HOÀNG ĐẢN
Hoàng đản là bệnh có các biểu hiện mắt vàng, da vàng, nước tiểu vàng. Đặc biệt là mắt vàng.
Hoàng đản là một chứng bệnh tồn tại trong rất nhiều bệnh ngoại cảm và nội thương. Hoàng đản theo quan niệm y học cổ truyền có cùng nghĩa với hoàng đản theo quan niệm y học hiện đại. Các bệnh có chứng hoàng đản của y học hiện đại có thể biện chứng luận trị theo quan niệm y học cổ truyền, ví dụ như: Những bệnh viêm gan virut, xơ gan, viêm túi mật, … có hoàng đản
Phân loại hoàng đản:
Căn cứ theo nguyên nhân gây bệnh:
Sách “Kim quỹ yếu lược “ của Trương Trọng Cảnh phân ra 5 loại: Hoàng đản, Cốc đản, Tửu đản, Nữ lao đản, Hắc đản.
Tuệ Tĩnh qua tác phẩm “Nam dược thần hiệu” cũng chia ra Ngũ đản, song lấy Hoàng hãn thay Hắc đản, gồm: Hoàng hãn, Hoàng đản, Tửu đản, Cốc đản, Nữ lao đản.
Căn cứ vào tính chất của bệnh:
Sách” Vệ sinh bảo giám“ đời Nguyên căn cứ vào tính chất của bệnh phân làm 2 loại là dương hoàng và âm hoàng.
Sách “Kim quỹ yếu lược“ của Trương Trọng Cảnh cũng chia ra như vậy: “Dương hoàng gồm nhiệt đản, tửu đản; âm hoàng gồm nữ lao đản, cốc đản”.
Một số y gia chia làm: dương hoàng, âm hoàng, cấp hoàng.
Dương hoàng: bệnh cấp, thời gian ngắn, sắc vàng tươi, thuộc nhiệt, thuộc thực.
Âm hoàng: bệnh hoãn, thời gian mắc bệnh tương đối dài, vàng sạm, thuộc hư, thuộc hàn.
Dương hoàng, âm hoàng có thể chuyển hoá lẫn nhau. Dương hoàng không được điều trị hoặc điều trị không tốt, lâu ngày tỳ dương không phấn chấn, làm thấp hoá theo hàn (hàn hoá) có thể chuyển thành âm hoàng. Âm hoàng có thể chuyển thành dương hoàng do bị nhiễm lại ngoại tà, thấp nhiệt nội chưng làm mật ngấm ra ngoài bì phu, cơ biểu.
Cấp hoàng thường do ở tỳ vị vốn có tích nhiệt, nay nhiệt độc ở ngoài lại tấn công vào, bệnh phát cấp, dễ chết.
Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh:
Nguyên nhân:
Nguyên nhân gây bệnh thường là: thời tà (truyền nhiễm), ăn uống không tiết độ, tạng phủ bị bệnh chủ yếu là tỳ vị, và từ đó ảnh hưởng đến can đởm.
Có 2 phương diện: nội nhân và ngoại nhân.
Ngoại nhân phần nhiều vì cảm ngoại tà hoặc ăn uống không chừng độ gây ra.
Nội nhân phần nhiều do tỳ vị hư hàn, có liên quan với nội thương bất túc.
Cảm ngoại tà:
Khi bị thời tà thấp nhiệt dịch độc ở bên ngoài xâm phạm vào cơ thể, tà từ biểu vào lý, và uất ngưng lại, làm tắc trở trung tiêu, gây rối loạn vận hoá của tỳ vị . Lúc đó thấp và nhiệt tác động lẫn nhau, thấp bị nhiệt chưng đốt, không ra ngoài bằng đường mồ hôi, cũng không ra bằng đường tiểu tiện được, và từ tỳ vị bốc lên can đởm làm cho can mất sự sơ tiết điều đạt, đởm dịch tràn ra ngoài, đi vào bì phu, và đi xuống bàng quang làm cho mắt, da, nước tiểu đều vàng.
