Các biến chứng sớm ngay sau mổ

1. Biến chứng hô hấp

Trong giai đoạn sau mổ có thể có các biến chứng sau: tắc nghẽn đường hô hấp trên, giảm oxy máu động mạch, giảm thông khí phế nang, hít dịch dạ dày.

1.1. Tắc nghẽn đường hô hấp trên

Đây là nguyên nhân thường gặp ở phòng hồi sức sau mổ

Nguyên nhân:

+ Tụt lưỡi gây tắc hầu

+ Ứ đọng dịch, chất tiết trong hầu họng

+ Co thắt thanh quản, tổn thương trực tiếp thanh quản.

+ Co thắt thanh quản, phù thanh quản

+ Liệt dây thanh

+ Chèn ép từ bên ngoài: tắc nghẽn hầu, thanh quản có thể xảy ra sau khi phẫu thuật đầu, mặt cổ.

Triệu chứng lâm sàng:

+ Khó thở thì thở vào

+ Nghe âm thở ồn ào

+ Phập phồng cánh mũi

+ Rút lõm hỏm trên xương ức, các khoảng gian sườn

+ Co cơ bụng, cơ hoành dữ dội.

Xử trí:

+ Ngửa đầu ra sau

+ Kéo hàm ra trước làm kéo lưỡi ra xa thành họng sau.

+ Đặt Airway nhưng có nguy cơ kích thích làm bệnh nhân nôn, ọe.

1.2. Hạ oxy máu động mạch

Nguyên nhân:

+ Còn tác dụng của thuốc mê

+ Đau làm hạn chế hô hấp nhất là sau phẫu thuật bụng, ngực.

+ Xẹp phổi gây nên shunt phải-trái trong phổi là nguyên nhân chung nhất. Xẹp phổi do tắc các phế quản nhỏ do chất tiết. Giảm chỉ số thông khí tưới máu, giảm thể tích dự trữ cặn chức năng.

+ Hít dịch dạ dày: đóng các đường dẫn khí phản xạ, mất chất surfactant, tổn thương mạch máu.

+ Tắc mạch phổi do khí.

+ Giảm cung lượng tim

+ Phù phổi do suy tim trái

+ Tràn khí màng phổi

+ Bệnh nhân lớn tuổi, béo phì là yếu tố thuận lợi của hạ oxy máu động mạch

Chẩn đoán hạ oxy máu đòi hỏi làm khí máu, gọi là hạ oxy máu khi PaO2 < 60mmHg, cần theo dõi độ bão hòa oxy để phát hiện. Các dấu hiệu lâm sàng thường không đặc hiệu: tăng huyết áp, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim, kích thích.

Hemoglobin thấp làm khó phát hiện dấu tím tái.

Xử trí:

+ Cho thở oxy hỗ trợ

+ Điều trị nguyên nhân, nếu không hiệu quả phải thở máy chế độ PEEP (thở máy áp lực dương cuối kỳ thở ra)

1.3 Giảm thông khí phế nang

Dẫn đến tăng PaCO2 thường xảy ra sớm ở giai đoạn sau mổ.

Nguyên nhân:

+ Ức chế trung tâm hô hấp

+ Ảnh hưởng của thuốc giãn cơ

+ Đau sau mổ

+ Bị bệnh tắc nghẽn đường hô hấp từ trước

Chẩn đoán đòi hỏi làm khí máu: PaCO2 > 44 mmHg

2. Các rối loạn tuần hoàn

2.1. Hạ huyết áp

Nguyên nhân: Do nhiều nguyên nhân

+ Giảm tuần hoàn trở về và giảm thể tích là những nguyên nhân hay gặp nhất

+ Giảm co bóp cơ tim

+ Nhiễm trùng

+ Tràn khí màng phổi

+ Tràn dịch màng tim

Xử trí: Tuỳ theo nguyên nhân

+ Bù dịch

+ Giải quyết nguyên nhân

+ Dùng thuốc vận mạch

2.2. Tăng huyết áp

Nguyên nhân:

+ Đau là nguyên nhân thường gặp

+ Tiền sử tăng huyết áp: 50% số bệnh nhân bị tăng huyết áp sau mổ có tiền sử tăng huyết áp

+ Các nguyên nhân khác do truyền quá nhiều dịch, tăng phân áp CO2 máu động mạch, giảm phân áp oxy máu động mạch.

2.3. Loạn nhịp tim

Nguyên nhân:

+ Phân áp oxy máu động mạch thấp là nguyên nhân đầu tiên

+ Giảm thể tích tuần hoàn

+ Đau

+ Hạ nhiệt độ

+ Dùng thuốc kháng cholin

+ Thiếu máu cơ tim

+ Rối loạn điện giải đồ

+ Toan hô hấp

+ Tăng huyết áp

+ Có loạn nhịp từ trước

Xử trí: chủ yếu là giải quyết nguyên nhân

3. Kích thích sau mổ

Hay gặp ở bệnh nhân lớn tuổi, sử dụng các thuốc kháng cholin.

4. Đau

Đau thường xuyên xảy ra sau mổ nhất là ở giai đoạn hồi tỉnh vì vậy cần chú ý áp dụng các biện pháp giảm đau tốt.

5. Rối loạn chức năng thận

Có thể do nguyên nhân trước thận như bù dịch chưa đủ trong mổ, nhưng cũng có thể do nguyên nhân thực thể vì vậy phải tìm kiếm nguyên nhân cụ thể để có biện pháp điều trị hợp lý.

6. Rối loạn đông chảy máu

Nếu không có bệnh lý của máu thì nguyên nhân thường là do mất nhiều máu ở thời gian trước, trong mổ hoặc sau mổ còn tiếp tục chảy máu.

7. Hạ nhiệt độ

Do truyền nhiều dịch trong mổ, thời gian mổ lâu nhất là về mùa đông đặc biệt sử dụng các thuốc mê bốc hơi.

8. Chế độ ăn sau mổ

Trong những ngày đầu bệnh nhân không ăn uống gì được, việc hồi sức bằng đường tĩnh mạch là cần thiết.

Những ngày sau nếu như không phải mổ đường tiêu hoá thì cho bệnh nhân ăn sữa, cháo; Còn nếu mổ ở đường tiêu hoá thì chờ trung tiện (sự lưu thông ruột trở lại) mới được cho ăn. Tuy nhiên 6 giờ đầu sau mổ có thể cho bệnh nhân uống một ít (5-10ml) nước cho đỡ khô miệng.

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.