Tác Dụng Của Kinh Mạch

A- Về Sinh Lý:

1- Kinh lạc có chức năng vận hành khí huyết nuôi dưỡng toàn thân.

– Thiên ‘Kinh Mạch’ ghi: “Kinh mạch có nhiệm vụ doanh cho sự vận hành của khí, nó ‘chế’ để cho khí trở thành ‘độ lượng’, bên trong nó làm cho khí của ngũ hành vận hành thành thứ tự, bên ngoài nó làm cho lục phủ phân biệt nhau” (Linh Khu 10, 1).

– Thiên ‘Hải Luận’ ghi : “12 kinh mạch, trong thì thuộc vào tạng phủ, bên ngoài lạc với tứ chi và cốt tiết” (Linh Khu 33, 1).

– Nan thứ 23 Nan Kinh ghi: ‘Kinh Mạch là nơi vận hành của khí huyết, là nơi để cho khí Âm Dương thông nhau nhằm làm cho cơ thể tươi tốt” (Nạn Kinh 23, 6).

Như vậy chức năng của kinh mạch là vận hành khí huyết nuôi dưỡng toàn thân.

Khí tuần hành trong hệ thống kinh lạc gọi là ‘Kinh khí’. Dưới sự thúc đẩy của kinh khí, khí huyết tuần hành không ngừng trong kinh lạc, không ngừng đưa dinh dưỡng đến toàn thân, bảo đảm chức năng sinh lý bình thường của các tổ chức trong cơ thể và bảo đảm sự liên hệ ăn khớp giữa các tổ chức đó. Nếu tuần hoàn khí huyết mất điều hoà sẽ gây ra bệnh.

2- Kinh Lạc có chức năng phản ảnh thay đổi bệnh lý và dẫn truyền kích thích.

Về Bệnh Lý:

Khi tạng phủ có bệnh, bệnh sẽ thông qua kinh lạc mà phản ảnh ra ngoài cơ thể:

+ Thiên ‘Bì Bộ Luận’ ghi: “12 kinh mạch là bộ phận ngoài da, vì vậy trăm thứ bệnh khi bắt đầu phát sinh là phát từ ngoài da lông trước, tà khí trúng vào thì tấu lý mở ra, tấu lý mở ra thì tà khí xâm nhập vào Lạc mạch. nếu tà khí cứ ở đó không trừ được thì sẽ chuyển vào kinh. Tà khí ở kinh không trừ đi thì sẽ truyền vào phủ, và ở tại trường Vị” (Tố Vấn 56, 9).

+ Lấy trị số về lượng thông điện qua huyệt Nguyên của 50 người khoẻ mạnh để đối chiếu với ngươi bệnh, thấy: Khi 1 đường kinh nào đó bị bệnh, nếu bệnh thuộc thực chứng, lượng thông điện qua huyệt Nguyên của kinh đó tăng lên; nếu bệnh thuộc hư chứng thì lượng thông điện qua huyệt Nguyên của kinh đó giảm xuống (Trung-Cốc-Nghĩa-Hùng, Nhật Bản).

+ Đo lượng thông điện nơi những người bị bệnh gan thấy:

Ở bệnh gan, có 2 đường kinh bị bệnh, chủ yếu là kinh Can và kinh Tỳ (Bệnh viện Thượng Hải).

Đo trên 300 người bệnh gan viêm thời kỳ cấp: lượng thông điện của kinh Can đặc biệt cao. Gan viêm thời kỳ mạn thì lượng thông điện ở kinh Thận lại cao. Nơi bệnh gan xơ, lượng thông điện của kinh Can rất thấp (Bệnh viện Truyền Nhiễm Thành Đô – Trung Quốc).

+ Đo lượng thông điện của 14 người mắc bệnh tim, thấy tất cả đều có lượng thông điện qua kinh Tâm bất thường (Lâm-Lãm-Huệ và Trương-Quế-Tuyên, Trung Quốc).

+ Szillard (Hungary) cho biết: trên 1 người bệnh bị phần phụ viêm thì dọc theo đường kinh Bàng quang (2 bên cột sống lưng) thấy nổi lên những mụn sưng mủ.

+ Viện Nghiên Cứu Sinh Lý Thượng Hải thông báo: Trên những bệnh nhân Thận viêm, Gan viêm, Phổi viêm khối và Lao phổi, khi dùng phương pháp kiểm tra sự phóng điện cao tần bằng quang phổ, ở mặt trong cẳng chân và mặt trước cẳng tay thấy điện phát mạnh ở các kinh Thận, Can, Phế.

+ Nơi người đái dầm, ấn huyệt Cách Du (Bàng quang.17) thấy nổi lên 1 đường đỏ, sờ thấy nóng, từ huyệt Cách Du đến huyệt Đại Trường Du (Bàng quang.25) rộng 1, 5 – 2cm, tồn tại khoảng 4-5 giờ.

Về Chẩn Đoán

– Thiên ‘Quan Năng’ ghi: “Thẩm sát được những bộ vị đau trên cơ thể rồi kết hợp với những biểu hiện về màu sắc ở trên, dưới, bên phải, bên trái, ở trên mặt để biết được bệnh đang thuộc hàn hoặc ôn, đang xẩy ra ở kinh nào” (Linh Khu 73, 17).

– Thiên ‘Vệ Khí’ ghi : ” Nếu biết phân biệt 12 kinh của Âm Dương, sẽ biết được bệnh sinh ra ở đâu” (Linh Khu 52, 8).