Nếu thấp nhiệt hợp với thời dịch độc, xâm phạm vào cơ thể, thể bệnh diễn biến cấp hơn, có tính lây. Biểu hiện ra triệu chứng nghiêm trọng, nhiệt độc đốt mạnh hại đến dinh huyết sinh cấp hoàng.
Ăn uống:
Ăn uống không có tiết độ hoặc ăn phải thứ ôi thiu, no đói thất thường hoặc uống rượu quá nhiều, đều làm cho tỳ vị bị tổn thương, gây nên sự rối loạn vận hoá của tỳ vị, từ đó thấp trọc được sinh ra, ứ lại rồi hoá nhiệt, nhiệt bốc lên can đởm, làm đởm không theo đường cũ mà tràn ra bì phu, xuống bàng quang gây vàng da và nước tiểu vàng.
Tỳ vị hư hàn:
Người vốn tỳ dương hư hoặc do lao lực quá độ, hoặc phát bệnh chữa không kịp thời, làm tỳ bị tổn thương, thấp trọc được sinh ra và làm trở ngại ở bên trong, lúc đó thấp có thể hoá theo hàn (hàn hoá), hàn thấp uất trệ ở trung tiêu, đởm dịch bị cản trở, tràn ra ngoài da.
Hai nguyên nhân đầu, thấp từ nhiệt mà hoá nên phát thành dương hoàng. Nguyên nhân sau thấp từ hàn mà hoá nên phát thành âm hoàng.
Tích tụ lâu ngày không tiêu:
Ứ huyết trở trệ ở đường mật, đởm dịch tràn ra sinh bệnh.
Cơ chế bệnh sinh: chủ yếu là do thấp.
Thấp trở ở trung tiêu, công năng thăng giáng tỳ vị thất thường, ảnh hưởng đến sự sơ tiết của can khí, đởm dịch không đi đúng đường, thấm vào huyết dịch, tràn ra bì phu sinh bệnh.
Dương hoàng phần nhiều vì thấp nhiệt chưng bốc, đởm dịch tràn ra bì phu mà phát vàng. Thấp nhiệt kết hợp với độc khí, nhiệt độc chất đầy, thúc đởm dịch tràn ra bì phu, phát vàng nhanh chóng sinh cấp hoàng.
Âm hoàng phần nhiều vì hàn thấp trở trệ, tỳ dương không phấn chấn, đởm dịch tràn ra ngoài gây ra.
Sự khác nhau dương hoàng và âm hoàng:
Dương hoàng: Dương thịnh, nhiệt nặng. Người vốn bị hoả vượng, thấp theo nhiệt hoá mà sinh bệnh thấp nhiệt. Vì thấp và nhiệt có thứ mạnh hơn, do đó dương hoàng có loại nhiệt nặng hơn thấp hoặc thấp nặng hơn nhiệt. Hoả nhiệt cực thịnh sinh độc. Nếu nhiệt độc chứa đựng nhiều tà vào dinh huyết, hãm vào tâm bào sinh ra cấp hoàng
Âm hoàng: âm thịnh, hàn nặng, người vốn tỳ dương không đủ, thấp theo hàn hoá, thành bệnh hàn thấp. Bệnh lâu ngày hoặc dùng nhiều thuốc hàn lương, tổn thương tỳ dương, thấp theo hàn hoá cũng thành âm hoàng. Ngoài ra, có khi vì sỏi, trùng làm trở tắc đường đởm dịch, đởm dịch tràn ra mà phát vàng, khi bệnh mới phát thấy triệu chứng can đởm, biểu hiện nhiệt chứng thuộc phạm vi dương hoàng.
Hoàng đản cần phân biệt với hư hoàng (nuy hoàng). Cách phân biệt như sau:
Nguyên nhân bệnh hoàng đản vì cảm ngoại tà, ăn uống, tỳ vị hư hàn, tích tụ lâu ngày mà phát bệnh. Cơ chế bệnh vì thấp tà trở trệ ở trung tiêu hoặc ứ huyết trở trệ ở đường mật làm đởm dịch không phân bố đúng đường, tràn ra bì phu mà sinh bệnh.
