

Tất cả làm thang sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần.

Nếu đau đầu hoa mắt chóng mặt gia: Cúc hoa 12g, Kỷ tử 12g

Nếu đau lưng, mỏi gối gia Đỗ trọng 16g, Cẩu tích 16g, Tục đoạn 16g.

Nếu hay hồi hộp, mất ngủ: Hắc táo nhân 12g, Viễn chí 6g, Liên nhục 16g

Trong quá trình điều trị Cơn đau thắt ngực, phương pháp dùng thuốc của Y học cổ truyền mang tính hỗ trợ, góp phần cải thiện tình trạng bệnh lý, nên người bệnh không được tách rời trị liệu, cũng như dự phòng của Y học hiện đại. Ngoài chế độ sinh hoạt ăn uống hợp lý, người bệnh có thể chọn phương pháp luyện tập khí công, dưỡng sinh thích hợp.

Bài trướcHUYẾT ÁP THẤP TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN – ĐÔNG Y
Bài tiếp theoBệnh động mạch chi dưới trong Y học cổ truyền – Đông y

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.