ĐIỀU TRỊ GÃY XƯƠNG KẾT HỢP Y HỌC CỔ TRUYỀN
ĐẠI CƯƠNG
Điều trị gãy xương theo y học cổ truyền, ngoài việc cố định xương gãy còn hết sức chú trọng vận động cơ khớp trong thời gian cố định. Xương gãy sau khi nắn chỉnh, được cố định một cách hợp lý, có thể giữ cho các đoạn xương gãy ở vị trí tương đối chính xác là xương gãy có thể liền bình thường; mặt khác cần bắt chi gãy và toàn thân luyện tập với cường độ và biên độ trong giới hạn cho phép để giúp cho thương tổn chóng lành, xương gãy chóng liền và cơ năng chi sớm bình phục: “trong tĩnh có động, động tĩnh kết hợp”.
Các xương hoạt động được nhờ tổ chức phần mềm, ngược lại bộ xương lại là điểm bám tựa cho các cơ, giữa chúng có mối tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Khi gãy xương di lệch, thường kèm theo thương tổn phần mềm; do vậy, khi điều trị gãy xương, cần chú trọng điều trị cả xương gãy lẫn tổ chức phần mềm. Xương gãy cần được nắn chỉnh và cố định sớm, tổ chức phần mềm khỏi bị tổn thương thêm.
Tuy nhiên, khi tổ chức phần mềm tổn thương nghiêm trọng, nguy cấp tới tính mạng và tổn hại chi bị thương (ví dụ như đứt mạch máu, nội tạng tổn thương…) thì cần phải được xử lý trước, sau đó mới điều trị gãy xương. Cấp cứu tính mạng và phòng ngừa tàn phế, để lại hậu quả nghiêm trọng là nguyên tắc trong điều trị bước đầu.
Quy trình điều trị một gãy xương gồm 4 nguyên tắc có quan hệ hữu cơ tuân thủ theo nguyên lý: kết hợp “động – tĩnh” và quan tâm “tại chỗ – toàn thân”.Bốn nguyên tắc đó là:
Nắn chỉnh sớm xương gãy.
Cố định ngoài cục bộ một cách hợp lý.
Luyện tập công năng.
Dùng thuốc.
Chỉ định điều trị theo y học cổ truyền cho các loại gãy xương được chỉ định bó bột và gãy xương sớm không do bệnh lý
Nắn chỉnh sớm xương gãy
Chỉ dùng cho gãy xương có di lệch
Thời gian nắn chỉnh
Xương gãy càng được nắn chỉnh sớm càng tốt, tốt nhất là nắn chỉnh trong vòng 1- 4 giờ sau khi bị nạn vì lúc này tại chỗ chưa sưng nề lớn, thủ pháp thao tác dễ dàng, có lợi cho việc liền xương. Khi chi gãy đã sưng nề nghiêm trọng thì có thể dùng trong uống, ngoài đắp thuốc, cố định nẹp hoặc kéo liên tục; đồng thời gác cao chi, đợi cho sưng nề giảm mới nắn chỉnh. Trẻ em do xương gãy chóng liền nên càng cần nắn chỉnh sớm, không chờ đợi đến khi hết sưng nề mới tiến hành, mà phải “nắn trong đêm”. Chẳng hạn, trẻ bị gãy trên lồi cầu xương cánh tay, tại chỗ cho dù sưng nề nhiều hay ít đều cần phải nắn chỉnh sớm. Khi nắn có thể dùng hai tay ép vùng gãy làm bớt sưng nề giúp cho việc nắn chỉnh dễ hơn.
Vô cảm trước khi nắn chỉnh
Phương pháp vô cảm
Trước đây y học cổ truyền trong nhiều trường hợp không cần hoặc không có thuốc vô cảm thì động tác của thủ thuật nắn chỉnh phải được thực hiện nhanh, mức độ thích hợp, động tác dứt khoát. Hiện nay hay dùng giảm đau bằng phương pháp châm tê hoặc thuỷ châm tê bằng novocain, lidocain.