Còn hư hoàng (nuy hoàng) do trùng tích, thực trệ làm tỳ thổ hư nhược làm khí huyết hư, hoặc mất huyết, sau bệnh khí huyết hư suy, khí huyết không đầy đủ da trở nên vàng.
Hoàng đản thì da vàng, mắt và nước tiểu vàng là chính. Tuỳ nguyên nhân thấp nhiệt, hàn thấp, ứ huyết mà sắc vàng sáng tươi hoặc tối sạm.
Hư hoàng (Nuy hoàng): 2 mắt và tiểu tiện không vàng, da vàng nhợt (xanh) khô, không nhuận, kiêm ù tai, choáng váng, tâm quý, ít ngủ.
Biện chứng luận trị: Phân loại theo âm dương
Triệu chứng chung của bệnh 2 mắt vàng trước, rồi toàn thân vàng. Màu vàng sáng như vỏ quýt hoặc tối như khói um. Vì nguyên nhân có thấp nhiệt và hàn thấp khác nhau nên triệu chứng lâm sàng khác nhau.
Biện chứng nên phân biệt rõ. Dương hoàng lấy thấp nhiệt là chính. Âm hoàng lấy hàn thấp là chính.
Điều trị chủ yếu là hoá thấp, lợi tiểu. Hoá thấp có thể hết vàng.
Với dương hoàng: Thuộc thấp nhiệt thì thanh nhiệt lợi thấp làm chính.
Với âm hoàng: Thuộc hàn thấp®ôn trung hoá thấp, lợi tiểu; lợi tiểu chủ yếu dùng thuốc đạm thẩm lợi thấp để trừ thấp thoái hoàng.
Với cấp hoàng®Phải thanh nhiệt giải độc là chính.
Bệnh nên điều trị sớm.
Dương hoàng:
Dương hoàng do thấp nhiệt gây nên. Có thể nhiệt nặng hơn thấp, có thể thấp nặng hơn nhiệt.
Nhiệt nặng hơn thấp:
Triệu chứng lâm sàng: Da vàng, mắt vàng, sắc vàng tươi sáng, phát sốt, khát nước, người bứt rứt khó chịu, lợm giọng, buồn nôn, tiểu tiện ít, sắc vàng đỏ, đại tiện táo, bụng chướng đày, miệng khô đắng, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch huyền sác.
Pháp điều trị: Thanh lợi thấp nhiệt, tả hạ.
Bài thuốc: Nhân trần cao thang gia vị (Thương hàn luận).
Nhân trần 30g
Chi tử 15g
Đại hoàng 9g
Ý nghĩa: Nhân trần là vị thuốc chủ yếu để thanh nhiệt, lợi thấp, thoái hoàng.
Chi tử, Đại hoàng: để thanh nhiệt tả hạ.
Gia thêm: Sa tiền tử, Trư linh để thẩm thấp, khiến cho tà của thấp từ nhị tiện mà bài xuất ra ngoài.
Nếu lợm giọng, buồn nôn: gia Trúc nhự, Bán hạ, Trần bì để giáng nghịch chỉ nôn.
Nếu bụng tức trướng thêm: Chỉ thực, Hậu phác để hành khí đạo trệ
Thấp nặng hơn nhiệt:
Triệu chứng lâm sàng: mình, mắt đều vàng nhưng không tươi sáng. Đầu nặng, mình mẩy nặng nề, ngực bụng đầy chướng, ăn uống giảm sút, lợm giọng, nôn mửa, phân lỏng. Rêu lưỡi dày nhờn hơi vàng. Mạch huyền hoạt hoặc nhu hoãn.
Pháp điều trị: Lợi thấp hoá trọc, thanh nhiệt.
Bài thuốc: Nhân trần ngũ linh tán (Kim quỹ yếu lược)
Nhân trần 20g Bạch truật 9g
Trư linh 9g Quế chi 5g
Bạch linh 9g Trạch tả 15g
Ý nghĩa:
+ Nhân trần để thanh nhiệt lợi thấp thoái hoàng;
+ Trư linh, Phục linh, Trạch tả để thẩm thấp lợi thủy;
+ Bạch truật để kiện tỳ trừ thấp;
+ Quế chi để trợ giúp quá trình khí hoá của bàng quang.
