Cố định ngoài cục bộ hợp lý
Xương gãy sau khi nắn chỉnh cần được cố định một cách hợp lý để duy trì tốt vị trí các đoạn gãy.
Cần lưu ý:
Tính chất, hướng của lực gây chấn thương.
Trọng lượng của đoạn ngoại vi ổ gãy.
Lực co kéo của các cơ.
ảnh hưởng của vận chuyển và phương pháp điều trị.
Đây là những nhân tố dẫn tới phát sinh di lệch thứ phát trong quá trình điều trị và sự liền xương. Cố định ngoài hợp lý hoàn toàn có thể hạn chế tối đa tỷ lệ biến chứng này.
Các nhân tố gây di lệch thứ phát sau khi nắn chỉnh và cố định xương gãy
Tính chất và phương hướng của lực gây gãy
Xương gãy sau khi nắn chỉnh và cố định, nếu xử lý không phù hợp sẽ gây nên di lệch thứ phát. Thường gặp mấy loại sau đây:
Phần mềm nằm trên đường di lệch bị tổn thương tạo thành nơi yếu.
Lực tác động không theo hướng trục xương do còn di lệch: gấp góc, bên – bên…
ảnh hưởng của co cơ
Các cơ luôn luôn duy trì trương lực cơ nhất định. ở trạng thái bình thường, hệ xương được phân bố cơ phụ trợ chằng giữ ở mức quân bình. Sự phối hợp co giãn của các cơ tạo nên các động tác hết sức tinh vi. Do vậy lợi dụng tốt sự co kéo và trương lực các cơ góp phần hoàn thiện việc nắn chỉnh và cố định xương gãy.
ảnh hưởng bởi trọng lượng của đoạn gãy ngoại vi
Sức nặng của đoạn ngoại vi ổ gãy có thể làm cho xương gãy gấp góc, di lệch bên hoặc tạo thành di lệch xa nhau. Đây cũng là một nhân tố ảnh hưởng. Xương cánh tay thường hay bị gãy ngang, do vậy sau khi nắn chỉnh, cố định, trọng lượng đoạn ngoại vi bị kéo xuống gây gián cách giữa hai mặt gãy và hậu quả là chậm hoặc không liền xương.
ảnh hưởng của vận chuyển và phương pháp điều trị
Sau khi nắn chỉnh và cố định xương gãy, bệnh nhân được đưa từ buồng thủ thuật về phòng bệnh hoặc từ bệnh viện về nhà. Trong quá trình vận chuyển, nếu thiếu cẩn trọng có thể làm xương gãy di lệch thứ phát. Đối với trẻ em cần có phương pháp vận chuyển đúng, không để tạo nên lực gấp duỗi quá mức. Ngoài ra việc cố định không chắc chắn hoặc tháo bỏ phương tiện quá sớm cũng có thể dẫn tới xương gãy bị di lệch thứ phát.
Tác dụng của cố định ngoài
Ưu điểm của cố định nẹp – dây buộc là dễ dàng điều chỉnh độ chặt theo tiến triển của sưng. Sưng càng giảm bao nhiêu, dây càng được buộc chặt tiến theo đến đó.
Việc sử dụng lạt giang cho phép điều chỉnh độ chặt êm ái, nhẹ nhàng, không ảnh hưởng đến bất động. Tuy nhiên lạt giang không có độ đàn hồi thích ứng cần thiết cho diễn biến của sưng nề, nhất là trong thời gian đầu. Sử dụng dây băng vải khắc phục được nhược điểm này, nhưng việc tháo mở nút để điều chỉnh độ chặt khó khăn hơn.
Hiện nay, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức chúng tôi sử dụng dây dán (dây vencro) có độ đàn hồi và cho phép thao tác dễ dàng, nâng cao hơn khả năng và chất lượng cố định.
Lực tác dụng bên ngoài của dây, nẹp, đệm cố định
Khi dùng nẹp và dây quấn buộc tạo nên lực ép nhất định. Đây là loại lực thông qua nẹp, đệm cố định và tác dụng của tổ chức phần mềm vùng gãy, là nhân tố trọng yếu chống lại di lệch thứ phát của xương gãy. Chẳng hạn dùng 3 đệm tỳ đè vào xương gãy để phòng tái di lệch gấp góc; dùng hai đệm tỳ cố định để phòng di lệch bên – bên. Đối với người lớn khi bị gãy xương lớn (như xương đùi), do cơ dày, lực co kéo lớn… để có đủ lực chống lại gây nên di lệch thứ phát cần phải phối hợp kéo liên tục bằng băng keo dán da hoặc đinh xuyên qua lồi cầu xương.
Tác động của lực co cơ
Các khớp và cơ của chi gãy có thể phối hợp hoạt động co duỗi nhờ sức kéo quân bình của các nhóm cơ đối lập có thể giúp đỡ và duy trì tác dụng cố định. Do vậy, cần phải căn cứ vào độ gãy, loại gãy, nơi gãy, lứa tuổi, sinh học liền xương để xác định cường độ, biên độ tập luyện chi gãy một cách phù hợp. Các cơ tại dưới vùng cố định hoạt động co giãn (lên gân), có thể tác dụng lên xương gãy một lực nhất định, một mặt tạo nên lực ép dồn hai đầu xương gãy tiếp xúc chặt hơn, hai đoạn gãy nhờ vậy ổn định hơn; mặt khác khi cơ lớn co giãn, tuần hoàn khí huyết cũng tăng hơn, đệm và nẹp cũng sản sinh lực gián tiếp tác động lên xương gãy, ngoài mục đích cố định và chống di lệch thứ phát thì việc đặt nẹp và đệm hợp lý còn giúp hoàn thiện thêm sự nắn chỉnh chưa được hoàn hảo, chuyển những nhân tố bất lợi thành có lợi.
