Zona

(Herpes Zoster)

Là một loại bệnh cấp của hệ thần kinh trung ương, do virus nhiễm vào hạch của các rễ sau gây đau dây thần kinh rồi phát ban, nổi nốt phỏng nước cấp tính, có đặc điểm là những thủy bào tụ thành hình đai mọc theo đường dây thần kinh một bên người, kèm theo triệu chứng đau như lửa châm và các hạch bạch huyết ngoại vi sưng to, giống Herpes trên vùng da thuộc về dây thần kinh đó.

Có biểu hiện viêm ở hạch đàng sau và đôi khi trong sừng sau của tủy. Nốt phỏng là do huyết thanh tiết dưới lớp sừng.

Đông y từ lâu đã đề cập đến chứng này trong sách ‘Chứng Trị Chuẩn Thằng – Sang Khoa’ (Thế kỷ 17) .

Tùy theo vị trí của vết phỏng xuất hiện mà có tên gọi khác nhau:

Vì người xưa thấy bệnh phát những vết bỏng (đơn) bò ngoằn nghèo như con rắn nên gọi là Xà Đơn. Hoặc thấy những nốt bỏng rát (hỏa đơn) mọc lan ở vùng ngang eo lưng (triền yêu) , vì vậy gọi là Triền Yêu Hỏa Đơn…

Ở vùng lưng gọi là Đới Trạng Bào Chẩn, Triển Yêu Hỏa Đơn, Hỏa Đới Sang, Hỏa Yêu Đới Độc, Xà Triển Sang, Bạch Xà Xuyến.

Ở vùng đầu mặt gọi là Xà Đơn, Xà Hoạn Sang, Bạch Xà Hoạn, Hỏa Đơn.

Dân gian quen gọi là Giời Leo, Giời Bò, Giời Đái, Giờ Vắt Khăn…

Bệnh có thể xẩy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Thường gặp ở người trưởng thành, mắc bệnh một lần hết bệnh, rất hiếm mắc bệnh lần thứ hai.

Thường phát vào mùa xuân, mùa thu.

Bệnh do virut Herpes, cũng là loại virut gây bệnh thủy đậu nên có tên là Varicella – Zoster virus.

Nguyên Nhân

Do một loại siêu vi có ái tính thần kinh, gần giống siêu vi gây bệnh thủy đậu.

Theo Đông y, do Can Đởm có phong nhiệt hoặc có thấp nhiệt ở bên trong xuất ra ngoài da gây nên bệnh.

Sách ‘Y Tông Kim Giám – Ngoại Khoa Tâm Pháp Yếu Quyết’ viết: “Chứng Xà hoạn sang (zona) do thấp thì có mầu vàng trắng, nốt phỏng to nhỏ không đều, vỡ ra chảy nước, chuyển sang khô thì đau nhiều, do kinh Tỳ và Phế có thấp nhiệt. Điều trị dùng bài Trừ Thấp Vị Linh Thang”.

Sách ‘Y Tông Kim Giám – Ngoại Khoa Tâm Pháp Yếu Quyết’ viết: “Chứng Xà hoạn sang (zona) khô mà mầu đỏ, hình dạng giống mảng mây, theo phong đi lên, phát ngứa, nóng. Do Can và Tâm có phong hỏa. Điều trị, dùng bài Long Đởm Tả Can Thang”.

Do Độc Ứ Trệ: kinh mạch không thông, khiến cho khí trệ huyết ngưng, kinh khí không thông, thường để lại di chứng đau không ngừng hoặc đau như kim châm liên tục.

Chẩn Đoán

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào:

a – Tổn thương da là những mụn thủy đậu bằng hạt đậu xanh, tập trung thành dải dọc dây thần kinh ngoại biên, da bóng, nền đỏ, một bên thân người. Thể nặng có mụn phỏng to, mụn máu hoặc hoại tử giữa có da bình thường. Bệnh phát sinh ở đầu và mặt thường là nặng.

b – Trước lúc xuất hiện nốt phỏng ngoài da, thường có sốt, đau như lửa châm đốt ở vùng da kèm theo các triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, khó chịu toàn thân.

b – Đau nhức, có khi không chịu nổi, và sau khi khỏi vẫn còn đau.

Chẩn Đoán Phân Biệt

Có thể lầm bệnh Zona với các bệnh sau:

Mụn Dộp (Herpes) : mọc ở bất kỳ chỗ nào, thường ở khóe miệng và bộ phận sinh dục, ít đau hơn và thường tái phát.

Thủy Đậu: Đa số là bóng nước, rải rác toàn thân, có trong niêm mạc miệng. Các bóng nước không xuất hiện đồng loạt mà kế tiếp nhau.