Thêm Hoắc hương, Nhục đậu khấu (thuốc có hương thơm) tăng tác dụng hoá thấp.
Nếu bệnh mới phát và còn nhẹ dùng bài: Ma hoàng, liên kiều, xích tiểu đậu thang (Thương hàn luận) (gồm: Ma hoàng, Hạnh nhân, Tang bạch bì, Liên kiều, Xích tiểu đậu, Cam thảo, Sinh khương, Đại táo) để giải biểu, thanh nhiệt lợi thấp, hoặc phối hợp với bài Cam lộ tiêu độc đan (gồm: Hoạt thạch, Nhân trần, Hoàng cầm, Thạch xương bồ, Xuyên bối mẫu, Mộc thông, Hoắc hương, Xạ can, Liên kiều, Bạc hà, Bạch khấu nhân).
Cấp hoàng : (Nhiệt độc thịnh): nặng.
Bệnh phát triển rất cấp do tỳ vị có tích nhiệt lại bị nhiệt độc ở ngoài tấn công làm tổn thương dinh huyết.
Triệu chứng lâm sàng: Bệnh khởi phát nhanh, mạnh, diễn biến cấp tính, mặt vàng, toàn thân vàng, sắc vàng tươi, sốt cao, phiền nóng, khát nước, sườn đau, bụng trướng đày, thậm chí lơ mơ hôn mê, xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, đi ngoài ra máu, lưỡi đỏ sẫm, rêu lưỡi vàng khô, mạch huyền hoạt sác hay tế sác. Thường cấp cứu không kịp.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt giải độc, lương huyết tư âm.
Điều trị: Tê giác tán gia vị (Thiên kim phương).
Sừng tê giác 1/2g Chi tử 16g
Đan bì 16g Hoàng liên 12g
Đan sâm 12g Nhân trần 40g
Huyền sâm 12g Thăng ma 12g
Sinh địa 24g Thạch hộc 12g.
Sừng tê giác 1/2g mài với nước, hoà vào thuốc sắc xong uống. (Tê giác có thể dùng sừng trâu thay thế với liều lượng cao 20g). Sắc uống ngày một thang.
Ý nghĩa:
+ Tê giác, Hoàng liên, Thăng ma, Chi tử: để thanh nhiệt giải độc, lương huyết.
+ Nhân trần: thanh nhiệt thoái hoàng.
Gia: Sinh địa, Đan bì, Huyền sâm, Thạch hộc: tăng tác dụng thanh nhiệt lương huyết.
Nếu lơ mơ hôn mê thì dùng các thuốc khai khiếu.
Âm hoàng:
Thấp thịnh dương suy (Hàn thấp ngăn trở) (Tỳ dương hư)
Triệu chứng lâm sàng: Da và mắt đều vàng, sắc vàng xám tối hoặc như xông khói, ăn ít, bụng đầy chướng, đại tiện phân không thành khuôn nhão nát, người cảm thấy mệt mỏi, sợ lạnh, miệng nhạt không khát nước, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi nhờn, mạch nhu hoãn hoặc trầm trì.
Pháp điều trị: Kiện tỳ hoà vị, ôn hoá hàn thấp.
Bài thuốc: Nhân trần phụ truật thang gia vị (Y học tâm ngộ).
Nhân trần 30g Bạch truật 12g
Phụ tử chế 8g Can khương 8g
Cam thảo 4g Phục linh 12g
Trạch tả 12g
Ý nghĩa:
+ Nhân trần, Phụ tử có tác dụng ôn hoá hàn thấp, thoái hoàng.
+ Bạch truật, Can khương, Cam thảo để kiện tỳ ôn trung.
Gia: Phục linh, Trạch tả để thẩm thấp tăng cường tác dụng thoái hoàng.
Hoặc có thể dùng bài thuốc: Nhân trần lý trung thang (Tức Lý trung thang thêm Nhân trần).
Gồm: Nhân trần, Đảng sâm, Can khương, Bạch truật, Cam thảo.
Ý nghĩa:
+ Nhân trần để trừ thấp lợi tiểu,
+ Lý trung để ôn trung tán hàn.