Để các khớp của chi gãy ở vị trí phù hợp
Sau khi nắn chỉnh và cố định, chi gãy được để ở vị trí phù hợp có ý nghĩa quan trọng để duy trì sự ổn định của các đoạn gãy. Ví dụ: gãy xương cánh tay, đoạn ngoại vi di lệch vào trong và ra trước, đoạn trung tâm di lệch ra ngoài và lên trên tạo thành góc mở ra trước trong. Tổ chức phần mềm ở phía trước ổ gãy cũng bị tổn thương, tạo thành nơi xung yếu. Sau khi nắn chỉnh và cố định, cần phải đưa cánh tay ra ngoài, lên trên, khuỷu gấp thì mới có thể duy trì tính ổn định của xương gãy. Gãy trên lồi cầu xương cánh tay kiểu duỗi, cần cố định khớp khuỷu ở tư thế khuỷu gấp khiến cho cơ tam đầu cánh tay kéo căng gân tam đầu tạo cho đoạn ngoại vi có tính ổn định ở vị trí đã nắn chỉnh.
Như vậy, đặt các khớp của chi gãy ở những tư thế khác nhau có thể điều tiết trương lực của cơ nhằm tạo nên những ảnh hưởng nhất định đối với tính ổn định của các đoạn xương gãy, duy trì sự ổn định này trong 2-3 tuần. Khi tập luyện, cần tránh các động tác bất lợi cho việc cố định xương gãy, đề phòng di lệch thứ phát.
Tóm lại, xương gãy sau khi đã được nắn chỉnh và cố định, có nhiều nhân tố có thể dẫn tới việc phát sinh di lệch thứ phát. Nếu sau khi nắn chỉnh ứng dụng cố định ngoài cục bộ một cách uyển chuyển, hợp lý, phối hợp tập luyện một cách đúng đắn thì có thể phòng tránh được di lệch thứ phát, hoàn thiện thêm việc nắn chỉnh, cố định ổn, xương gãy liền nhanh, công năng chi phục hồi tốt… kết quả điều trị tốt.
Chỉ định cố định nẹp dây buộc
Tứ chi gãy kín: riêng đối với gãy xương đùi, do đùi có cơ lớn, lại có sức cơ mạnh, cần dùng phương pháp kéo liên tục bằng phương pháp YHHĐ phối hợp cố định nẹp.
Tứ chi gãy hở: vết thương nhỏ hoặc đã được xử lý liền vết thương.
Gãy xương cũ cần nắn chỉnh sửa lại.
Các loại cố định ngoài cục bộ
Đơn thuần dùng nẹp và dây vải để cố định ngoài cục bộ: thích dụng đối với các gãy xương ống dài (trừ gãy xương đùi).
Cố định nẹp vượt khớp: dùng với gãy xương gần khớp và gãy nội khớp. Như gãy lồi cầu ngoài hoặc lồi cầu trong xương cánh tay, gãy xương cánh tay 1/3 trên và 1/3 dưới, gãy trên lồi cầu xương cánh tay, gãy mỏm khuỷu, gãy xương chày đoạn trên cổ chân…
Cố định nẹp kết hợp khung cố định: thường dùng cho gãy xương đùi (gãy một đoạn).
Nẹp kết hợp kéo liên tục: thích dụng trong gãy xương đùi (gãy một đoạn), các trường hợp gãy sưng nề lớn, phỏng loạn dưỡng không cho phép nắn bó một thì. Người ta thường kéo liên tục trong giai đoạn đầu, khi giảm sưng nề thì chuyển sang bó nẹp.
Cố định nẹp dây buộc kết hợp ngoại giá cố định: thích dụng trong điều trị gãy xương cánh tay có di lệch xa nhau làm xương gãy chậm hoặc không liền.
Nẹp kết hợp giá đỡ cố định chi trên: thích dụng cho trường hợp gãy xương cánh tay xoay trong và xoay theo trục để đề phòng đoạn ngoại vi gấp góc vào trong.
Nẹp kết hợp quang cao su: thích dụng trong trường hợp gãy thân xương cánh tay có di lệch xa nhau do trọng lực của đoạn ngoại vi kéo xuống.
Cố định vòng mây: thích dụng khi bị gãy xương bánh chè tách hai mảnh, di lệch xa nhau.
Bản kim loại hoặc kết hợp nẹp: thích dụng trong các trương hợp gãy xương bàn và đốt ngón tay…
Một số loại cố định đặc biệt:
Cố định băng keo: dùng trong trường hợp gãy xương sườn và xương chậu.
Băng vải hình chữ số “8” kết hợp băng keo: dùng trong trường hợp gãy xương đòn.
Bó bột trộn keo, bó bột trộn keo kết hợp với nẹp: dùng trong trường hợp gãy xương bàn chân.
Một vài lương y giã trộn thuốc với lá khoai lang để bó.