Chốc Dạng Bóng Nước: Bóng nước vỡ nhanh, vẩy mầu mật ong, rải rác ở đầu, mặt, cổ.

Thấp Chẩn Dạng Thủy Bào: mụn dộp đa dạng, mọc bất kỳ vùng nào, thường đối xứng 2 bên, ngứa nhiều.

Mụn Phỏng (Herpes simplex) : Thường phát sinh mụn phỏng ở vùng giáp ranh da và niêm mạc, không theo đường phân bố thần kinh, hơi ngứa và có xu hướng tái phát nhiều lần. Nốt phỏng thường phát sinh sau sốt hoặc trong quá trình sốt cao, thường kèm rối loạn tiêu hóa và kinh nguyệt không đều.

Triệu Chứng

Nung bệnh khoảng 7~12 ngày. Trong giai đoạn ủ bệnh thường có sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đâu đầu.

Khởi Phát: Sốt, rét run, nhức đầu, khó chịu, rối loạn tiêu hóa. Đau như bị phỏng hoặc đau dây thần kinh.

Toàn Phát: Phát ban, nổi nốt phỏng sau 5~6 ngày của thời kỳ khởi phát ở khu vực của rễ thần kinh. Lúc đầu là các mảng phát ban. Mụn nước xuất hiện trên nền da mầu hồng thành từng chùm, kích thước thay đổi, có khi đến 10cm đường kính. Sau vài giờ thì nổi nốt phỏng trong và đến ngày thứ ba thì đục và khô lại, ngày thứ tư, thứ năm. Có khi những mụn nước gom lại thành bóng nước, sau đó hóa mủ, vỡ ra, đóng vẩy. Nổi hạch có thể xuất hiện trước ở khu vực bạch huyết tương đương. Mỗi vùng da đều có một nhánh thần kinh da chi phối, vì vậy người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức tùy theo nhánh thần kinh bị tổn thương như thần kinh liên sườn, thần kinh số 5, thần kinh tọa… Các nơi bị phát ban nổi nốt phỏng đỏ, đau dữ dội, kéo dài rất lâu nhất là ở người lớn tuổi.

Đặc điểm của tổn thương là chỉ mọc một bên cơ thể. Rất hiếm khi bệnh xuất hiện ở hai bên trừ khi dây thần kinh có nhánh nối ở bên kia.

Các vị trí thường xuất hiện Zona là:

Zona Liên Sườn: Đau bên hông sườn như đâm, vài giờ sau nổi hạch ở nách, rồi nốt phỏng xuất hiện thành một dải vắt ngang từ xương sống đến xương ức ở một bên.

Zona Mắt: Đau, nhức đầu, nổi nốt phỏng ở khu vực thuộc nhánh trên của dây thần kinh sinh ba. Xuất hiện ở một bên mắt, có loét và đục giác mạc. Có thể liệt cơ vận động mắt. Nổi hạch trước tai và thường có biểu hiện màng não.

Zona Hạch Gối: Do tổn thương hạch gối gây nên đau, phát ban ở tai ngoài, vành tai, vòm hàm và cột trước.

Bệnh Zona tiến triển khoảng2~3 tuần tùy sức đề kháng của người bệnh. càng trẻ diễn tiến càng nhanh, nhẹ và tự khỏi những trường hợp lớn tuổi thường sau khi hết các triệu chứng của Zona sẽ cảm thấy đau nhức rất nhiều ở các sẹo của bệnh, tạo nên chứng ‘đau sau Zona’

Thường thì bệnh Zona không tái phát, chỉ bị một lần duy nhất.

Zona có thể tự khỏi sau khi hoành hành 7~10 ngày và sẽ tự giảm.

Sau khi khỏi, các vết thương tổn sẽ để lại sẹo tròn bạc màu, sắp xếp từng đám và dần dần mầu da sẽ trở lại bình thường.

Theo Đông Y có thể gặp một số dạng sau:

Do Thấp Nhiệt: Vùng tổn thương mầu đỏ, mụn nước tụ lại, chất nước trong, vỡ ra hoặc lở loét, đau nhức, ăn vào thì đầy trướng, mạch Nhu Sác hoặc Hoạt Sác, lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng bệu hoặc vàng bệu.

Điều trị: Thanh hóa thấp nhiệt, lương huyết, giải độc. Dùng bài Ý Nhân Xích Đậu Thang gia giảm: Ý dĩ nhân, Xích tiểu đậu đều 15g, Phục linh bì, Ngân hoa, Địa phu tử, Sinh địa đều 12g, Xa tiền tử, Xa tiền thảo, Xích thược, Mã xỉ hiện đều 10g, Cam thảo 6g, Hoắc hương, Bội lan đều 9g. Sắc uống (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học) .

Do Nhiệt Độc: Da vùng tổn thương mầu đỏ, có thể thấy có nốt ban có nước, mọc gom một chỗ hoặc giống như dải khăn, cảm thấy nóng, rát, về đêm không ngủ được, họng khô, miệng đắng, nước tiểu vàng, táo bón, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc vàng khô, mạch Huyền Sác.

Điều trị: Thanh nhiệt tả hỏa, giải độc, chỉ thống. Dùng bài Đại Thanh Liên Kiều Thang gia giảm: Đại thanh diệp, Huyền sâm, Quán chúng, Hoàng cầm đều 9g, Liên kiều, Ngân hoa, Sinh địa đều 12g, Mã xỉ hiện 12~15g, Đơn bì (sao) , Xích thược đều 6g, Lục đậu y 15~30g (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học) .

Do Khí Trệ Huyết Ngưng: Thường gặp nơi người lớn tuổi, sau khi vết tổn thương lặn đi thì rất đau, đêm về không ngủ được, tâm phiền, lưỡi đỏ hoặc đỏ tối. ít rêu hoặc rêu trắng nhạt, mạch Tế Sáp.

Điều trị: Thư Can lý khí, thông lạc, chỉ thống. Dùng Kim Linh Tử Tán gia giảm: Kim linh tử, Uất kim, Tử thảo căn đều 9g, Huyền hồ sách 6~9g, Sài hồ (tẩm dấm) , Thanh bì đều 6g, Bạch thược (sao) , Đương quy đều 12g, Ty qua lạc 10g (Bì Phu Bệnh Trung Y Chẩn Liệu Học) .

Can Kinh Uất Nhiệt: Có nốt ban đỏ, có nước, mặt bóng căng, đau như lửa đốt, miệng khát, họng khô, bứt rứt, dễ nóng nảy, ăn không ngon, táo bón, tiểu vàng đậm, chất lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch Huyền, Hoạt, Sác.

Điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, giải độc, chỉ thống. Dùng bài Long Đởm Tả Can Thang gia giảm.

Bệnh phát ở đầu mặt thêm Cúc hoa, phát ở tay vai thêm Khương hoạt, Khương hoàng; Phát bệnh ở chân thêm Ngưu tất, Độc hoạt. Huyết nhiệt rõ thêm Bạch mao căn, Đơn bì. Có bội nhiễm, nhiệt độc thịnh thêm Ngân hoa, Bồ công anh, Thạch cao. Táo bón thêm Đại hoàng. Đau nhiều thêm Huyền hồ, Xuyên luyện tử. Người cao tuổi cơ thể yếu thêm Đảng sâm, Hoàng kỳ.

Tỳ Hư Thấp Trệ: Sắc ban chẩn nhạt không tươi, mụn nước dày, có thủy bào lớn, loét cháy nước thì đau nhẹ hơn, miệng không khát hoặc khát mà không thích uống nước, chán ăn, ăn xong bụng đầy, tiêu lỏng, lưỡi bệu, sắc nhợt, rêu trắng dày hoặc nhầy, mạch Trầm Hoạt.

Điều trị: Kiện tỳ, trừ thấp, giải độc. Dùng bài Trừ Thấp Vị Linh Thang Gia Giảm. Thêm Kim ngân hoa, Bồ công anh để giải độc. Thêm Huyền hồ hoạt huyết, hành khí chỉ thống.

Khí Trệ Huyết Ứ: Bào chẩn sắc tối, đau liên tục, môi thâm, móng tay xanh, chân tay lạnh, tinh thần mệt mỏi, da đã lành mà vẫn đau tiếp tục. Lưỡi có điểm ứ huyết hoặc tím.

Điều trị: hoạt huyết, hóa ứ, hành khí, chỉ thống, giải độc. Dùng bài Huyết Phủ Trục Ứ Thang gia giảm. Đau nhiều thêm Huyền hồ, Nhũ hướng, Mộc dược, Đan sâm. Táo bón thêm Đại hoàng. Người cao tuổi cơ thể hư yếu thêm Hoàng kỳ, Đảng sâm. Bệnh phát ở đầu thêm Ngưu bàng tử, Cúc hoa (dã) , Thạch quyết minh. Phát ở ngực sườn thêm Qua lâu…

Bài trướcBài Thuốc Đông y Kinh Nghiệm chữa zona
Bài tiếp theoViêm Xương chũm cấp theo Đông y | Thuốc chữa trị bệnh

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.