Dương hoàng không điều trị để kéo dài hoặc dùng thuốc khổ hàn®dương khí tỳ vị tổn thương, có thể chuyển thành âm hoàng®cách điều trị như trên.
Can uất tỳ hư:
Triệu chứng lâm sàng: Nếu bệnh nhân đau âm ỉ cạnh sườn, bụng trên trướng, không muốn ăn, mắt không vàng, chân tay mệt mỏi, nước tiểu bình thường, đại tiện khi bí khi lỏng, mạch huyền tế.
Pháp điều trị: Phù tỳ, sơ can.
Bài thuốc: Tiêu giao tán (Cục phương).
Sài hồ 12g Bạch thược 12g
Bạch linh 12g Đương quy 12g
Bạch truật 12g Cam thảo 6g
Ý nghĩa:
+ Sài hồ để sơ can giải uất.
+ Đương qui, Bạch thược để dưỡng huyết nhu can hoãn cấp.
+ Bạch truật, Bạch linh để kiện tỳ trừ thấp.
+ Cam thảo để ích khí hoà trung.
Thêm: Uất kim, Thanh bì, Chỉ xác, Xuyên khung, Hương phụ để lý khí, hành khí, hoạt huyết.
Hoàng đản ngoài dùng thuốc nên ăn thứ tươi, thanh đạm, không ăn thứ béo ngọt nê tỳ sinh thấp. Kiêng rượu, đồ cay nóng kích thích. Nghỉ ngơi, không nên khó nhọc, giữ tinh thần lạc quan bệnh mới chóng khỏi.
Hư hoàng – Nuy hoàng (Tỳ vị hư nhược):
Bệnh do tỳ vị hư yếu nên khí huyết không đầy đủ, gọi là Hư hoàng. Hư hoàng khác hoàng đản.
Triệu chứng lâm sàng: Da vàng xanh, 2 mắt không vàng, không tươi, tiểu tiện thông lợi sắc không vàng, mệt mỏi, cơ nhục mềm yếu, huyễn vựng, tai ù, tâm phiền, ít ngủ, đại tiện nhão nát, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, mạch nhu tế.
Pháp điều trị: Kiện tỳ ôn trung, bổ dưỡng khí huyết.
Bài thuốc: Tiểu kiến trung thang (Thương hàn luận)
Quế chi 8g Bạch thược 12g
Cam thảo (chích) 4g Sinh khương 4g
Đại táo 5 quả Di đường 30g.
Bài thuốc này có tác dụng ôn dưỡng tỳ vị.
Nếu nặng về khí hư có thể gia: Hoàng kỳ, Đẳng sâm. Nếu nặng về huyết hư có thể gia: Đương qui, Thục địa. Nếu dương hư mà hàn thì Quế chi có thể thay bằng Nhục quế.
Ý nghĩa bài thuốc:
+ Di đường để ích tỳ khí, dưỡng tỳ âm, ôn bổ trung tiêu, hoãn cái cấp của can, nhuận cái táo của phế.
+ Cam thảo giúp Di đường, Quế chi để ôn trung ích khí hợp với Bạch thược để ích can tư tỳ.
+ Sinh Khương để ôn tỳ,
+ Đại táo để bổ tỳ hoà dinh vệ.
Hoàng đản xuất hiện ở nhiều bệnh. Khi điều trị cần phân biệt. Dương hoàng bệnh tương đối ngắn, âm hoàng tương đối dài, cấp hoàng là chứng nặng của dương hoàng, cần điều trị kịp thời.
Dương hoàng nhiệt thịnh hơn thấp dễ hết, thấp thịnh hơn đề phòng kéo dài và chuyển thành âm hoàng khó khỏi. Sau khi hết hoàng rồi có thể chưa hoàn toàn khỏi, vẫn nên kiện tỳ sơ can để điều lý, phòng dư nhiệt hoặc thấp, khí huyết can tỳ tổn thương không hồi phục, bệnh kéo dài, hoặc tái diễn, trở thành cổ trướng, trưng tích.
Hư hoàng phần nhiều vì khí huyết suy hư gây ra, cần chú ý phân biệt không điều trị theo dương hoàng được.