Ngoài nguyên tắc cố định xương gãy: kết hợp động và tĩnh ở trên, nguyên tắc thứ hai trong điều trị gãy xương theo y học cổ truyền là kết hợp tại chỗ với toàn thân còn thể hiện trong dùng thuốc xoa hoặc đắp ngoài có tác dụng tại chỗ và thuốc uống trong có tác dụng toàn thân.
Thuốc dùng ngoài
Kinh nghiệm trong dân gian cũng như sách ghi chép lại về thuốc dùng ngoài để đắp bó gãy xương rất phong phú. Thế kỷ XIV, Tuệ Tĩnh trong sách Nam dược thần hiệu có phần dành riêng cho thương khoa và dược vật ứng dụng. Đầu thế kỷ thứ XVIII Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) trong quyển Bách gia trân tàng có nêu bài thuốc từ Lào truyền sang:
Bài thuốc đắp:
Gà con 1 con (bỏ lông và lòng) Ba bát cơm nếp
Tầm gửi, vỏ gạo, quế chi tán bột 20g. Đậu bỏ vỏ 3 cân
Tất cả các thứ giã nhừ lẫn nhau đắp vào vùng gãy sau khi đã kéo nắn.
Có khá nhiều bài thuốc đắp ngoài, tuy nhiên nhược điểm của phần lớn các bài thuốc là nhiều vị, phải thay thuốc nhiều lần làm bệnh nhân đau và dễ gây di lệch thứ phát.
Các thuốc dùng ngoài được sử dụng tuỳ thời kỳ, hướng theo các pháp điều trị như uống thuốc trong. Hai pháp được chú trọng: hoạt huyết tiêu ứ và bổ can thận, tiếp liền xương. Các bài thuốc được cấu tạo từ các vị thuốc có tác dụng hoạt huyết, lợi thuỷ, làm ôn ấm gân cốt, giảm đau, thúc đẩy liền xương và có tác dụng sát trùng.
Về sau các thầy thuốc có xu hướng cải tiến theo hướng giảm số vị và dạng dùng từ dạng thô đến dạng bột rồi đến dạng cao dán, cồn xoa.
Dưới đây là công thức cao dán được sản xuất tại khoa dược viện y học cổ truyền Việt Nam:
Công thức cao thống nhất:
Bột ngải cứu |
4 phần |
|
Bột đại hồi |
0,8 phần |
Bột cúc tần |
8 phần |
|
Bột quế chi |
1,6 phần |
Sáp ong |
2 phần |
|
Dầu thầu dầu |
20 phần |
Tất cả được trộn đều, ép lên vải mỏng hoặc giấy dai để dán vào vùng ổ gãy (Lương y Phạm Văn Sửu, Viện y học cổ truyền).
Công thức băng vết thương gãy hở (Lương y Bùi Xuân Vạn, Thọ Xuân, Thanh Hoá):
Hồng đơn 12g; Băng phiến 4g; Bạch cập 8g
Công thức một số rượu và thuốc dùng ngoài được nghiên cứu tại viện y học cổ truyền Việt Nam xin xem ở phần tham khảo.
Ngày nay dưới ánh sáng khoa học, tác dụng của nhiều bài thuốc đã được làm sáng tỏ. Tuy nhiên việc xoa bóp, đắp thuốc trong chấn thương gãy xương cũng cần đúng phương pháp tuân theo cơ chế của sinh học liền xương.
Thuốc uống trong
Dựa trên quan điểm điều trị toàn diện, kết hợp tại chỗ và toàn thân, sau khi xương gãy được nắn chỉnh và cố định, y học cổ truyền chủ trương dùng thuốc tác động tại chỗ bằng xoa, đắp và thuốc uống trong có tác dụng toàn thân. Điều này được coi như là một nguyên tắc điều trị. Thuốc y học cổ truyền dùng trong điều trị chấn thương nói chung và trong gãy xương nói riêng rất phong phú và đa dạng. Dưới đây xin chỉ trình bày thuốc ứng dụng cụ thể trong tổn thương xương khớp. Các bài thuốc cổ phương xin chỉ được nêu tên, phần công thức xin tham khảo “Tuyển tập phương thang” (NXB Đồng Nai 1995).
