Chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân
1. Định nghĩa
Sơ sinh non tháng là những trẻ sinh ra trước 37 tuần.
Sơ sinh nhẹ cân là những trẻ có cân nặng khi đẻ < 2500g.
2. Những nguy cơ thường gặp ở trẻ non tháng và nhẹ cân
2.1. Ngay sau đẻ
Trẻ dễ bị ngạt, hạ thân nhiệt và hạ đường huyết vì trẻ bị thiếu hụt kho dự trữ và các chức năng sống chưa chín muồi như chức năng điều hoà thân nhiệt, hô hấp, tiêu hoá…
2.2. Những ngày tiếp theo trẻ dễ bị các nguy cơ sau
Suy hô hấp: do trung tâm điều khiển chức năng hô hấp chưa trưởng thành, tổ chức phổi còn non thiếu hụt chất surfactant (chất căng bề mặt) nên trẻ dễ bị bệnh màng trong.
Nhiễm khuẩn: hàng rào miễn dịch kém, sức đề kháng yếu.
Xuất huyết: các yếu tố đông máu hạ thấp như tỷ lệ prothrombin thường thấp do kém tổng hợp… Cộng với sức bền thành mạch yếu vì thế trẻ rất dễ bị xuất huyết đặc biệt là xuất huyết não.
Vàng da: thường kéo dài và đậm.
Viêm ruột – rối loạn tiêu hoá.
3. Chăm sóc hàng ngày và theo dõi
Với nguyên tắc cơ bản là: Giữ ấm – Vệ sinh – Dinh dưỡng tốt.
3.1. Điều hoà thân nhiệt
Cần giữ ấm cho trẻ vì để lạnh trẻ dễ bị phù cứng bì làm trầm trọng thêm bệnh lý của trẻ, có 2 phương pháp trợ giúp trẻ sơ sinh non tháng và nhẹ cân duy trì thân nhiệt là ủ ấm trong lồng ấp và phương pháp chuột túi.
3.1.1. Lồng ấp
Trẻ < 2000g cần duy trì nhiệt độ lồng ấp 33 – 34°C.
Trẻ < 1500g cần duy trì nhiệt độ lồng ấp 34 – 35°C.
Nhiệt độ trong phòng nuôi trẻ cần giữ 28 – 32°C.
3.1.2. Phương pháp chuột túi
Đặt trẻ nằm da áp da trên lồng ngực mẹ phủ áo hoặc chăn bên ngoài, ủ ấm trẻ bằng nhiệt độ của cơ thể người mẹ. Phương pháp này dễ thực hiện, đơn giản, tiện lợi, kinh tế và có nhiều ưu điểm sau:
Giảm được tỷ lệ bệnh lây lan trong bệnh viện.
Giữ được thân nhiệt cho trẻ.
Giúp trẻ thở đều hơn.
Tránh nôn, trào ngược từ dạ dày.
Gắn bó tình cảm giữa mẹ và con.
Nếu mẹ mệt, bố hay người thân trong gia đình có thể thay thế để chăm sóc trẻ theo phương pháp da áp da.
3.2. Dinh dưỡng
– Nguyên tắc cơ bản:
Ưu tiên sữa mẹ.
Ăn sớm tránh hạ đường huyết cho trẻ.
Cho bú nhiều lần trong ngày.
Lượng sữa tăng từ từ.
Trẻ không bú được phải đổ thìa.
– Trẻ quá non (< 1500g) phải kết hợp truyền dung dịch Glucoza 10% theo đường tĩnh mạch (tại bệnh viện).
– Trẻ< 34 tuần chưa có khả năng mút vú thì cho ăn bằng thìa và cốc sạch, đun sôi hoặc bằng bơm qua ống thông dạ dày (8 – 10 lần/ngày) hoặc vắt sữa mẹ từng giọt vào miệng trẻ.
– Bổ sung:
Vitamin D: 80 – 100 đv/ngày.
Vitamin C: 50mg/ngày.
Vitamin E: 5 – 10UI lần/ngày.
Vitamin K1: tiêm bắp 1 lần duy nhất ngay sau đẻ với liều: 0,5mg cho trẻ dưới 1500g, 1mg cho trẻ trên 1500g.
3.3. Vệ sinh chăm sóc da và rốn
Vệ sinh chăm sóc phải đảm bảo vô khuẩn.
– Tắm bé hàng ngày bằng nước sạch, ấm và khăn mềm, với cháu non tháng vừa cần tắm nửa người trên của bé, lau khô, ủ ấm rồi mới tiếp tục tắm nốt phần còn lại, với trẻ quá non cần có kỹ thuật tắm bé trong lồng ấp.
– Thay băng rốn và sát khuẩn bằng cồn 70°eg hàng ngày sau khi tắm bé cho tới khi rốn rụng và khô thành sẹo.
3.4. Theo dõi
Vì trẻ non tháng và nhẹ cân sẽ gặp phải nhiều nguy cơ bệnh lý trong thời kỳ sơ sinh, do vậy ta phải theo dõi sát một số các dấu hiệu rối loạn phát hiện sớm bệnh lý xẩy ra như viêm phổi sơ sinh, viêm ruột, xuất huyết não màng não… Để điều trị hoặc chuyển viện kịp thời.
Rối loạn hô hấp: thở nhanh >60 lần/1 phút.
Nôn, sặc (phải xử trí hút thông đường hô hấp tại chỗ trước khi chuyển).
Mầu sắc da mặt, môi và các đầu chi.
Rối loạn tiêu hoá: số lần đại tiện, số lượng, tính chất và màu sắc phân.
Phát hiện sớm các bất thường về cơ, xương, khớp, thị giác, thính giác và vận động của trẻ để điều trị hoặc chuyển viện kịp thời.
Chuyển sơ sinh non tháng và nhẹ cân lên tuyến trên phải ủ ấm bằng phương pháp da áp da.