Mục đích vô cảm là để làm cho bệnh nhân hết hoặc giảm đau và giãn cơ giúp cho việc nắn chỉnh được dễ dàng. Ngày nay, vô cảm được áp dụng theo mấy phương thức dưới đây:
Gây tê ổ gãy: dùng 5-20ml dung dịch novocain hoặc xylocain 1% tiêm thẳng vào ổ gãy. Kỹ thuật này đơn giản, dễ làm, giảm đau tương đối tốt, thời gian chờ đợi ngắn (5-10 phút). Phương pháp đòi hỏi vô trùng tuyệt đối, vì nếu không vô trùng tốt thì việc tiêm vô tình đã biến gãy kín thành gãy hở, có thể có biến chứng nghiêm trọng là nhiễm trùng ổ gãy. Một số tác giả cho rằng đưa vào ổ gãy một lượng thuốc làm thay đổi nội môi sinh học tự nhiên tại ổ gãy làm xương chậm liền hơn.
Gây tê cục bộ: đối với người lớn, có thể gây tê vùng như gãy chi trên có thể gây tê đám rối thần kinh cánh tay, gãy chi dưới có thể gây tê ngoài màng cứng (ít làm)… Ưu điểm của phương pháp là giảm đau tương đối tốt, thời gian vô cảm kéo dài và giảm dần cho đến 2 giờ sau.
Nhược điểm của phương pháp là đòi hỏi kỹ thuật cao và kinh nghiệm. Trong một số trường hợp gây tê đám rối không thành công và có thể có tai biến do tiêm vào mạch máu, kim tiêm gây tổn thương ngoài ý muốn, sốc..
Thuỷ châm tê: thuỷ châm tê là phương pháp vô cảm kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Dùng 10-20ml thuốc novocain hoặc xylocain 1% tiêm vào các huyệt nằm lân cận hoặc nằm trên các đường kinh đi qua ổ gãy. Phương pháp đơn giản, an toàn, không có nguy cơ nhiễm trùng ổ gãy, không làm thay đổi nội môi ổ gãy như tiêm tê ổ gãy, giảm đau tương đối tốt, thời gian chờ đợi khoảng 15- 20 phút.
Nhược điểm của phương pháp là vô cảm không hoàn toàn; người thuỷ châm tê cần biết huyệt vị để tiêm.
Châm tê: châm tê cũng cho kết quả giảm đau tương đối tốt. Hiệu quả còn được kéo dài khoảng 30 phút sau khi ngừng tác động.
Tuy nhiên thời gian đợi tê dài (ít nhất là 30 phút), không giảm đau hoàn toàn, phải phụ thuộc vào loại gãy và bệnh nhân thuộc nhóm đáp ứng tốt với châm tê; người châm tê cần phải chuyên sâu và phương tiện châm tê như dây điện đôi khi làm vướng, cản trở thủ thuật nắn chỉnh xương gãy.
Gây mê: gây mê là phương pháp vô cảm tuyệt đối, làm cho cơ mềm tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho nắn chỉnh xương gãy. Với thành tựu của khoa học gây mê ngày càng tiến bộ cho phép gây mê kéo dài và ngày càng an toàn hơn. Phương pháp còn có ưu điểm giúp trẻ em dưới 10 tuổi khỏi bị kinh sợ.
Tuy vậy, gây mê đòi hỏi phải có cán bộ chuyên sâu, chỉ có thể tiến hành ở những cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị chuyên ngành. Thời gian chờ đợi cho phép gây mê an toàn là nhịn ăn uống ít nhất là 6 giờ, đôi khi chi gãy sưng nề lớn hơn. Điều này ít nhiều ảnh hưởng xấu cho việc nắn chỉnh di lệch của xương gãy. Một số bệnh nhân mắc bệnh mạn tính quan trọng như bệnh gan, thận, bệnh phổi… chống chỉ định gây mê.
Như vậy, gây mê có nhiều ưu điểm, nhưng hiện nay còn khó phổ cập trong hoàn cảnh nước ta.
X quang
X quang có vai trò hết sức quan trọng, nó cho phép hiểu rõ các loại di lệch để chỉ định thủ pháp nắn chỉnh và chế tác các nẹp cố định, đồng thời kiểm tra sự ổn định của các đoạn gãy trong quá trình điều trị.
Khi nắn chỉnh: tuỳ từng loại gãy khác nhau mà vị trí các khớp hoặc chi gãy được để ở tư thế cho phù hợp (ví dụ: cơ nhục ở trong trạng thái chùng, thư giãn để tiến hành nắn chỉnh thuận lợi hơn).