– Mỗi đường kinh có liên hệ với 1 tạng phủ nhất định nào đó, vì vậy, có thể dựa theo 1 số nguyên tắc sau để chẩn đoán:

+ Theo Cơ Quan Bệnh

Bệnh ở hệ hô hấp (ho, hen suyễn…) nên nghĩ đến Phế vì theo Nội Kinh: Phế chủ hô hấp”; bệnh ở hệ tiêu hoá (bụng đầy, tiêu chảy…) nên nghĩ đến Tỳ Vị vì theo Nội Kinh: ‘Tỳ chủ tiêu hoá’…

+ Dựa Vào Huyệt Chẩn Đoán

Mỗi đường kinh khi có xáo trộn, bị bệnh, thường phát ra dấu hiệu báo bệnh như đau ở 1 số huyệt nhất định, gọi là Mộ huyệt, do đó, có thể dò tìm các huyệt chẩn đoán này để tìm ra kinh bệnh.

Thí dụ: Kinh Phế bệnh, huyệt Trung Phủ (P.1) ấn vào sẽ đau, kinh Can bệnh, ấn đau huyệt Kỳ Môn (C.14) …

+ Theo đường vận hành của kinh (tuần kinh chẩn pháp): dựa theo nguyên tắc: ‘Kinh lạc sở qua chủ trị sở cập’ (kinh lạc đi qua chỗ nào, trị bệnh ở đó), cho phép ta chẩn được bệnh lý liên hệ với kinh vận hành. Thí dụ:

Đau vùng hông sườn có liên hệ đến kinh Can.

Đau vùng mặt trong cánh tay kèm ho, có liên hệ đến kinh Phế…

+ Dựa Vào Sự Cảm Nhiệt của Tỉnh Huyệt

Còn gọi là phương pháp Akabane’s Test (Nhật Bản): khi 1 đường kinh bị bệnh thì cảm giác về nóng ở huyệt của kinh đó sẽ thay đổi, cảm giác bên bệnh khác với bên lanh. Sự chênh lệch này rõ nhất ở các Tỉnh huyệt, do đó, có thể xử dụng phương pháp đo cảm giác về nhiệt độ, so sánh sự chênh lệch giữa 2 bên phải trái (và giữa các kinh với nhau) có thể tìm ra kinh bệnh.

Thí dụ: Kiểm tra đường kinh Phế và Đại Trường.

Dùng 1 nguồn nóng (có thể là cây thuốc cứu), để ở 1 khoảng cách nhất định, hơ nóng huyệt Thiếu Thương (P.11) là huyệt Tỉnh của kinh Phế và huyệt Thương Dương (Đại trường.1) là huyệt Tỉnh của kinh Đại Trường. Giả sử kinh Phế chỉ cảm thấy nóng nhiều sau 20 giây, còn kinh Đại Trường sau 1 phút mới có cảm giác. Như vậy trong trường hợp này, kinh Phế bị bệnh. Sau đó thử tiếp giữa kinh Phế bên phải và bên trái lại thấy kinh Phế bên trái thấy nóng sau 20 giây, bên phải thấy nóng sau 28 giây… cho thấy, kinh Phế bên trái có rối loạn.

Đổng-Thừa-Thống (Trung Quốc) cũng dùng phương pháp đo thời gian cảm ứng với nhiệt độ để so sánh chênh lệch giữa 2 bên phải – trái, rồi chọn huyệt châm để điều trị, cũng thấy có tác dụng đièu chỉnh sự chênh lệch của cảm giác đối với nhiệt độ và cũng chữa được bệnh (Học Viện Y Học I Thượng Hải).

+ Có thể dùng lượng thông điện qua huyệt Tỉnh làm đại biểu để xem xét tình trạng sinh lý, bệnh lý của mỗi đường kinh (Học Viện Y Học I Thượng Hải).

+ Dựa Vào Sự Thay Đổi Điện Trở Của Huyệt Nguyên

– Đo lượng dẫn điện qua các huyệt của 50 người khoẻ mạnh thấy: nếu lấy trung bình cộng của tất cả các huyệt của 1 đường kinh thì bằng với lượng thông điện qua huyệt Nguyên của đường kinh đó. Như vậy, có thể lấy huyệt Nguyên làm đại biểu cho lượng thông điện của mỗi kinh (Trung-Cốc-Nghĩa-Hùng, Nhật Bản).

– Lấy lượng thông điện trung bình của 5 huyệt Ngũ Du (Tỉnh, Vinh, Du, Kinh, Hợp) và huyệt Nguyên cũng thấy bằng lượng thông điện của huyệt Nguyên, do đó, có thể dùng huyệt Nguyên làm đại biểu cho sự dẫn điện của mỗi kinh (Học Viện Y Học I Thượng Hải).

Điều Trị Kinh Chính

Xin xem chi tiết ở phần ‘Nguyên Tắc Điều Trị’ ).

Để kết thúc về hệ thống kinh mạch, chúng tôi xin mượn lời của thiên ‘Kinh Mạch’: “Kinh mạch là những con đường, dựa vào đó để quyết được việc sống chết, là nơi sắp xếp trăm bệnh, là nơi điều hoà hư thực mà thầy thuốc không thể không thông” (Linh Khu 10, 7).

Sách ‘Y Môn Pháp Luật’ cũng nhấn mạnh: “Phàm chữa bệnh mà không rõ tạng phủ, kinh lạc thì hễ đụng đến việc là bị sai lầm”.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.