Ghẻ Ngứa
Scabies, Giới sang
Ghẻ là một loại bệnh ngoài da khá phổ biến, nhất là nhũng nơi sống tập thể, ăn ở chật chội, vệ sinh kém. Bệnh do ký sinh trùng ghẻ (Sarcopte Scabiei Hominis) lây lan mạnh do trực tiếp tiếp xúc. Đặc điểm của bệnh là gây ngứa dữ dội, ban đêm ngứa càng tăng. Bệnh phát quanh năm, người lớn trẻ nhỏ đêu có thể mắc bệnh nhất là những người cùng chung một tập thể, sống chung trong một gia đình. Trẻ em mắc bệnh do mất ăn mất ngủ mà dễ bị suy dinh dường, bệnh có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận cấp, cần hết sức phòng và trị bệnh sớm.
Nguyên Nhân
Chủ yếu do con ghẻ cái (vì con đực thường chết sau khi giao hợp) . Ghẻ cái hình tròn dẹt, đường kính khoảng 0,24 – 0,25cm, mắt nhìn thường như một điểm trắng di động. Ghẻ sinh sôi nẩy nở rất nhanh, sau ba tháng đà có một dòng họ 10 triệu con.
Lúc bệnh nhân bắt đầu đắp chăn đi ngủ, con ghẻ cái bò ra khỏi hang đi tìm đực, chính là lúc gây ngứa nhiều nhất và cũng là lúc lây bệnh, bệnh nhân gãi làm vương vãi con ghẻ ra quần áo, giường chiếu. Trong quần áo ấm con ghẻ có thể sống từ 3-7 ngày, bệnh ghẻ lây chủ yếu là vào ban đêm nằm chung giường chung chăn, rất ít lây do tiếp xúc ban ngày.
Theo Đông y thì lúc con ghẻ xâm nhập da tiết ra độc tố sinh phản ứng phong thấp nhiệt tại chỗ là các đường hang (con ghẻ đào ở lớp sừng) và mụn nước (nơi con ghẻ ở) , sần chẩn, nặng thì có loét và mụn mủ.
Triệu Chứng
Thời gian ủ bệnh từ 10 – 5 ngày.
Triệu chứng bắt đầu chủ yếu là ngứa, thường khu trú ở các kẽ ngón tay, ngón chân, lòng bàn tay, ngấn cổ tay, bờ trước nách, quanh rốn, đầu vú phụ nữ, qui đầu và thân qui đầu (trẻ em) , âm hộ, bẹn (trẻ nữ) ; về sau có thể lan ra toàn thân. Tổn thương ở da chính là các luồng ghẻ và mụn nước. Luồng ghẻ là một đường gồ cao hơn mặt da, hơi vòng vèo dài 2~ 3mm, màu trắng đục không ăn khớp với lằn da, ở đầu có mụn nước nhỏ bằng đầu đinh ghim. Tổn thương ghẻ hiếm có ở mặt. Ngoài ra, có những tổn thương thứ phát do gãi như rải rác trên da có những vết xược, sần trợt, sần vảy, mụn mủ, mụn nước…
Chẩn Đoán
Chẩn đoán ghẻ chủ yếu dựa vào: triệu chứng ngứa, lịch sử tiếp xúc (tập thể có người mắc bệnh, ngủ chung, chơi chung…) con ghẻ tìm thấy ở luồng ghẻ. Cần phân biệt chẩn đoán với :
1. Viêm ngứa da: do chạm lá ngứa, nước ô nhiễm, có từng đám mụn nước, sần trên nền đỏ lan tỏa, không có tổn thương đặc hiệu ở vị trí đặc biệt.
2. Ngứa do côn trùng đốt: nơi bị đốt có phản ứng quầng đỏ, không có tổn thương đặc hiệu.
3. Tổ đĩa lòng bàn tay: chỉ có mụn nước từng cụm mà không có tổn thương đặc hiệu của ghẻ.
Điều Trị
1. Điều trị bằng Đông y:
Sơ phong, thanh nhiệt, hóa thấp. Dùng bài Tiêu Phong Tán Gia Giảm: Kinh giới Phòng phong, Thương truật, Khổ sâm, Đương quy, Sinh địa, Ngưu bàng tử, Tri mẫu, Mộc thông, Thạch cao, Thuyền thoái, Cam thảo.
– Thuốc dùng ngoài: chọn một trong các bài thuốc sau:
(1) Lưu hoàng 50g, Hùng hoàng 20g, Khô phàn 10g, tán bột mịn, trộn với mỡ heo sống bôi.
(2) Dùng các loại lá sau nấu nước tắm: lá Khổ sâm, lá Xoan, lá Khế, lá Trầu không, lá Diếp cá hoặc lá Chuối tươi…
(3) Hạt máu chó giã, vắt lấy nước, nấu cô đặc, bôi.
(4) Khô phàn 20g, Cam thảm 40g, tán bột mịn trộn đều bôi.
(5) Thuốc lào 100g, rượu trắng 100ml, trộn lẫn cho vào bát đun kỹ lấy nước đặc bôi.
Chú ý khẩy nốt ghẻ lên cho chảy nước, tắm bằng các thứ lá trên lau khô mới bôi thuốc.
(6) Dầu hạt máu chó, dầu hạt mù u bôi lên mụn ghẻ sau khi tắm sạch lau khô.
(7) Diêm sinh 10g, hạt máu chó tán bột 30g, Củ nghệ gìa tán bột 30g, trộn đều chung với dầu lạc hoặc dầu mè, mỡ heo, bôi mỗi ngày 1 lần trước lúc ngủ.
2. Những điều cần chú ý khi điều trị ghẻ:
(a) Cần phát hiện sớm để điều trị lúc bệnh còn nhẹ. Chỉ cần dùng thuốc Nam tắm và bôi có kết quả khỏi nhanh.
(b) Trong một gia đình hay tập thể nhà trẻ, trường học nếu phát hiện có bệnh, nên trị bệnh tập thể để tránh lây lan.
(c) Điều trị phải liên tục, triệt để ít nhất 10-15 ngày, sau đó theo dõi tái phát trong 2 tuần (đề phòng có đợt trứng mới nở) .
(d) Kết hợp điều trị và phòng bệnh tốt như cắt móng tay, giặt luộc thay quần áo hằng ngày, tổng vệ sinh giường chiếu, cách ly những người trong gia đình tập thể bị ghẻ.