Rắn độc cắn

Rắn độc cắn là một tai nạn hay gặp, đặc biệt ở nông thông và miền núi, và nguy hiểm, nhiều khi dẫn đến tử vong hoặc tàn phế. Có nhiều loại rắn, đặc điểm gây bệnh không những khác nhau giữa các loài rắn, mà ngay trong cùng một loài, đặc điểm này cũng khác nhau tuỳ từng địa phương, nên cách xử trí cũng có những đòi hỏi khác nhau. Điều trị rắn độc cắn theo kinh nghiện dân gian có kết quả hạn chế và chưa được kiểm chứng.

ở Việt nam có hai nhóm rắn chính : rắn hổ (cạp nia, cạp nong, hổ mang…) và rắn lục. Nọc độc rắn hổ có tác dụng gây liệt cơ, nguy hiểm nhất là liệt cơ hô hấp, dẫn đến tử vong. Nọc rắn lục chủ yếu gây chảy máu, tan máu, hoại tử tổ chức. Ngoài ra, rắn cắn có thể gây nhiễm khuẩn nặng do nhiễm bẩn vết cắn..

Hàng năm trên thế giới có 30.000 đến 40.000 người bị rắn độc cắn, trong đó tử vong khoảng 2000. Nước Mỹ có 6000 đến 8000 người bị rắn cắn mỗi năm, tử vong do rắn hổ cắn là 9%, do rắn lục là 0,2%. Tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Bạch mai, Hà nội, tỷ lệ tử vong do rắn hổ cắn trong những năm 1987 – 1991 là 20%, thời gian 1991 – 1993 là 11,9% (trong tổng số 71 bệnh nhân), thời gian tháng 1 đến tháng 10/1998 là 7% (86 bệnh nhân), không có tử vong do rắn lục cắn.

Triệu chứng thường xuất hiện sau khi bị rắn cắn 2 – 4 giờ, có thể đến 8 giờ. Trường hợp muộn nhất đã gặp ở khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Bạch mai là sau 24 giờ mới xuất hiện liệt cơ. Triệu chứng xuất hiện càng sớm, thường tổn thương càng nặng.

Tai nạn rắn cắn thường xảy ra vào mùa hè (vì rắn là loại động vật ngủ đông). Khi nhìn vết răng cắn để lại trên da, có thể phân biệt rắn độc với rắn thường. Vết răng rắn thường cắn là một vòng cung, đều nhau. Còn rắn độc sẽ để lại 2 vết sâu hơn hẳn các vết răng khác, đó là 2 móc độc. Nọc rắn đi vào cơ thể theo đường bạch mạch, do đó khi bị rắn cắn cần ga rô bạch mạch mới có tác dụng, không ga rô động mạch hay tĩnh mạch.

Triệu chứng Rắn độc cắn

Họ rắn hổ

Khởi đầu thường là rối loạn cảm giác : tê lưỡi, đau họng, khó nuốt (do tổn thương các dây thần kinh của vùng hầu họng).

Tiếp theo, bệnh nhân sẽ khó mở mắt (do liệt cơ nâng mi), khó há miệng (có thể đo khoảng cách giữa 2 hàm răng để theo dõi tiến triển của liệt), nhìn mờ (do giãn đồng tử).

Giai đoạn toàn phát, bệnh nhân sẽ dần dần liệt toàn bộ các cơ, đặc biệt nguy hiểm là liệt cơ hô hấp, đồng tử giãn to. Bệnh nhân thường vẫn tỉnh, trừ trường hợp tổn thương thần kinh do nhiễm độc quá nặng.

Một số trường hợp có thể có loạn nhịp tim nặng dẫn tới tử vong

Tổn thương tại chỗ cắn:

+ Rắn cạp nia (thân có khoang đen trắng), cạp nong (thân có khoang đen vàng: thường không có tổn thương gì, nhiều khi rất khó nhìn thấy, nếu nó không bị chích rạch.

+ Rắn hổ mang : hoại tử, phù nề lan rộng quanh vùng rắn cắn, có thể phù nề toàn bộ chi bị cắn

Sẽ có rất nhiều biến chứng có thể xuất hiện trong thời gian này : nhiễm khuẩn, loét, sốt cao…

Nguyên nhân tử vong chủ yếu của rắn hổ cắn là suy hô hấp do liệt các cơ hô hấp, và tổn thương các trung tâm sống còn của thân não do tổn thương thần kinh.

Rắn lục cắn

Tổn thương hay gặp nhất là hoại tử tại chỗ. Xung quanh vùng bị rắn cắn xuất hiện hoại tử, da có màu đen, Tổ chức phía trên và quanh vùng hoại tử thường phù cứng, đỏ tím, đau. Hoại tử và phù nề sẽ lan nhanh lên phía trên (theo đường đi của bạch mạch), càng rộng khi rắn càng độc.

Có thể có tình trạng rối loạn đông máu, gây chảy máu, hay gặp nhất là đái ra máu. Dấu hiệu này hay gặp đối với rắn lục ở miền Trung, miền Bắc ít gặp hơn. Một số loài rắn còn gây ra tan máu cấp.

Rắn lục hầu như không gây nên tình trạng liệt cơ, trừ rắn chàm quạp có ở Nam bộ và Nam Trung bộ.

Xử trí Rắn độc cắn

Xử trí tại chỗ

Ga rô bạch mạch bằng cách băng ép toàn bộ phần chi phía trên chỗ rắn cắn. Không được băng chặt, vì nếu làm ga rô chặt không những không có tác dụng mà còn nguy hiểm do cản trở tuần hoàn động mạch và tĩnh mạch. Ga rô bạch mạch có tác dụng làm chậm sự xâm nhập của nọc rắn vào cơ thể, giành giật thời gian để kịp thời tiến hành các biện pháp điều trị đặc hiệu.

Không chích rạch chỗ rắn cắn, vì thường động tác này không có tác dụng rút nọc rắn khỏi cơ thể, mà còn dễ gây nhiễm khuẩn. Có thể hút nọc rắn ra bằng các dụng cụ chuyên dụng như giác hút, “hòn đá đen”.

Xử trí tiếp theo:

Nếu xác định được loại rắn, có thể tiêm huyết thanh chống nọc rắn, đây là biện pháp điều trị đặc hiệu và có hiệu quả nhất.

Nếu xác định con rắn chắc chắn là rắn độc : chuyển đi bệnh viện ngay.

Nếu chưa rõ : theo dõi chặt tình trạng nạn nhân, nếu bắt đầu có xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên (như đã mô tả ở phần triệu chứng) phải chuyển đi bệnh viện ngay; cần chú ý là nếu chờ như vậy nhiều khi cũng làm cho chậm trễ việc điều trị tích cực – do đó nếu không có phương tiện cần thiết đảm bảo cấp cứu và vận chuyển thì không nên giữ nạn nhân lại theo dõi.

Vận chuyển cấp cứu

Cần phải theo dõi chặt tình trạng hô hấp của bệnh nhân, nếu bệnh nhân thở nhanh > 30 lần/phút, yếu, hoặc xuất hiện tím môi phải hô hấp nhân tạo ngay. Vì nguyên nhân tử vong hàng đầu là suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, nên nếu không được hô hấp nhân tạo kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ chết trước khi đến được bệnh viện.

Nếu bệnh nhân bị hoại tử : rửa sạch bằng nước muối sinh lý, dùng gạc sạch đậy lên, băng lại, rồi chuyển đi bệnh viện.

Có thể dùng kháng sinh cho bệnh nhân trước khi chuyển đi bệnh viện : Klion 1 gam (uống), Gentamycin 80 mg tiêm bắp.

Tiêm SAT nếu có thuốc

Bài trướcPhác đồ điều trị rắn hổ cắn
Bài tiếp theoRửa dạ dày trong ngộ độc cấp

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.