Chọc dò màng phổi
PHƯƠNG TIỆN
Một bộ kimchọc dò màng phổi Boutin: Troca có ốc cố định trên thân và nòng nhọn, ngoài ra còn có thêm lưỡi dao mổ.
Kim y học thông thường với các kích cỡ khác nhau.
Bơm tiêm 20ml
Thuốc sát trùng, thuốc tê: xylocain 2%. Atropin 1/4mg x 2 ống.
Thuốc chống shock, bộ đặt catheter tĩnh mạch trung tâm hoặc bộ mở màng phổi để xử lý tai biến TKMP nếu có.
TỔNG QUAN VỀ KỸ THUẬT
Chọc dò khoang màng phổi là thủ thuật được sử dụng hàng ngày trong chuyên khoa hô hấp.
Thủ thuật đơn giản, dễ thực hiện, rất ít tai biến (nếu các bước của quy trình được tôn trọng đầy đủ).
MỤC ĐÍCH
Thăm dò xem khoang màng phổi có hay không có dịch
Nếu có dịch: lấy dịch làm xét nghiệm tế bào, sinh hoá, cấy vi khuẩn
Dựa trên màu sắc, kết quả sinh hoá, tế bào, vi khuẩn để chẩn đoán xác định, phân biệt, nguyên nhân của tràn dịch
NỘI DUNG KỸ THUẬT
Chỉ định
Các trờng hợp nghi ngờ có tràn dịch trên lâm sàng và X quang
Chống chỉ định
Tràn dịch quá ít trên X quang
Tràn dịch do các nguyên nhân gây ứ nước trong cơ thể: suy tim, xơ gan, hội chứng thận hư, suy dinh dưỡng nặng
Cách tiến hành
Chuẩn bị
Cán bộ: một bác sĩ và một y tá điều dưỡng.
Bệnh nhân:
Các xét nghiệm cần làm: máu chảy máu đông, công thức máu, phim phổi chuẩn.
Bệnh nhân được giải thích kỹ về thủ thuật, đo huyết áp nhịp tim, tần số thở.
Tiêm 1 ống atropin dưới da 15 phút trước khi tiến hành.
Bệnh nhân có thể ngồi hoặc nằm đầu cao tuỳ từng trường hợp. Tốt nhất bệnh nhân ngồi tư thế kiểu “cưỡi ngựa” trên ghế tựa.
Các bước tiến hành
Xác định điểm chọc:
Khám kỹ lâm sàng để xác định vùng có dịch màng phổi. Thường chọc thăm dò dịch màng phổi tại khoang liên sườn 8-9 đường nách sau. Trong trường hợp tràn dịch màng phổi ít hoặc khu trú nếu có máy siêu âm để xác định vị trí là tốt nhất.
Tiến hành thủ thuật:
Sát trùng rộng vùng định chọc hai lần bằng cồn iode và lần thứ ba bằng cồn trắng 70%.
Tư thế bệnh nhân
Trải săng có lỗ vô trùng lên ngực bệnh nhân để hở điểm chọc đã xác định.
Gây tê từ da đến lá thành màng phổi bằng xylocain 2%.
Dùng kim gây tê chọc thăm dò dịch màng phổi và xác định độ sâu, bề dày thành ngực. Vừa đưa kim chọc vào màng phổi vừa gây tê thấm lớp kết hợp với hút, khi hút ra dịch là được.
Hút một lượng dịch đủ để làm các xét nghiệm yêu cầu, nhận định về mùi, màu sắc dịch, dịch trong hay đục.
Sau khi lấy đủ dịch màng phổi làm xét nghiệm, có thể chọc tháo dịch màng phổi cho bệnh nhân nếu có chỉ định. Mỗi lần tháo dịch không quá 1 lít để tránh biến chứng phù phổi cấp.
Sát khuẩn lại vị trí chọc kim và băng ép vị trí vừa chọc. Trường hợp trong khoang màng phổi còn nhiều dịch cần dùng ngón tay cái ép và xoa mạnh lên vùng chọc dò đẻ tránh dò dịch qua lỗ chọc.
Lưu ý: Không sinh thiết các vị trí từ 11 giờ đến 2 giờ để tránh phạm phải bó mạch thần kinh liên sườn.
Mục đích của chọc dịch màng phổi
Xét nghiệm dịch màng phổi:
Xét nghiệm sinh hoá: định lượng protein, LDH, glucose, Amylase, PCR…
Tìm tế bào: bạch cầu đa nhân thoái hoá , tế bào ung thư , tế bào Hargraves
Cấy tìm vi khuẩn gây bệnh: BK, các vi khuẩn thông thường
Soi tươi và cấy tìm nấm
Theo dõi và xử lý tai biến
Choáng do Xylocain
Vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch chậm
Xử trí:
Ngừng thủ thuật
Cho bệnh nhân nằm trên giường đầu bằng hoặc đầu thấp
Depersolon 30 mg x 1ống, hoặc Methylprednisolon 40mg x 1 lọ tiêm tĩnh mạch chậm.
Cho thở oxy quan sonde mũi
Kiểm tra mạch, huyết áp. Nếu huyết áp tụt phải cho thuốc nâng áp, hoặc truyền dịch sao cho huyết áp tối đa > 100mmHg
Khó thở do phù phổi cấp do chọc tháo dịch quá nhiều
Lasix 20 mg x1ống tiêm tĩnh mạch chậm
Thở oxy qua sonde mũi
Cho khí dung Ventolin hoặc Berodual
Kiểm soát mạch, huyết áp , nhịp thở
Khó thở do tràn khí màng phổi
Khám lâm sàng cẩn thận
Cho thở oxy, chụp phổi cấp cứu để xác định chẩn đoán và quyết định xử trí (dẫn lưu khí cấp cứu)
Đau ngực
Thường sau khi chọc dịch màng phổi bệnh nhân dễ chịu
Một số có đau ngực (do thày thuốc chọc không đúng, do chọc vào thần kinh liên sườn): cho giảm đau bằng Panadol 0,5 gx 1 viên (uống) bệnh nhân sẽ hết đau.
NHẬN XÉT
Chọc dò khoang màng phổi là thủ thuật được sử dụng hàng ngày trong thực hành lâm sàng.
Là thủ thuật dễ thực hiện, ít tai biến (nếu các bước của quy trình được tôn trọng đầy đủ).
Đây là thủ thuật rất quan trọng trước bệnh cảnh lâm sàng, X Quang nghi ngờ có tràn dịch màng phổi nhằm mục đích chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt cũng như giúp tìm nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi.