Đây là một việc rất quan trọng và thiết thực trong điều trị gãy hở. Mục đích của nó nhằm loại bỏ các mô bị giập nát, hoại tử, máu tụ, dị vật… đồng thời còn có nhiệm vụ tái tạo những khuyết hổng do tổn xương như nắn lại xương, khâu lại cơ, gân, mạch máu, thần kinh và bảo vệ các thành phần này. Việc xối rửa vết thương trong lúc mổ với nhiều nước làm loại bỏ bớt mầm mống vi trùng gây bệnh đã xâm nhập ra khỏi vết thương.

Đối với da và mô dưới da

Phải xén bỏ miếng da nham nhổ và cắt gọn lại, tuỳ theo vùng chi mà việc xén bỏ này có thể nhiều hay ít (ở bàn tay cần cắt lọc tiết kiệm). Việc mở rộng vết thương về hai phía nhằm mở rộng phẫu trường thấy rõ hết tổn thương và để thoát lưu máu sau mổ. Nên chọn hướng và vùng thích hợp khi mở rộng (sau khi mổ thì nơi này không làm lộ xương, không làm tổn thương mạch máu, thần kinh và dễ dàng cho dịch thoát ra ngoài)

Cân

Tổ chức này chắc nhưng ít đàn hồi nên dễ gây nên chèn ép. Vì vậy cần rạch dọc cân đồng thời cũng tạo thêm những đường rạch ngang để chống căng. Cân cơ giập nát phải cắt bỏ.

Phải cắt bỏ các thớ cơ bị giập, rách nát vì nó dễ bị hoại tử và trở thành nguồn nuôi dưỡng tốt nhất của vi trùng. Cắt bỏ các phần cơ mà khi chạm vào không co giật và không rướm máu. Cắt bỏ nhiều cơ sẽ bị khuyết mô, mất chức năng sau này và dễ bị lộ xương, gân, thần kinh, mạch máu. Nếu đứt ngang toàn bụng cơ thì phải khâu lại.

Gân:gân đứt rách nham nhỡ thì cắt bỏ, đứt ngang gân thì phải khâu lại (có thể để khâu kỳ 2 nếu vết thương không sạch)

Mạch máu và thần kinh

Nếu là mạch máu và thần kinh chính của chi thì phải khâu nối lại. Thần kinh có thể để khâu kỳ hai.

Xương gãy

Cần phải làm sạch các đầu gãy rồi nắn lại trước khi dùng các biện pháp bất động thích hợp. Các mảnh xương gãy nát dù lớn hay nhỏ cũng không nên lấy bỏ. Lấy bỏ nhiều xương sẽ có nguy cơ khớp giả. Các mảnh xương này tuy đã mất nguồn dinh dưỡng nhưng không phải là nguyên nhân của nhiễm trùng, chỉ khi nào vết thương bị nhiễm trùng thì trở thành xương chết và cần phải lấy bỏ.

Sau khi mổ cắt lọc nên để da hở, nhưng phải tìm cách che xương, mạch máu, thần kinh và gân. Khi vết thương không bị nhiễm trùng (lên mô hạt tốt)

Bất động xương gãy

Xương gãy cần được bất động vững chắc và liên tục sau khi đã nắn tốt. Để bất động có thể dùng bó bột, kéo tạ, đặt cố định ngoài và hạn chế việc dùng cố định trong (vì đưa thêm dị vật vào ổ gãy dễ làm nhiễm trùng nhiều hơn). Việc dùng cố định ngoài ngày nay rất phổ biến và có tác dụng tốt.

Dùng kháng sinh

Kháng sinh chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không thay thế được cắt lọc, tuy nhiên nhờ có kháng sinh mà việc mổ cắt lọc được thuận lợi hơn, ít bị nhiễm trùng hơn. Kháng sinh nên dùng sớm từ ngày ngay sau khi bị chấn thương hoặc mới vào viện, chọn loại có tác dụng rộng và hiệu quả hiện nay (đáng lý ra dùng kháng sinh nên theo kháng sinh đồ nhưng phải mất nhiều ngày sau mới có), nên dùng liều cao và liên tục vài ngày (ít nhất 3-5 ngày), trong cấp cứu nên dùng loại tiêm và tốt nhất là tiêm tĩnh mạch (để nhanh chóng đạt nồng độ tối đa trong máu), khi vết thương ổn định nên thay bằng kháng sinh uống.

Gãy hở đến sớm

Là những trường hợp bệnh nhân đến sớm trước 24 giờ. Xử trí như trên. Ngoài ra còn tuỳ theo độ gãy. Một số người gãy hở độ I như là gãy hở nhưng có vết thương cần theo dõi và điều trị như gãy kín (không mổ cắt lọc, chỉ nắn bó bó bột hoặc kéo liên tục) đồng thời cho thêm kháng sinh. Nhiều trường hợp do không đánh giá đúng mức độ nên vết thương bị nhễm trùng và trở thành viêm xương. Vì vậy nên mổ cắt lọc dù là độ I. Nếu vết thương thật sạch sau khi mổ có thể khâu da kín và dẫn lưu. Các môi trường dễ bị nhiễm trùng thì càng nên mổ cắt lọc. Đối với trẻ con dù gãy ở mức độ nào cũng cần phải cắt lọc sớm.

Gãy hở đến muộn

Vấn đề ở đây là vết thương đã được cơ thể phản ứng lại bằng hàng rào bạch cầu, nếu được dùng kháng sinh sớm, liên tục thì sức mạnh được tăng thêm. Tuy nhiên ổ nhiễm trùng chưa bị tiêu diệt, chưa an tâm. Để giải quyết, nên đặt vào 3 tình huống:

Vết thương nhiễm trùng nhiều, lan rộng đe dọa nhiễm trùng huyết: phải mổ cắt lọc khẩn cấp. Để hỗ trợ cần dùng kháng sinh mạnh, liều cao bằng đường truyền tĩnh mạch. Cắt lọc cần xối rửa nhiều nước và để hở da hoàn toàn (nhưng không lộ xương…)

Vết thương nhiễm trùng vừa phải: có thể mổ trì hoãn (bán cấp) để có thời gian chuẩn bị tốt (kháng sinh, hồi sức…)

Vết thương tạm ổn định có mô hạt đỏ, hết mủ nhưng xương còn di lệch: không nên can thiệp vào vết thương, để cố định xương gãy nên dùng cố định ngoài hạn chế nắn chỉnh chủ động. Chỉ can thiệp vào ổ gãy (để kết hợp xương) khi vết thương thật ổn định (không sốt, không đau nhức, tốc độ máu lắng trở lại bình thường).

Dự phòng

Tuyên truyền và giáo dục trong cộng đồng về luật giao thông và lao động.

Cần giáo dục học sinh trong các trường phổ thông cơ sở nguyên nhân gây gãy xương để hạn chế các tai nạn xảy ra trong sinh hoạt và trong học đường.

Cần giáo dục cộng đồng sơ cứu tại chỗ tốt các trường hợp gãy xương để hạn chế các biến chứng trong gãy xương.

Đối với các tuyến y tế cơ sở cần chẩn đoán sớm, xử lý đúng và chuyển lên tuyến y tế chuyên khoa để điều trị sớm.

Bài trướcBệnh thoát vị đĩa đệm cột sống
Bài tiếp theoBệnh Gan nhiễm mỡ

BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.