Tổn thương gãy xương chủ yếu là do ngoại thương. Sau khi tổn thương tất yếu khí huyết, tạng phủ cũng như kinh lạc toàn thân đều biến hoá. Người xưa nói: “Chi thể tổn thương bên ngoài tất khí huyết thương bên trong, phần vệ có sự bất ổn, tạng phủ do vậy bất hoà” hoặc “Ngoài thương tổn bì phu gân xương, bên trong động kinh lạc, tạng phủ”. Điều đó nói lên cục bộ và chỉnh thể liên quan mật thiết với nhau. Vận dụng biện chứng luận trị, uống trong và dùng ngoài thuốc y học cổ truyền có thể điều chỉnh nội bộ cơ thể, điều động nhân tố có lợi, xúc tiến xương khớp mau bình phục. Qua kinh nghiệm cổ truyền và các quan sát trên lâm sàng đã khẳng định: thuốc y học cổ truyền có tác dụng thông hoạt kinh lạc, tiêu thũng, chỉ thống, nhu dưỡng khí huyết, hoà dinh sinh tân.
Trong thực tiễn lâm sàng, dựa vào biện chứng luận trị ứng dụng thuốc y học cổ truyền điều trị gãy xương có thể phân chia làm ba thời kỳ: thời kỳ đầu, thời kỳ giữa và thời kỳ sau.
Thời kỳ đầu dùng theo pháp hành ứ, hoạt huyết, sinh tân; thời kỳ giữa dùng pháp bổ ích can thận tiếp liền xương; thời kỳ sau dùng pháp cường cân, cứng cốt phục nguyên.
Hoạt huyết phá ứ
Gãy xương trong thời kỳ đầu (1-2 tuần sau khi bị thương) có thể dùng pháp hành ứ hoạt huyết sinh tân. Người xưa nói: “Nhất đán thụ thương, khí huyết tức trở, dục trị kỳ thống, tiên hành kỳ ứ, dục tiêu kỳ thũng, tất hoạt kỳ huyết, tỷ thương khoa dụng dược chi sở dĩ hành ứ hoạt huyết vị bất nhị pháp môn giã”, nghĩa là: “Một khi bị thương, khí huyết vận hành lập tức bị trở trệ dẫn tới sưng nề. Muốn trị đau đầu tiên phải hành ứ; muốn tiêu sưng tất phải hoạt huyết. Vì vậy, sở dĩ trong thương khoa khi dùng thuốc không thể không dùng hành ứ, hoạt huyết”. Tuy nhiên cần phải tuỳ tình hình cụ thể thương tổn nặng nhẹ và bản chất của tổn thương để sử dụng pháp trị thích đáng.
Hành khí hoạt huyết
Trường hợp thương tổn thể chất ít, chứng trạng nhẹ có thể dùng pháp này điều trị. Sách Nội kinh nói: “Kết giả tán chi” nghĩa là chứng kết dùng phương pháp tán để điều trị. Có thể dùng các bài thuốc đắp tại chỗ, hoặc Thất lý tán (1)hoặc dùng rượu Tử kim xoa tại chỗ. Uống trong có thể dùng Thất lý tán hoặc Trật đả hoàn. Thuốc sắc có thể dùng bài Phục nguyên hoạt huyết thang, Hoạt dinh chỉ thống thang, Phục nguyên thông khí thang, Thuận khí tán, Chính cốt mẫu đơn bì thang, Nhất bàn châu thang.
Công ứ phá trệ
Người bị nạn khoẻ mạnh, ứ trệ tương đối nghiêm trọng, tại chỗ sưng và ứ huyết lâu tiêu. Trong trường hợp này hoạt huyết có thể thu kết quả. Sách Nội kinh nói phương pháp: “Kết giả tiêu đi”.
Bổ can thận, tiếp liền xương
Kỳ giữa của gãy xương (sau gãy 1-2 tuần đến khi liền xương trên lâm sàng) có thể dùng pháp bổ ích can thận, tiếp liền xương. Can chủ cân, Thận chủ cốt, do vậy pháp bổ ích can thận là tục cân, tiếp cốt. Thường dùng các bài như Tinh quế kết cốt cao, Nội phục bát lý tán và Kết cốt tán. Ngoài dùng thuốc như trên đã nói, bên trong có thể dùng thuốc Bổ thận tráng cân thang hoặc Tổn thương điều kinh thang, là bổ thuộc công hay công bổ kiêm trị.
Cường cân tráng cốt
Kỳ sau của gãy xương, sau khi xương gãy đã liền lâm sàng dùng pháp cường cân tráng cốt pháp. Có thể dùng các dược vật đã nêu trên. Khi chi gãy bị cứng khớp, cơ bắp teo nhẽo, gân cơ co quắp, có thể dùng Thư cân thang để làm tăng khả năng tập luyện, từng bước phục hồi công năng chi gãy. Với người thể chất yếu nhược, có thể dùng thuốc bổ như Bát trân thang, Thập toàn đại bổ thang…
Thanh nhiệt hoạt huyết
Dùng trong các trường hợp huyết ứ ngưng trệ, huyết ứ hoá nhiệt, vết thương sưng nóng đỏ đau. Dùng các thuốc hành ứ hoạt huyết nêu trên, gia thêm một số vị hàn lương thanh nhiệt như hoàng liên, hoàng cầm, sinh địa, đơn bì, hoàng bá… nhưng cần chú ý đề phòng hàn lương thái quá ngăn cản việc tiêu tan ứ trệ.
Ôn kinh thông lạc
Những thương tổn lâu nhiễm phong, hàn, thấp sưng đau nặng lên có thể dùng pháp ôn kinh thông lạc để khu phong, tán hàn, hoạt huyết tiêu sưng. Thường dùng thuốc uống trong như Thấu cốt đan, Thư cân hoạt huyết thang v.v.. Tứ chi thương tổn lâu, bị phong, hàn, thấp xâm nhập cũng có thể dùng Thư cân thang. Đau vùng lưng hoặc đau lưng cấp, tổn thương mạn tính kiêm phong hàn có thể uống Định thống hoàn.
Khoảng ba thập kỷ lại đây, có nhiều bài thuốc kinh nghiệm, bài thuốc dân gian đã được viện y học cổ truyền Việt Nam sưu tầm, thừa kế. Dưới đây là công thức một số bài thuốc được dùng:
Rượu (bài thuốc gia truyền nhiều đời của lương y Bùi Xuân Vạn ở Thọ Xuân – Thanh Hoá)
Phòng phong |
8g |
|
Sa nhân |
4g |
|
Huyết giác |
12g |
|
Thiên niên kiện |
5g |
|
Xuyên quy |
8g |
|
Độc hoạt |
8g |
|
Tục đoạn |
2g |
|
Đại hoàng |
8g |
|
Cứ 1 lít rượu ngâm 65g thuốc, ngâm 7 ngày rồi lọc rượu uống.
Tiêu viêm (thuốc nam ở xã)
Lá móng tay |
10g |
|
Nghệ |
8g |
Huyết giác |
12g |
|
Tô mộc |
10g |
Ngải cứu |
12g |
|
|
|
Nấu thành cao lỏng, mỗi ngày người lớn uống 30ml.
Thuốc bổ gân xương (thuốc nam ở xã)
Bột lộc giác xương 10g Bột cốt toái bổ 12g
Mẫu lệ 4g
Một số bài thuốc khác xin tham khảo phần phụ lục.
Tóm lại, một trong những vốn quý của y học cổ truyền là điều trị gãy xương. Kinh nghiệm về lĩnh vực này đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ mang tính chất gia truyền. Điều trị gãy xương đơn thuần theo y học cổ truyền trong nhiều trường hợp hiệu quả nắn chỉnh chưa tốt, phương tiện cố định đơn giản, dễ phổ cập nhưng chất lương cố định chưa cao trong các trường hợp gãy xương lớn, có cơ co kéo mạnh như xương đùi hoặc một số trường hợp gãy gần khớp. Điều trị gãy xương theo y học cổ truyền hay theo y học hiện đại đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm của từng phương pháp cho phép điều trị chất lượng ngày một cao hơn, hoàn hảo hơn.
Phương pháp điều trị gãy xương kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại là một trong những phương pháp bất động uyển chuyển mang tính cơ năng, một xu hướng mà ngành chấn thương chỉnh hình đã và đang hướng tới (Ilizarov G.A). Quá trình liền xương của phương pháp cố định sinh học tạo liền xương gián tiếp (liền xương kỳ 2), kiểu liền xương nhanh chóng, còn liền xương trực tiếp (liền xương kỳ 1) là một quá trình chậm chạp. Theo Đặng Kim Châu thì điều trị gãy xương theo y học cổ truyền là một trong những phương pháp điều trị toàn diện. Chúng tôi mong có nhiều nghiên cứu nhằm hiện đại hoá y học cổ truyền, xây dựng phương pháp điều trị gãy xương với chất lượng cao, mang đậm bản sắc y học cổ truyền dân tộc Việt Nam.